1. Có nhiều bậc sống
khác nhau trong Giáo Hội, nhưng chỉ có một ơn gọi chung cho mọi người
tín hữu của Chúa Kitô. Ơn gọi đó là đi theo Ngài, sống với Ngài và nên
giống Ngài. Đó là ơn gọi nên thánh.
Nên thánh là tham dự vào sự sống của Thiên Chúa được thể hiện nơi Chúa
Giêsu Kitô, là Con Một và là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình. Do đó, sự
hiểu biết Chúa Kitô là điều không thể thiếu trong cuộc đời người tín
hữu, dù thuộc cấp bậc nào trong Giáo Hội. Tất cả đều được mời gọi hiểu
biết Chúa Kitô để yêu mến Ngài, sống kết hợp với Ngài và đi theo con
đường của Ngài.
Có nhiều phương tiện giúp chúng ta hiểu biết Chúa Kitô. Ở bài trước,
chúng tôi đã nói tới việc đọc Kinh Thánh trong gia đình, với bài này,
chúng tôi xin đề cập đến một phương tiện khác không thể thiếu trên con
đường nên thánh. Đó là đọc sách và suy niệm. Đã là phương tiện cần thiết
cho việc nên thánh thì dù là linh mục, tu sĩ hay giáo dân trong bậc vợ
chồng, ai cũng đều phải chuyên chăm thực hành.
2. Trong các trung tâm đào tạo như chủng viện, tập viện, tu viện… thường
có những giờ dành riêng cho việc đọc sách đạo đức, gọi là đọc sách
thiêng liêng. Việc đọc sách thiêng liêng này sẽ được tiếp tục trong đời
sống của linh mục, tu sĩ dù sống cộng đoàn hay riêng rẽ.
Một quyển sách được gọi là thiêng liêng khi nó hướng dẫn, nâng cao đời
sống thiêng liêng và làm cho nội tâm được thêm phong phú. Truyện các
thánh, cuộc đời của những người hiến thân phục vụ Chúa và tha nhân,
những sách hướng dẫn đời sống thiêng liêng, các tạp chí đạo... là những
của ăn cần thiết cho đời sống đạo. Các văn kiện của Công Đồng, thông
điệp của Đức Thánh Cha, văn kiện toà thánh, thư mục vụ của Giám mục cũng
là những chất bồi dưỡng đời sống tu đức của người tín hữu.
Có ý tưởng sai lầm khi cho rằng, đọc sách thiêng liêng là việc dành
riêng cho linh mục, tu sĩ. Ý tưởng này phát xuất từ quan niệm nên thánh
chỉ là bổn phận của bậc tu hành. Có người cũng cho rằng, các văn kiện
của Giáo Hội chỉ dành riêng cho linh mục vì họ cần biết để hướng dẫn đời
sống giáo dân. Dĩ nhiên các linh mục là những người có trách nhiệm hướng
dẫn, nhưng hiểu biết Chúa Kitô, am tường giáo huấn của Giáo Hội là nghĩa
vụ của mọi tín hữu. Bởi thế việc đọc sách thiêng liêng cũng như tìm hiểu
các văn kiện của Giáo Hội là điều không thể thiếu trong đời sống người
tín hữu.
3. Cùng với việc đọc sách thiêng liêng, suy niệm cũng là một đòi hỏi
thiết yếu của việc nên thánh. Một lần nữa cần khẳng định rằng, suy niệm
không phải là một sinh hoạt đạo đức chỉ dành riêng cho bậc tu trì. Suy
niệm cũng không có nghĩa là phải ngồi thinh
lặng hằng giờ trước nhà tạm hay trong một nơi thanh vắng.
Một cách đơn giản, suy niệm là lắng nghe những nhủ bảo, gợi hứng của
Chúa Thánh Thần. khi đang đọc một quyển sách thiêng liêng, hay khi đang
ngồi thinh lặng một mình thì điều quan trọng nhất lúc đó là thái độ lắng
nghe. Mà để có thể lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần, ta phải có
sự yên tĩnh trong tâm hồn. Do đó, suy niệm là một sinh hoạt hoàn toàn cá
nhân vì không ai có thể thay thế ta để nghe tiếng nói của Chúa trong nội
tâm sâu kín lòng mình. Và Chúa cũng không nói bằng những công thức đồng
điệu trong tâm hồn của mọi người. Mỗi người lắng nghe tiếng nói và đón
nhận những soi dẫn của Chúa theo cách thức riêng của mình.
Có một con đường tu đức dành cho những người sống bậc hôn nhân, ở đó,
hai vợ chồng dìu dắt, nâng đỡ và trợ giúp nhau sống đức tin qua những
thực tại của cuộc sống lứa đôi và gia đình. Cả hai cùng nên thánh trong
bậc vợ chồng. Tuy nhiên không ai có thể nên thánh thay cho người khác.
Nên thánh là một ơn gọi mà mỗi người phải tự mình đáp trả. Vì thế, lắng
nghe tiếng nói của Chúa, đón nhận sự linh ứng và hướng dẫn của Ngài là
việc hoàn toàn diễn ra trong nội tâm sâu kín của mỗi người.
4. Chỉ trong thinh lặng nội tâm, con người mới có thể lắng nghe được
tiếng Chúa. Kinh Thánh thường dùng hình ảnh sa mạc để nói lên sự cần
thiết của thinh lặng trong tâm hồn. Bốn mươi năm lang thang trong sa mạc
là thời gian thanh tẩy đối với người Do Thái trước khi vào Đất Hứa. Các
tiên tri trong Cựu Ước cũng tuân giữ các khoảng thời gian sa mạc để gặp
gỡ Chúa và đón nhận sứ mạng Ngài trao. Chúa Giêsu đã trải qua bốn mươi
đêm ngày trong sa mạc trước khi bắt đầu sứ mệnh công khai của mình. Và
theo các sách Tin Mừng, mỗi ngày Chúa Giêsu vẫn dành nhiều giờ thinh
lặng để cầu nguyện; chính Ngài cũng đã truyền cho các môn đệ, “Các con
hãy tìm đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi”.
Phải chăng ngày nay chúng ta cũng cần tìm đến một nơi thanh vắng để gặp
gỡ và lắng nghe Chúa. Linh mục Carlo, thuộc dòng tiểu đệ Chúa Giêsu, sau
mười năm sống trong sa mạc Sahara đã nói: “Chúng ta cần phải tìm ra sa
mạc ngay giữa chốn đô thị”.
Mỗi người tín hữu có thể và cần phải tạo ra một nơi thanh vắng trong tâm
hồn mình để lắng nghe tiếng Chúa và chuyện vãn với Ngài. Họ cần phải
dành ra mỗi ngày một khoảng thời gian tối thiểu để trở về với nội tâm
sâu kín của mình. Giữa những ồn ào nhộn nhịp của cuộc sống, họ cũng có
thể trở về nội tâm lòng mình để lắng nghe Chúa và cầu nguyện bất cứ lúc
nào trong ngày.
Thiên Chúa phán bảo con người trong từng phút giây của cuộc sống. Do đó,
lắng nghe phải là thái độ thường xuyên của con người.
5. Suy niệm và lắng nghe Chúa nói là thái độ hoàn toàn riêng tư, nhưng
là một điều cần thiết cho cuộc sống lứa đôi. Chúa Giêsu không lên núi
cầu nguyện rồi ở mãi trên đó. Sau những giờ phút tách biệt để cầu
nguyện, Ngài trở lại với đám đông; và giữa những tiếp xúc với người
khác, Ngài vẫn không ngừng kết hợp với Chúa Cha để luôn thi hành ý muốn
của Chúa Cha.
Nên thánh chính là nên giống Chúa Giêsu. Như Ngài, người tín hữu phải
không ngừng kết hợp với Thiên Chúa để đến với tha nhân nhiều hơn. Cách
riêng, Chúa Giêsu là mẫu mực cho những người sống bậc vợ chồng. Tình yêu
của Chúa Giêsu dành cho nhân loại qua cuộc sống và cái chết của Ngài đã
được các đôi vợ chồng cam kết trao cho nhau, và nhờ đó, họ trở thành dấu
chứng của tình yêu Thiên Chúa. Bởi đó, họ phải là những người sống kết
hợp mật thiết với Chúa Giêsu. Họ phải luôn tự hỏi: lúc này đây, nếu ở
vào địa vị của tôi, Chúa Giêsu sẽ cư xử thế nào?
Chúng ta thường nói đến những hành động thiếu suy nghĩ và tự chủ. Quả
thực, khi không biết lắng nghe tiếng nói của Chúa trong sâu thẳm lòng
mình, con người cũng không làm chủ được bản thân, nghĩa là đã đánh mất
chính mình. Trái lại, khi biết lắng nghe tiếng Chúa, con người sẽ hành
động phù hợp với ý muốn của Ngài.
Suy niệm là một thái độ hơn là một vấn đề của thời giờ và nơi chốn. Thái
độ ấy chính là luôn sống kết hợp với Chúa, mặc lấy tâm tình của Chúa.
Một thái độ như thế không những thăng tiến đức tin trong đời sống vợ
chồng, giúp thắng vượt những khó khăn trong cuộc sống mà còn giúp nhau
nên thánh nữa. |