Cẩm nang Hạnh Phúc Gia Đình Kitô
- Mục vụ Hôn nhân và Gia đình -

Tác giả : D. WAHRHEIT

Tổng hợp và biên tập : Lm. Minh Anh, GP. Huế

SỰ CAO TRỌNG CỦA ĐỜI SỐNG VỢ CHỒNG

Phải chăng ơn gọi sống đời linh mục và tu sĩ cao trọng hơn ơn gọi sống bậc vợ chồng? Đó có thể là câu hỏi và đồng thời cũng là mặc cảm của những người sống bậc vợ chồng. Mặc cảm này có thể xuất phát từ những giải thích sai lầm về một số đoạn Kinh Thánh liên quan đến tình yêu Thiên Chúa và liên quan đến ơn gọi tu trì.

1. Xin đọc lại một vài đoạn tiêu biểu trong Kinh Thánh liên quan đến các bậc sống của người tín hữu Kitô và từ đó, nêu bật sự cao trọng của ơn gọi sống đời vợ chồng.

Trong Tân Ước, có một vài đoạn ca tụng bậc đồng trinh, tức là đời sống tu trì khiến cho nhiều người có cảm tưởng đời sống hôn nhân bị hạ giá. Trong thư I gửi giáo đoàn Côrintô, Thánh Phaolô viết: “Không vương vấn với phụ nữ là điều tốt cho người đàn ông. Tuy nhiên để tránh dâm dật thì mỗi người hãy có vợ có chồng”. Một lời lẽ như thế dễ cho chúng ta có cảm tưởng thánh Phaolô đề cao bậc đồng trinh và hạ giá bậc vợ chồng, như thể bậc vợ chồng là bậc sống dành cho những người yếu đuối mà thôi.

Thực ra, chúng ta chỉ hiểu được ý nghĩa và giá trị của giáo huấn trên đây khi đặt nó vào toàn bộ Kinh Thánh. Có một số câu Kinh Thánh đề cao một khía cạnh, nhưng không vì thế mà được giải thích như một phán đoán tiêu cực đối với những khía cạnh khác. Cuộc sống hôn nhân và gia đình là một thực tại phức tạp đến nỗi chỉ được nhìn dưới từng khía cạnh mà thôi. Do đó, người ta không thể trích dẫn một đoạn đặc thù để chối bỏ những khía cạnh khác.

Cũng thế, trong nhiều đoạn Kinh Thánh, hình như Thiên Chúa được trình bày như đối nghịch và cạnh tranh với tình yêu của con người. Đọc những đoạn Kinh Thánh ấy, người ta có cảm tưởng như yêu thương vợ chồng và con cái là giảm bớt tình yêu đối với Thiên Chúa.

Thiết tưởng chúng ta cần đọc lại các sách tiên tri trong Cựu Ước để hiểu được tình yêu của Thiên Chúa. Các tiên tri trình bày cho chúng ta một Thiên Chúa như là hôn phu của dân Do Thái, nhiều lần dân Do Thái bị xem là ngoại tình và thất trung vì chạy theo các thần ngoại.

Vì trình bày mối quan hệ giữa Thiên Chúa và dân Do Thái dưới hình thức tình nghĩa vợ chồng, các tiên tri gọi Thiên Chúa là Đấng hay ghen. Thiên Chúa là Đấng hay ghen bởi Ngài muốn con người thuộc trọn về Ngài. Nhưng thuộc trọn về Thiên Chúa không có nghĩa là chối bỏ tất cả những gì là cao đẹp nơi con người. Thiên Chúa ghen tương không có nghĩa là Ngài cảm thấy tình yêu của con người đối với Ngài bị sứt mẻ khi con người yêu thương nhau. Thiên Chúa không thể ghen khi thấy người chồng yêu thương vợ mình; Thiên Chúa cũng không thể ghen khi thấy cha mẹ yêu thương con cái mình.

2. Thiên Chúa không ghen tương với con người; Ngài chỉ ghen tương với những thần tượng giả trá, những tình yêu giả hiệu mà thôi. Nói như thánh Gioan tông đồ, nếu Thiên Chúa là tình yêu thì hẳn Ngài không thể ghen tương với những người sống yêu thương. Ngài ghen vì những gì nghịch với tình yêu và hạ phẩm giá con người. Nói cách khác, khi Thiên Chúa bị phản bội.

Trong Cựu Ước, Thiên Chúa phán: “Ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết tâm tình, hết linh hồn, hết sức lực ngươi”. Trong Tân Ước, Chúa Giêsu cũng đã nói: “Ai yêu mến cha mẹ hơn Ta, không xứng là môn đệ Ta”. Những đoạn Kinh Thánh như thế không thể hiểu như là đòi hỏi phải khước tử những quan hệ bà con ruột thịt của con người vì tình yêu đối với Thiên Chúa. Một Thiên Chúa hay ghen không có nghĩa là một Thiên Chúa cạnh tranh với con người.

Những đoạn Kinh Thánh như thế cần phải hiểu như là một đòi hỏi phải đặt Thiên Chúa vào trọng tâm của cuộc sống con người. Phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, nghĩa là phải tìm kiếm và xây dựng tình yêu đích thực trên tất cả mọi sinh hoạt của con người. “Thiên Chúa là tình yêu và ai sống trong tình yêu là sống trong Thiên Chúa”. Ai chạy theo tình yêu giả hiệu, người đó cũng chối bỏ và thù ghét Thiên Chúa.

Như vậy, xây dựng tình yêu đích thực trong gia đình và với mọi người chính là thực thi giới răn mến Chúa trên hết mọi sự. Đó chính là giáo huấn đích thực của Chúa Giêsu khi Ngài liên kết hai giới răn mến Chúa và yêu người thành một. Và chúng ta cũng hiểu rõ hơn giáo huấn của Ngài qua lời giảng dạy của thánh Gioan. Thực tế, thánh Gioan viết trong thư thứ I của Ngài: “Ai nói mình yêu mến Thiên Chúa mà nó không thấy, nhưng lại không yêu mến tha nhân mà nó thấy trước mắt, thì đó là người nói dối”. Đặt vào bối cảnh gia đình, chúng ta có thể nói: kẻ không yêu thương người phối ngẫu và con cái minh một cách đích thực cũng chính là kẻ không yêu mến Thiên Chúa; người đó cũng là kẻ phản bội Thiên Chúa.

3. Hiểu được tình yêu Thiên Chúa như thế, chúng ta sẽ loại bỏ được nhiều thành kiến đối với đời sống hôn nhân và gia đình cũng như thấy được giá trị con đường tu đức dành cho bậc vợ chồng. Một người thánh thiện thực sự sẽ không bao giờ nghĩ rằng, phương thế duy nhất để yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và hết sức lực của mình là phải cắt đứt mọi quan hệ tình cảm với những người thân thương ruột thịt để giam mình trong bốn bức tường của tu viện.

Yêu mến gia đình của mình bằng một tình yêu đích thực và khước từ mọi thứ tình cảm bất chính lệch lạc là đang đi trên con đường nên thánh dành cho những người sống bậc vợ chồng. Con người tận hiến cho Thiên Chúa không những bằng cuộc sống tu trì mà còn bằng cả cuộc sống hôn nhân và gia đình nữa.

Trên thiên đàng, chỗ cao trọng nhất không phải đương nhiên dành cho những người sống bậc tu trì hay suốt đời giữ độc thân, nhưng dành cho những ai đã yêu mến nhiều mà thôi. Lòng bác ái không phải là độc quyền của một số người ưu tuyển mà là nghĩa vụ của những ai đã chịu phép rửa.

Chúng tôi xin mượn lời thánh Gioan trong thư I của Ngài để kết thúc: “Thiên Chúa là tình yêu, ai sống trong tình yêu là sống trong Thiên Chúa”. Chúng ta có thể nói: Ai sống yêu thương là đang đi trên con đường nên thánh vậy.

<<<

Mục Lục

>>>