1. Cơn khủng hoảng
đầu đời lứa đôi là một giai đoạn cần thiết cho sự trưởng thành trong hôn
nhân. Đã hẳn cần phải đủ trưởng thành mới có thể bước vào đời sống vợ
chồng, nhưng cũng chính đời sống vợ chồng là trường đào luyện cho con
người được thêm trưởng thành và phong phú hơn. Một cuộc hôn nhân đích
thực luôn hướng đến sự phong phú. Phong phú trong việc sinh con đẻ cái
đã đành, nhưng có một sự phong phú khác cơ bản hơn, quan trọng hơn, đó
là làm cho vợ chồng được lớn lên trong tình yêu.
Hiểu được mục đích chính của hôn nhân là giúp con người được thêm trưởng
thành và phong phú hơn trong tình yêu, chúng ta mới thấy rằng, khủng
hoảng đầu đời hôn nhân là điều cần thiết. Cơn khủng hoảng ấy cần thiết
vì nó giúp cho hai người phối ngẫu khám phá ra chính mình cũng như sự
khác biệt của người phối ngẫu. Biết mình và biết người, con người mới có
thể thích nghi hầu cư xử cho hợp lý.
Một trong những tâm lý gia nổi tiếng đã khẳng định rằng, không có một
cuộc hôn nhân hoàn hảo nào mà lại không có sự căng thẳng giữa hai người
phối ngẫu. Ông nói như sau: “Xét trên phương diện trí não, tinh thần và
thể lý, thiên nhiên đã tạo nên một sự khác biệt to tát giữa người đàn
ông và người đàn bà. Đến độ người đàn ông luôn nhìn thấy người đàn bà
như đối thủ của mình và ngược lại. Đó chính là điều gây nên căng thẳng
giữa hai phái. Nếu người đàn ông và người đàn bà bình đẳng với nhau thì
có lẽ tất cả đều rơi vào trạng thái tĩnh và trái đất này sẽ trở nên khô
cằn”.
2. Thế nên, một cuộc hôn phối thành công không phải là một cuộc sống
không gặp sóng gió, nghĩa là không có những căng thẳng và cãi vã giữa
hai người. Nên một trong thể xác và tinh thần không có nghĩa là xoá bỏ
những khác biệt giữa hai người. Mãi mãi người khác vẫn là người khác với
những nét cá biệt của họ. Mỗi người đều có những nhịp sống riêng của
mình. Chàng có thói quen ăn nhanh, nàng thì trái lại ăn uống từ tốn.
Chàng thì điềm nhiên đến lạnh lùng, nàng thì luôn luôn nhiệt tình đến
nóng nảy. Nàng thích nghe nhạc, chàng lại thích thinh lặng để suy tư.
Vậy mà không gì có thể ngăn cản không cho hai con người dù có những khác
biệt như thế chung sống hoà hợp với nhau. Trái lại, chính những khác
biệt ấy sẽ giúp hai người được phong phú hơn. Hôn nhân là một trường
học, trong đó hai người phối ngẫu không ngừng trao đổi cho nhau những gì
mình không có. Nhưng dĩ nhiên sự trao đổi và học hỏi nơi nhau chỉ có thể
thực hiện khi hai người biết đón nhận những khác biệt của nhau như những
giá trị bổ túc cho nhau.
Người ta thường đề cao sự chịu đựng lẫn nhau giữa hai người phối ngẫu;
thực ra, chịu đựng không phải là một nhân đức. Khi hai người chịu đựng
nhau thì người này sẽ trở thành gánh nặng cho người kia, lúc đầu chỉ có
sự mệt mỏi, về lâu về dài sự chán chường sẽ xảy đến. Thay vì chịu đựng
nhau, hãy chấp nhận và tha thứ cho nhau.
Nhà giảng thuyết thời danh của Pháp là linh mục Lacordaire đã nói như
sau: “Trên thế giới này không ai không có khuyết điểm. Tôi thích một
người bạn mà tôi tha thứ, cũng như tôi được họ tha thứ, hơn là một người
bạn mà tôi không có gì để tha thứ. Cần phải có sự hỗ tương trong tất cả
mọi sự, ngay cả trong những bất toàn”. Lời phát biểu trên đây về tình
bạn lại càng có giá trị hơn trong tình nghĩa vợ chồng.
3. Chấp nhận và tha thứ cho những bất toàn của nhau trong đời sống vợ
chồng cũng có nghĩa là luôn đối xử với nhau bằng tất cả tế nhị. Hơn bất
cứ quan hệ nào, tình nghĩa vợ chồng đòi hỏi hai người phải cư xử với
nhau bằng tất cả tế nhị và lịch sự. Tình cảm càng được trân trọng thì
càng lâu bền.
Người ta có thể ví đời sống vợ chồng với sinh hoạt ngoại giao. Các nhà
ngoại giao quốc tế luôn nói với nhau bằng những lời nói ôn hoà lễ độ. Có
lẽ người ta cũng cần áp dụng những nguyên tắc ngoại giao ấy vào chính
đời sống vợ chồng. Trong chính trường cũng như trong gia đình, một trong
những bí quyết của hoà bình chính là phép lịch sự trong lời lẽ và cung
giọng.
Hôn nhân là chuyện của từng ngày, và nếu mỗi ngày được cấu tạo bằng
những việc làm nhỏ bé vô danh thì phép lịch sự chính là chìa khoá kỳ
diệu của sự thành công. Phép lịch sự trong đời sống vợ chồng là nét đẹp
của tâm hồn. Nó làm cho con người quên đi những gai góc trong ngôi vườn
để chỉ nhìn thấy những cánh hoa.
Nhiều người trẻ khi bước vào đời sống hôn nhân thường thắc mắc: phải
sống như thế nào để thành công trong đời sống vợ chồng? thiết tưởng câu
trả lời đơn giản nhất chính là hãy tôn trọng nhau. Đó là giới răn cơ bản
nhất của đời sống vợ chồng. Chính vì vi phạm giới răn này mà người ta
chuốc lấy đau khổ và thất bại trong hôn nhân; chính vì không tôn trọng
nhau mà người ta mới to tiếng, ẩu đả nhau và cuối cùng bỏ nhau. Tôn
trọng nhau là không bao giờ xúc phạm đến nhau, cả khi thấy được những
lầm lỗi của nhau.
4. Cuối cùng, có một chút khôi hài trong cuộc sống cũng là một trong
những bí quyết để bảo toàn sự quân bình và hoà khí trong gia đình. Thật
ra khôi hài cũng là một trong những nét chính yếu trong dung mạo của một
con người trưởng thành.
Ông bà ta ngày xưa có lẽ nhờ có được óc trào lộng khôi hài mà thắng vượt
được những căng thẳng trong gia đình, hãy thử đọc lại câu ca dao sau đây
để thấy được óc khôi hài ấy:
Mũi em mười tám gánh lông,
Chồng yêu chồng bảo tơ hồng trời cho.
Đêm nằm thì ngáy o o,
Chồng yêu chồng bảo ngáy cho vui nhà.
Đi chợ thì hay ăn quà,
Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm.
Trên đầu những rác cùng rơm,
Chồng yêu chồng bảo hoa thơm rắc đầu.
Khôi hài đích thực cũng chính là lạc quan, lạc quan để thấy được nét
tích cực và dễ thương của con người và cuộc sống. Nhất là khôi hài cũng
đồng nghĩa với quảng đại và bình thản trước những bất toàn và thiếu sót
của người khác.
Đó là bí quyết xin được gởi đến những đôi vợ chồng trẻ, những người đang
trải qua cơn khủng hoảng đầu đời hôn nhân. |