Cơn khủng hoảng đầu
đời hôn nhân. Đó là vấn đề mà chúng tôi xin được tiếp tục trình bày.
1. Những cơn khủng hoảng trong đời sống hôn nhân thường xảy đến trong
hai thời kỳ:
- Thời kỳ thứ nhất là những năm đầu của đời sống vợ chồng.
- Thời kỳ thứ hai là những năm tháng khi hai vợ chồng bước vào tuổi
trung niên. Trong thời kỳ này, người đàn ông xem ra đã nếm đủ mùi vị của
cuộc sống gia đình; do đó, dễ sống hướng nội hơn. Về phía người đàn bà,
sau khi đã trải qua mọi khía cạnh của đời sống hôn nhân, nếu không cảm
thấy được thoả mãn, họ dễ bị cám dỗ quay về với những ước mơ của thời
niên thiếu. Ở lứa tuổi này người đàn bà dễ rơi vào những cuộc phiêu lưu
mà họ không lường trước được.
Một người chồng khép kín, một người vợ mộng mơ chính là nguyên nhân đưa
đến cơn khủng hoảng trong thời kỳ thứ hai của đời sống hôn nhân.
2. Trái lại, nguyên do đưa đến khủng hoảng đầu đời hôn nhân phần lớn là
vì một hoặc cả hai người phối ngẫu thiếu chuẩn bị trước khi bước vào đời
sống hôn nhân.
Nhiều người không hiểu rõ hoặc không được giáo dục đầy đủ về những nghĩa
vụ và trách nhiệm của đời sống vợ chồng cũng như những khía cạnh tâm
sinh lý và luân lý của đời sống chung. Nhiều người bước vào đời sống vợ
chồng mà chưa đủ trưởng thành, do đó, cũng chưa đủ ý thức về những trách
vụ mới của đời sống hôn nhân.
Hôn nhân phải là một giao ước được ký kết giữa hai người có tự do. Để có
tự do thực sự, con người cần phải hiểu rõ mục đích việc làm của mình và
chịu trách nhiệm về hậu quả của việc làm ấy. Có hiểu biết như thế, con
người mới thực sự là người trưởng thành.
Thật ra, trưởng thành không phải là một tình trạng mà con người thủ đắc
một lần cho tất cả, cũng không hẳn khi ra khỏi tuổi vị thành niên hoặc
bước vào tuổi 30, con người đương nhiên đã là người trưởng thành. Lại
không hẳn càng thêm tuổi, càng trưởng thành. Ai cũng có kinh nghiệm,
thỉnh thoảng trong cuộc sống, mình đã cư xử như một người thiếu trưởng
thành.
3. Đã hẳn cần phải là người trưởng thành, người ta mới có thể làm một
quyết định hệ trọng như việc bước vào đời sống hôn nhân. Nhưng cũng
chính đời sống hôn nhân làm cho con người nên trưởng thành hoặc trưởng
thành hơn. Kinh Thánh xem ra đã xác định điều đó khi nói, “Con người ở
một mình không tốt. Người đàn ông sẽ bỏ cha mẹ để luyến ái vợ và nên một
với vợ”.
Để có thể nên một với người phối ngẫu, người ta cần phải ra khỏi chính
mình. Hay nói như Chúa giêsu: quên mình, mất mạng sống mình, thí mạng
sống mình vì người khác. Đó là biểu hiện của một nhân cách trưởng thành.
Do đó, hôn nhân đòi hỏi hai người phối ngẫu phải không ngừng đi vào tiến
trình của sự trưởng thành. Chính trong đời sống vợ chồng mà con người
học hỏi và tập luyện để nên trưởng thành hơn.
4. Hiểu được sự trợ giúp của đời sống vợ chồng trong sự thành toàn nhân
cách như thế, chúng ta sẽ thấy rằng, cơn khủng hoảng của đầu đời hôn
nhân xem ra là một điều cần thiết. Bước từ một giai đoạn này sang một
giai đoạn khác trong cuộc sống, con người phải trải qua những cơn khủng
hoảng. Đó là định luật của cuộc sống.
Người ta thường gọi đó là cơn khủng hoảng của sự trưởng thành. Ngay cả
trong đời sống thiêng liêng, khủng hoảng cũng là một giai đoạn cần thiết
giúp con người trưởng thành hơn trong đức tin. Có trải qua thử thách và
đau khổ, con người mới cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa, và nhờ đó
đức tin được tinh luyện hơn.
Chính trong cái nhìn đó mà đôi vợ chồng trẻ nên lượng giá cơn khủng
hoảng đang hoặc sẽ diễn ra trong những năm tháng đầu của cuộc sống vợ
chồng. Đây là cơn khủng hoảng của sự trưởng thành, cho nên, hãy xem đó
như là một điều cần thiết.
Thực ra, cần có những va chạm để hiểu nhau hơn và nhất là để hiểu được
chính bản thân mình. Đôi vợ chồng trẻ sẽ thấy rằng, họ sẽ có những phản
ứng, những cách cư xử mà họ chưa từng có trước kia; họ sẽ khám phá thêm
một bộ mặt mới, những khía cạnh mới trong con người của họ. Và chính nhờ
sự khám phá đó mà đôi vợ chồng mới tìm cách điều chỉnh lại mối quan hệ
đối với nhau. Điều chỉnh lại mối quan hệ ấy chính là một cố gắng để đạt
được sự trưởng thành trong nhân cách.
5. Cơn khủng hoảng trong những năm tháng đầu của đời sống vợ chồng
thường bùng nổ bằng một cuộc cãi vã to tiếng. Đôi vợ chồng trẻ chợt nhận
ra những phản ứng không ngờ của người phối ngẫu cũng như của chính mình.
Đó là một khám phá cần thiết. Tuy nhiên, nếu họ không biết lợi dụng khám
phá ấy để điều chỉnh mối quan hệ giữa hai người thì bùng nổ sẽ tiếp
diễn. Lúc đó, sự cãi vã sẽ trở thành như cơm bữa và làm cho đời sống
chung trở nên khó thở.
Cơn khủng hoảng của sự trưởng thành là điều cần thiết nếu người ta vượt
qua nó. Đôi vợ chồng trẻ đã nhận ra được phản ứng nóng giận của mỗi
người. Họ đã hiểu, lớn tiếng trong cuộc tranh luận là không muốn lắng
nghe người khác. Khăng khăng bảo vệ lập trường của mình là không muốn
nhìn những khía cạnh khác nhau của một vấn đề. Muốn áp đảo người khác
bằng bạo động trong lời nói hay hành vi là tỏ rõ chính sự bất lực yếu
đuối của mình. Một thái độ như thế cho thấy sự thiếu trưởng thành. Một
người chồng cãi vã lớn tiếng với vợ và khước từ mọi giải thích của vợ để
giữ lại mọi đắng cay trong tâm hồn là một người chồng chưa trưởng thành.
Một người vợ cãi vã với chồng và khước từ mọi giải thích của chồng cũng
là một người chưa trưởng thành.
Cuộc sống vợ chồng tựa một bản nhạc. Hát cho đúng từng nốt nhạc trong
một bài hát không phải là chuyện dễ. Có người không có tai để nghe cho
chính xác, có người không có giọng hát chuẩn. Có những người vợ đánh giá
sai về quyền lợi của mình nhưng cũng không thiếu những người chồng không
biết đáp ứng những đòi hỏi chính đáng của vợ. Nhiều người vợ có khuynh
hướng phiền muộn, lo lắng hoặc gây hấn, khiến người chồng chỉ biết đáp
trả bằng những lời lẽ cộc cằn thô thiển, thậm chí bằng những cử chỉ bạo
lực. Cả hai, chồng cũng như vợ đều tỏ ra là những người chưa trưởng
thành và chưa đóng trọn vai trò phối ngẫu của mình.
6. hôn nhân là trường đào luyện con người: Chính trong bậc hôn nhân mà
con người đạt được sự trưởng thành của mình cũng như giúp cho người phối
ngẫu nên người trưởng thành.
Để trưởng thành, con người cần có ý chí. Ý chí không là một ước muốn mơ
hồ mà chính là luôn cố gắng chống lại sự ngoan cố, những định kiến, sự
gây hấn. Có ý chí cũng có nghĩa là tập sống lạc quan, cởi mở, nhìn rộng,
quảng đại, tha thứ.
Nhưng, trên tất cả mọi cố gắng của ý chí, cầu nguyện là phương thế quan
trọng và cần thiết nhất trong đời sống của đôi vợ chồng trẻ. Họ phải
luôn tâm niệm rằng, một gia đình cầu nguyện là một gia đình đứng vững,
và sự trưởng thành nhân cách thực sự chỉ được xây dựng trên sự trưởng
thành trong niềm tin mà thôi. |