Những năm gần đây,
báo chí không ngừng nói đến cuộc hôn phối không mấy êm đẹp giữa Hoàng tử
Charles và Công chúa Diane của nước Anh.
Sau 11 năm chung sống và được hai mặt con, người ta có cảm tưởng như cặp
vợ chồng quí tộc này không thể tiếp tục hoà hợp được với nhau nữa. Hoàng
tử thì mê man trong những thú vui thể thao và mối quan tâm về môi sinh.
Công chúa thì khóc thầm vì không được Hoàng tử săn sóc với những sở
thích của mình. Hai tính khí như hai con đường song song với nhau.
Hoàng tử Charles đã chuẩn bị kỹ lưỡng những kỹ năng cần thiết để làm một
vị vua, nhưng có lẽ ông chưa chuẩn bị đủ để làm một người chồng tốt.
Một người chồng tốt thiết yếu là một người đàn ông luôn biết quan tâm
đến vợ mình. Quan tâm đến vợ cũng có nghĩa là ý thức được những khác
biệt của vợ, đoán biết đâu là những chờ đợi của vợ.
Sự hiểu biết và thông cảm đó chính là quy luật cơ bản mà chúng tôi xin
được nhắn gửi tới những người chồng trẻ.
1. Trong đời sống vợ chồng, có lẽ không hình ảnh nào đẹp cho bằng hình
ảnh người vợ chờ chồng đi làm về. Người vợ như muốn cho chồng mình thấy
rằng, chồng là tất cả của họ. Suốt một ngày chờ đợi như nổ tung ra khi
người chồng xuất hiện. Người vợ sẽ phá tan sự căng thẳng chờ đợi ấy bằng
đủ thứ chuyện mà chị muốn kể cho chồng mình nghe. Từ chuyện những người
hàng xóm đến chuyện con cái, quay sang chuyện chợ búa, bếp núc. Người vợ
muốn chồng nghe tất cả những gì mà mình đã sống trong một ngày chờ đợi.
Có những chuyện quan trọng mà có thể cũng có những chuyện không quan
trọng.
Nhưng đối với người vợ, điều quan trọng không phải là nội dung của những
gì họ kể ra cho bằng chính nhu cầu được nói, được tâm sự, được chia sẻ.
Cô đơn là thử thách nặng nề nhất đối với người đàn bà. Do đó, nhu cầu
lớn nhất của họ là được ra khỏi chính mình. Người chồng tốt là một người
chồng luôn biết quan tâm đến nhu cầu ấy.
Sau một ngày vất vả ngoài đồng áng, sau một ngày tất bật nơi sở làm, sau
một ngày bị bao vây bởi không biết bao nhiêu bực bội, người chồng nào
cũng mong tìm được những giây phút thanh thản yên lặng. Nhưng họ nên nhớ
rằng, nhu cầu được thông tin, được chia sẻ của người vợ có lẽ còn lớn
hơn cả nhu cầu được yên tĩnh của họ. Sự hoà hợp trong đời sống vợ chồng
đòi hỏi người chồng bước thêm một bước nữa trong sự hy sinh của mình. Đó
là lắng nghe, cảm thông với vợ mình.
2. Nhu cầu được chia sẻ, được lắng nghe, được nói, được ra khỏi chính
mình thật ra, cũng là sự thể hiện một nét đẹp thiên phú của tâm hồn nữ
giới. Đó là được dâng hiến, trao ban. Nhu cầu ấy là động lực nguyên thủy
trong tâm hồn người đàn bà.
Người đàn ông có thể cuộn mình trong cái vỏ của họ để hưởng thụ, để sống
một mình mà không cần quan tâm đến sự hiện hữu của những người chung
quanh. Người đàn bà thì trái lại, họ không thể sống, không thể hành
động, không thể hưởng thụ một mình. Họ muốn cho những cảm xúc của họ
được vang dội trong tâm hồn người khác. Họ muốn cho sự hy sinh của mình
được người khác nhìn nhận và biết ơn. Họ muốn niềm vui của mình cũng
được chia sẻ cho người khác.
Điển hình nhất hẳn là tâm hồn đầy nữ tính của Mẹ Maria. Ngay sau khi
được mang thai bởi phép Chúa Thánh Thần, Mẹ đã vội vã lên đường đến chia
sẻ niềm vui với người chị họ. Người ta cũng thấy rõ sự nhạy cảm đầy nữ
tính của Mẹ trong tiệc cưới Cana. Không đợi cho chủ tiệc gợi ý, Mẹ đã đi
trước sự cầu cứu của ông.
Sự nhạy cảm, nhu cầu muốn chia sẻ được thể hiện không chỉ qua những cử
chỉ quảng đại, nhưng đồng thời, qua cả những chuyện vụn vặt bình thường.
Đó là mẫu số chung của mọi tâm hồn nữ giới mà thiết tưởng một người
chồng tốt không thể không quan tâm đến.
3. Trao ban và dâng hiến, người đàn bà xem đó như một thể hiện của nữ
tính. Đó là một cách thế để họ khẳng định chính mình. Bởi đấy, người đàn
bà còn có nhu cầu được nhìn nhận và biết ơn. Một tiếng cám ơn, dù chỉ
được nói lên một cách máy móc, sẽ được người đàn bà đón nhận và cất giữ
rất trân trọng.
Trong một bài huấn đức ngắn, vị Giáo Hoàng vắn số là Đức Gioan Phaolô I
có kể câu chuyện này:
Một người đàn bà đảm đang phục vụ cho một ông chồng, mấy đứa con trai và
mấy người anh em trai khác trong nhà. Những người đàn ông trong nhà
không biết lay một ngón tay để giúp đỡ bà. Một buổi sáng chủ nhật kia,
họ kéo nhau đi chơi ở ngoài, chỉ còn lại người đàn bà với đủ thứ công
việc nội trợ. Buổi trưa khi về đến nhà, thay cho mâm cơm trên bàn họ chỉ
thấy mặt bàn trống trơn.
Chờ cho những người người đàn ông chấm dứt những lời than phiền kẻ cả
của họ, người đàn bà mới lên tiếng nói: “Các ông chỉ chờ cho tôi sai sót
để trách móc. Từ bao lâu nay tôi hầu hạ các ông, mà các ông có bao giờ
mở miệng nói lên một lời cám ơn hay khen ngợi tôi không?”.
4. Người đàn bà có nhu cầu được khen ngợi và đón nhận những lời cám ơn
của người khác. Một người đàn ông muốn giữ vợ, một người đàn ông muốn
sống hoà thuận với vợ, người đàn ông ấy phải biết mở miệng khen ngợi và
cám ơn vợ mình.
Một người chồng tốt sẽ không bao giờ coi những việc vợ làm cho mình là
một bổn phận, là điều phải làm. Hãy đón nhận tất cả những gì vợ làm cho
mình như một trao ban. Hãy không ngừng nói lên những tiếng cám ơn và
những lời khen tặng. Nhạc sĩ Bach đã có lần nói với vợ ông, “Cho dẫu
gương mặt em có vẻ mệt mỏi, cho dẫu tóc em có bạc màu, em vẫn trẻ đẹp
như cách đây hai mươi năm”.
Những tiếng cám ơn và những lời khen tặng mà người chồng dành cho vợ
không chỉ là những công thức của phép lịch sự và xã giao, mà phải xuất
phát từ lòng chân tình của mình. Cái chân tình ấy không xuất phát cách
tự nhiên, mà là kết quả của sự thay đổi trong cái nhìn.
Người chồng đừng quên rằng, những cái mà ông cho là nhỏ nhặt, là vớ vẩn,
là chuyện đàn bà có thể là những điều rất quan trọng đối với vợ ông. Nếu
người đàn ông biết nhìn ra tầm quan trọng của những cái nhỏ nhặt, không
ra gì đó có lẽ ông đã tìm ra được bí quyết của hạnh phúc gia đình.
Nói cách khác, người chồng đó đã hiểu được vợ, đã cảm thông với vợ, và
nhất là đã biết quan tâm đến vợ mình. |