1.LỜI CHÚA:
Thánh Phaolô dạy về sự cầu nguyện như sau:
“Hãy dùng những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần
Khí linh hứng mà đối đáp với nhau à ca tụng Chúa hết lòng anh
em. Trong mọi hoàn cảnh và mọi sự, hãy nhân danh Đức Giêsu Kitô,
Chúa chúng ta, mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha. (Ep 5,19-20)
2.SUY NIỆM:
Gia đình tín hữu đồng nghĩa với Hội Thánh tại
gia, một cộng đoàn sống ba nhân đức tin cậy mến, là
hình ảnh cụ thể diễn tả sự hiệp thông trong Hội Thánh.
Gia đình tín hữu còn là dấu chỉ của sự hiệp thông của Ba Ngôi
Thiên Chúa. Sự hiệp thông trong gia đình dẫn đến sự gặp gỡ Thiên
Chúa và là nhân tố làm cho tình gia đình được bền vững hơn.
Trong Tông huấn Gia đình, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã gọi
gia đình là một “cộng đồng đối thoại với Thiên Chúa” bằng
việc lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện chung cũng như riêng
và giúp nhau lãnh nhận các bí tích, nhất là bí tích Thánh
Thể và Hoà giải. Trong Năm Đức Tin này, các gia đình tín hữu
cũng nên tìm hiểu và canh tân sự cầu nguyện là hơi thở của đức
tin của các thành viên gia đình như sau:
Việc cầu nguyện trong gia đình thế nào? Cần canh
tân nội dung giờ kinh tối gia đình ra sao trong Năm Đức Tin này?
1)Việc cầu nguyện trong gia đình:
-Gia đình tín hữu là trường học đầu tiên dạy
sự cầu nguyện. Gia đình được xây dựng
trên nền tảng của bí tích Hôn Phối nên trở thành “Hội Thánh cơ
bản”, là nơi con cái Thiên Chúa học cách cầu nguyện với Thiên
Chúa. Đặc biệt trẻ em, kinh nguyện hằng ngày của gia đình sẽ có
ảnh hưởng đến đức tin của các em trong suốt cuộc đời về sau.
Gia đình tín hữu cần cầu nguyện hằng ngày trong giờ kinh tối,
kinh sáng, trước và sau các bữa ăn. Tại Việt Nam, giờ kinh
tối là một việc đạo đức truyền thống mang lại nhiều ích lợi và
đã ăn rễ sâu trong các gia đình tín hữu. Tuy nhiên cũng cần được
canh tân cho phù hợp với tâm lý và hoàn cảnh xã hội hiện nay như
sau:
-Lợi ích của giờ kinh chung:
Giờ kinh chung của gia đình mang lại nhiều ích lợi và là cơ hội
để mọi người thánh hoá sinh hoạt hằng ngày: Tạ ơn vì các
hồng ân lãnh nhận trong ngày; Dâng niềm vui, nỗi buồn, dâng
mồ hôi nước mắt, những thành công, thất bại trong ngày như
hy tế để xin Chúa đón nhận, thanh tẩy, đỡ nâng và chúc lành; Là
dịp để vun xới tình gia đình: hiệp thông với những người
thân đã chết, những người vắng mặt; cầu nguyện cho những nhu cầu
của nhau; xin lỗi và tha thứ cho nhau, thông cảm, giúp nhau mỗi
ngày một nên hoàn thiện hơn. Và đây cũng là dịp thuận tiện để
cha mẹ dạy dỗ, hướng dẫn con cái về mặt nhân bản cũng như đức
tin. Việc giáo dục của cha mẹ không chỉ dùng lời nói mà còn
bằng chính gương sáng ứng xử và hiệp thông trong giờ kinh
tối gia đình.
-Bàn thờ của gia đình:
Để giúp mọi người nhớ tới sự hiện diện của Thiên Chúa trong gia
đình, mỗi nhà nên có một bàn thờ nhỏ. Bàn thờ cần sáng sủa,
trình bày đơn giản để diễn tả đức tin. Cách chung, đừng để
nhiều ảnh tượng trên bàn thờ, nên đặt một Thánh giá có
kích thước vừa phải ở giữa bàn thờ, một bên để một ảnh Lòng Chúa
thương Xót hay Đức Mẹ, bên kia để cuốn Kinh Thánh. Bàn thờ cần
sạch sẽ, tránh để vật dụng lặt vặt khác. Bàn thờ tổ
tiên có thể đặt bên dưới bàn thờ Chúa hay trên nóc tủ thờ gần
bên, trang trí đơn giản phân biệt vời bàn thờ Chúa.
2)Nội dung chương trình một giờ kinh tối gia
đình
Mỗi giờ kinh gia đình thường gồm các yếu tố:
Lời Chúa, lời ca, lời kinh, lời cầu và giây phút thinh lặng.
Mỗi giờ kinh nên đọc một chục kinh Mân Côi. Phần Lời Chúa
nên chọn đoạn Tin Mừng theo ngày trong lịch phụng vụ hoặc theo
các chủ đề riêng tùy chọn.
Sau đây là một mẫu giờ kinh tối gia đình tiêu
biểu:
Tới giờ, mọi người tắt Ti-vi, đứng tập trung
trước bàn thờ Chúa đã bật đèn nến.
1- Làm dấu thánh giá và người hướng dẫn nêu ý cầu
nguyện của Giờ Kinh hôm ấy.
2- Hát hay đọc kinh Cầu Xin Chúa Thánh Thần.
3- Thinh lặng xét mình trong giây lát rồi đọc
kinh “Tôi thú nhận” hay một bài hát thống hối.
4- Đọc một đoạn Tin mừng.
5- Một người đọc phần suy niệm hay đọc lời cầu
nguyện phù hợp với ý Chúa muốn dạy (kéo dài khoảng 3-5 phút).
6- Xướng một mầu nhiệm Kinh Mân Côi, một Lời Chúa
và một lời cầu kèm theo (Xem Phụ Lục bên cuối bài). Đọc một kinh
Lạy Cha, mười kinh Kính Mừng, một kinh Sáng Danh và câu kinh cầu
cho các linh hồn.
7- Đọc kinh “hãy nhớ” hay hát một bài kính Đức
Mẹ.
8- Kinh Vực Sâu hay bài hát cầu cho ông bà cha mẹ
đã qua đời.
9- Bài hát “Con dâng linh hồn trong tay Chúa,
Chúa gìn giữ con yên hàn trong đêm nay”.
10-
Kinh trông cậy và ba câu lạy kết thúc giờ kinh.
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong Tông huấn Gia
đình đã viết: “Hỡi các bà mẹ, chị em có
dạy cho các con nhỏ của mình những lời kinh của người Kitô hữu
không? Chị em có cộng tác với các linh mục để chuẩn bị cho chúng
lãnh nhận các bí tích xưng tội, rước lễ, thêm sức hay không? Nếu
chúng đau ốm, chị em có tập cho chúng quen nghĩ tới những sự đau
khổ của Đức Kitô, quen cầu xin Đức Mẹ Đồng Trinh và các thánh
giúp đỡ hay không? Còn anh em, hỡi những người cha, thỉnh thoảng
anh em có biết cầu nguyện chung với con cái, với cộng đồng gia
đình không? Gương sống của anh em qua sự ngay thẳng trong tư
tưởng và hành động, được hỗ trợ bằng kinh nguyện chung, quả là
một bài học sống, một hành vi thờ phượng đáng tuyên dương. Như
thế, anh em đang đem bình an vào trong tổ ấm gia đình anh em như
lời chúc của Hội Thánh trong nghi thức làm phép nhà: “Bình an
cho nhà này”. Đừng quên rằng làm như thế là anh em đang xây dựng
Hội thánh“.
3. THẢO LUẬN: 1) Bạn nghĩ thế nào về câu nói
của Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta: “Gia đình nào cầu nguyện chung với
nhau, gia đình đó sẽ bền vững”? 2) Theo bạn, ta nên tổ chức giờ
kinh tối gia đình thế nào? 3) Cụ thể thảo luận thêm bớt thế nào
trong chương trình giờ kinh tối gia đình nói trên cho phù hợp
với tiêu chuẩn ngắn gọn và sốt sắng.
4. LỜI NGUYỆN:
Lạy Thiên Chúa Cha. Xin cho các gia đình tín hữu
chúng con biết quý trọng những giờ phút quây quần bên Cha và bên
nhau trong gia đình. Xin Cha liên kết chúng con nên một trong
tình yêu, ngõ hầu mai sau gia đình chúng con sẽ được đoàn tụ bên
Cha trên Nước Trời. Chúng con cầu xin Cha nhờ Đức Ki-tô, Con Cha
Chúa chúng con, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần muôn đời. Amen |