ĐỪNG XEN VÀO CHUYỆN NGƯỜI KHÁC


Lm. Lê Văn Quảng 
Theo Công Giáo Việt Nam

Người Việt Nam ta có câu: “Chuyện người thì sáng, chuyện mình thì quáng.” Chuyện của người khác thì rất sáng suốt, còn chuyện mình thì mù tịt, không biết làm sao giải quyết. Làm cố vấn cho người nầy, người kia thì rất giỏi, nhưng chuyện trong nhà con cái bê tha thì không biết đường nào hướng dẫn. 

Quốc huy vừa khóc vừa chạy vào nhà bếp: “Mẹ, Ba đánh con” nó nói với mắt đầy lệ. Bà mẹ bỏ chuyện đang làm, ôm đứa con, và an ủi nó: “Sao thế?” “Ba bảo con là vô lễ, cứng đầu nên ba đánh con.” ”Được rồi, cưng ơi, có mẹ lo rồi. Đừng khóc nữa.” Không lâu đứa bé nín thinh, bà mẹ đi vào ga ra, ở đó ông bố đang làm việc. Một sự cải vã giữa bố mẹ xảy ra, trong đó bà mẹ nói rõ ràng rằng bà không tin vào sự trừng phạt kiểu đó. Ông bố cũng nói rõ ràng không kém rằng cậu bé cũng là con của ông ta nữa, và rằng khi ông ta bảo nó dẹp chiếc xe đạp, ông ta không mong nó vô lễ. Cậu bé đứng đó không chịu làm. 

Sự liên hệ cá nhân giữa hai người tùy thuộc hai người có liên quan. Sự liên hệ của cậu bé với cha nó thì thuộc về hai người, và bà mẹ không cần phải can thiệp vào để điều khiển liên hệ đó. Tốt nhất khi cu bé chạy vào mách mẹ về ông bố, bà mẹ có thể nói: “Cưng ơi, nếu con không muốn ba đánh con. Con có thể nghĩ ra cách để tránh ăn đòn.” Khi sự xung khắc lắng dịu, bà mẹ có thể thảo luận với cậu bé để giúp nó thấy cách thế một người có thể tránh được mà không phải bị ăn đòn. Bà mẹ không thể đứng về phía nó nếu bà muốn là một nhà giáo dục. Và khi mọi sự trở lại bình thường, cậu bé hoàn toàn hạnh phúc với sự quan hệ trong cuộc sống thường ngày, và cả ba phần tử trong gia đình hiện tại cùng cộng tác với nhau một cách tốt đẹp. Bây giờ, chúng ta hãy thử phân tích mẫu chuyện mà chúng ta vừa mô tả trên đây. 

Cậu bé Quốc Huy khôn khéo trong việc điều động để mẹ nó dấy mình vào chuyện của nó. Bà mẹ rõ ràng là một phần tử chủ động trong gia đình. Bà và đứa con đã liên minh trong việc cố gắng khuất phục ông bố. Cậu bé khôn khéo dùng điểm bất đồng giữa bố mẹ cho mục đích của nó. Nó biết rằng bà mẹ luôn là kẻ chiến thắng sẽ bảo vệ nó, sẽ giúp nó đánh bại được đòi hỏi của bố nó. Trong lúc cậu bé khéo điều khiển bố mẹ cho mục đích nầy, sự phát triển của nó không quân bình. Nó tìm sự bảo vệ từ những tình cảnh đối ngược hơn là từ sự khéo léo giải quyết vấn đề. Không nhận ra được mánh lớ hoặc sự tai hại đối với quan niệm về chính nó, bà mẹ rơi vào bẩy của đứa trẻ. Ông bố nhất quyết không chấp nhận sự nhượng bộ của bà mẹ, tiếp tục phết đít cậu bé bất cứ khi nào cậu bé chọc giận ông. Bà mẹ nhất định kiểm soát toàn thể môi trường sống của đứa con bà và áp lực ông bố phù hợp với hệ thống của bà, nên quở trách ông bố. Cậu bé chiến thắng trong mọi chiều hướng. Đứa con và bà mẹ cộng tác để giữ ông bố ở trong tình trạng không được ưa thích, còn ông bố và cậu bé cộng tác trong việc làm cho bà mẹ nhập cuộc. Bà mẹ và ông bố cộng tác trong việc cố gắng tỏ cho thấy ai là kẻ có quyền hay ai là chủ nhà. 

Nhưng đây không phải là gia đình đang sống cách hài hòa. Cậu bé cũng không được dạy dỗ để kính trọng những người khác, đặc biệt là bố nó. Dĩ nhiên, nó không thích bị đánh. Nhưng nó muốn chấp nhận điều đó để lấy được cảm tình và thuyết phục được mẹ nó. Bà mẹ cảm thấy như bà đang chịu hình phạt thể lý đó. Bà không thích cậu bé bị đánh như vậy. Vì thế, bà dùng cơ hội đó để áp đặt những kiểm soát lên chồng bà. Bà mẹ nên chú ý công việc riêng của bà và nên ngưng ngay việc cố gắng kiểm soát mọi sự. Bà có quyền theo niềm tin riêng của bà bằng cách không đánh con bà, nhưng không có quyền bảo chồng bà phải theo cách thế của bà. Điều khiển sự liên hệ giữa chồng và con thì thuộc về họ chứ không phải là công việc của bà. 

Đây là điểm khó hiểu đối với tất cả chúng ta. Chúng ta không bị đòi hỏi để thấy một đứa trẻ được đối xử một cách tốt đẹp sao? Vâng, chúng ta bị đòi hỏi trong một cách thế nào đó. Nhưng thế nào là đối xử cách thích hợp? Để có câu hỏi đó, nó đòi hỏi một uy quyền, nhưng trong một gia đình dân chủ, chúng ta không có uy quyền như thế. Thêm vào đó, vì chúng ta công nhận sự sáng tạo của đứa trẻ và quyền làm những quyết định của nó, chúng ta có thể thấy rằng mỗi đứa trẻ trong cách thế riêng của nó, nó chủ động nhiều trong cách đối xử mà nó nhận được. Vì thế, bổn phận của chúng ta là hiểu thấu toàn thể tình cảnh, mục đích của đứa trẻ, và tương quan hành động của những mối liên hệ. Với sự hiểu biết đó, chúng ta phải huấn luyện đứa trẻ biết chấp nhận tôn ty trật tự và dạy nó biết cộng tác với những nhu cầu của hoàn cảnh. Chỉ có cách duy nhất đó, chúng ta mới có thể làm cho hành vi của nó thăng tiến một cách tốt đẹp. 

Dĩ nhiên khi hai bố mẹ có những cá tính khác biệt, những tư tưởng của họ cũng khác biệt về nhiều vấn đề. Nếu họ có thể đồng ý với nhau về cách thế giáo dục con cái thì xem ra tốt đẹp hơn, nhưng việc đó thật ra không cần thiết. Đứa trẻ quyết định về điều nó sẽ chấp nhận hay sẽ từ chối trong môi trường của nó, và ngay cả khi bố mẹ đồng ý với nhau về nguyên tắc chung, họ cũng đối xử với mỗi đứa trẻ một cách khác biệt. Đây là lý do tại sao đứa trẻ không cảm thấy khó hiểu với sự đối xử khác nhau mà nó nhận được từ bố mẹ, ông bà, hay bà con thân nhân. Nó thường biết rất rõ phương cách làm thế nào để có được những mối lợi lớn cho mình từ mỗi liên hệ khác nhau. 

Hơn nữa, chúng ta cũng nhận thấy có một sự liên hệ hỗ tương đặc biệt giữa sự tin tưởng vào khả năng của bà mẹ có thể đối phó với đứa trẻ và sự hận thù của bà về cách đối xử mà đứa trẻ nhận được từ người khác. Bà càng cảm thấy ít có khả năng để ứng phó với những vấn đề của con bà, bà càng tin tưởng về cách thế những người khác xử sự đối với con bà. Khi bà cảm thấy có hiệu quả trong việc kích động con mình có những hành vi thích hợp, bà ít nhiều ý thức về cách thế những người khác xử dụng. Họ trở thành một phần của toàn thể tình cảnh và bà phải khôn khéo cộng tác.

---o0o---

Mỹ Thanh là một đứa cháu nội 7 tuổi. Bà nội rất thích cô bé và mang nhiều quà đến cho cô bé mỗi lần bà đến thăm. Bố mẹ nó thì chỉ muốn cho những quà mà họ cho là thích hợp. Cô bé nhận 6 món quà từ bà nội vào ngày phục sinh, 5 vào ngày sinh nhật của cô bé, và 10 vào ngày Chúa Giáng Sinh. Cô mở quà của bố mẹ cho, và cảm ơn bố mẹ. Cô nhìn những món quà rất thích thú trong dáng điệu thật tự nhiên. Nhưng, sau khi cô bé mở món quà cuối cùng của bà nội cho, cô bé lại phàn nàn: “Chỉ vậy sao?” Một ít ngày sau đó, bà mẹ mới khám phá ra cô bé đã đánh dấu tất cả những ngày có quà trên tờ lịch của cô bé bằøng bút chì đỏ. Rất khó chịu với thái độ như thế, bà mẹ nói với ông bố và xin ông nói với bà nội phải giới hạn quà cho cô bé. Ông bố từ chối. Ông nghĩ rằng yêu sách đó quá vô lý, và một sự cãi vả xảy ra. Bà mẹ cảm thấy rằng bà nội làm hư cô bé ngoài điều mong ước. 

Bà mẹ ít hiểu biết, không tự tin vào ảnh hưởng của mình trên đứa con nên luôn thấy nhiều nguy hiểm từ chỗ thiếu cân bằng trong thực tại. Vì bà mẹ và ông bố giữ được thế quân bình trong việc cho quà, cô bé không tỏ ra thái độ tham lam với họ, nhưng lại có thái độ đó đối với bà nội. Bà mẹ không thể kiểm soát điều mà bà nội muốn làm. Đó không phải là công việc của bà. Sự liên hệ mà bà nội muốn phát triển với cô bé thì thuộc về họ. Trong trường hợp nầy bà mẹ nghĩ rằng việc trao đổi quà cáp trong gia đình cần thiết lập một mẫu mực để tránh việc cho quá nhiều quà cáp của bà nội, và như vậy sẽ làm hư đứa trẻ. Tuy nhiên, điều quan trọng và cần thiết là làm sao cho đứa trẻ biết học không chỉ nhận mà cũng phải cho nữa  -  dạy cho cô bé nhớ ngày sinh nhãt của bà nội, phải cho và còn cho nhiều hơn nữa vào những ngày lễ đặc biệt dành cho bà nội. Bà mẹ nên chuẩn bị quà cáp và để cho cô bé trao quà cho bà nội để thiết lập một quan hệ tốt đẹp với bà nội. 

Mỗi đứa trẻ sống trong một môi trường gồm có bố mẹ và nhiều người lớn khác. Sau bố mẹ là ông bà và bà con là những giao tiếp gần nhất, sau đó đến những người láng giềng, bạn bè của bố mẹ, các cô thầy giáo, và sau cùng là một vòng quây rộng lớn của những người trong cộng đồng. Việc kiểm soát những ảnh hưởng mà những người nầy gây trên đứa trẻ thì hoàn toàn không thể đối với bố mẹ. Tuy nhiên, khi đứa trẻ phải đối đầu với ảnh hưởng bất lợi, chúng ta dễ có phản ứng chống lại những người lớn liên quan, hy vọng loại bỏ được sự ảnh hưởng của họ trên đứa trẻ. Đây là sự vô ích. Đứa trẻ không cần được bảo vệ khỏi môi trường của nó, cũng không cần phải xếp đặt lại mọi sự cho nó. Điều nó cần là hướng dẫn để đáp lại. Cái nguyên nhân kích thích được phơi bày trước mặt đứa trẻ không quan trọng cho bằng sự đáp trả của nó đối với vấn đề đó. 

Đứa trẻ là một cá nhân, và như thế phát triển những tương quan cá nhân riêng của nó với những người mà nó tiếp xúc trong sự gần gũi thân thiện. Con trẻ chúng ta cần có kinh nghiệm với nhiều người để chúng có thể hiểu biết và đánh giá người ta. Bổn phận chúng ta là trông coi để nâng đỡ chúng có sự đánh giá đúng đắn. 

Liên hệ với ông bà là nguồn gốc của nhiều sự xung khắc trong gia đình ngày hôm nay. Sự kiện đó là dấu chỉ của những thay đổi đang xảy ra trong văn hóa chúng ta và trong sự tách rời khỏi truyền thống chúng ta. Con gái và con trai có những ý nghĩ hoàn toàn khác nhau về cách thế con cái nên dược dạy dỗ và cách thế phản ứng sự can thiệp của bố mẹ họ. Nếu họ cố gắng ép buộc bố mẹ họ chấp nhận cách thế của họ, họ chỉ làm cho sự liên hệ của họ không được tốt đẹp thôi. Họ có thể tránh khỏi sự xung khắc với bố mẹ họ bằng cách nói với người vợ hoặc ông chồng rằng “Anh (hay em) có thể đúng. Anh (hoặc em) sẽ nghĩ lại chín chắn về vấn đề đó.” Và bấy giờ hãy làm điều mà họ cảm thấy là đúng. Hãy nhớ rằng ông bà lúc nào cũng thương mến con cháu. Họ ở trong vị thế có những đặc quyền mà không có bổn phận nuôi nấng con cháu. Nếu người mẹ hoặc người cha cảm thấy khó chịu về sự làm hư hỏng của ông bà, điều đó cho thấy sự bi quan và sự thiếu tự tin vào khả năng riêng của họ trong việc hướng dẫn đứa trẻ. Bất cứ cố gắng nào để sửa sai ông bà đều là một sự sai lầm, vô ích, và chỉ tạo nên sự căng thẳng và xung khắc mà thôi. Sự liên hệ giữa đứa trẻ và ông bà là công việc của họ. Tuy nhiên chúng ta phải giúp đứa trẻ trong việc đáp trả đối với ông bà. Một ông bà quá cưng chìu con trẻ có thể cho đứa trẻ một ấn tượng rằng nó có quyền có cái nó muốn, và rằng ai chống lại ước muốn của nó là kẻ thù địch. Trong trường hợp như thế, chúng ta phải giúp đứa trẻ thay đổi đầu óc của nó. Qua việc giúp đỡ cho sự đáp trả của đứa trẻ, bà mẹ có thể khiến ông bà ngưng tạo cho đứa trẻ một ấn tượng sai lầm về cuộc đời và quyền riêng của nó. 

Quang Minh 6 tuổi đang đi thăm ba nó, người đã ly dị với mẹ nó và đã tái hôn. Khi trở về nhà, mũi nó đỏ lên. Bà mẹ quan tâm, hỏi nó cái gì đã xảy ra. “Bà nội đánh con và làm mũi con đỏ lên” “Sao vậy? Con đã làm gì? “ “Đọc sách cho bà nội.” “Tại sao bà nội đánh con?” “Vì con không thể đọc được tiếng khó.” Bà mẹ nổi giận. Chiều hôm đó, bà gọi cho bố đứa trẻ trong sự giận dữ, và ngày hôm sau bà gọi luật sư. Một chuyện lớn xảy ra nhưng không có gì là cụ thể từ chuyện đó. 

Trong sự phức tạp của những tương quan ngày hôm nay, những biến cố như thế không phải là bất thường. Ly dị và tái hôn tạo nên những tình cảnh phức tạp cho những đứa trẻ cũng như cho người lớn. Những hận thù ngày xưa đã gây nên sự ly dị lại được củng cố, và trẻ con rất nhiều lần cũng chỉ là những nạn nhân của cuộc chiến. Chúng lẫn lộn không biết đứng về phía nào để chống lại phía kia. Người ta có thể tưởng tượng: một đứa trẻ có thể tạo nên những xáo trộn để chiếm được cảm tình và sự an ủi đặc biệt. Cần thiết là bà mẹ không nên rơi vào những biến cố như vậy và bà không nên làm lớn chuyện. Nếu cậu bé không tạo nên một xáo trộn nào trong một hoàn cảnh phức tạp như thế, cậu bé có thể phát triển một tương quan tốt với người vợ kế của ông bố. Bà mẹ có thể giúp cậu bé bằng cách gợi ý cho nó một cách thế hành động để khỏi bi ăn đòn, chẳng hạn như: “Cưng ơi, đó là sự chọn lựa của con. Mẹ nghĩ rằng con sẽ tìm thấy cách thế để khỏi có vấn đề với bà nội con.” 

Một người láng giềng gọi ông bố để phàn nàn rằng cậu bé Quốc Bảo đã chạy xe đạp tông vào xe đạp của con ông là Văn Minh khiến con ông té và bị đau. Cả 2 đứa đều 9 tuổi. Ông láng giềng rất giận dữ và muốn người bố phạt cậu bé Quốc Bảo và bảo nó không được gây chiến nữa. “Tôi xin lỗi. Ông quá làm lớn chuyện. Nhưng ông không nghĩ rằng trận chiến giữa hai đứa trẻ là vấn đề của chúng sao?” Ông láng giềng nhìn một lúc, đoạn nói: “Ông có ý muốn nói gì?” “Tôi có ý nói rằng tôi không biến điều đó thành việc của tôi để kiểm soát những liên hệ của bé Quốc Bảo với bạn nó. Tôi bảo đảm rằng hai đứa trẻ sẽ tạo ra nhiều chuyện nếu để chúng cô đơn.” “Nhưng con tôi, Văn Minh luôn luôn bị đau đớn. Cậu bé Quốc bảo luôn làm một cái gì để làm đau đớn nó. Và tôi thì cảm thấy mệt mỏi rồi.” Ông nầy nghe nói cảm thấy buồn cười vì cậu bé Văn Minh cao và nặng hơn Quốc Bảo. “Quốc Bảo về nhà nhiều lần cũng đau đớn vậy! Tôi chỉ cảm thấy rằng nếu ông và tôi để ý công việc riêng của chúng ta thì hai đứa nhóc cũng sẽ cảm thấy mệt mỏi về việc bị thương tích đó, và chúng sẽ làm một cái gì về việc đó.” “Tôi nghĩ đã đến lúc ông nên kiểm soát đứa con ông.” “Tôi không có ý tưởng nào để làm cho cậu bé ngưng cả, ngoại trừ giới hạn nó và ở với nó mọi giây phút. Tôi không nghĩ hành động như thế sẽ giúp nó chơi phù hợp với những đứa trẻ khác và giải quyết được vấn đề xảy ra giữa chúng với nhau. Dĩ nhiên, tôi sẽ nói chuyện với con tôi và thử xem tôi có thể giúp nó hiểu được tình cảnh hay không? Nhưng đó là tất cả những gì mà tôi có thể làm.” 

Sau khi ông láng giềng rời bỏ đi, cậu bé Quốc Bảo đi vào nhà, sau khi nghe rõ toàn thể cuộc đối thoại, trong cách thế nửa do dự nửa tự mãn. Ông bố vẫn yên lặng. “Bố ơi, Văn Minh chạy xe ở phía bên cấm.” “Con ơi, bố không muốn nghe chi tiết. Bố lấy làm lạ: Chớ không phải con và Văn Minh không thích gây chiến với nhau sao? Xem ra con làm cho gia đình của nó nổi giận.” Cậu bé chỉ biết cắn răng ngậm miệng và cười gượng cho xong chuyện. “Có lẽ con và Văn Minh nên tìm ra cách thế khác để chơi. Đó là sự lựa chọn của con. Bố xem thử con sẽ làm thế nào về điều đó?” 

Giao tiếp với những người khác là một phần của cuộc đời. Công việc của chúng ta là giúp trẻ con phát triển những thái độ thích hợp và cách thức hữu hiệu cho thực tại. Bố của Văn Minh cố gắng kiểm soát hoặc thay đổi thực tại. Ông không đang giúp cho cậu bé Văn Minh nhưng đang cho nó một quan niệm sai lầm rằng bố sẽ luôn luôn ở đó để xếp đặt mọi sự. Câu bé không cần làm một chút cố gắng nào về phần nó để phát triển nghệ thuật tham gia về vấn đề xã hội. Trái với Văn Minh, cậu bé Quốc Bảo đã được trao trách nhiệm cho những vấn đề riêng của nó. Không cần dạy dỗ, ông bố đã gợi ý cho nó rằng nó phải tái thẩm định cách thế của nó và rồi đã gợi ý cho sự thích thú của nó bằng câu cuối cùng. 

---o0o---

Cô bé Mai Liên phàn nàn với mẹ: “Con ghét cô giáo Bích vân. Cô ta là một cô giáo khờ khạo, và vì thế không công bằng.” “Cái gì xảy ra vậy? Cô bé ơi.” “Cô ấy luôn luôn chọc con trước mặt cả lớp. Cô luôn tạo nên những chú ý không được đẹp về việc con không thể đánh vần, và cô không bao giờ gọi con khi con giơ tay. Hôm nay cô lấy tờ giấy đánh vần của con và đọc tất cả những chữ sai cho cả lớp nghe. Con ghét cô ấy và muốn cô ấy chết đi.” Sự giận dữ và sự cảm thấy nhục nhã của cô bé đã khiến cô bé phát điên và nó đã bật khóc. Bà mẹ cũng nổi giận. “Mẹ sẽ đi nói chuyện với cô giáo. Đó không phải là cách đối xử với một đứa trẻ.” 

Bà mẹ nói đúng. Trẻ con không học bỡi sự bị làm nhục mạ. Tuy nhiên, bà mẹ không thể làm gì được về việc tái huấn luyện cô giáo đó. Sự giận dữ của bà được biểu lộ hoàn toàn đối với cô giáo chỉ đổ thêm dầu vào lửa. Nếu toàn thể sự thật đều được biết, chắc chắn cô bé cũng góp phần trong việc gây nên thái độ của cô giáo. Cái nhún vai hoặc cử chỉ đưa mắt xuống cho thấy cảm giác của nó về cô giáo không mấy tốt đẹp. 

Chắc chắn, tương quan giữa cô bé và cô giáo xem ra nhạt nhòa. Nhưng việc thay đổi cô giáo thì không phải là công việc của bà mẹ. Công việc của bà mẹ là giúp cô bé tìm ra phương cách để góp phần một cách tích cực vào trong liên hệ nghèo nàn đó, và đề nghị một lối hành động mà cô bé có thể chấp nhận để làm cho chính nó cảm thấy thoải mái hơn trong lúc ở trường. Phải làm cho cô bé thấy được sự góp phần của nó trong cách gián tiếp. “Con có nghĩ rằng cô giáo cảm thấy hạnh phúc khi một học sinh không thích cô không? Hoặc con sẽ làm gì nếu con là một nhà giáo có một trong các học sinh của con ghét con? Đi xa hơn, cô giáo đó có thể là khờ khạo như con nói. Mẹ không biết. Nhưng không ai có thể hoàn toàn tốt về mọi sự trong hết mọi lúc. Chúng ta cố gắng làm tốt hết sức về cái chúng ta có. Mẹ bảo đảm con không cảm thấy thoải mái với cái hiện đang có. Vì thế, chúng ta hãy cố gắng tưởng tượng ra điều mình có thể làm để mình cảm thấy dễ chịu hơn.” 

Bà mẹ không thách thức sự định giá của cô bé vì điều đó làm tăng sự chống đối của nó và chỉ làm cho cô bé bảo vệ thái độ của nó mà thôi. Nếu bà mẹ về phía cô giáo, bà càng mang lại sự chống đối cho cô bé nhiều hơn. Nhưng nếu bà đứng về phía đứa trẻ, bà tỏ ra ủng hộ thái độ kích động trong trường. Nêu lên sự khó chịu của cô bé và thành thật bàn thảo vấn đề, sẽ giúp cô bé có được sự cộng tác hơn trong hành vi để làm giảm bớt sự căng thẳng và cảm thấy dễ chịu hơn. 

Thế Cường, đứa con duy nhất, học kém ở trường nên bị bó buộc làm bài ở nhà. Mỗi buổi tối, sau giờ ăn tối, ông bố ngồi xuống với nó để thấy nó hoàn tất bài làm. Ông bố hỏi và tra vấn cậu bé về mỗi bài. Nhiều lúc cậu bé kết thúc bằng một trận khóc oà và thất vọng về ông bố. Công việc của cậu bé vẫn không tiến. 

Thật ra, ông bố thì đang làm công việc giáo dục, còn đứa con mỗi đêm cho thấy rằng không ai có thể bắt nó học được. Bao lâu ông bố nhất quyết rằng con ông phải học giỏi ở trường và ông phải kèm nó làm bài tập ở nhà, bấy lâu nó vẫn tiếp tục học kém. Ông bố nên để ý việc của ông. Ông nên hướng dẫn nó trong việc học hành chứ không thể bắt ép được nó. 

Theo truyền thống, nhiều thầy giáo yêu cầu bố mẹ theo dõi xem con cái có làm bài tập ở nhà không. Tuy nhiên, nếu chúng ta làm như thế, chúng ta sẽ tạo nên một cuộc tranh chấp quyền hành. Nếu chúng ta tham khảo ý kiến với con trẻ và cùng nhau thiết lập với chúng thời gian khi nào chúng sẽ học và giúp chúng giữ được trật tự đó, chúng ta có thể cung cấp một sự khích lệ cần thiết. 

Nếu đứa trẻ đang có những khó khăn bất thường về vấn đề học vấn, chúng ta nên tìm người dạy kèm. Ngay cả khi một trong cha mẹ là nhà giáo, vì sự không muốn học của đứa trẻ, không muốn nhận lấy trách nhiệm, không muốn làm một công việc mà nó cảm thấy không được thích thú, những điều đó thường cho thấy sự liên hệ không mấy tốt đẹp giữa bố mẹ và con cái. Hơn nữa, nó còn chống lại sự áp lực của bố mẹ, những người không chấp nhận việc nó không chịu học hoặc vì lo sợ cho tương lai của nó hoặc muốn tỏ cho nó thấy rằng nó phải gánh lấy trách nhiệm của nó. Dưới những hoàn cảnh như thế, sự ép buộc của bố mẹ chỉ làm tăng thêm sự tranh chấp quyền hành. Chúng ta có thể giúp một đứa trẻ như vậy bằng cách giải thoát chúng ta khỏi sự tranh chấp, tìm một người dạy kèm, và nói rõ với nó rằng nếu nó không chịu học, không ai có thể làm gì được: “Điều đó tùy con, chính con tự quyết định là con có muốn học hay không?” 

Một vấn đề như thế cũng xảy ra với đứa trẻ không chịu thực tập bài học nhạc lý. Nhiều trẻ muốn chơi một nhạc cụ nhưng hy vọng làm điều đó mà không phải thực tập. Sự xen vào và áp lực của bố mẹ khiến sự thích thú về âm nhạc trở thành chán nản đáng ghét. Đây, một lần nữa chúng ta nên để ý công việc của chúng ta. 

Để ý công việc của chúng ta không có nghĩa là chúng ta bỏ lơ đứa trẻ cho nhạc cụ và thầy giáo nó. Chúng ta có thể cho nó một sự khích lệ, không phải bằng cách áp lực hoặc phê bình, nhưng là cung ứng cho nó những cơ hội, những hoàn cảnh ở đó nó có thể trình diễn cho một nhóm nhỏ khán giả gồm người lớn hoặc bạn bè của nó. Chúng ta cũng có thể xếp đặt để cho nó có dịp cùng chơi nhạc với những đứa trẻ khác. Có như vậy, việc học nhạc mới trở thành hữu dụng và không trở thành một sự thực tập đáng ghét nữa. Trong những tình cảnh như vậy, chúng ta cần ý thức cách chính xác về cái gì là công việc của đứa trẻ và hãy giao trách nhiệm đó cho nó. 

Bà mẹ và Huệ Mỹ làm ra một chương trình chi tiêu cho đứa con gái. Bà mẹ góa chồng và phải nuôi dưỡng những đứa con. Những nhu cầu của Huệ Mỹ được lưu ý. Cô được cho đủ tiền để ăn trưa, tiền xe buýt và sách vở, thỉnh thoảng đi coi phim, và những chi dùng cần thiết khác. Một ngày kia, Huệ Mỹ về nhà với người bạn thân của cô, và bà mẹ thấy rằng cả hai cô gái đều mang vòng lách mới ở tay. Bà hỏi Huệ Mỹ: “Đâu mà có vậy?” “Con để dành từ tiền chi tiêu của con.” Bà mẹ không nói gì cho tới khi người bạn nó rời khỏi đó. Bấy giờ, bà quở mắng Huệ Mỹ rằng bà làm việc vất vả để nuôi chúng, tự mình không mua sắm cho mình nhiều thứ để có số tiền đủ cho Huệ Mỹ ăn học, và bà thật là buồn khi thấy Huệ Mỹ dùng tiền của bà cho những thứ không cần thiết. 

Bà mẹ muốn kiểm soát tất cả mọi sự mà Huệ Mỹ làm ngay cả cách cô ta tiêu dùng. Khi cha mẹ cho con cái tiền, tiền đó thuộc về chúng. Điều chúng làm với số tiền đó không phải là công việc của bố mẹ. Dĩ nhiên, Huệ Mỹ dùng đồng tiền bà mẹ cho không hợp với ý muốn của bà, nhưng cô ta cũng phải hy sinh nhiều để dành dụm được số tiền như thế. Điều bà mẹ giận dữ là có phải bạn bè đã cố gắng ép nó tiêu số tiền của nó như bạn bè nó muốn? Bà mẹ cảm thấy rằng bạn nó thúc nó làm một điều mà không phải là công việc của cô ta. Thật ra, bà mẹ nên để ý đến công việc của mình và để Huệ Mỹ chi dùng tiền của cô như cô thấy là thích hợp. Trách nhiệm của bà mẹ là giữ vững số tiền cung cấp đó, và không trả thêm cho cô Huệ Mỹ nếu cô ta không khôn ngoan trong việc chi tiêu số tiền của cô. 

Dĩ nhiên, nếu chúng ta thấy con cái phát triển giá trị sai lầm, chúng ta có thể có sự thảo luận thân thiện. Tuy nhiên, điều nầy phải được làm trong cách thế không có sự phê bình, vì sự phê bình chỉ làm cho đứa trẻ càng bám chặt vào sự đánh giá của nó mà thôi. “Bố mẹ lấy làm lạ không biết con đã suy xét kỹ lưỡng chưa? Hoặc con đã suy nghĩ cẩn thận về điều đó chưa? Hoặc làm cách nào con dám tin rằng nó sẽ thành công?” Hãy cung cấp một lối mở cho sự thảo luận mà không làm cho đứa trẻ có phản ứng nổi loạn tức khắc. Điều quan trọng là trình bày tất cả những bộ mặt, cho dầu nhiều cái không được chấp nhận đối với chúng ta, vì sự khách quan thì thiết yếu đối với bất cứ sự đánh giá nào. Vậy, cùng với con cái, chúng ta có thể khám phá ra những giá trị có lợi ích lớn lao cho bây giờ và trong tương lai. 

Trang gia đình | Trang nhà


Gửi Bài - Góp Ý  - Chia Sẻ - Comments