MỘT LOẠI CHA MẸ MÀ CON CÁI CẦN TỚI


Văn Chính chuyển ngữ

Ngày hôm nay khi đã trở thành ông nội, nhìn lại thời thơ ấu và tuổi trẻ của mình, tôi nhận ra rằng mình đã có một người cha thật tuyệt vời mà mọi người con đều mong ước. Khi còn bé, thực sự tôi đã chẳng nhận ra được điều này mãi cho tới khi chính bản thân tôi phải vất vả . Khi các bậc làm cha mẹ xin tôi một lời khuyên, tôi liền nói cho họ về người cha của tôi.

Ông nội tôi là nhà thần học Eberhard Arnold, đã có lần nói rằng việc nuôi dạy con cái chính là “giúp chúng trở thành điều mà Thiên Chúa đã có trong trí của Ngài về chúng”. Nhờ qua sự chăm sóc dưỡng dục của cha tôi mà các anh chị em tôi cũng như tôi đều luôn quý mến, và tín nhiệm vào cha tôi cho tới ngày ông nhắm mắt lìa đời.

Lẽ tất nhiên mối tương quan này vẫn đặt nền trên nhiều quy tắc và lối giáo dục cũ, kể cả những lời la rầy trách mắng lớn tiếng và đôi khi cũng đầy kịch tính nữa khiến chúng tôi cảm thấy mất mặt và xấu hổ trong nhiều giờ đồng hồ và những người hàng xóm láng giềng đều có thể nghe rõ mồn một những lời la rầy của cha chúng tôi (đặc biệt những khi chúng tôi có những lời nói hay hành vi biểu tỏ sự hỗn láo với mẹ chúng tôi). Việc réo tên nhau ra mà chửi và việc chế nhạo nhau được coi là những tội nặng nề trong gia đình của chúng tôi. Giống như những đứa trẻ nam nữ ở các nơi khác, đôi khi chúng tôi hay diễu cợt những người lớn qua việc gán cho họ những biệt danh khiến họ phải chịu đựng điều đó suốt đời. Cha chúng tôi không hề chấp nhận lối diễu cợt đó. Ông rất bén nhậy trong vấn đề này, và không hề bỏ qua hay dung túng cho việc này.

Tính khí của cha chúng tôi tuy nóng nảy, nhưng cơn giận của ông không bao giờ kéo dài lâu cả. Lúc lên 8 hay 9 tuổi, đã có lần tôi khiến ông tức giận đến nỗi ông đe sẽ đánh đòn tôi. Trong khi chờ đợi roi đòn đầu tiên của ông giáng xuống, tôi ngước nhìn lên ông và trước khi nhận biết mình sẽ phải làm gì, tôi buột miệng thốt ra : “Ba ơi, con thực sự biết lỗi rồi. Ba cứ làm điều mà ba phải làm, nhưng con biết rằng ba vẫn luôn thương con”. Trước sự ngạc nhiên của tôi, cha tôi cúi xuống giang rộng đôi tay ôm lấy tôi và nói lời âu yếm phát ra tự đáy lòng ông : “Christoph con ơi, ba tha thứ cho con”. Quả thực, lời xin lỗi của tôi đã làm tiêu tan cơn giận của ông.

Sự kiện này khiến tôi nhận ra rằng cha tôi thực sự thương yêu tôi, và dạy cho tôi bài học mà suốt đời tôi chẳng thể quên được, một bài học mà nhiều năm sau này tôi vẫn luôn áp dụng cho các con cái của mình : Đừng ngại phải nói những lời thẳng thắn để sửa dạy con cái của mình, nhưng ngay lúc mà bạn nhận ra chúng biết hối lỗi, hãy tha thứ ngay và tha thứ hoàn toàn.

Trong tác phẩm Anh Em nhà Karamazov, văn hào Dostoyevsky đã viết : “ Chẳng có gì cao quý hơn, mạnh mẽ hơn và lợi ích hơn cho cuộc sống tương lai bằng những kỷ niệm tốt đẹp, đặc biệt những kỷ niệm tốt đẹp về thời thơ ấu và về gia đình mình. Người ta có thể nói cho bạn rất nhiều điều về việc giáo dục, nhưng những kỷ niệm tốt đẹp và linh thánh còn đọng lại từ thời thơ ấu, có lẽ vẫn là những kinh nghiệm giáo dục tốt đẹp nhất. Vì nếu một người chỉ có duy nhất một kỷ niệm tốt đẹp còn vương lại trong tâm hồn của mình, thì điều đó cũng có thể giúp người ấy biết tránh xa điều xấu… Còn nếu người đó vẫn mang theo mình nhiều kỷ niệm tốt đẹp như thế trong suốt cuộc sống mình, hẳn chắc người đó luôn được bảo vệ an toàn cho tới ngày cuối của cuộc đời mình”.

Gia đình chúng tôi đã di cư sang Nam Mỹ từ thế chiến thứ II, lúc đó tôi mới chỉ là một cậu bé. Tôi lớn lên trong sự nghèo khổ. Trong những năm đầu đời, tôi thường xuyên bị đói. Tuy nhiên, lúc đó cũng chẳng dễ gì mường tượng ra một thời thơ ấu nào hạnh phúc hơn. Tại sao thế ? Bởi vì cha mẹ chúng tôi luôn dành cho con cái của họ thời giờ và những sự chăm sóc thường ngày. Chẳng hạn, họ luôn dùng bữa điểm tâm với chúng tôi trước khi chúng tôi rời nhà đi tới trường vào mỗi buổi sáng, bất kể họ có bận rộn với trăm công nghìn việc đi nữa. Cha mẹ tôi đã làm thế cho tới khi đứa em gái út của chúng tôi tốt nghiệp phổ thông trung học.

Cha tôi là một mục sư tài ba và là nhà chuyên viết các đề tài tu đức. Nhưng khi trở thành một người di dân, công việc duy nhất mà ông có thể tìm được để làm là chăm sóc vườn tược trong một khu vực dành cho những người mắc bệnh phong cùi, ngoài ra chẳng còn việc gì nữa. Ông cho rằng chẳng có gì là mất thể diện khi phải làm những công việc khiêm tốn nhất, và ông đã làm một cách vui sướng. Khi lớn lên, những công việc nặng nhọc tay chân đã là một phần đời của tôi. Người ta chẳng cần phải mất công tìm kiếm những công việc đó. Trong nhiều năm trời, gia đình tôi chẳng có hệ thống nước để dùng trong nhà, chẳng có máy sưởi, chẳng có điện. Các bữa ăn được mẹ tôi nấu nướng trên các bếp lò, do đó luôn luôn cần phải bổ củi, đánh đống rơm, và xách nước. Khi tới tuổi niên thiếu, tôi thường hay kêu ca phàn nàn vì hằng hà sa số những công việc phải làm trong nhà, nhưng xem ra cha tôi chẳng biết dủ lòng xót thương gì cả. Tuy nhiên, sau này khi hồi tưởng lại, tôi phải thầm cám ơn cha tôi, vì lúc này, tôi mới thấy rằng chính thái độ của ông đã dạy cho tôi biết đặt mình vào khuôn khổ kỷ luật, biết tập trung, biết kiên trì, và có được khả năng thực thi mọi việc cần thiết cho vai trò là một người cha của tôi.

Một vài bậc cha mẹ mà tôi biết được đã không còn bắt con cái mình xách nước nữa, nhưng thực ra họ đã tự lừa dối mình khi cho rằng việc nuôi dậy con cái chẳng cần thiết phải bắt con cái của họ làm những công việc nặng nhọc. Janusz Korezak đã có lần viết : “Có những nhận thức và kinh nghiệm mà bạn chỉ có thể có được qua những đau khổ của mình, chúng thực sự rất quý giá. Hãy biết tìm ra nơi con cái mình những điều mà vẫn chưa được khám phá nơi chính con người của bạn”. Cô vợ Verena của tôi và chính tôi đã nhận được nhiều “kinh nghiệm phát sinh từ những đau khổ” trong suốt thời gian nuôi dậy con cái của chúng tôi. Giống như nhiều bậc cha mẹ khác, có vô số những điều mà chúng tôi sẽ làm cách khác nếu chúng tôi có cơ hội để thực hiện lại những điều đó một lần nữa. Đôi lúc chúng ta phải nhìn nhận rằng mình đã hành động do sự thúc đẩy của những động lực không chính đáng, lúc khác chúng ta lại cố tình nhắm mắt làm ngơ; ngày hôm nay chúng ta có vẻ quá hiền hậu mềm mỏng, ngày khác thì lại quá khắt khe cứng rắn. Lẽ tất nhiên qua đó chúng ta chúng ta cũng học được nhiều bài học cơ bản cho vai trò làm cha mẹ của mình.

Biết rằng càng khôn lớn, những lo âu của tuổi niên thiếu cũng qua đi như một giai đoạn trong cuộc sống, Thế nhưng tuổi niên thiếu cũng có những vấn đề của nó đến từ sự xung khắc với thẩm quyền của cha mẹ, và đó là điều luôn xảy ra. Tuy thế, khi sự nổi loạn này trở thành một cách sống, chúng ta không thể chỉ đơn giản là gạt bỏ nó đi. Điều gì khiến con cái chúng ta ngày hôm nay nổi loạn chống lại một cách mạnh mẽ ? và tại sao thế ? Đối với tôi, câu trả lời thật đơn giản : rất thường con cái chúng ta được dạy “phải làm như ba nói, chứ không như ba làm”.

Là một người cha trong gia đình, tôi thấy thật khó để luôn giữ được sự kiên định, nhất quán của mình. Thật dễ dàng để phán dạy nhiều điều, nhưng lại không thực hiện chúng. Trong suốt hơn 30 năm qua, tôi đã tư vấn cho hàng trăm trẻ tuổi niên thiếu, và tôi biết chúng rất nhậy cảm với những lời nói thất thường và thiêu tính nhất quán, và thậm chí chúng từ khước cả những mệnh lệnh rõ ràng của những bậc cha mẹ giả hình. Thế nhưng tôi cũng học biết rằng những vụ xô xát tồi tệ nhất trong gia đình vẫn có thể giải quyết được khi các bậc làm cha mẹ biết khiêm tốn đủ để chấp nhận rằng những sự mong đợi của họ có thể là chưa rõ ràng hoặc không đúng đắn, và hầu hết các người con cũng biết mau mắn đáp trả lại những sự mong đợi của các bậc cha mẹ. Một số kinh nghiệm bản thân cho thấy trong một số lần tôi đã phản ứng cách quá đáng, nhưng sau đó tôi đã nhận ra và xin con cái tha thứ cho tôi, và điều đó đã đưa tôi xích lại gần con cái của mình hơn.

Nói về những kinh nghiệm của mình khi còn là một cậu bé, tôi biết rằng cha tôi luôn tin tưởng vào những việc mà tôi đã làm, ngay cả nhiều lần tôi đã làm ông vỡ mộng, thất vọng. Dù sao chăng nữa, những điều đó không hề làm cho ông xa cách tôi để rồi ông tự làm lấy một mình, trái lại, ông dùng chúng như những cơ hội để gầy dựng sự gắn kết sâu xa giữa chúng tôi. Cha tôi đã từng nói với tôi một điều mà tôi luôn ghi khắc trong lòng : “Ba thà bị phản bội hằng chục lần còn hơn là sống trong sự bất tín nhiệm”. Thật thế, chẳng có gì làm các bậc cha mẹ và con cái xích lại gần nhau hơn là sự tin tưởng và trung tín như thế.

Trang gia đình | Trang nhà


Gửi Bài - Góp Ý  - Chia Sẻ - Comments