Khi 'thân cò' lặn lội nuôi con


Theo Hạ Chi

Chăm sóc và nuôi dưỡng một đứa trẻ giống như một chuyến đi biển dài ngày. Ngoài những ngày nắng đẹp, thanh bình, bạn sẽ phải đương đầu với giông tố biển khơi, sóng to, gió lớn…Khi có đủ vợ, đủ chồng, việc chăm sóc trẻ được chia đôi và có thể giảm bớt phần nào. Nhưng khi chỉ có 1 mình, nhất là làm mẹ đơn thân thì khó khăn tăng lên gấp bội…

Làm mẹ đơn thân giống như việc bạn đang chèo thuyền vượt sóng một mình giữa giông tố, sẽ rất nhiều khó khăn và bạn có thể mất lái… chính vì vậy, bạn cần học cách cân bằng và bí quyết thành công của người đi trước.

1. Hãy vui vẻ và hạnh phúc

Chắc chắn con bạn không thể sống hạnh phúc với một bà mẹ suốt ngày chỉ biết đau khổ và oán hận cuộc đời. Hãy tìm cách quên đi những hình ảnh và nguyên nhân gây ra đổ vỡ khiến bạn có những cảm xúc tiêu cực. Hãy hiểu rằng, bạn phải chịu trách nhiệm một phần với con bạn về hoàn cảnh hiện tại. Hình dung về một cuộc sống bình an, vui vẻ và sự trưởng thành, ngoan ngoãn của các con trong tương lai sẽ giúp bạn có động lực sống một cuộc sống vui vẻ.

2. Ngày mai bắt đầu từ hôm nay

Trước khi đi ngủ, bạn dành ra một chút thời gian để lên kế hoạch cho ngày hôm sau. Nhờ vậy, bạn sẽ có được giấc ngủ ngon. Buổi sáng khi thức dậy, điều đầu tiên bạn nên làm là xem lại những kế hoạch ưu tiên cho ngày mới.

3. Học chia sẻ và giúp đỡ

Bạn có thể chia sẻ với người thân những khó khăn trong giáo dục con, chính sự chia sẻ ấy có thể giúp trẻ dễ hòa nhập với xã hội hơn.

Ngoài ra, bạn cũng có thể tham gia và hội những bà mẹ đơn thân để cùng trao đổi kinh nghiệm và học cách thấu hiểu tâm lý con trẻ. Những người đồng cảnh thường dễ tâm sự và tìm ra cách giúp đỡ nhau hiệu quả hơn.

4. Cho con hòa nhập

Tích cực cho con tham gia các hoạt động xã hội, chơi thể thao… Điều này giúp trẻ sống hướng ngoại, năng động hơn, phát triển tâm sinh lý cân bằng, tránh mặc cảm.

5. Bù đắp cho con một cách thông minh

Những 'single mom' thường có ý nghĩ con mình thiệt thòi, kém may mắn hơn so với những đứa trẻ có gia đình đầy đủ cha mẹ. Vì vậy, họ luôn tìm cách bù đắp cho con cả vật chất lẫn tinh thần. Điều này dễ dẫn đến việc người mẹ nuông chiều con quá đáng. Khi đứa trẻ được cung cấp quá đầy đủ về vật chất, chúng sẽ ỷ lại và không tôn trọng công sức lao động của người mẹ. Hoặc khi người mẹ không nghiêm khắc trừng phạt những sai lầm (vì sợ làm tổn thương con) sẽ dẫn đến tình trạng trẻ phát triển lệch lạc về giá trị sống. Vì vậy, bạn cần tỉnh táo để xác định giữa ranh giới của việc bù đắp và một phương pháp giáo dục nghiêm khắc. Hãy bù đắp cho con bằng cách trở thành một người mẹ, một tấm gương mẫu mực từ lối sống tích cực và nhân cách đẹp của bạn.

Trang gia đình | Trang nhà


Gửi Bài - Góp Ý  - Chia Sẻ - Comments