THÁNH LỄ VÔ GIÁ (Kỳ 2)

Lm. Mi Trầm góp nhặt

Kỳ 1

01. Giá Trị Của Việc Rước Lễ

Một buổi sáng Chúa Nhật, 3 em bé trai da đen - cha các em còn là người lương - đến nhà nguyện của trung tâm truyền giáo Trung Phi, ở trong rừng già Châu Phi, để xin rước lễ. Trên thân hình các em còn hằn rõ nét các lằn roi. Nhà truyền giáo hỏi các em: - Ai vừa đánh các con thế? - Bé lớn nhất trả lời: Chúng con muốn đến nhà thờ để rước lễ, nhưng bố chúng con hăm dọa sẽ đánh 50 roi nếu chúng con đi. Chúng con đã chờ cho đến khi đêm xuống và lấy thuyền ra đi. Rủi thay, bố chúng con bắt gặp và đánh chúng con tàn tệ đến nỗi chảy cả máu. Tuy nhiên, chúng con muốn rước lễ với bất cứ giá nào. Vì thế, chúng con đã đến được đây. - Các con ạ, nếu tình hình căng như thế, tốt hơn là các con không nên đến! – nhà truyền giáo nói. Nhưng 1 trong 3 em đã trả lời một cách thật tuyệt diệu như sau: “Nghĩa lý gì các trận đòn roi đó, thưa Cha, cơn đau qua đi, nhưng Đức Giêsu còn ở lại !”

02. Thánh An-phong-sô ca ngợi Thánh Lễ

Thánh An-phong-sô, một vị thánh đáng kính ca ngợi thánh lễ: “Lý do nào khiến Thiên Chúa ban cho chúng ta tất cả những ân huệ? Thánh lễ là một của báu vô giá, bởi vì, tất cả những lời cầu nguyện, những việc lành của các Thiên Thần và các thánh, dù họ đầy những công trạng vinh hiển cho Chúa không tả hết được. Mặc dù việc lành của họ vô bờ bến, vẫn không thể sánh được với sự hy sinh vô bến bờ của thánh lễ. Tất cả những sự tạo dựng trên Thiên Đàng, dưới trái đất, cũng như mặt trời, mặt trăng, tinh tú, núi non, biển cả, mọi kỳ công của tạo vật, mọi người, mọi vật trên trái đất cùng các Thiên Thần, cũng không một người nào, hay bất cứ một sự gì có thể sánh được với Thiên Chúa, bởi vậy, không có việc lành nào, sự thánh thiện nào bằng một thánh lễ, vì thánh lễ là chính Thiên Chúa, chính Con Thiên Chúa làm của lễ hiến tế đền thay cho tội lỗi nhân loại.”

03. Thánh Gio-an Thánh Giá và Thánh Lễ

Thánh Gio-an Thánh Giá (John of the Cross) dâng thánh lễ với một tình yêu thành kính vô biên. Có một lần trong lúc truyền phép, mặt ngài toả ra một thứ ánh sáng làm cho những người tụ tập xung quanh bàn thờ phải sửng sốt vì thứ ánh sáng lạ thường đó. Sau thánh lễ cha bề trên hỏi ngài chuyện gì đã xảy ra, ngài trả lời: “Trong lúc truyền phép, Chúa đã hiện ra uy linh sáng chói làm cho con sợ hãi không dám tiếp tục dâng lễ.”

04. Thánh Gio-an thành Averne thấy bánh trở nên Mình Thánh

“Trong ngày Lễ Đức Bà Mông Triệu, tâm hồn ngài tràn đầy sự cảm động và sợ hãi. Ngài không tài nào tuyên xưng nổi những lời làm phép rượu và bánh. Ngài nói rồi ngưng, không sao trọn câu. Cha bề trên thấy có sự lạ bèn tiếp giúp ngài. Sở dĩ ngài không nói trọn câu vì trong lúc truyền phép, ngài thấy bánh thánh biến thành Chúa Giêsu Hài Đồng. Ngài quá vui mừng trước sự lạ đó nên không thể tiếp tục, nhưng nhờ có hai linh mục giúp đỡ nên đã hoàn tất được thánh lễ. Sau đó, ngài xuất thần trong tình mến yêu Chúa nồng nàn.

05. Thánh Tô-ma và Thánh Lễ

Thánh Thomas, một nhà thần học đã viết về những sự kỳ diệu của thánh lễ Misa nói: “Thánh lễ giúp kẻ có tội trọng được ơn ăn năn hối cải. Tội nhẹ được tha thứ. Qua thánh lễ, chúng ta sẽ được tăng thêm những ơn ích và những ơn cần thiết cho chúng ta.”

06. Ơn ích do việc dâng lễ

Bổn phận của người Công Giáo là phải đi lễ ngày Chúa Nhật. Đây là chuyện phải làm không thể lãng quên. Làm cách nào một đứa bé nghèo khổ trở thành Giám Mục rồi Hồng y và nên thánh? Peter Damian mất cả cha lẫn mẹ từ lúc mới sanh. Một trong mấy người anh lãnh đem về nhà nuôi; nhưng người anh này lại đối xử với Peter vô cùng tàn nhẫn, bắt Peter phải làm việc cực khổ, ăn uống thì thiếu thốn, quần áo thì không đủ mặc. Một ngày kia, Peter lượm được một đồng tiền. Nó tiêu biểu cho vận may của Peter. Một người bạn nói với Peter: “Anh có thể dùng nó, vì không biết ai là chủ nó mà trả lại.” Nỗi khó khăn của Peter là anh cần rất nhiều thứ vì anh không có gì cả; mặc dầu vậy, ý của Peter lại muốn dùng đồng bạc đó để làm một việc có ý nghĩa hơn: Peter muốn xin một thánh lễ cầu cho các linh hồn trong lửa luyện tội, nhất là linh hồn cha mẹ yêu dấu của anh. Đó là một sự hy sinh cao quí nhất, Peter đã lấy đồng tiền đó để xin lễ mà quên đi bản thân mình. Kể từ đó, vận mạng của Peter thay đổi một cách thấy rõ, do sự trả ơn rất lớn lao của các linh hồn cho sự hy sinh của Peter. Người anh lớn nhất của Peter tới thăm căn nhà Peter đang ở, ông rất kinh hãi khi thấy người em bé nhỏ của mình phải sống trong cảnh tàn tệ. Ông liền đem Peter về nhà nuôi nấng cho ăn học và lo lắng yêu thương như con mình. Ơn này đổ tràn trên ơn khác. Với tài năng sẵn có, Peter trở thành tiếng tăm, anh dấn thân trên con đường tận hiến và trở thành linh mục. Không bao lâu Peter được tấn phong lên hàng Giám mục rồi Hồng Y. Các phép lạ chứng minh sự thánh thiện của ngài. Bởi vậy sau khi chết, ngài được phong thánh lên hàng tiến sĩ Hội Thánh. Biết bao ơn đổ xuống cho ngài kể từ sau một thánh lễ cầu cho các linh hồn.

07. Thánh Tê-rê-xa Hài đồng Giê-su và Thánh Lễ

Ngay từ còn nhỏ, Têrêxa đã tỏ ra rất nhạy cảm đối với các thực tại của đức Tin: thích đi lễ, thích nghe giảng. Bài giảng đầu tiên em hiểu được và đã đánh động em một cách sâu xa, đó là bài nói về cuộc Thụ nạn do linh mục Ducellier giảng. Và từ đó, em hiểu được hết mọi bài giảng.

08. Giám Mục Bossuet và Thánh Lễ

Bossuet bảo: "Ở trần gian, không có gì cao quý hơn Chúa Giêsu Kitô, và trong Chúa Giêsu, không có gì cao quý hơn lễ hy sinh của Người". Các Thánh cũng đồng một lập trường: Thánh lễ khác biệt với các việc đạo đức nhỏ mọn của chúng ta, như thể một ngọn đèn dầu nhỏ xíu sánh với mặt trời.

09. Bức tranh và Thánh Lễ

Ở bên Ý, có một bức họa rất cảm động, diễn tả một linh mục đang dâng Thánh lễ. Trên đầu ngài, bốn Thiên thần bay lượn, miệng ngậm loa, sẵn sàng báo tin ngày chung thẩm cho khắp bốn phương trời. Song các ngài đợi thánh lễ đó được cử hành xong, thánh lễ cuối cùng do vị linh mục cuối cùng còn sống sót trên thế giới. Bởi vì lúc bấy giờ, cơn Chúa thịnh nộ không còn một sức nào xoa dịu, ngọn lửa báo oán sẽ tuôn xuống trần gian. Bức họa đó chẳng phải là một hình thức diễn tả linh động sức mạnh vô biên của thánh lễ như là hy lễ đền tội sao? Thánh Léonard de Port Maurice đã nói: "Nếu không có thánh lễ, thì thế giới chúng ta đã bị nghiền nát dưới sức nặng của tội ác từ lâu rồi".

10. Ai siêng năng tham dự Thánh Lễ sẽ thành công

- Thánh Gioan Kim Ngôn: Bạn ước mong gì cho mình bạn, cho linh hồn, cho thân xác? cho các công việc và cho các dự tính? "Kẻ dự lễ sốt sắng, thành công trong mọi việc, ngay ngày hôm đó."

- Thánh Philippê Nêri có thói quen cử hành Thánh lễ trước khi khởi công làm một việc quan trọng. Lúc đó, Ngài nắm chắc được thành công.

11. Các thánh và Thánh Lễ

- Cochem: "Thánh lễ cũng ban các ơn trần thế cho các tội nhân không chịu cải tà quy chính."

- Thánh Gioan Kim Ngôn: Bạn ước mong gì cho cha mẹ, bạn hữu, các ân nhân, cho Giáo Hội, cho các vị chăn chiên, cho xứ đạo, cho quê hương, cho các tội nhân, cho anh em lương dân, cho những người hấp hối? Bạn hãy xin điều đó trong Thánh Lễ. "Điều bạn không xin được khi dự lễ, bạn sẽ khó được ở một lúc khác.”

- Thánh Benađô nói: "Khi dự một thánh lễ, bạn có thể lập công nghiệp nhiều hơn người dùng cả gia tài để an ủi kẻ cơ bần, đói khát, hơn người đi hành hương đến tận cùng thế giới, và đem hết lòng sùng kính viếng thăm các đền thờ ở Roma cũng như tại Thánh địa." Bạn hãy giả thiết thiên hạ bảo bạn: "Trong nhà thờ xứ, người ta vừa mới khám phá một mỏ vàng; mỗi sáng, bạn có thể đến đấy hốt tha hồ trong vòng nửa giờ." Thử hỏi có người bổn đạo nào bỏ ngoài tai lời kêu gọi đó không? Mà, chỉ có một thánh lễ cũng có giá trị hơn tất cả vàng bạc thế gian. Người công giáo ai ai cũng biết.

12. Phép Lạ Thánh Thể ở Ma-ce-ra-ta, Ý, năm 1356

Những người Công Giáo ở Macerata nhận rằng thành phố của họ là thành phố của Bí tích Thánh Thể, vì hai lý do sau đây:

• Trước hết phép lạ Thánh Thể đã diễn ra ở đây.

• Thứ đến là một trong những thành phố đầu tiên trên thế giới tổ chức được một cộng đoàn để tôn vinh Thánh Thể. Phép lạ Macerata xẩy ra vào sáng ngày 25 tháng 4 năm 1356, khi một linh mục đang dâng thánh lễ ở nhà thờ các nữ tu Biển Đức, khi truyền phép, vị linh mục đã hồ nghi về sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu thì khi bẻ Mình Thánh, máu tươi bắt đầu chảy ra từ hai mép bánh Thánh. Ngài sợ hãi đến nỗi đôi tay run cầm cập khiến Mình Thánh Chúa từ Mình Thánh rơi ra ngoài chén Thánh, chảy xuống khăn Thánh. Sau Thánh Lễ, vị linh mục vội vã đi báo tin cho Đức Giám Mục Nicola của giáo phận Martinô. Đức Cha truyền mang khăn thánh đó về nhà thờ chính toà để khám nghiệm. Phép lạ giống như phép lạ xẩy ra Bolsana gần 100 năm trước, từ đó đã lập ra lễ Mình Thánh Chúa. Sau khi ban điều tra chứng nhận là thật, khăn có Máu Thánh được trưng bày cho giáo dân tôn kính. Mặc dầu tài liệu chính thức trong thời đó không được tìm thấy trong văn khố Macerata, song sử gia nổi tiếng là ông Ignasiô Compagnoni đã kể lại từng chi tiết phép lạ và thuật lại sự công nhận của Ủy Ban về sự chân thật của thánh tích. Những tường thuật từ thời phép lạ, cùng những tuyên bố tiếp theo sau của các Đức Giám Mục, Tổng Giám Mục, đặc biệt là Đức Hồng Y Centini năm 1622 đủ cho thấy Thánh Tích này chính xác. Những dấu máu rõ ràng trên khăn chính là máu của Chúa Giêsu Kitô. Tài liệu năm 1647 cho biết có một người tên là Oraziô Longhi, đã tặng nhà thờ một cái hộp bằng bạc và pha lê để đựng khăn thánh. Năm 1649, Đức Giám mục Silvestri đã tổ chức một cuộc rước và long trọng tôn vinh khăn thánh. Rất nhiều giáo dân trong vùng phụ cận tham dự. Thánh tích vẫn được trưng bày mãi tới năm 1807 khi vua Napoleon giải tán cộng đoàn và cấm các cuộc rước truyền thống. Thánh tích đã phải lưu giữ trong một phòng kín đàng sau bàn thờ, cả vào thời đó cũng như vào những lúc rối ren của thế kỷ 19. Tuy nhiên vào những thời điểm đó, tấm khăn vẫn được người ta nhớ đến. Tấm khăn được chứng thực bởi Đức Giám mục Zangari vào ngày 10 tháng 10 năm 1861 và bởi Đức Giám mục Galeati vào ngày 15 tháng 9 năm 1885. Năm 1932 tấm khăn thánh quí báu này đã ra khỏi nơi ẩn dấu. Sau khi xác minh lại, khăn thánh được để trong một cái khung pha lê và trưng bày thường xuyên trong nhà nguyện Thánh Thể. Kích thước khăn thánh là: dài 12,82m, rộng 4m. Như vậy lớn hơn khăn thánh ngày nay nhiều. Tuy nhiên, theo thói quen ngày xưa khi dùng thì gấp đôi lại, vì thế dấu Máu Thánh cũng in cả hai mặt. Một số nếp gấp cũng thấy rõ trong khăn: 5 nếp dọc và 7 nếp ngang. Cũng thấy rõ cả vết mốc và một vài dấu nến sáp nhỏ xuống còn để nguyên dấu vết lại. Sự chính xác của tấm vải xét qua 3 điểm: 1. Trước hết, vải được mô tả là dệt khéo léo và có màu vàng của thời gian được các nhà khoa học xác nhận có từ thế kỷ 14. 2. Thứ đến bản da viết gắn trên khăn thánh bằng nét gô-tích, mọi người am hiểu đều cho là từ thời xẩy ra phép lạ. 3. Thứ ba là dầu những văn bản không còn được giữ lại, rất nhiều thủ bản chính thức không còn được lưu giữ lại, có lẽ vì thời chiến tranh loạn lạc đã làm mất, nhưng rất nhiều thủ bản do các tác giả có thế giá thời đó đã viết và công nhận tính cách xác thực của phép lạ. Khăn Thánh phép lạ này được trưng bày trong một Nhà Nguyện mới mang tên là Nhà Nguyện Thánh Thể của Nhà thờ chính toà Macerata, đặc biệt được tôn vinh vào ngày lễ Mình Thánh Chúa và tuần bát nhật của ngày lễ. 13. Cha thánh Gio-an Vi-an-nây và Thánh Lễ - “Khi không còn Bí Tích Cực Thánh và việc yêu mến thờ phượng Mình Thánh Chúa trong các nhà thờ nữa, thì các bạn sẽ thấy người ta thờ lạy các con thú.” - *Tất cả các việc lành trên đời này hợp lại cũng không bằng thánh lễ Misa, vì các việc lành là của loài người, Thánh lễ là của Chúa. Tử đạo cũng không bằng thánh lễ Misa, vì tử đạo là hi sinh của loài người, Thánh lễ là hi sinh của Chúa Trời.”

14. Thánh Timothy và Thánh Lễ

“Thế giới này có thể bị hủy diệt từ lâu bởi tội lỗi con người nếu không có thánh lễ. Cuộc đời này không có gì có thể cho chúng ta nhiều ơn lành bằng thánh lễ.”

15. Trở lại đạo nhờ Thánh Lễ

Một kẻ chống đạo trở lại nhờ thánh lễ. Một nhóm du lịch người Anh, là những người chống đạo tới dự lễ tại nhà thờ chánh toà ở Florence. Vị chủ tế dâng thánh lễ với một tâm hồn sốt sắng. Ngài không biết có một nhóm lạ mặt đang quan sát những động tác của ngài. Vài người trong nhóm tò mò đã rời chiếc ghế tới gần cung thánh để quan sát vị chủ tế dâng thánh lễ. Đàng khác, có một người vẫn đứng đằng sau chăm chú quan sát từng cử động của ngài cho tới hết phần truyền phép. Ông đã chứng kiến một cách ngạc nhiên từng cử động của ngài, và rồi ông đã cảm động vì đức tin và niềm vui thể hiện rõ trên khuôn mặt của vị linh mục lúc dâng thánh lễ. Khi về Anh quốc, ông ta năn nỉ xin vô đạo và ông đã là một người công giáo rất đạo đức. Chúng tôi không ngần ngại nói rằng, khi những kẻ chống đối hoặc những người không có đức tin được dự thánh lễ bởi một linh mục có tâm hồn sốt mến thì họ sẽ có những ấn tượng sâu sắc về thánh lễ giống như người đàn ông trên vậy.

16. Thánh Thể cũng nuôi sống phần xác

Nhưng về phương diện thể xác, Thánh Thể cũng đã nuôi sống nhiều người không dùng đến thức ăn:

- Thánh Angèle Foligno không ăn 10 năm

- Thánh Catharina sienna, 8 năm..

- Thérèse Neumann thôi ăn uống từ khi được in năm Dấu thánh cho đến chết: từ 1926 đến 1962.

- Cha thánh Piô chỉ ăn rất ít, mỗi bữa một chút rau hoặc một miếng trái cây; nhiều khi nhịn luôn ba bốn chục ngày liền.

- Marthe Robin không ăn uống, mỗi tuần rước lễ một lần; nhiều khi chưa kịp trao, Thánh Thể đã buột tay linh mục bay đến ngay lưỡi bệnh nhân.

17. Thánh Thể chữa bệnh

Năm 1725, người vợ của ông Malafosse ở Paris mắc một chứng bệnh bất trị lâu năm. Trong một cuộc kiệu Thánh Thể, bà quì một chỗ cầu nguyện. Bỗng nhiên bà được khỏi bệnh cách lạ lùng. Cơn bệnh mà các thầy thuốc đã từ chối. Chính Voltaire cũng là nhân chứng trong vụ này. Trong tạp chí Journal de Barbier, ông đã viết: "Một phép lạ nữa xảy ra ở Paris trong lúc kiệu Thánh Thể. Phép lạ đó không thể không xác thực. Sự kiện đó đã làm tôi phải tin thật, đó là một điều ít có nơi tôi." Ta nên biết Voltaire là một nhà vô thần, chuyên môn đả kích đạo Công giáo.

18. Thánh Gius-ti-a-nô và Thánh Lễ

Thánh Laurensô Giustinianô nói: “Lưỡi loài người không thể kể hết những ơn phúc từ thánh lễ: nào là tội nhân được giao hòa với Thiên Chúa, người công chính nên công chính hơn, tội lỗi được xoá sạch, nết xấu được giảm thiểu, nhân đức và công nghiệp gia tăng, kế hoạch của ma quỷ bị bẻ gãy.”

19. Sách Giáo lý Công giáo và Thánh Lễ

- Nhờ việc cử hành Thánh Lễ, chúng ta được kết hợp với Phụng vụ trên trời và được thấy trước sự sống vĩnh cửu sẽ diễn ra khi Thiên Chúa sẽ là mọi sự trong mọi người (GLCG 1326-1330)

- Thánh lễ được gọi là Lễ Tạ ơn, vì đây là hành vi cảm tạ Thiên Chúa (eucharistia). 20. Thánh An-phong-sô và Thánh Lễ Chính Thiên Chúa cũng không thể thực hiện được một hành vi nào thánh thiện và cao quí hơn việc cử hành Thánh lễ.