Close
Free HTML5 Bootstrap Template

About Me

Francisco Assisi. Maria
Nguyễn Yên CRM

Trở Lại Trang

THẦN ĐÔ HUYỀN NHIỆM

CHƯƠNG 6

THÁNH PHAOLÔ TRỞ LẠI

Thánh Phaolô nổi danh trong Do Thái Giáo vì hai lý do. Một là bản chất ngài, hai là sự kiên trì dai dẳng ma quỉ lợi dụng chính những bản chất tự nhiên tốt lành của ngàị Thánh Phaolô tính tình rộng rãi, hào hiệp, quí phái, hảo tâm, hoạt bát, kiên cường và có nhiều nhân đức. Ngài là danh sư chuyên cần uyên bác luật Maisen, mặc dầu thực sự ngài không biết gì tới uyên nguyên luật đó như chính ngài thú nhận với ông Timôthy. Tất cả kiến thức của ngài trước đó đều chỉ có tính cách nhân thế cũng như hầu hết mọi người Do Thái khác. Thánh Phaolô chỉ hiểu luật Maisen cách thông thường bề ngoài, chứ không biết chút gì bề sâu, không được ơn Chúa soi sáng cần thiết để hiểu luật Maisen cách chính đáng, cũng không thấu triệt các huyền nhiệm trong luật đó.

 Thánh Phaolô không thể nào nhân nhượng sự khác biệt quan trọng với luật Maisen nên ngài tích cực dự phần triệt hạ tín hữu Chúa Kitô. Ngài nhìn nhận Mẹ Maria là Vị Phụ Nữ cao thượng đáng được tôn kính. Thánh Phaolô kính trọng Mẹ Maria, cùng với chút xót xa vì những đau buồn thống khổ của Mẹ, mà tính chất vĩ đại nơi những điều đó mọi người đều nhận biết. Vì thế thánh Phaolô chống lại những xúi giục vô nhân đạo và hỗn xược của ma quỉ tìm giết Mẹ Maria. Lòng thương xót Mẹ Maria đã không góp chút nào đẩy nhanh việc ngài trở lại. Ngài cũng không theo đuổi các mưu kế xảo trá chống lại các thánh Tông Đồ, mặc dầu Lucifer cố gắng làm cho việc sát hại các thánh Tông Đồ như là hành động xứng đáng của lòng can đảm. Tuy gạt bỏ ý tưởng ác độc giết Mẹ Maria và các thánh Tông Đồ, thánh Phaolô quyết định xúi giục người Do Thái đàn áp Giáo Hội, cho tới khi nào Giáo Hội bị tận diệt cùng với thánh danh Chúa Kitô. Nhưng Lucifer và đồng bọn không thể ngờ Saolê sẽ chấp nhận đức tin vào Chúa Kitô. Các biến cố đó được sự khôn ngoan vô cùng của Đấng Tối Cao an bài, ngõ hầu Satan, mù quáng vì chính những ý định ác độc quỉ quyệt, sẽ rơi vào các hố bẫy của chính nó.

 Đấng Khôn Ngoan vô cùng quyết định làm cho việc Saolê trở lại được kỳ diệu và vinh quang. Vì thế Thiên Chúa cho phép Satan, sau cuộc tử đạo của thánh Stêphanô, xúi giục Saolê đến gặp các trưởng tế với những ý kiến ác độc khủng khiếp chống lại các môn đệ Chúa Kitô đã rời khỏi Jerusalem. Saolê xin phép bắt giữ các môn đệ Chúa tại bất cứ đâu và áp giải về Jerusalem (Tđcv 9:1). Saolê dâng hiến tài sản và cả đến sinh mạng để thi hành chủ trương táo bạo nàỵ Tự túc mọi thứ, Saolê lên đường với ý định làm cho Luật Mới mà các môn đệ Người Bị Đóng Đanh rao giảng không thể thắng được Luật của tổ tiên ông ta. Hành động tự nguyện này được vị thượng tế và hội đồng cố vấn ưu ái tán thành. Họ lập tức cho Saolê ủy nhiệm thư, đặc biệt là tới Damascus, tại đây có một số môn đệ Chúa Kitô từ Jerusalem tới cư ngụ. Saolê chuẩn bị cuộc hành trình, mướn trinh sát và một số lính tháp tùng. Nhiều đoàn quân ma quỉ từ hoả ngục tới giúp Saolê trong âm mưu nàỵ Chúng hy vọng, qua sự phô trương lực lượng này và qua tay Saolê, có thể dứt điểm, hoàn toàn hủy diệt Giáo Hội bằng lửa và máu. Chúng ta tạm rời Saolê trên đường tới Damascus một lát.

 Mẹ Maria biết hết mọi việc. Các thánh Tông Đồ lo lắng thông báo Mẹ mọi điều xảy ra cho các người theo Con của Mẹ. Từ lâu trước, Chúa Cứu Thế đã cho Mẹ biết Saolê sẽ là Tông Đồ của Chúa, là một Tông Đồ rao giảng cho dân ngoại, một người lỗi lạc tuyệt vời trong Giáo Hội. Mẹ hết sức đau lòng khi thấy việc đàn áp trở nên dữ dội hơn, việc Saolê trở lại bị diên trì, các môn đệ Chúa Kitô vì không biết được thánh ý Chúa nhiệm mầu, đã bị đau khổ và phần nào thoái chí trước cơn cuồng nộ và cuộc đàn áp dai dẳng của Saolê. Vì biết việc này hết sức nghiêm trọng, Mẹ kiên trì tha thiết cầu nguyện cho hạnh phúc của Giáo Hội và cho Saolê trở lại.

 Chúa Cứu Thế hiện ra với Mẹ và nói: “Hiền Mẫu của Con, Đấng được tuyển chọn giữa toàn thể mọi thụ tạo, bây giờ điều Mẹ ước nguyện được chu toàn không chút chần chừ. Con sẽ làm cho Saolê như Mẹ xin. Con sẽ cải đổi Saolê, để từ giây phút này trở đi Saolê sẽ là người phòng vệ Giáo Hội (mà) nó đàn áp, rao giảng thánh danh và vinh quang của Con. Ngay bây giờ Con tiến hành việc thâu nhận Saolê vào hàng ngũ bằng hữu và ân sủng của Con.”

 Khi Saolê đang trên đường tới gần Damascus, Chúa hiện ra với ông trong đám mây rực rỡ. Đồng thời Saolê được ngụp lặn trong ánh sáng siêu nhiên cả trong ngoài, trái tim và ngũ quan bị áp đảo vô phương kháng cự (Tđcv 9:4). Thình lình Saolê từ trên ngựa ngã nhào xuống đất, đồng thời nghe tiếng từ trên cao phán: “Saolê, Saolê, tại sao con đàn áp Ta?” Quá sức sợ hãi và kinh ngạc, Saolê đáp lời: “Lạy Ngài, Ngài là Aỉ? Tiếng trả lời: “Ta là Giêsu mà con đàn áp hành hạ. Thiệt là khốn cho con đạp chân vào mũi nhọn quyền năng của Ta.”  Saolê, sợ hãi run rẩy hơn nữa, đáp lời: “Lạy Chúa, Chúa truyền điều gì và Chúa muốn con làm gì?” Những người đi theo Saolê nghe các lời vấn đáp này, mặc dầu chúng không nhìn thấy Chúa Cứu Thế. Chúng thấy ánh sáng rực rỡ vây bọc Saolê và tất cả những người đó sợ hãi kinh ngạc trước biến cố thình lình bất ngờ này đến độ chúng chết ngất đi một lúc.

 Việc kỳ lạ này, vượt qua hết mọi điều lạ lùng đã từng thấy trên trần gian, vĩ đại hơn và vượt quá khả năng ghi nhận của loài người. Saolê không những chỉ phủ phục về thân xác, bị mù và mất đi toàn lực đến độ, nếu quyền năng Thiên Chúa không duy trì cho, hẳn Saolê đã chết ngay tức khắc. Nội tâm Saolê còn phải chịu đau khổ hơn vì chuyển đổi chẳng khác gì từ bóng tối ra ánh sáng, từ đất thấp hèn nhất lên tới tầng trời cao. Saolê thay đổi từ hình ảnh ma quỉ trở thành hình ảnh thiên thần sốt mến Seraphim thượng đẳng. Cuộc chiến thắng này đánh bại Lucifer và ma quỉ được đặc biệt dành cho Sự Khôn Ngoan và Quyền Uy Vô Cùng của Thiên Chúa. Việc này xảy ra chỉ trong khoảnh khắc như khi Lucifer vì kiêu ngạo đã từ một thiên thần đổi thành quỉ, quyền năng Chúa Cứu Thế đã làm cho Saolê từ một tên quỉ trở nên thiên thần trong ân sủng. Sự đẹp đẽ tột đỉnh của bản chất thiên thần nơi Lucifer và các phản thần trở nên xấu xa tột cùng; còn tính ngoan cố của loài người trở nên sự trọn hảo lành thánh cao độ nhất nơi Phaolô. Lucifer, kẻ thù của Thiên Chúa, đã rơi từ thiên đàng xuống đáy hỏa ngục, và một người, là bằng hữu của Thiên Chúa, đã từ đất lên tới trời cao.

 Trong khi thánh Phaolô sấp mình trên đất, ngài được đổi mới hoàn toàn nhờ ơn thánh hoá cùng với các đặc ân khác, được phục hồi, soi sáng cách thích nghi mọi quan năng; ngài được chuẩn bị để được đưa lên tầng trời thứ ba. Chính thánh Phaolô nhìn nhận: không biết ngài được đưa cả thể xác hoặc chỉ có linh hồn lên thiên cung (2 Cor. 12:4). Nhưng tại đây, mặc dầu chỉ trong khoảnh khắc, ngài thấy Thiên Chúa bằng trực quan rõ ràng. Ngoài việc nhận biết Thiên Chúa, các bản tính vô cùng trọn hảo của Chúa, thánh Phaolô nhận biết mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể, Ơn Cứu Chuộc, mọi mầu nhiệm thuộc về luật ân sủng và Giáo Hội. Thánh Phaolô nhận thấy ân sủng vô song cho lòng nhiệt thành của ngài và lời thánh Stêphanô cầu nguyện cho ngài. Ngài được cho thấy còn rõ ràng hơn nữa các lời Mẹ Maria cầu nguyện mà việc ngài trở lại được tiến hành mau lẹ. Thánh Phaolô nhận biết rằng sau Chúa Kitô, các công nghiệp Mẹ Maria làm cho ngài đáng được Thiên Chúa chấp nhận. Từ giờ phút đó trở đi ngài được lòng hiếu thảo tôn kính tận hiến đối với Đức Hiền Mẫu Chúa Kitô. Đồng thời ngài nhìn nhận rõ nhiệm vụ Tông Đồ ngài được kêu gọi thi hành, và với nhiệm vụ đó ngài sẽ phải vất vả khổ cực cho tới chết. Cùng với các mầu nhiệm này thánh Phaolô còn được cho biết nhiều điều khác nữa (mà ngài nói) không thể tiết lộ (2 Cor. 7:4). Thánh Phaolô tận hiến làm hy lễ theo thánh ý Thiên Chúa trong mọi sự, như về sau được biểu lộ trong suốt cuộc đời ngài. Thiên Chúa Ba Ngôi cực thánh chấp nhận hiến lễ này do thánh Phaolô dâng lên, và trước triều đình thiên đàng, đã nêu danh chỉ định thánh Phaolô làm nhà giảng thuyết, là thầy dạy dân ngoại, là công cụ được tuyển chọn để đem thánh danh Thiên Chúa tới khắp thế giới.

      Vào ngày thứ ba sau khi thánh Phaolô bị mù mắt và trở lại, Chúa nói qua thị kiến với một trong các môn đệ, ông Ananias, sinh sống tại Damascus (Tđcv 9:10). Chúa gọi đích danh Ananias, bảo ông tới nhà một người tên Juđa ở một khu vực trong thành Damascus tìm Saolê thành Tarsus, ông sẽ thấy Saolê đang chìm đắm cầu nguyện. Đồng thời Saolê cũng được thị kiến, thấy và nhận ra môn đệ Ananias tới đặt tay trên đầu để làm cho ông sáng mắt lại. Ananias không biết gì về thị kiến này của Saolê. Vì thế ông nói với Chúa: “Lạy Chúa, con nghe nói người này đã bách hại các thánh tại Jerusalem; người đó bây giờ tới đây với uỷ nhiệm của các thượng tế để bắt bất cứ ai tuyên xưng thánh danh Chúa. Chúa phái một con chiên hiền lành như con đi tìm sói dữ vốn từng muốn cắn xé con chiên đó sao?” Chúa đáp: “Con cứ đi đi, người mà con cho là kẻ thù của Ta đó lại là công cụ được tuyển chọn để đem thánh danh Ta tới cho mọi dân tộc, mọi quốc gia, và cho con cái Israel. Ta sẽ để cho người đó phải chịu đau khổ vì Danh Ta.” Môn đệ Ananias khi đó được Chúa cho biết mọi việc xảy ra.

 Ông Ananias lập tức đi tới nơi Saolê đang ở, thấy Saolê đang cầu nguyện, ông Ananias nói: “Huynh đệ Saolê, Chúa Giêsu Chúa chúng ta, Người hiện ra với huynh đệ trên đường, phái tôi tới đây để huynh đệ được sáng mắt và được ơn Chúa Thánh Thần.” Ananias cho Saolê rước Thánh Thể Chúa Kitô. Được làm cho mạnh sức và sáng mắt, Saolê tạ ân Đấng ban mọi đặc ân này. Kế đó Saolê dùng chút thực phẩm sau ba ngày ròng rã không ăn không uống. Saolê ở lại Damacus ít lâu, thảo luận và truyện trò với các môn đệ tại đó. Saolê quì nơi chân các môn đệ tại Damacus, xin mọi người tha lỗi, xin nhận ông là tôi tớ và huynh đệ. Được mọi người nhìn nhận và khuyến khích, Saolê công khai rao giảng Đức Kitô là Đấng Thiên Sai, là Chúa Cứu Thế của toàn thể nhân loại; ngài làm cho những người Do Thái không tin (Chúa Giêsu) tại nhiều hội đường ở Damacus lúng túng bối rối. Mọi người đều ngỡ ngàng trước sự thay đổi bất ngờ này và, hết sức lạ lùng, họ nói: Không phải đây là người đã bách hại đốt cháy và đâm chém những người tuyên xưng Danh Đức Kitô tại Jerusalem saỏ Không phải ông ta tới đây để bắt giải nộp những người đó cho các trưởng tế ở Jerusalem sao? Sự thay đổi lạ lùng chúng ta thấy nơi ông ta là gì?

 Bây giờ chúng ta trở lại với Mẹ Maria. Qua thị kiến Mẹ biết mọi việc xảy ra cho Saolê: tình trạng đầu tiên và khốn nạn nhất của trí khôn ngài, lòng cuồng nộ chống lại thánh danh Chúa Kitô, nguyên do và việc Saolê bất thình lình bị ném xuống đất, việc ngài trở lại, nhất là việc ngài được nâng cách lạ lùng và ngoại lệ lên thiên đàng thị kiến Thiên Chúa. Mẹ Maria cảm tạ Đấng Toàn Năng về đặc ân cao cả này.

 LỜI MẸ MARIA

 

 Con của Mẹ, không một tín hữu nào được quên sự kiện là đáng lẽ ra Thiên Chúa đã kéo và làm cho thánh Phaolô trở lại mà không cần đến những phép lạ của quyền năng vô cùng như thế. Thiên Chúa dùng các phép lạ đó để cho nhân loại thấy lòng nhân từ khoan dung Chúa hướng về tha thứ, nâng họ lên hàng bằng hữu, cho họ được ân nghĩa Chúa. Cũng do gương sáng của vị đại thánh Tông Đồ này, Chúa dạy họ phải cộng tác, đáp ứng các lời Chúa kêu gọi. Chúa thức tỉnh nhiều linh hồn, khuyến giục họ tiến tới do ơn soi sáng thúc đẩy và trợ giúp. Nhiều linh hồn đáp ứng và làm cho mình được ngay chính nhờ các Nhiệm Tích của Giáo Hội. Nhưng không phải tất cả đều kiên trì trong ơn nghĩa Chúa. Số người theo đuổi phấn đấu tiến tới trọn lành còn ít hơn nữa. Nhiều người bắt đầu hăng say, rồi xả hơi và chấm dứt trong sa ngã. Nguyên do việc họ thiếu lòng kiên trung bền đỗ trong ân nghĩa với Chúa, lại sa ngã phạm tội là vì họ không bắt chước tinh thần thánh Phaolô trong việc trở lại của ngài, khi ngài kêu lên: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì, con sẽ làm gì cho Chúa?” Có một số người kêu lên lời này, nhưng không phải với trót tâm can họ. Họ vẫn giữ lại phần nào tình yêu đối với chính mình, danh dự, của cải sở hữu, khoái lạc nhục thể và cơ hội nào đó của tội lỗi, vì thế họ lại sớm lầm lỡ vấp phạm rồi ngã gục.

 Thánh Tông Đồ Phaolô là gương sáng đích thực của một người ăn năn trở lại nhờ ánh sáng ân sủng. Ngài hết lòng tích cực cộng tác với ơn gọi. Việc thánh Phaolô hoàn toàn từ bỏ mình, qui phục thánh ý Chúa, gồm trong những lời này: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?” Thánh Phaolô nói lên những lời đó với tất cả lòng chân thành của con tim thống hối khiêm tốn. Ngài khước từ ý riêng, đặt mình tuân theo thánh ý Chúa. Ngài sẵn sàng hiến thân phụng sự Chúa theo mọi cách và phương hướng mà thánh ý Chúa chỉ dạỵ Thiên Chúa tìm kiếm các bí mật nơi trái tim người ta. Chúa nhìn thấy lòng chân thành mà thánh Phaolô đáp ứng lời Chúa gọi, vâng phục thánh ý Chúa an bài. Chúa không những chỉ rất hài lòng đón nhận thánh Phaolô, mà còn gia tăng thêm quá sức dồi dào ân sủng, muôn đặc ân và những ưu ái lạ lùng cho ngài. Thánh Phaolô hẳn đã chẳng bao giờ nhận được, cũng chẳng bao giờ xứng đáng hưởng các đặc ân này, nếu ngài không hoàn toàn tuân theo thánh ý Chúa.

 Con của Mẹ, Mẹ muốn con theo đúng những sự thực này, thi hành trọn vẹn các điều Mẹ thường nhắc đi nhắc lại là con phải quên đi mọi thứ hữu hình, hào nhoáng giả dối. Con hãy năng nhắc lại bằng trái tim hơn bằng môi miệng những lời thánh Phaolô: “Lạy Chúa, Chúa muốn (dùng) con làm gì?” Vì ngay khi con bắt đầu làm việc gì theo ý mình, con không còn thực sự chỉ tìm thánh ý Chúạ Công cụ không cử động hoặc hành động được gì trừ phi được người tạo ra nó tác động. Nếu công cụ có được ý riêng của nó, hẳn nó có thể cưỡng lại và hành động trái với ý người sử dụng nó. Điều đó thực đúng giữa Thiên Chúa và linh hồn nhân loại: nếu linh hồn thỏa mãn bất cứ ước nguyện nào của nó biệt lập đối với thánh ý Chúa, nó đối nghịch với Chúa. Thiên Chúa không xâm phạm quyền tự do hành động được ban cho nhân loại. Chúa sẽ để cho quyền tự do của người ta dẫn đưa người ta đi lạc đường ngay khi người ta tự quyết định cho mình mà không theo sự hướng dẫn của Đấng Tạo Thành.