Sau 3 Chúa Nhật liền ngay sau Mùa Phục Sinh: CN Hiện Xuống, CN Ba Ngôi và CN Thánh Thể,
Giáo Hội dẫn chúng ta từ từ, qua các CN tiếp theo sau đó cho đến CN 34 Lễ Chúa Kitô Vua,
tiến theo chiều hướng của Mầu Nhiệm Cánh Chung, một mầu nhiệm đã được bắt đầu từ Mầu Nhiệm Nhập Thể:
"khi đến thời gian viên trọn, Thiên Chúa đã sai Con Ngài đến..." (Galata 4:4),
"vào những ngày sau hết này, Thiên Chúa nói với chúng ta qua Người Con" (Do Thái 1:1).
Nếu "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14) mở đầu cho Mầu Nhiệm Cánh Chung
thì Người cũng kết thúc Mầu Nhiệm Cánh Chung khi Người tái giáng với tư cách là Chúa Tể, là Vua,
Đấng "được toàn quyền trên trời dưới đất" (Mathêu 28:18) ngay từ Mầu Nhiệm Vượt Qua của Người.
Bởi thế, Mùa Thường Niên sau Mùa Phục Sinh là thời điểm truyền giáo của Giáo Hội (xem Mathêu 28:19-20),
thời điểm Giáo Hội là "mầm mống và khởi nguyên của Nước Thiên Chúa" trên trần gian này (xem Lumen Gentium 5),
như một hạt cải nhỏ bé nhất, theo đà lịch sử, trở thành một cây vĩ đại cho phần rỗi muôn dân (xem Mathêu 13:31-32).
Theo chiều hướng chứng nhân truyền giáo của Giáo Hội cho Nước Thiên Chúa trị đến trên thế gian của Mầu Nhiệm Cánh Chung,
chúng ta tiếp tục cử hành PVLC Tuần XI Thường Niên, bao gồm các thánh trong tuần, ở những cái links sau đây:
Suy Niệm Cảm Nghiệm
Căn cứ vào Bài Phúc Âm của Thánh Mathêu hôm nay, chúng ta thấy mấy điểm có thể được suy diễn sau đây: 1- Thánh Mathêu có lẽ là người môn đệ cuối cùng trong số các vị tông đồ, bởi biến cố ngài được chọn ở gần đầu đoạn 9, còn Phúc Âm hôm nay về việc Chúa Giêsu tuyển chọn 12 tông đồ và sai các vị ra đi lại bắt đầu ở cuối đoạn 9 của bài Phúc Âm hôm nay; 2- Vậy khi Chúa Giêsu bắt đầu công bố và loan báo Hiến Chương Nước Trời là Bài Giảng Phúc Đức Trọn Lành Trên Núi, bao gồm 3 đoạn 5-6-7, bấy giờ chưa có tông đồ Mathêu, trong khi đó Hiến Chương Nước Trời được Chúa Giêsu loan truyền cho riêng các môn đệ của Người, như để sửa soạn hành trang truyền giáo của các vị tông đồ sẽ được Người chọn làm tông đồ, để trở thành chứng nhân tiên khởi của Người, và nhờ đó trở thành nền tảng cho Giáo Hội của Người.
Đọc bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta có cảm tưởng là lý do chính yếu các tông đồ được Chúa Giêsu chọn làm 12 vị tông đồ của Người xuất phát từ cảm xúc của Người đã "động lòng thương" dân chúng "vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn", nghĩa là cần phải đáp ứng nhu cầu cần có người chăn của họ, là chính thành phần "thợ gặt", nên sau đó Người đã khuyên các môn đệ nói chung rằng: "Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa". Chẳng những thế, chẳng những các môn đệ phải cầu xin mà còn phải đích thân dấn thân làm "thợ gặt" nữa, khi được chọn và sai đi.
Đúng thế, các tông đồ được chọn, trước hết và trên hết, là để được sai đi đến với nhân loại, đúng như ý nghĩa của danh xưng "tông đồ", về ngôn ngữ theo tiếng Hy Lạp, là được sai đi. Không phải hay sao, sau khi chọn 12 trong số các môn đệ của mình, trong đó có cả người môn đệ tên là Mathias, vị sau này được chọn thay cho tông đồ Giuđa, Chúa Giêsu đã sai các vị lên đường liền. Thành phần 12 tông đồ này, so với vai trò của chung các môn đệ, có thể nói, là thành phần môn đệ full time, lúc nào cũng theo Thày, cũng ở với Người, nhờ đó mới tận mắt chứng kiến các việc Người làm, và tai các vị mới nghe thấy hết các giáo huấn của Người, Đấng huấn luyện riêng các vị, để nhờ thấm nhuần Người, các vị mới có thể làm chứng về Người. Bằng không, các vị không đủ kiến thức và cảm nghiệm về Người để mà làm chứng như Người mong muốn.
Tông Đồ đoàn 12 vị được Chúa Giêsu cố ý tuyển chọn chỉ bằng ấy thôi, không hơn không kém ấy, là để các vị lãnh đạo một dân mới, dân Tân Ước, một dân bao trùm toàn thể nhân loại, trong đó có cả dân Do Thái Cựu Ước, xuất phát từ 12 tổ phụ làm nên dân tộc Do Thái, dân được Thiên Chúa chọn để tỏ mình ra trong suốt giòng lịch sử cứu độ của họ, cho đến tột đỉnh của mạc khải thần linh là khi Con Ngài nhập thể làm người và vượt qua, một Ơn Cứu Độ vô cùng cao quí cần phải được ký thác cho Giáo Hội của Chúa Kitô, và qua Giáo Hội, ban cho nhân loại cho đến tận thế, bởi các thành phần tư tế thừa tác, từ 12 vị tông đồ đến các vị thừa kế, những vị có thẩm quyền phục vụ Giáo Hội, ở chỗ quản trị, giảng dạy và thánh hóa.
Tuy nhiên, vai trò thừa tác của các vị có thẩm quyền này, trước hết và trên hết, có liên quan mật thiết bất khả phân ly với bản thân của các vị, trong sứ vụ làm chứng của các vị, như trong chính lệnh treuỳ6n phục sinh của Chúa Kitô: "Thày được toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy các con hãy đi tuyển mộ môn đồ nơi tất cả mọi dân nước, và rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, rối giảng dạy cho họ những gì Thày đã truyền cho các con" (Mathêu 28:18-20). Nơi lệnh truyền phục sinh này, chúng ta thấy bao gồm sứ vụ chứng nhân trước vai trò thừa tác: chứng nhân cần phải tỏ hiện trước, để nhờ đó, họ mới có thể làm cho thế gian nhận biết Chúa Kitô, sau đó mới tới vai trò thừa tác, trong việc họ thánh hóa và giảng dạy cho những ai "tin và chịu phép rửa" (Marco 16:16).
Như thế, sứ vụ truyền giáo đích thực của 12 vị tông đồ chỉ được chính thức hóa theo Lệnh Truyền Phục Sinh của Chúa Kitô, nhưng chỉ được bắt đầu sau biến cố Thánh Thần Hiện Xuống vào Ngày Lễ Ngũ Tuần ở Giáo Đô Giêrusalem của Do Thái giáo, nơi Chúa Kitô Vượt Qua và Thăng Thiên, như thể Kitô giáo xuất thân từ Do Thái giáo, nhưng để kiện toàn Do Thái giáo, và như mạc khải Cựu Ước được nên trọn nơi mạc khải Tân Ước, nơi Chúa Kitô là tất cả mạc khải thần linh của Thiên Chúa và về Thiên Chúa, "Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại" (1Timotheu 2:5), và chính vì thế mà: "Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ." (Tông Vụ 4:12).
Nếu sứ vụ làm chứng của 12 vị tông đồ được Chúa Kitô tuyển chọn trong bài Phúc Âm hôm nay chỉ xẩy ra sau Lệnh Truyền Phục Sinh và Thánh Thần Hiện Xuống, thì việc Chúa Kitô sai các vị đây, ngay sau khi tuyển chọn các vị, không phải là để các vị làm chứng, mà là để các vị "đi gặt lúa" thôi, một ruộng lúa đã chín và đã tới mùa gặt, rất cần đến thợ gặt như các vị, đó là chính dân Do Thái là thành phần như lúa đã chín, nghĩa là đã tin vào Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất, vị "Thiên Chúa của Abraham, của Issac và của Giacóp" (Xuất Hành 3:15), Đấng đã tỏ mình ra cho họ dọc suốt giòng lịch sử của họ, giờ đây, họ chỉ cần tiếp tục tin vào Ngài nơi Con của Ngài là nhân vật lịch sử Giêsu Nazarét đã được Thánh Kinh Cựu Ước tiên báo "sinh bởi một trinh nữ" (Isaia 7:14 - Mathêu 1:20-23), sinh từ giòng dõi Đavít (2Samuel 7:12-16 - Luca 1:31-33), và sinh "tại Belem Xứ Giuđa" (Mica 5:1 - Luca 2:4-7).
Ngoài ra, "lúa chín" đây còn ám chỉ là dân Do Thái chẳng những tin vào Thiên Chúa, và cũng chính vì tin vào Ngài, Đấng luôn sai một vị cứu tinh đến với họ trong những lúc họ bị làm tôi cho quyền lực ngoại bang, như họ đang bị đế quốc Roma đô hộ, rất cần đến một Đấng Thiên Sai, một Messiah để giải phóng họ. Tuy nhiên, họ vừa là "lúa chín đầy đồng" đồng thời cũng lại là "những con chiên lạc nhà Israel", bởi khi Đấng Thiên Sai thực sự đến với họ, thì họ chẳng những không tiếp nhận Người, trái lại, còn ra tay sát hại Người nữa.
Đó là lý do các vị tông đồ, trước khi lên đường, được Chúa Giêsu dặn dò rằng: "Các con đừng đi về phía dân ngoại, và đừng vào thành các người Samaritanô. Nhưng tốt hơn, các con hãy đi đến cùng chiên lạc của nhà Israel trước đã, và rao giảng rằng: 'Nước Trời đã đến gần'". Có nghĩa là đối tượng và mục tiêu quí vị nhắm tới trong lần ra đi đầu tiên này, lúc Chúa Kitô vẫn còn ở với các vị, đó là chính dân Do Thái, chứ không phải dân ngoại, như sau này. Và các vị "gặt" lúa đây, bằng cách dọn đường cho Chúa Kitô đến. Như thế, lần được sai đi đầu tiên này là các vị đi trước Chúa Kitô, và lần sau khi Chúa Kitô Phục Sinh và Thăng Thiên là các vị đi sau Chúa Kitô, các vị cùng với Thánh Linh tiếp tục sứ vụ của Chúa Kitô và hoàn tất sứ vụ của Người "cho đến tận cùng trái đất" (Tông Vụ 1:8).
Nếu sau khi "lãnh nhận được quyền lực từ trên cao khi Thánh Thần hiện xuống" (Tông Vụ 1:8), các tông đồ rao giảng tin mừng là Nước Trời đã đến, có nghĩa là Ơn Cứu Độ nơi Chúa Kitô Vượt Qua đã được hoàn tất thế nào, thì lần được sai đi trước Chúa Kitô trong bài Phúc Âm hôm nay để đến với "con chiên lạc nhà Israel" này, các vị mới cần phải loan báo sứ điệp tin mừng "Nước Trời đã đến gần", tức "Nước Trời" chưa đến, đúng hơn "đã đến" nơi việc Nhập Thể của Con Thiên Chúa làm người, và vì thế đã "gần đến hay đến gần" khi tới giờ của Người sắp sửa tới, một "Nước Trời" là tất cả mạc khải thần linh của Thiên Chúa được hoàn toàn tỏ hiện nơi Chúa Kitô Vượt Qua, nhưng họ cần phải tin vào Người mới được thừa hưởng "Nước Trời" này, một "Nước Trời" mà mảnh "Đất Hứa" Thiên Chúa ban cho họ, nơi "chảy sữa và mật" (Xuất Hành 3:8,3:17,13:5,33:3...), ám chỉ "sự sống và sự sống viên mãn" (Gioan 10:10), Thiên Chúa muốn ban cho chung loài người, qua Giáo Hội Chúa Kitô.
Sở dĩ Chúa Kitô gọi họ là "con chiên lạc nhà Israel" là vì họ có một quá khứ liên lỉ bất trung với Thiên Chúa của họ, vẫn cứ bỏ Chúa mà đi thờ tà thần như dân ngoại, và ngoại tình với đủ mọi thứ ngẫu tượng bò vàng của họ, là những gì Thiên Chúa đã cứ phải liên tục sai các ngôn sứ của Ngài đến nhắc nhở họ và kêu gọi họ quay về với Ngài. Bài Đọc 2 hôm nay cũng cho chúng ta thấy điều này, khi Moisen, trong Sách Xuất Hành, đã cảnh báo họ như sau: "Nếu các ngươi nghe lời Ta và giữ giao ước Ta, thì các ngươi sẽ là sở hữu của Ta được tách biệt khỏi mọi dân, vì cả trái đất là của Ta. Ðối với Ta, các ngươi sẽ là một vương quốc tư tế, một dân tộc hiến thánh". Nhưng họ cứ tỏ ra họ là những "chiên lạc nhà Israel", ở chỗ họ đã không "nghe lời" Chúa và đã không "giữ giao ước" của Chúa, nên họ khó có thể nhận biết Đấng Thiên Sai được Thiên Chúa sai đến với họ, và vì thế họ cần phải được các vị tông đồ, cũng là đồng hương của họ, nhận biết Người, nói về Người cho họ biết, để nhờ đó họ dễ dàng nhận biết Người hơn, và đón nhận Người hơn, như Đấng Thiên Sai họ hằng chờ mong.
Đối với dân Tân Ước thì quả thực "Nước Trời" đã đến rồi, nhờ đó, họ mới được hưởng Ơn Cứu Độ, một Ơn Cứu Độ do bởi, như Thánh Phaolô viết cho Kitô hữu Roma ở Bài Đọc 2 hôm nay: "Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta, nghĩa là trong lúc chúng ta còn là tội nhân, thì theo kỳ hẹn, Chúa Kitô đã chết vì chúng ta".
Ơn Cứu Độ Kitô hữu chúng ta được thừa hưởng một cách nhưng không đây, chính là Ơn Giao Hòa, mà Thiên Chúa đóng vai chính, đóng vai chủ động, một vị Thiên Chúa bị chính loài người tạo vật xúc phạm đến Ngài, nhưng chính Ngài lại đến, qua Con Một của Ngài là Chúa Giêsu Kitô Vượt Qua, để làm hòa với phạm nhân loài người chúng ta, như Thánh Phaolô nhắc nhở Kitô hữu Roma trong cùng Bài Đọc 2 hôm nay: "Nếu khi chúng ta còn là thù nghịch, mà chúng ta đã được giao hoà cùng Thiên Chúa nhờ cái chết của Con Ngài, thì huống chi khi đã được giao hoà, ắt chúng ta sẽ được cứu độ trong sự sống của chính Chúa Kitô, và không những thế, chúng ta còn được vinh hiển trong Thiên Chúa nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, nhờ Người mà bây giờ chúng ta được lãnh ơn giao hoà.
Và đó là lý do Bài Đáp Ca hôm nay, được trích từ Thánh Vịnh 99, đã được Giáo Hội chọn đọc cho ngày Chúa Nhật XI Năm A này, bởi vì trong đó chất chứa tất cả những gì về thành phần dân được Thiên Chúa hết sức thương yêu chăm sóc:
1) Hãy phụng sự Chúa với niềm vui vẻ, hãy vào trước thiên nhan với lòng hân hoan khoái trá.
2) Hãy biết rằng Chúa là Thiên Chúa, chính Người đã tạo tác thân ta, và ta thuộc quyền sở hữu của Người; ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi.
3) Vì chưng Chúa thiện hảo, lòng từ bi Người tồn tại muôn đời, và lòng trung tín còn tới muôn muôn thế hệ.