Chủ đề sự sống thần linh từ Mùa Phục Sinh vẫn còn tiếp tục kéo dài sang 3 Chúa Nhật đầu tiên của Mùa Thường Niên sau Mùa Phục Sinh,
đó là Chúa Nhật Hiện Xuống, Chúa Nhật Chúa Ba Ngôi và Chúa Nhật Mình Máu Thánh Chúa.
Lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu được Giáo Hội thiết lập theo mạc khải tư từ Chị Thánh Julian người Bỉ
và sau khi Phép lạ Thánh Thể xẩy ra năm 1263 ở Bolsena Ý quốc.
Phép Lạ Thánh Thể năm 1263 này xẩy ra như thể đã xác nhận những thị kiến Chị Thánh nữ tu thần bí Juliana ở Bỉ (1193-1258),
một thị kiến nhân đã được Chúa cho thấy về một vầng trăng bị khuyết, để chị xin Giáo Hội thiết lập Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô.
Cuối cùng chị đã thuyết phục được vị giám mục sau này là Đức Giáo Hoàng Urbanô IV thực hiện sau khi chị qua đời ít lâu,
và chính ngài là người đầu tiên cử hành lễ này ở Orvieto năm 1264, tức một năm sau Phép Lạ Thánh Thể...
Nếu Chúa Giêsu Kitô vẫn còn ở cùng Giáo Hội cho đến tận thế (xem Mathêu 28:20),
nhất là qua vai trò của Đấng kế vị Thánh Phêrô và đại diện cho Người trên trần gian này,
cũng như qua các Bí Tích Thánh, đặc biệt nhất là nơi Bí Tích Thánh Thể,
thì Người vẫn tiếp tục Vượt Qua chẳng những trên bàn thờ, chẳng như khi Giáo Hội Cử Hành Thánh Thể (Eucharistic Celebration) là Thánh Lễ,
mà còn nơi lịch sử của loài người nữa, một lịch sử đầy những sự dữ chưa từng thấy, đã được LTXC biến thành Lịch Sử Cứu Độ cho đến tận thế.
Với "niềm vui và hy vọng" vào LTXC khi cử hành Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô vào Chúa Nhật này,
và cả Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu vào Thứ Sáu trong tuần, cùng với Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria Đồng Công Thương Xót vào Thứ Bảy hôm sau,
chúng ta hãy theo dõi PVLC cho cả Tuần Lễ X Thường Niên bao gồm cả 3 Thánh Lễ đặc biệt trên đây, ở những cái links dưới đây:
Phụng Vụ Lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu Năm A
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
DẪN NHẬP
Lễ Mình Thánh và Máu Thánh Chúa Kitô (Corpus Christi theo tiếng Latinh), theo chiều hướng canh tân phụng vụ từ Công Đồng Chung Vaticanô II, đã được Giáo Hội sắp xếp vào thời điểm Thứ Năm sau Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi, nhưng thường chỉ có ở Tòa Thánh Rôma và trong các dòng tu mới cử hành đúng ngày, còn các giáo phận trên thế giới mừng Lễ Trọng này vào Chúa Nhật sau đó để giáo dân có thể tham dự một cách đông đảo vào mầu nhiệm yêu thương của Mình Máu Thánh Chúa Giêsu này. Ngoài ra, Giáo Hội còn có truyền thống Kiệu Thánh Thể vào ngày Lễ Trọng Mình Máu Thánh Chúa này nữa, do chính Đức Thánh Cha chủ sự, từ Đền Thờ Thánh Gioan Laterano đến Đền Thờ Đức Bà Cả cách nhau không bao xa, và cuộc Kiệu Thánh Thể được kết thúc bằng Phép Lành Thánh Thể.
Lễ Mình Thánh và Máu Thánh Chúa Kitô là một trong ba lễ trọng được Giáo Hội chính thức thiết lập căn cứ vào mạc khải tư, thứ tự như sau:
Trước hết là Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, một lễ có liên quan đến Thánh Juliana of Liège (người Bỉ, 1192-1258), một thị kiến nhân, trong vòng 20 năm âm thầm, đã từng thấy hình ảnh Giáo Hội như là một vầng trăng tròn có một vết đen như thể ám chỉ Giáo Hội còn thiếu Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, và trong thị kiến lần đầu tiên vào năm 1208 chị đã được yêu cầu xin Giáo Hội thiết lập Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô này. Vào năm 1264, Đức Thánh Cha Urbanô IV đã thiết lập Lễ Trọng này cho chung Giáo Hội hoàn vũ và chỉ định mừng vào Thứ Năm sau Lễ Hiện Xuống, nhưng quyết định của ngài đã bị đình trệ và chỉ được công bố bởi Đức Thánh Cha Gioan XXII vào năm 1317, sau đó Đức Thánh Cha Piô V (1504-1572) đã chuyển Lễ này vào Thứ Năm sau Chúa Nhật Chúa 3 Ngôi.
Sau nữa là Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, hiện được Giáo Hội cử hành vào Thứ Sáu sau Thứ Năm Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô một tuần, một lễ đặc biệt liên quan đến Thánh Margarita Maria Alacoque (người Pháp, 1647-1690), và là một lễ đã được Đức Thánh Cha Piô IX thiết lập vào năm 1856 như là một lễ buộc trong toàn thể Giáo Hội hoàn vũ và được cử hành vào Thứ Sáu sau Tuần Bát Nhật từ Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô.
Sau hết là Lễ Lòng Thương Xót Chúa, đặc biệt liên quan đến mạc khải tư của Chúa Giêsu với Chị Thánh Faustina (người Balan, 1905-1938), một lễ được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II thiết lập vào ngày lễ phong hiển thánh cho nữ sứ giả của Lòng Thương Xót Chúa này, 30/4/2000, và được cử hành vào Chúa Nhật II Phục Sinh, đúng như ý muốn của Chúa Giêsu.
Lễ Mình Thánh Máu Thánh Chúa Kitô tự bản chất có liên quan đến Thứ Năm Tuần Thánh là chính thời điểm trong phụng niên Giáo Hội tưởng niệm việc Chúa Giêsu thiết lập Bí Tích Thánh Thể. Thế nhưng, trong phụng vụ lời Chúa của chính ngày về Thánh Thể của Tuần Thánh này, nhất là bài Phúc Âm, được Giáo Hội cố ý chọn đọc của Thánh ký Gioan, lại chỉ thuật lại biến cố Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ mà thôi, chứ không hề đả động gì tới chính việc Chúa Giêsu thiết lập Bí Tích Thánh Thể, ngoại trừ ở trong bài đọc 2 từ Thư 2 Corinto của Thánh Phaolô (11:23-26).
PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
Bài Ðọc I: Ðnl 8, 2-3. 14b-16a
"Người sẽ ban cho các ngươi của ăn mà các ngươi và cha ông các ngươi chưa từng biết tới".
Trích sách Ðệ Nhị Luật.
Môsê nói cùng dân chúng rằng: "Các ngươi hãy nhớ tất cả đoạn đường mà Chúa là Thiên Chúa các ngươi đã dẫn đưa các ngươi qua sa mạc suốt bốn mươi năm, để rèn luyện và thử thách các ngươi, để biết các điều bí ẩn trong lòng các ngươi và xem các ngươi có tuân giữ lề luật của Người hay không? Người đã để các ngươi vất vả thiếu thốn, và ban cho các ngươi manna làm của ăn mà các ngươi và cha ông các ngươi chưa từng biết tới, để tỏ cho các ngươi thấy rằng: Con người sống không nguyên bởi bánh, mà còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.
"Các ngươi hãy nhớ Chúa là Thiên Chúa các ngươi, Ðấng đã dẫn đưa các ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. Và Người là Ðấng đã dẫn các ngươi vào nơi hoang địa mênh mông và kinh khủng có nhiều rắn hổ lửa, bò cạp, rắn lục, và không có một giọt nước nào; Người đã khiến nước từ tảng đá cứng rắn vọt ra. Trong hoang địa, Người đã nuôi các ngươi bằng manna mà cha ông các ngươi chưa từng biết tới".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 147, 12-13. 14-15. 19-20.
Ðáp: Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa (c. 12a).
Xướng: 1) Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa. Hãy ngợi khen Thiên Chúa của ngươi, hỡi Sion! vì Người giữ chặt các then cửa ngươi, Người chúc phúc cho con cái ngươi trong thành nội. - Ðáp.
2) Người đã sai lời Người xuống cõi trần ai, và lời Người lanh chai chạy rảo. Người khiến tuyết rơi như thể lông cừu, Người gieo rắc sương đông như tro bụi trắng. - Ðáp.
3) Người đã loan truyền lời Người cho Giacóp, những thánh chỉ và huấn lệnh Người cho Israel. Người đã không làm cho dân tộc nào như thế, Người đã không công bố cho họ các huấn lệnh của Người. - Ðáp.
Bài Ðọc II: 1 Cr 10, 16-17
"Có một tấm bánh, nên chúng ta tuy nhiều, cũng chỉ là một thân thể".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.
Anh em thân mến, chén chúc tụng mà chúng ta cầm lên chúc tụng Chúa chẳng phải là thông hiệp với máu Chúa Kitô sao? Tấm bánh mà chúng ta bẻ ra chẳng phải là thông phần vào Mình Chúa đó sao? Vì có một tấm bánh, nên chúng ta tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể, vì hết thảy chúng ta thông phần cùng một tấm bánh.
Ðó là lời Chúa.
Ca Tiếp Liên
"Lauda Sion: Hỡi Sion, Hãy Ngợi Khen"
Trước Alleluia, có thể hát hoặc đọc Ca Tiếp Liên này, tất cả hoặc từ câu 21 ("Này đây bánh") cho đến hết.
1. Hỡi Sion, hãy ngợi khen Ðấng cứu độ ngươi, Ðấng lãnh đạo và mục tử của ngươi / với những bài vãn và những khúc ca!
2. Ngươi có sức chừng nào, hãy rán ngợi khen chừng nấy, vì Người vĩ đại hơn mọi lời khen ngợi, và ngươi cũng không đủ sức ngợi khen Người.
3. Ðề tài của sự ngợi khen đặc biệt, đó là bánh sống và tác thành sự sống, ngày hôm nay đã đặt ra cho ngươi.
4. Ðó là bánh mà trên bàn tiệc thánh, cho đoàn thể mười hai người anh em, Chúa đã ban tặng chẳng khá nghi ngờ.
5. Hãy xướng lên lời ca khen ngợi đầy đủ, lời ca hoan hỉ và râm ran, tâm thần hãy vui mừng rạng rỡ!6. Vì đây là ngày trọng thể, ngày kỷ niệm bàn tiệc thánh / lần đầu tiên được thiết lập ra.
7. Tại bàn tiệc này của Ðấng Tân Vương, lễ Vượt Qua mới theo luật pháp mới / chấm dứt lễ Vượt Qua của thời đại cũ.
8. Lễ nghi cũ nhường chỗ cho sự thực; đêm tối tăm nhường chỗ cho sự sáng sủa.
9. Ðiều mà Chúa Kitô đã làm trong bữa tiệc ly, thì Người đã ra lệnh cho thực thi điều đó để nhớ lại Người.
10. Nhờ lời thánh huấn của Người dạy bảo, chúng ta làm phép cho bánh và rượu / trở nên lễ vật hy sinh ban ơn cứu độ.
11. Ðây là tín điều dạy người Kitô hữu rằng / bánh trở nên thịt Chúa, và rượu trở nên máu Người.
12. Ðiều bạn không hiểu, không xem thấy, thì đức tin mạnh mẽ xác nhận xảy ra, ngoài luật lệ thiên nhiên.
13. Dưới những hình sắc khác nhau, chúng chỉ là biểu hiệu, không còn thực chất, có ẩn nấp những thực tại cao siêu.
14. Thịt Chúa là của ăn, máu Người là thức uống, nhưng Chúa Kitô vẫn còn đầy đủ dưới mỗi sắc hình.
15. Người không bị kẻ lãnh nhận nghiền nát, không bị bẻ gẫy, không bị phân chia, nhưng Người được thiên hạ lãnh nhận toàn thân.
16. Một người lãnh nhận, ngàn người lãnh nhận, những người này cũng lãnh bằng những người kia, thiên hạ ăn thịt Người mà Người không bị tiêu hao.
17. Người lương thiện lãnh, kẻ ác nhân cũng lãnh, nhưng số phận họ không đồng đều: hoặc được sống hay là phải chết.
18. Kẻ ác nhân phải chết, người lương thiện được sống; hãy coi, cùng một của ăn như nhau, mà kết quả khác xa biết mấy.
19. Hình bánh bị vỡ, chớ khá lo âu, nhưng hãy nhớ rằng / trong miếng vỡ cũng như trong toàn thể / Chúa vẫn hiện diện đầy đủ như nhau.
20. Bản chất không hề bị bẻ vỡ, duy có biểu hiệu bị phân chia, nhưng không giảm thiểu tình trạng và dáng vóc của Ðấng ẩn dật bên trong.
21. Này đây bánh của các thiên thần, biến thành lương thực của khách hành hương; thực là bánh của những người con cái, không nên ném cho loài khuyển.
22. Bánh này đã được báo trước bằng hình ảnh, khi người ta sát tế Isaac, chiên của lễ vượt qua đã được kể ra, khi cha ông chúng ta được tặng manna.
23. Lạy Chúa Giêsu là mục thủ tốt lành, là bánh thực, xin Người thương xót, chăn nuôi và bảo vệ chúng con; xin Người ban cho chúng con nhìn thấy / những điều thiện hảo trong cõi nhân sinh.
24. Chúa là Ðấng thông biết và có thể làm nên mọi sự, Chúa nuôi dưỡng chúng con trong đời sống tạm gửi này, trên cõi cao xanh, xin cho chúng con được trở nên thực khách đồng bàn của Chúa, đồng thừa kế và đồng danh phận / với những công dân thánh của nước trời. Amen. Alleluia.
Alleluia: Ga 6, 51-52
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời". - Alleluia.
Phúc Âm: Ga 6, 51-59
"Thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân Do-thái rằng: "Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống". Vậy người Do-thái tranh luận với nhau rằng: "Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được?" Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: "Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha là Ðấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Ðây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết. Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời".
Ðó là lời Chúa.
SUY NIỆM CẢM NGHIỆM
Phụng Vụ Lời Chúa cho Lễ Trọng Mình Thánh Máu Thánh Chúa Giêsu hôm nay, phần Cựu Ước bao gồm Bài Đọc 1 (Đệ Nhị Luật) liên quan đến manna và Đáp Ca liên quan đến lời Chúa, còn phần Tân Ước bao gồm Bài Đọc 2 (Thư 1Corinto) và Phúc Âm Thánh ký Gioan liên quan đến Bánh Sự Sống.
Nếu Cựu Ước hướng về Tân Ước và hoàn toàn nên trọn nơi Tân Ước thì Bài Đọc 1 và Đáp Ca trong phụng vụ lời Chúa hôm nay đã nên trọn nơi Bài Phúc Âm. Và nếu Phúc Âm là tâm điểm của chung Bộ Thánh Kinh Tân Cựu Ước và riêng bộ Tân Ước thì Bài Đọc 2 chỉ khai triển theo chiều hướng của bài Phúc Âm mà thôi.
Thật vậy, nếu Bài Đọc 1 trích từ Sách Xuất Hành nói về manna thì manna này là hình ảnh Bánh Sự Sống được Chúa Giêsu đề cập đến trong Bài Phúc Âm hôm nay:
Bài Đọc 1: "Các ngươi hãy nhớ tất cả đoạn đường mà Chúa là Thiên Chúa các ngươi đã dẫn đưa các ngươi qua sa mạc suốt bốn mươi năm, để rèn luyện và thử thách các ngươi, để biết các điều bí ẩn trong lòng các ngươi và xem các ngươi có tuân giữ lề luật của Người hay không? Người đã để các ngươi vất vả thiếu thốn, và ban cho các ngươi manna làm của ăn mà các ngươi và cha ông các ngươi chưa từng biết tới, để tỏ cho các ngươi thấy rằng: Con người sống không nguyên bởi bánh, mà còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra". - Phúc Âm: "Ðây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết. Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời".
Nếu theo chiều hướng của Bài Đọc 1: "Con người sống không nguyên bởi bánh, mà còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra", Bài Đáp Ca liên quan đến Lời Chúa: "Người đã sai lời Người xuống cõi trần ai, và lời Người lanh chai chạy rảo... Người đã loan truyền lời Người cho Giacóp, những thánh chỉ và huấn lệnh Người cho Israel", thì chính Chúa Giêsu, trước khi khẳng định "bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống", đã xác nhận chính bản thân Người "là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời", mà bản thân Người đây chính là "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14).
Nếu ngoài Phúc Âm chính yếu ra, các sách khác thuộc bộ Thánh Kinh Tân Ước chỉ khai triển hay diễn giải Phúc Âm thì Bài Đọc 2 hôm nay Thánh Tông Đồ Phaolô đã đề cập đến tác dụng thần linh của Thánh Thể: "chén chúc tụng mà chúng ta cầm lên chúc tụng Chúa chẳng phải là thông hiệp với máu Chúa Kitô sao? Tấm bánh mà chúng ta bẻ ra chẳng phải là thông phần vào Mình Chúa đó sao? Vì có một tấm bánh, nên chúng ta tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể, vì hết thảy chúng ta thông phần cùng một tấm bánh". Cảm nghiệm thần linh này của Bài Đọc 1 đã phản ảnh những gì Chúa Kitô nói về tác dụng thần linh của Bánh Sự Sống trong Bài Phúc Âm hôm nay: "Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời... Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha là Ðấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta".
Còn về chính Bài Phúc Âm, câu quan trọng nhất và chính yếu nhất có thể nói là câu Chúa Giêsu vừa khẳng định và mạc khải về Bánh Sự Sống đây là gì và như thế nào: "Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống".
"Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời". "Ai ăn" ở đây có nghĩa là "ai tin", tin vào vị Thiên Chúa đã hóa thân làm người, "đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14), và chỉ có tin vào Người mới được sự sống đời đời mà thôi: "Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đã ban Con Một của Ngài để ai tin vào Người thì không phải chết nhưng được sự sống đời đời" (Gioan 3:16)
"Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống". "Thịt Ta để cho thế gian được sống" đây ám chỉ Cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô nơi xác thịt của Người, hay Chúa Kitô là Bánh Sự Sống hơn bao giờ hết là khi tấm bánh sự sống này là chính bản thân của Người được "bẻ ra" nơi Cuộc Vượt Qua, một Bánh Sự Sống có hình dạng là một xác thịt đã chết nhưng đã sống lại để chẳng những tiêu diệt sự chết mà còn phục hồi sự sống, một cuộc Vượt Qua để cứu chuộc cả và "thế gian" chứ không phải chỉ có Kitô hữu, bởi thế ai tin vào Chúa Kitô Thiên Sai Cứu Thế, nghĩa là chấp nhận ơn cứu chuộc của Người nhờ cuộc Vượt Qua của Người thì được sự sống đời đời.
Bằng không, tất cả những ai không bao giờ rước Mình Máu Thánh Chúa Kitô chẳng lẽ sẽ không được rỗi hay sao? Thậm chí thành phần Kitô hữu Công giáo hay Chính Thống giáo là thành phần được diễm phúc và đặc ân lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa đi nữa họ vẫn phải tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô Vượt Qua, bằng lời thưa "amen", trước khi nhận lấy Mình Thánh Chúa bằng tay hay bằng miệng. Chính việc hiệp lễ cũng là tác động đức tin, với tư cách là chi thể của Nhiệm Thể Chúa Kitô, bày tỏ niềm tin của mình vào Chúa Kitô Vượt Qua. Bởi vậy, ngay sau khi truyền phép, cộng đồng dân Chúa bấy giờ đã tuyên xưng: "Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho đến khi Chúa lại đến".
Về Mầu Nhiệm Thánh Thể được Chúa Giêsu thiết lập trong Bữa Tiệc Ly đã xẩy ra một thực tại thần linh như thế nào, với tác dụng siêu nhiên ra sao, theo đức tin của chung Kitô giáo, nhất là của Giáo Hội Công giáo, đã được bài Ca Tiếp Liên của ngày lễ này xác tín và bày tỏ một cách chính xác và rõ ràng như sau, nhất là từ câu 9 tới câu 22:
9. Ðiều mà Chúa Kitô đã làm trong bữa tiệc ly, thì Người đã ra lệnh cho thực thi điều đó để nhớ lại Người.
10. Nhờ lời thánh huấn của Người dạy bảo, chúng ta làm phép cho bánh và rượu trở nên lễ vật hy sinh ban ơn cứu độ.
11. Ðây là tín điều dạy người Kitô hữu rằng bánh trở nên thịt Chúa, và rượu trở nên máu Người.
12. Ðiều bạn không hiểu, không xem thấy, thì đức tin mạnh mẽ xác nhận xảy ra, ngoài luật lệ thiên nhiên.
13. Dưới những hình sắc khác nhau, chúng chỉ là biểu hiệu, không còn thực chất, có ẩn nấp những thực tại cao siêu.
14. Thịt Chúa là của ăn, máu Người là thức uống, nhưng Chúa Kitô vẫn còn đầy đủ dưới mỗi sắc hình.
15. Người không bị kẻ lãnh nhận nghiền nát, không bị bẻ gẫy, không bị phân chia, nhưng Người được thiên hạ lãnh nhận toàn thân.
16. Một người lãnh nhận, ngàn người lãnh nhận, những người này cũng lãnh bằng những người kia, thiên hạ ăn thịt Người mà Người không bị tiêu hao.
17. Người lương thiện lãnh, kẻ ác nhân cũng lãnh, nhưng số phận họ không đồng đều: hoặc được sống hay là phải chết.
18. Kẻ ác nhân phải chết, người lương thiện được sống; hãy coi, cùng một của ăn như nhau, mà kết quả khác xa biết mấy.
19. Hình bánh bị vỡ, chớ khá lo âu, nhưng hãy nhớ rằng trong miếng vỡ cũng như trong toàn thể Chúa vẫn hiện diện đầy đủ như nhau.
20. Bản chất không hề bị bẻ vỡ, duy có biểu hiệu bị phân chia, nhưng không giảm thiểu tình trạng và dáng vóc của Ðấng ẩn dật bên trong.
21. Này đây bánh của các thiên thần, biến thành lương thực của khách hành hương; thực là bánh của những người con cái, không nên ném cho loài khuyển.
22. Bánh này đã được báo trước bằng hình ảnh, khi người ta sát tế Isaac, chiên của lễ vượt qua đã được kể ra, khi cha ông chúng ta được tặng manna.