|
PVLC Thứ Ba tuần III Mùa Chay |
Bài
Ðọc I: Ðn 3, 25. 34-43
"Với tâm thần sám hối và tinh thần
khiêm tốn, chúng tôi được chấp nhận".
Trích sách Tiên tri Ðaniel.
Trong những ngày ấy, Adaria đứng giữa
lửa mở miệng cầu nguyện rằng: "Vì danh Chúa, xin đừng bỏ con mãi
mãi cho quân thù, và xin đừng huỷ bỏ lời giao ước của Chúa. Xin
chớ cất lòng từ bi Chúa khỏi chúng con. Vì Abraham kẻ Chúa yêu,
Isaac tôi tớ Chúa, và Israel người lành thánh của Chúa, những kẻ
Chúa đã hứa cho sinh con cháu ra nhiều như sao trên trời và như
cát bãi biển. Vì lạy Chúa, chúng con đã trở nên yếu hèn hơn mọi
dân tộc và hôm nay, vì tội lỗi chúng con, chúng con bị nhục nhã
ở mọi nơi. Hiện giờ không còn vua chúa, thủ lãnh, tiên tri,
không còn của lễ toàn thiêu, lễ hiến tế, lễ vật, nhũ hương và
nơi để dâng lên Chúa của đầu mùa để được Chúa thương. Nhưng với
tâm hồn sám hối và với tinh thần khiêm tốn, chúng con xin Chúa
chấp nhận; chúng con như những con dê, bò rừng và những chiên
béo được dâng lên Chúa làm của lễ toàn thiêu, xin cho của hiến
tế chúng con dâng trước tôn nhan Chúa hôm nay, được đẹp lòng
Chúa, vì những ai tin tưởng nơi Chúa không phải hổ thẹn. Và bây
giờ chúng con hết lòng theo Chúa, kính sợ Chúa và tìm kiếm tôn
nhan Chúa. Xin đừng để chúng con phải hổ thẹn, nhưng xin hãy đối
xử với chúng con theo lòng nhân hậu và lòng từ bi sung mãn của
Chúa. Lạy Chúa, xin làm những việc lạ lùng mà cứu thoát chúng
con, và xin cho thánh danh Chúa được vinh quang".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 24, 4bc-5ab. 6-7bc. 8-9
Ðáp: Lạy
Chúa, xin hãy nhớ lòng thương xót của Ngài (c. 6a).
Xướng: 1) Lạy Chúa, xin chỉ cho con
đường đi của Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Ngài. Xin
hướng dẫn con trong chân lý và dạy bảo con, vì Chúa là Thiên
Chúa cứu độ con. - Ðáp.
2) Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương
xót của Ngài, lòng thương xót tự muôn đời vẫn có. Xin hãy nhớ
con theo lòng thương xót của Ngài, vì lòng nhân hậu của Ngài,
thân lạy Chúa. - Ðáp.
3) Chúa nhân hậu và công minh, vì thế
Ngài sẽ dạy cho tội nhân hay đường lối. Ngài hướng dẫn kẻ khiêm
cung trong đức công minh, dạy bảo người khiêm cung đường lối của
Ngài. - Ðáp.
Câu Xướng Trước Phúc Âm: Mt 4, 4b
Người ta sống không nguyên bởi bánh,
nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.
Phúc Âm: Mt 18, 21-35
"Nếu mỗi người trong chúng con không
tha thứ cho anh em, thì Chúa Cha cũng không tha thứ cho chúng
con".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh
Matthêu.
Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa
Giêsu rằng: "Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha
thứ cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần không?" Chúa Giêsu đáp:
"Ta không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần
bảy. Về vấn đề này, thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia
muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết, người ta dẫn đến vua một
người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên
chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ.
Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: "Xin
vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn và tôi sẽ trả cho ngài tất cả".
Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y. Khi ra
về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc. Y tóm
lấy, bóp cổ mà nói rằng: "Hãy trả nợ cho ta". Bấy giờ người bạn
sấp mình dưới chân và van lơn rằng: "Xin vui lòng cho tôi khất
một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh". Y không nghe, bắt người
bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong. Các bạn y chứng
kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả
câu truyện. Bấy giờ chủ đòi y đến và bảo rằng: "Tên đầy tớ độc
ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn
ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương
ngươi?" Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi
trả hết nợ. Vậy Cha Ta trên trời cũng xử với các con đúng như
thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh
em mình".
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm
Những ai không biết tha thứ cho
anh chị em mình, sống hẹp hòi, luôn có những thái độ chấp nhất
...
là những người chưa thực sự cảm
nghiệm được lòng thương xót Chúa
Mùa Chay hôm nay ở vào ngày Thứ Ba
của Tuần Thứ Ba, ngày được bao trùm bởi bầu khí của lòng thương
xót Chúa, như được cảm nghiệm thấy ở phụng vụ lời Chúa trong
ngày, một lòng thương xót Chúa được tỏ hiện rõ ràng nhất và tối
hậu nhất nơi việc khoan dung độ lượng tha thứ của Thiên Chúa đối
với loài người tội lỗi.
Đúng thế, Bài Phúc Âm hôm nay, chúng
ta thường cho rằng "tên đầy tớ độc ác" trong dụ ngôn Chúa
dạy về sự tha thứ đóng vai chính, một dụ ngôn Chúa muốn dùng để
trả lời cho vấn nạn được tông đồ Phêrô đặt ra hỏi Người: "Lạy
Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy
lần? Có phải đến bảy lần không?"
Nhưng thật ra, căn cứ vào chung phụng
vụ lời Chúa hôm nay, và riêng Bài Phúc Âm, chúng ta mới khám phá
thấy rằng lòng thương xót Chúa là điểm then chốt được Giáo Hội
muốn nhấn mạnh đến hôm nay, khi Giáo Hội chọn đọc Bài Phúc Âm
này cùng với Bài Đọc 1 cho cùng ngày.
Trước hết, chúng ta thấy dụ ngôn Chúa
Giêsu sử dụng để trả lời cho câu hỏi phải tha thứ cho anh chị em
mình bao nhiêu lần trong Bài Phúc Âm hôm nay, về bố cục, có hai
phần rõ ràng: phần đầu về "người đầy tớ độc ác" bày
tôi được vị vương chủ của hắn rộng lượng tha thứ, và phần sau về
"người đầy tớ độc ác" này không chịu tha thứ cho con nợ
của mình, như chính bản thân đã được vị vương chủ tha nợ cho.
Thế nhưng, về nội dung, ý nghĩa chính
yếu của dụ ngôn về tha thứ trong bài Phúc Âm này là ở chỗ "các
con hãy thương xót như Cha là Đấng thương xót" (Luca
6:36), đúng như lời Chúa Giêsu khuyên các môn đệ của
Người để kết luận bài Phúc Âm hôm nay: "Cha Ta trên trời cũng
xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không
hết lòng tha thứ cho anh em mình".
Nghĩa là, chúng ta được Thiên Chúa là
Cha tha thứ thế nào chúng ta cũng phải tha thứ cho nhau như vậy,
tha một cách bao dung, quảng đại, liên lỉ, không bao giờ
cùng, đúng như Chúa Giêsu đã khẳng định và muốn các tông đồ
môn đệ của người thi hành: "Ta không bảo con phải tha đến bảy
lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy".
Việc tha thứ cho nhau một cách
quảng đại bao dung và liên tục bất tận như Cha trên trời như
thế đã được Chúa Giêsu diễn tả trong dụ ngôn về sự tha thứ
của vị vương chủ "động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho
y", một con nợ bầy tôi đã "mắc nợ" vua "mười ngàn
nén bạc", nhưng "không có gì trả", có nghĩa là không
thể nào trả nổi, bởi thế cho "nên chủ ra lệnh bán y, vợ con
và tất cả tài sản của y để trả hết nợ", nghĩa là tất cả
những gì quí báu nhất con nợ có được, liên quan đến chính bản
thân hắn cùng gia đình hắn và gia tài của hắn, để bù đắp phần
nào món nợ hắn không thể trả thôi.
Chúng ta nên chú ý một chi tiết về
lòng bao dung quảng đại đến vô lý của lòng thương xót Chúa trong
dụ ngôn này, đó là trong khi người bầy tôi "sấp mình dưới
chân chủ và van lơn rằng: 'Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn
và tôi sẽ trả cho ngài tất cả'", thì cho dù người con nợ bầy
tôi này không xin tha nợ, mà chỉ xin khất nợ và hứa sẽ trả sau,
không biết cho tới bao giờ mới trả hết, ấy vậy mà vị vương chủ
lại "động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y" mới là
chuyện kỳ cục chứ, mới hay chứ.
Ấy thế mà, khi đã được hoàn toàn "trả
tự do", không còn nợ nần gì với vị vương chủ của mình nữa,
không còn sợ bị đòi nợ nữa, không còn phải lo lắng làm sao để
trả nợ đầy đủ và đúng hẹn nữa, thì "người đầy tớ độc ác"
này lại đối xử với một con nợ của hắn hoàn toàn ngược lại với
những gì hắn đã được đối xử. Ở chỗ, hắn là bầy tôi được vương
chủ cao cả tha hết nợ, trong khi người bạn của hắn, ngang hàng
với hắn, hắn lại muốn làm vua của người bạn hắn.
Thật vậy, theo dụ ngôn của Chúa, "một
người bạn" của hắn chỉ nợ hắn một chút xíu thôi, "một
trăm bạc", vì vai vế bạn bè ngang hàng với nhau, chỉ là tạo
vật như nhau, không nhiều như món nợ khổng lồ hắn không
thể trả, vì hắn đóng vai bầy tôi với chủ nợ là vương đế cao
cả, nhưng đã được chủ nợ cao cả này hoàn toàn tha bổng, "mười
ngàn nén bạc", thế mà, dù con nợ của hắn đã van xin
hắn khất nợ như hắn đã làm: "Bấy giờ người bạn sấp mình dưới
chân và van lơn rằng: 'Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi
sẽ trả hết nợ cho anh'", nhưng hắn đã đối xử với con nợ của
hắn hoàn toàn trái ngược lại với vị vương chủ của hắn đã đối xử
với hắn: "Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho
đến khi trả nợ xong".
Dụ ngôn trong Bài Phúc Âm hôm nay về
lòng "thương xót như Cha là Đấng thương xót" ở chỗ chúng
ta đã được Thiên Chúa tha thứ thế nào, chúng ta cũng phải tha
thứ cho nhau như vậy. Nghĩa là Lòng Thương Xót Chúa không phải
chỉ là một đặc ân cho riêng một ai xứng đáng, mà là cho tất cả
mọi người, cần phải truyền đạt và loan truyền qua những ai đã
nhận lãnh đặc ân này, qua những ai đã được thương xót.
Những ai không biết tha thứ cho anh
chị em mình: "xin Cha tha nợ chúng con, như chúng con cũng
tha kẻ có nợ chúng con", sống hẹp hòi, luôn có
những thái độ chấp nhất với những người anh chị em ngang hàng
với họ xúc phạm đến họ, là những người chưa thực sự cảm
nghiệm được lòng thương xót Chúa là Đấng vô cùng cao cả bị họ
xúc phạm đến, chưa hiểu được lòng thương xót Chúa là gì, hay
thậm chí lợi dụng lòng thương xót Chúa, bóp méo lòng thương xót
Chúa, giam nhốt lòng thương xót Chúa và hủy hoại lòng thương xót
Chúa nơi bản thân mình, và vì thế, họ đã bị tẩu hỏa nhập ma, vì
chính lòng thương xót Chúa từ một hồng ân đã biến thành tai họa
cho họ, biến thành một "tên lý hình" như phần kết luận
của dụ ngôn cho thấy:
"Các bạn y chứng kiến cảnh tượng
đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu truyện. Bấy
giờ chủ đòi y đến và bảo rằng: 'Tên đầy tớ độc ác kia, ta
đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao
ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?' Chủ
nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ".
Phải, mang thân phận là tội nhân,
không một con người tạo vật nào không cần đến lòng thương xót
Chúa, nhất là thành phần được hưởng lòng thương xót Chúa mà
không sống lòng thương xót Chúa, đến độ bị chính lòng thương xót
Chúa hành hạ cho đến khi họ biết sống lòng thương xót Chúa: "cho
đến khi trả hết nợ".
Là một tội nhân được Thiên Chúa tha
thứ mà không biết thứ tha cho những ai phạm đến mình thì chẳng
khác gì người con cả đối xử với đứa em hoang đàng của mình trong
dụ ngôn người cha nhân hậu với hai đứa con đáng thương (xem
Gioan đoạn 15), hay như thành phần đòi ném đá người đàn bà ngoại
tình như thể mình không có tội gì (xem Gioan đoạn 8).
Là một tội nhân, mỗi khi xưng tội là
chúng ta chỉ thực hiện cử chỉ "khất nợ" hơn là trả nợ, vì cho dù
được LTXC, qua vị linh mục giải tội, chúng ta được tha tội nhưng
rồi chúng ta lại tái phạm cùng tội vừa xưng, thì quả thực việc
xưng tội của chúng ta chỉ mang tính cách khất nợ... cho tới
chết. Tuy nhiên, Kitô hữu nào sống trên đời mà không hề đoán xét
ai, hay không bao giờ chấp nhất bất cứ một ai phạm đến mình, thì
khi qua đời, Thiên Chúa sẽ chẳng phán xét họ hay chấp tội họ,
cân xứng với cái đấu họ đong cho tha nhân khi còn sống, nghĩa là
họ như được hưởng ơn toàn xá, được vào thẳng Thiên Đàng, không
cần qua luyện ngục vậy.
Lòng thương xót Chúa quả thực là một
hồng ân đối với loài người tội nhân, ở chỗ, Thiên Chúa tha thứ
tội lỗi cho tội nhân không phải vì họ mà là vì chính Ngài - nếu
vì họ thì họ chỉ đáng phạt, xứng với tội lỗi của họ. Nhưng cho
dù họ tội lỗi bất xứng với Ngài và đáng bị phạt như thế chăng
nữa, Ngài vẫn thương xót họ và tha thứ cho họ bởi Ngài chính là
tình yêu vô cùng nhân hậu.
Đó là lý do, trong Bài Đọc 1 hôm
nay, khi cầu xin cho dân tộc của mình đang trải qua hoạn nạn
khốn khổ: "chúng con đã trở nên yếu hèn hơn mọi dân tộc và
hôm nay, vì tội lỗi chúng con, chúng con bị nhục nhã ở mọi
nơi...", Adaria đã nại đến chính Thiên Chúa cho thân phận
dân tộc của mình: "Vì danh Chúa, xin đừng bỏ con mãi mãi cho
quân thù, và xin đừng hủy bỏ lời giao ước của Chúa. Xin chớ cất
lòng từ bi Chúa khỏi chúng con".
Chẳng những thế, Adaria còn xin lòng
thương xót Chúa tỏ mình ra nơi thân phận đáng phạt của họ để cho
lòng thương xót Chúa được sáng tỏ hơn nữa, đúng như dự án
và đường lối tỏ mình ta tối đa hết cỡ của lòng thương xót
Chúa: "Bây giờ chúng con hết lòng theo Chúa, kính sợ Chúa và
tìm kiếm tôn nhan Chúa. Xin đừng để chúng con phải hổ thẹn,
nhưng xin hãy đối xử với chúng con theo lòng nhân hậu và lòng từ
bi sung mãn của Chúa. Lạy Chúa, xin làm những việc lạ lùng mà
cứu thoát chúng con, và xin cho thánh danh Chúa được vinh
quang".
Bài Đáp Ca hôm nay hoàn toàn
phản ảnh ý nghĩa và chiều hướng của chung phụng vụ Lời Chúa
trong ngày, cách riêng với Bài Đọc 1 cùng ngày về lòng thương
xót Chúa, vị "Thiên Chúa cứu độ", vị Thiên Chúa thương
xót nhân loại tội lỗi khốn khổ bởi chính mình Ngài là Đấng "nhân
hậu và công minh", chỉ biết đối xử với loài người tạo vật
thấp hèn đầy những yếu đuối của họ bằng "lòng thương xót tự
muôn đời vẫn có":
1) Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi
của Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Ngài. Xin hướng dẫn
con trong chân lý và dạy bảo con, vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ
con.
2) Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương
xót của Ngài, lòng thương xót tự muôn đời vẫn có. Xin hãy nhớ
con theo lòng thương xót của Ngài, vì lòng nhân hậu của Ngài,
thân lạy Chúa.
3) Chúa nhân hậu và công minh, vì thế
Ngài sẽ dạy cho tội nhân hay đường lối. Ngài hướng dẫn kẻ khiêm
cung trong đức công minh, dạy bảo người khiêm cung đường lối của
Ngài.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu
có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ
trên
MC.TuanIII-3.mp3