Bài Ðọc I (Năm
II): 2
Sm 15, 13-14. 30; 16, 5-13a
"Chúng ta hãy trốn khỏi Absalon. Hãy để Sêmê nguyền rủa theo
lệnh của Chúa".
Trích sách Samuel quyển thứ hai.
Trong những ngày ấy, có kẻ đến báo tin cho Ðavít rằng: "Toàn dân
Israel hết lòng theo Absalon. Ðavít liền nói cùng các cận thần
của ông ở Giêrusalem rằng: "Hãy chỗi dậy, chúng ta trốn đi, vì
chúng ta không sao thoát khỏi tay Absalon. Các ngươi hãy ra mau
đi, kẻo nó đến bắt chúng ta, gây tai hại cho chúng ta và dùng
gươm giết hết dân thành". Ðavít trèo lên núi Cây Dầu, ông vừa
leo vừa khóc lóc, đi chân không, đầu phủ khăn. Toàn dân theo ông
cũng trùm đầu, vừa leo vừa khóc. Vậy vua Ðavít đến Bahumrim. Và
này xuất hiện một người thuộc dòng họ Saolê, tên là Sêmê, con
ông Giêra. Anh ta vừa đi vừa nguyền rủa, rồi ném đá Ðavít và
những cận vệ của vua. Toàn thể dân chúng và tất cả binh sĩ đều
đi hai bên tả hữu nhà vua. Vậy Sêmê nguyền rủa nhà vua rằng:
"Hỡi kẻ khát máu, người của Bêlial, xéo đi, xéo đi! Chúa đã đổ
trên đầu ngươi tất cả máu của nhà Saolê mà ngươi đã tiếm vị.
Thiên Chúa đã trao vương quốc vào tay Absalon, con ngươi. Này
tai hoạ hành hạ ngươi, vì ngươi là một tên khát máu". Bấy giờ
Abisai con trai của Sarvia, tâu vua rằng: "Cớ sao thằng chó chết
này nguyền rủa đức vua tôi? Ðể tôi đi lấy đầu nó". Vua phán
rằng: "Hỡi con của Sarvia, Ta với khanh có liên hệ gì đâu? Cứ để
mặc nó nguyền rủa. Vì Chúa bảo nó: 'Hãy nguyền rủa Ðavít', ai
dám hỏi nó: 'Tại sao ngươi hành động như vậy?'" Và Ðavít nói với
Abisai và toàn thể các cận vệ rằng: "Kìa, con trai bởi lòng ta
sinh ra, mà còn tìm giết ta, phương chi con của Giêmini đây. Hãy
để nó nguyền rủa theo lệnh Chúa. Biết đâu Chúa sẽ nhìn thấy nỗi
khổ tâm của ta, và hôm nay, Người sẽ đổi lời dữ ra hạnh phúc cho
ta". Ðavít và các cận vệ của ông cứ tiếp tục đi.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 3, 2-3. 4-5. 6-7
Ðáp: Lạy Chúa! Xin Chúa đứng lên, xin cứu vớt con! (c. 8).
Xướng: 1) Thân lạy Chúa, nhiều thay người bách hại con, nhiều
thay người nổi dậy chống con. Về con, nhiều kẻ thốt ra lời: "Hết
trông hắn được Chúa trời cứu độ". - Ðáp.
2) Nhưng, lạy Chúa, Chúa là thuẫn hộ thân con, là vinh quang
con, Chúa cho con ngẩng đầu lên. Con lên tiếng kêu cầu tới Chúa,
và Chúa đã nghe con từ núi thánh của Ngài. - Ðáp.
3) Con nằm xuống và đã ngủ ngon, rồi thức khoẻ vì Chúa đỡ nâng
con. Con không kinh hãi ức triệu người ở chung quanh đồn trú hại
con. Lạy Chúa! Xin Chúa đứng lên, xin cứu vớt con! - Ðáp.
Alleluia: Tv 129, 5
Alleluia, alleluia! - Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn
con trông cậy ở lời Chúa. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 5, 1-20
"Hỡi thần ô uế, hãy ra khỏi người này".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ sang bờ biển bên kia, đến địa
hạt Giêrasa. Chúa Giêsu vừa ở thuyền lên, thì một người bị quỷ ô
uế ám từ các mồ mả ra gặp Người. Người đó vẫn ở trong các mồ mả
mà không ai có thể trói nổi, dù dùng cả đến dây xích, vì nhiều
lần người ta đã trói anh ta, gông cùm xiềng xích lại, nhưng anh
ta đã bẻ gãy xiềng xích, phá gông cùm, và không ai có thể trị
nổi anh ta. Suốt ngày đêm anh ta ở trong mồ mả và trong núi, kêu
la và lấy đá rạch mình mẩy. Thấy Chúa Giêsu ở đàng xa, anh ta
chạy đến sụp lạy Người và kêu lớn tiếng rằng: "Hỡi ông Giêsu,
Con Thiên Chúa Tối Cao, ông với tôi có liên hệ gì đâu? Vì danh
Thiên Chúa, tôi van ông, xin chớ hành hạ tôi". Nhưng Chúa Giêsu
bảo nó rằng: "Hỡi thần ô uế, hãy ra khỏi người này". Và Người
hỏi nó: "Tên ngươi là gì?" Nó thưa: "Tên tôi là cơ binh, vì
chúng tôi đông lắm". Và nó nài xin Người đừng trục xuất nó ra
khỏi miền ấy.
Gần đó, có một đàn heo đông đảo đang ăn trên núi, những thần ô
uế liền xin Chúa Giêsu rằng: "Hãy cho chúng tôi đến nhập vào đàn
heo". Và Chúa Giêsu liền cho phép. Các thần ô uế liền xuất ra và
nhập vào đàn heo, rồi cả đàn chừng hai ngàn con lao mình xuống
biển và chết đuối. Những kẻ chăn heo chạy trốn và loan tin đó
trong thành phố và các trại. Người ta liền đến xem việc gì vừa
xảy ra. Họ tới bên Chúa Giêsu, nhìn thấy kẻ trước kia bị quỷ ám
ngồi đó, mặc quần áo và trí khôn tỉnh táo, và họ kinh hoảng.
Những người đã được chứng kiến thuật lại cho họ nghe mọi sự đã
xảy ra như thế nào đối với người bị quỷ ám và đàn heo. Họ liền
xin Chúa Giêsu rời khỏi ranh giới họ. Khi Người xuống thuyền, kẻ
trước kia bị quỷ ám xin theo Người. Nhưng người không cho mà
rằng: "Con hãy về nhà với thân quyến, và loan truyền cho họ biết
những gì Thiên Chúa đã làm cho con và đã thương con". Người đó
liền đi và bắt đầu tuyên xưng trong miền thập tỉnh, tất cả những
gì Chúa Giêsu đã làm cho anh ta, và mọi người đều thán phục.
Ðó là lời Chúa.
Suy nghiệm Lời Chúa
Đức Kitô Trừ
Quỉ
Ngày Thứ Hai trong Tuần 4 Thường Niên hậu Giáng Sinh hôm
nay, quyền uy trừ quỉ của Chúa Giêsu trong Bài Phúc Âm hôm nay
thực sự là những gì phản ảnh chủ đề "Người Con duy nhất đến
từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" của chung thời điểm phụng
vụ kéo dài cho tới Mùa Chay này.
Đúng thế, nếu quỉ cả không thể nào đi trừ quỉ con, vì ma quỉ
không thể nào tự chia rẽ nhau, như chính Chúa Giêsu khẳng định
trong Bài Phúc Âm Thứ Hai tuần trước, và nếu loài người vốn bị
ma quỉ thống trị từ sau nguyên tội không ai có thể trừ quỉ, thì
ai trừ được quỉ người đó chắc chắn phải từ Thiên Chúa là Đấng vô
cùng toàn năng mà đến, hay là chính Thiên Chúa, như trường hợp
của Vị Thiên Chúa Làm Người Giêsu Kitô trong Bài Phúc Âm hôm
nay.
Thật vậy, trong các người bị quỉ ám được bộ Phúc Âm Nhất Lãm
thuật lại, chưa có một trường hợp nào đầy kinh hoàng và
thật khiếp sợ như trường hợp này, một trường hợp được Thánh ký
Marco thuật lại trong Bài Phúc Âm hôm nay, vừa quá dữ tợn, quá
mãnh liệt và quá nhiều quỉ, chứng tỏ không một con người thuần
túy nào có thể trừ quỉ ngoại trừ một mình Vị Thiên Chúa Nhập Thể
là Chúa Giêsu Kitô:
"Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ sang bờ biển bên kia, đến
địa hạt Giêrasa. Chúa Giêsu vừa ở thuyền lên, thì một người bị
quỷ ô uế ám từ các mồ mả ra gặp Người. Người đó vẫn ở trong các
mồ mả mà không ai có thể trói nổi, dù dùng cả đến dây xích, vì
nhiều lần người ta đã trói anh ta, gông cùm xiềng xích lại,
nhưng anh ta đã bẻ gãy xiềng xích, phá gông cùm, và không ai có
thể trị nổi anh ta. Suốt ngày đêm anh ta ở trong mồ mả và trong
núi, kêu la và lấy đá rạch mình mẩy".
Sự kiện "một người bị quỷ ô uế ám từ các mồ mả ra" và "người
đó vẫn ở trong các mồ mả" (câu này bản dịch có thể bị hiểu
lầm là người bị quỉ ám ở bên trong các ngôi mộ, đúng hơn là "ẩn
nấp ở giữa các ngôi mộ - the man had taken refuge among
the tombs") cho thấy ma quỉ đồng nghĩa với chết chóc và gây
ra chết chóc (xem Gioan 8:44), mà đã là người thì tự nhiên ai
cũng sợ chết và bị chết về thể lý, không ai có thể thoát chết và
làm chủ được sự chết, ngoại trừ Đấng từ cõi chết sống lại là "Người
Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý".
Cho dù vì kiêu ngạo ngay từ ban đầu mà đệ nhất thần trời là minh
thần Luxiphe đã cùng với 1/3 thần trời trở thành ma quỉ (xem
Khải Huyền 12:4,7-9), chúng sau đó đã tỏ ra biết mình, như Bài
Phúc Âm hôm nay cho thấy thái độ của chúng tự động tỏ ra
với Đấng quyền năng hơn chúng, dù Người còn ở đằng xa, và van
xin với Người là Đấng mà chúng nhận biết là ai và đừng ra tay
làm khốn chúng:
"Thấy Chúa Giêsu ở đàng xa, anh ta chạy đến sụp lạy Người và
kêu lớn tiếng rằng: 'Hỡi ông Giêsu, Con Thiên Chúa Tối Cao, ông
với tôi có liên hệ gì đâu? Vì danh Thiên Chúa, tôi van ông, xin
chớ hành hạ tôi'".
Thế nhưng, "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và
chân lý" đến để cứu độ con người được dựng nên theo
hình ảnh thần linh và tương tự thần linh (xem Khởi Nguyên
1:26-27) khỏi tội lỗi và sự chết gây nên bởi ma quỉ ngay từ
ban đầu, khỏi tình trạng con người đang bị nô lệ ma quỉ và bị ma
quỉ thống trị. Bởi thế Người đã ra tay trừ chúng: "Hỡi thần ô
uế, hãy ra khỏi người này".
Tuy nhiên, như bài Phúc Âm hôm nay thuật lại, trước khi chúng
xuất ra, "Người hỏi nó: 'Tên ngươi là gì?' Nó thưa: 'Tên tôi
là cơ binh, vì chúng tôi đông lắm'. Và nó nài xin Người đừng
trục xuất nó ra khỏi miền ấy". Nếu tên của một con quỉ ám
người ấy là "cơ binh" thì có thể suy ra rằng:
1- Ma quỉ là một tập thể hơn là từng cá nhân, (hoàn toàn khác
hẳn với con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa nhờ đó
trở thành từng cá nhân được Ngài yêu thương), nên chúng không
thể tách lìa nhau, "trừ khử nhau... chia rẽ nhau" (Marco
3:23-24);
2- Ma quỉ là một quyền lực mãnh liệt, quyền lực tối tăm, quyền
lực sự dữ, quyền lực chết chóc, không gì có thể thắng nổi,
(như ở nơi trường hợp người bị chúng ám được diễn tả trong Bài
Phúc Âm hôm nay), ngoại trừ quyền năng của một mình Thiên Chúa.
Ma quỉ chẳng những là một quyền năng nhưng tự bản chất chúng vẫn
sợ đau khổ, vẫn sợ bị trừng phạt, bởi thế, cho dù tự mình là một
quyền lực hủy hoại, chúng cũng đã đề nghị với Đấng trừ
chúng, đúng hơn là xin cùng Đấng không thể nào không trừ chúng,
cho chúng nhập vào đàn heo ở gần đó để chúng tự dùng quyền năng
chết chóc của mình mà thực hiện một hành động "tự tử" qua đàn
heo ấy, còn hơn bị một tay cao thủ hơn mình như Chúa Kitô ra tay
hạ sát cho đỡ bị nhục nhã:
"Gần đó, có một đàn heo đông đảo đang ăn trên núi, những thần
ô uế liền xin Chúa Giêsu rằng: 'Hãy cho chúng tôi đến nhập vào
đàn heo'. Và Chúa Giêsu liền cho phép. Các thần ô uế liền xuất
ra và nhập vào đàn heo, rồi cả đàn chừng hai ngàn con lao mình
xuống biển và chết đuối".
Sự kiện đám quỉ xin nhập vào đàn heo đây dường như ám chỉ là ở
nơi đâu vốn sống theo xu hướng về xác thịt, về đam mê nhục dục,
về tham lam hưởng thụ, về những gì xấu ra tồi bại thấp hèn đều
là những chỗ của ma quỉ và giành cho ma quỉ, những chỗ hết sức
thuận lợi cho ma quỉ hoành hành hơn đâu hết, những chỗ ma quỉ
là tác nhân mang lại chết chóc cho những tâm hồn quay cuồng theo
cuộc sống buông thả như thế...
Trường hợp của những con người sống băng hoại buông thả ấy có
thể nói còn tệ hại và nguy hiểm hơn cả của trường hợp những ai
bị quỉ ám nữa, vì người bị quỉ ám hoàn toàn xẩy ra ngoài ý muốn
của họ, và họ không thể tự cứu mình cho đến khi được giải cứu
bởi quyền lực thần linh của Thiên Chúa. Họ thật là đáng thương
và cần cứu. Một khi được cứu và tỉnh lại, họ trở thành những con
người tốt hơn trước, như trường hợp nạn nhân đương sự trong Bài
Phúc Âm hôm nay:
"Kẻ trước kia bị quỉ ám ngồi đó, mặc quần áo và trí khôn tỉnh
táo, và họ kinh hoảng... Khi Người xuống thuyền, kẻ trước kia bị
quỉ ám xin theo Người. Nhưng người không cho mà rằng: 'Con hãy
về nhà với thân quyến, và loan truyền cho họ biết những gì Thiên
Chúa đã làm cho con và đã thương con'. Người đó liền đi và bắt
đầu tuyên xưng trong miền thập tỉnh, tất cả những gì Chúa Giêsu
đã làm cho anh ta, và mọi người đều thán phục".
Về phía thành phần dân chúng nói chung và chủ nhân của đàn heo
bị thiệt hại nói riêng: "họ tới bên Chúa Giêsu, nhìn thấy kẻ
trước kia bị quỷ ám ngồi đó, mặc quần áo và trí khôn tỉnh táo,
và họ kinh hoảng", đến độ, họ chẳng những không tỏ ra cảm
phục "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân
lý", như dân làng Samaria của người phụ nữ tội lỗi đã "tuốn
ra gặp Người" mà còn "tin vào Người" nữa (xem Gioan
4:30,39), và mừng cho nạn nhân bị quỉ ám vốn là người
trong làng của mình, mà họ lại còn có một thái độ hoàn toàn phản
ngược, ở chỗ họ đã tỏ ra sợ hãi Chúa Kitô, như thể họ sợ hãi
quyền năng trừ quỉ của Chúa, sợ hãi hành động bị trừ quỉ gây
thiệt hại cho họ...
Phải chăng đó là lý do ma quỉ đông như "đạo binh" đã
thích thú ở vùng lầy bại hoại này, một vùng đầy những ma
quỉ đông như cả một "đạo binh", một sào huyệt của ma quỉ
nên chúng không muốn rời bỏ một nơi béo bở như vậy, và "nó
nài xin Người đừng trục xuất nó ra khỏi miền ấy"?
Và cũng phải chăng sau khi thoát khỏi cảnh bị ma quỉ khống chế ở
miền này, nạn nhân được trừ quỉ không muốn ở lại một miền đất
như sào huyệt của ma quỉ ấy nữa, mà chỉ muốn theo Đấng đã trừ
qủi cho mình, theo Đấng đã giải thoát mình, một trường hợp duy
nhất trong Phúc Âm liên quan đến nạn nhân trừ quỉ muốn theo Chúa
Kitô sau khi được trừ quỉ??
Nhất là phải chăng Chúa Giêsu không chấp nhận lời xin rất chân
thành và tốt lành hiếm có này của nạn nhân bị quỉ ám được Người
giải thoát là vì Người muốn anh ta trở thành tông đồ của Người
và cho Người ở ngay vùng đất của ma quỉ này, một vùng đất dân
địa phương ở đấy không muốn thấy sự hiện diện cứu độ của Người,
sợ hãi quyền năng giải thoát của Người, nhờ đó, nhờ sự hiện diện
gián tiếp của Người qua chứng nhân sống động là anh ta mà ma quỉ
không dám hoành hành miền đất ấy nữa. Anh ta trở thành như một
ấn tín cứu độ của Người ở vùng này và cho vùng đất vốn là của ma
quỉ và thuộc về ma quỉ mà chính anh ta đã từng là ngai tòa ngự
trị của chúng giữa vương quốc của chúng ở đấy???
Trong bài giảng cho Lễ Thứ Sáu 29/1/2016 tại Nhà Trọ
Thánh Matta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh một lần nữa,
trong nhiều lần khác, về tình trạng tội lỗi là những gì khả chấp
còn băng hoại là những gì bất khả chấp, như trường hợp của dân
làng sống ở "địa hạt Giêrasa" có thái độ sợ
Chúa trên đây trong bài Phúc Âm hôm nay, khi ngài kết
thúc bài giảng của mình bằng lời cầu nguyện như sau:
"Lạy Chúa, xin cứu chúng con, xin cứu chúng con cho khỏi bị
băng hoại. Ôi Chúa, vâng, chúng con là những tội nhân, thế nhưng
không bao giờ trở thành băng hoại. Chúng con xin Chúa ban cho
chúng con ơn này".
Lời cầu nguyện này của Đức Thánh Cha Phanxicô là để kết thúc bài
giảng liên quan đến Bài Phúc Âm trong ngày hôm ấy (Thứ Sáu tuần
trước) về một Vua Đavít đi từ tội lỗi (ngoại tình với vợ người
ta) đến băng hoại (lén lút sát hại người tôi trung của mình
là chồng của một người vợ vì sợ mà ăn nằm với mình), và chính vì
tội lỗi của vị vua được gọi là Thánh Vương Đavít này, cho dù
vua đã tỏ ra thống hối, vua vẫn phải chịu tất cả mọi hậu quả
bởi đó mà ra do chính Thiên Chúa ra tay sửa phạt vua, đúng như
những gì Ngài phán qua miệng Tiên Tri Nathan trong Bài Đọc 1 Thứ
Bảy tuần trước:
"Lưỡi gươm sẽ không bao giờ rời khỏi dòng dõi ngươi cho đến
muôn đời, vì ngươi đã khinh dể Ta, đã cướp vợ của Uria người
Hêthê làm vợ mình. Vì thế Chúa phán rằng: Từ gia đình ngươi, Ta
sẽ gây nên tai hoạ đổ trên đầu ngươi. Ngay trước mặt ngươi, Ta
sẽ đem thê thiếp của ngươi trao cho người khác, nó sẽ ăn ở với
chúng ngay dưới ánh sáng mặt trời. Ngươi đã hành động thầm lén,
còn Ta, Ta sẽ làm việc đó trước mặt toàn dân Israel và giữa
thanh thiên bạch nhật".
Bài Đọc 1 hôm nay đã cho thấy những lời cảnh báo ấy của Thiên
Chúa đã trở thành hiện thực và ứng nghiệm qua sự kiện nhà vua
này chẳng những bị chính một trong những người con trai của mình
là Absalon phản loạn mà còn bị một lê dân thường hèn dám ngang
nhiên ném đá và công khai nhục mạ nữa:
"Và này xuất hiện một người thuộc dòng họ Saolê, tên là Sêmê,
con ông Giêra. Anh ta vừa đi vừa nguyền rủa, rồi ném đá Ðavít và
những cận vệ của vua...: 'Hỡi kẻ khát máu, người của Bêlial, xéo
đi, xéo đi! Chúa đã đổ trên đầu ngươi tất cả máu của nhà Saolê
mà ngươi đã tiếm vị. Thiên Chúa đã trao vương quốc vào tay
Absalon, con ngươi. Này tai hoạ hành hạ ngươi, vì ngươi là một
tên khát máu'".
Tuy nhiên, phản ứng của vị vua tội lỗi nhưng không đến nỗi quá
băng hoại này, trái lại, đã biết thống hối và thật tình thống
hối này, qua thái độ vua sẵn sàng chấp nhận bị phạm thương
và nhục mạ trước mặt quần thần của vua, và không cho phép
ai được đụng đến phạm nhân của vua, nhất là đã trấn an một cận
vệ của mình đang nguyền rủa phạm nhân và muốn ra tay cắt đầu
hắn:
"'Cớ sao thằng chó chết này nguyền rủa đức vua tôi? Ðể tôi đi
lấy đầu nó'. Vua phán rằng: 'Hỡi con của Sarvia, Ta với khanh có
liên hệ gì đâu? Cứ để mặc nó nguyền rủa. Vì Chúa bảo nó: 'Hãy
nguyền rủa Ðavít', ai dám hỏi nó: 'Tại sao ngươi hành động như
vậy?' Và Ðavít nói với Abisai và toàn thể các cận vệ rằng: 'Kìa,
con trai bởi lòng ta sinh ra, mà còn tìm giết ta, phương chi con
của Giêmini đây. Hãy để nó nguyền rủa theo lệnh Chúa. Biết đâu
Chúa sẽ nhìn thấy nỗi khổ tâm của ta, và hôm nay, Người sẽ đổi
lời dữ ra hạnh phúc cho ta". Ðavít và các cận vệ của ông cứ tiếp
tục đi".
Theo tự nhiên, ai cũng sợ chết nên chẳng ai dám đụng đến kẻ có
quyền giết mình như vua chúa của mình. Bởi thế, con người dám
công khai ném đá vua cùng triều thần của vua và phạm thượng nhục
mạ Vua Đavít trong Bài Đọc 1 hôm nay quả là điên khùng, như thể
bị quỉ ám vậy, một thứ quỉ ám chỉ có thể bị trừ bằng bác ái yêu
thương của một tấm lòng tan nát khiêm cung như
Vua Đavít ở Bài Đọc 1 hôm nay.
Ngược lại, cũng có thể nói Thánh Vương Đavít đã bị quỉ ám khi
phạm tội ngoại tình và sát nhân, bằng không, tự bản chất vốn tốt
lành, đầy tin tưởng và yêu thương của vua từ nhỏ cũng như sau
này, căn cứ vào các đoạn sách Samuel trước đó thuật lại về vua
trong 2 tuần vừa qua, vì thế vua cần phải được trừ quỉ, và Thiên
Chúa đã thực hiện việc trừ quỉ này cho vua, chẳng những đã dùng
lời nói của Tiên Tri Nathan mà còn qua những hành động và lời
nói phạm thượng của một tên lê dân của vua nữa trong Bài Đọc 1
hôm nay.
Bài Đáp Ca hôm nay như phản ảnh tâm tình đối với Thiên Chúa của
Vua Đavít trong lúc vua bị đứa con mình phản loạn và bị một
lê dân của mình ném đá cùng nhục mạ:
1) Thân lạy Chúa, nhiều thay người bách hại con, nhiều thay
người nổi dậy chống con. Về con, nhiều kẻ thốt ra lời: "Hết
trông hắn được Chúa trời cứu độ".
2) Nhưng, lạy Chúa, Chúa là thuẫn hộ thân con, là vinh quang
con, Chúa cho con ngẩng đầu lên. Con lên tiếng kêu cầu tới Chúa,
và Chúa đã nghe con từ núi thánh của Ngài.
3) Con nằm xuống và đã ngủ ngon, rồi thức khoẻ vì Chúa đỡ nâng
con. Con không kinh hãi ức triệu người ở chung quanh đồn trú hại
con. Lạy Chúa! Xin Chúa đứng lên, xin cứu vớt con!
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu
có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ
trên
TN.IV-2.mp3
Ngày 31 tháng 1
Thánh Gio-an Bốt-cô, linh mục
lễ nhớ bắt buộc
Tiểu sử
Chào đời năm 1815 tại Cát-ten-nô-vô, giáo phận Tô-ri-nô, Gio-an
đã trải qua thời thơ ấu trong hoàn cảnh khó khăn, vì thế khi làm
linh mục, người dấn thân lo việc giáo dục thanh thiếu niên.
Người lập dòng các tu sĩ Sa-lê-diêng và dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ
Các Giáo Hữu để huấn luyện thanh thiếu niên về nghề nghiệp và
đời sống đạo. Người qua đời năm 1888.
Noi gương Đức Giê-su và để cho tình yêu hướng dẫn
Trích thư của thánh Gio-an Bốt-cô, linh mục.
Nếu chúng ta muốn tỏ ra là người tha thiết quan tâm tới lợi ích
đích thực của các học sinh chúng ta, và thôi thúc chúng chu toàn
bổn phận, các con đừng bao giờ quên rằng mình đang thay mặt cho
cha mẹ của lớp trẻ thân yêu này, lớp trẻ đã từng là đối tượng ưu
ái khiến cha luôn bận tâm, lao nhọc, học hỏi, và thực thi tác vụ
linh mục. Chúng còn là đối tượng cho toàn thể dòng Sa-lê-diêng
chúng ta phục vụ nữa. Do đó, nếu chúng con muốn là những người
cha đích thực của các học sinh, nhất thiết chúng con phải có tấm
lòng của một người cha ; và như thế, chúng con đừng bao giờ dùng
tới biện pháp cưỡng chế hay ra hình phạt cách vô lý và không
công bằng, cũng đừng theo lối của người làm việc miễn cưỡng,
hoặc chỉ làm vừa đủ để chu toàn phận sự của mình.
Các con rất thân mến, trong công việc giáo dục lâu dài của cha,
biết bao lần cha đã phải tâm niệm về chân lý cao cả này : bực
tức thì bao giờ cũng dễ hơn là nhẫn nại, doạ nạt một đứa trẻ thì
dễ hơn là thu phục nó. Cha còn dám nói thêm rằng : thường chúng
ta dễ theo tính kiêu căng và nóng nảy mà trừng phạt những em
bướng bỉnh, hơn là lấy lòng cương nghị và hiền từ mà sửa dạy và
chịu đựng chúng. Lòng bác ái mà cha xin chúng con chính là đức
ái mà thánh Phao-lô đã dành cho các tín hữu mới trở lại đạo
Chúa. Đức ái này đã khiến thánh nhân phải nhiều phen khóc lóc
van nài khi thấy họ ít vâng lời và không đáp lại lòng nhiệt
thành của người.
Khi sửa phạt, thật khó mà giữ được bình tĩnh. Nhưng đó lại là
điều tối cần để không ai có thể nghĩ rằng ta làm thế vì muốn thị
uy hay trút cơn nóng giận.
Hãy coi các trẻ nhỏ dưới quyền chúng ta như là con cái. Hãy dấn
thân phục vụ chúng theo gương Chúa Giê-su. Người đến không phải
để ra lệnh nhưng để vâng phục. Các con phải cảm thấy xấu hổ khi
thấy mình lộ vẻ thống trị ; và nếu có thống trị thì cũng chỉ là
để phục vụ đắc lực hơn mà thôi. Chúa Giê-su đã cư xử như thế với
các Tông Đồ. Người chịu đựng sự dốt nát, thô kệch, và cả lòng
trung thành yếu kém của các ông nữa. Rồi khi đối xử với các tội
nhân cách nhân hậu và thân mật, Người đã làm cho lắm kẻ phải
ngạc nhiên, nhiều người khó chịu, nhưng cũng khiến cho biết bao
người hy vọng được Thiên Chúa thứ tha. Vì thế, Đức Giê-su bảo ta
hãy học nơi Người để biết sống hiền lành và khiêm nhường trong
lòng.
Bởi vì trẻ em là con cái chúng ta, nên khi phải sửa trị lỗi lầm
của chúng, ta phải tránh mọi sự nóng giận, hay ít ra phải nén
lòng tới độ xem ra đã hoàn toàn dập tắt được cơn nóng giận rồi.
Tuyệt đối không được để cho cõi lòng sôi sục, không được có khoé
nhìn khinh bỉ, không được phép dùng lời ăn tiếng nói hạ nhục một
ai. Nhưng ta hãy cứ cảm thông lúc này và hy vọng vào tương lai.
Như vậy, các con mới là những người cha đích thực, và sửa dạy
chúng thật sự.
Trong những trường hợp trầm trọng, ta nên khiêm hạ nài xin Thiên
Chúa, hơn là tuôn ra những lời lẽ vừa khiến cho người nghe phật
lòng, lại vừa không ích lợi gì cho kẻ phạm lỗi.
Các con hãy nhớ rằng giáo dục là công việc của tâm hồn, nơi chỉ
có Thiên Chúa làm chủ. Thế nên ta không thể đạt được gì nếu
Thiên Chúa không dạy ta nghệ thuật và không trao cho ta bí quyết
giáo dục.
Hãy cố gắng làm cho mình được yêu mến. Hãy vun trồng tâm tình
kính sợ Thiên Chúa. Như thế, ta có thể dễ dàng mở được cánh cửa
của bao tâm hồn và liên kết lại với chúng ta mà ca hát, ngợi
khen và chúc tụng Đấng đã muốn trở nên mẫu mực của chúng ta,
đường đi của chúng ta và gương lành cho chúng ta trong mọi sự,
đặc biệt trong việc giáo dục thanh thiếu niên.
Xướng đápMc
10,13-14 ; Mt 18,5
XNgười
ta dẫn trẻ em đến với Đức Giê-su, để Người chạm tay vào chúng ;
nhưng các môn đệ xẵng giọng với chúng. Thấy vậy, Người bực mình
nói với các ông :
Đ“Cứ
để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa
thuộc về những ai giống như chúng.
XAi
tiếp đón một em nhỏ như thế này vì danh Thầy, là tiếp đón chính
Thầy.”
Đ“Cứ
để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa
thuộc về những ai giống như chúng.
Lời nguyện
Lạy Chúa, Chúa đã cho xuất hiện trong Hội Thánh một người cha và
một bậc thầy của giới thanh thiếu niên là thánh Gio-an Bốt-cô
linh mục. Xin Chúa cũng đốt lửa yêu mến trong lòng chúng con, để
chúng con biết phụng sự một mình Chúa và lo cho anh em được cứu
độ. Chúng con cầu xin
Những thời khắc lịch sử trong cuộc đời Thánh Gioan Bosco
- Ngày 16/8/1815: Gioan Bosco sinh tại Becchi, Castelnuovo
d’Asti, nước Ý. Cha của ngài là Phanxicô Bosco và mẹ là Magarita
Occhiena.
- Năm 1817: Ông Phanxicô Bosco qua đời khi Gioan Bosco mới 2
tuổi.
- Năm 1824: Giấc mơ lúc 9 tuổi mạc khải cho Gioan Bosco sứ mệnh
mà Thiên Chúa kêu gọi: Giáo dục những người trẻ bị bỏ rơi và
những đứa trẻ đã theo con đường xấu.
- Năm 1826: Gioan Bosco được rước lễ lần đầu.
- Năm 1827: Gioan Bosco xa nhà để làm thuê cho trang trại Moglia
ở Moncucco, vì xích mích với anh Antôn, người anh cùng cha khác
mẹ không muốn Gioan Bosco đi học.
- Tháng 11/1829: Trở về nhà, Gioan Bosco bắt đầu đi học ở nơi
cha già Calosso, tại Morialdo.
- Tháng 11/1830: Cha Calosso qua đời. Antôn muốn lập gia đình,
nên không muốn Gioan Bosco đi học ở trường công ở Castelnuovo.
- Ngày 04/11/1831: Gioan Bosco tới Chieri ở trọ và đi làm thuê
bằng nhiều việc khác nhau để kiếm sống và đi học trong thời gian
10 năm.
- Năm 1833: Gioan Bosco lãnh bí tích Thêm sức tại Buttigliera
d’Asti.
- Ngày 29/3/184: Tư giáo Gioan Bosco chịu chức phó tế.
- Ngày 05/6/184: Thầy Gioan Bosco chịu chức linh mục do Đức Tổng
Giám mục Torino, Fransoni, trong nhà nguyện của tòa Tổng Giám
mục.
- Mùa thu năm 184: Don Bosco ghi danh vào Học viện Giáo sĩ thánh
Phanxicô Assisi để đào sâu các môn thần học. Thời gian này ngài
tìm hiểu thành phố Torino và khám phá ra những vấn đề nghiêm
trọng của giới trẻ nghèo và bị bỏ rơi, hậu quả của cuộc “Cách
mạng kỹ nghệ” đang xâm nhập thành phố này.
- Ngày 08/12/184: Don Bosco gặp cậu bé Bartolomeo Garelli quê
Asti, tại Valdocco, trong phòng áo của nhà thờ thánh Phanxicô
Assisi. Công cuộc nguyện xá bắt đầu khởi sự.
- Ngày 12/4/1846: Nguyện xá chuyển tới khu nhà thuê của ông
Phanxicô Pinardi, tại Valdocco. Nơi đây được coi như mô hình
nguyện xá kiểu mẫu về sứ mệnh giáo dục Salêdiêng.
- Ngày 03/11/1846: Sau một thời gian dưỡng bệnh dài ở Becchi,
Don Bosco trở về Nguyện xá, có mẹ Magaritta đi cùng. Bà đến
Nguyện xá làm mẹ đám trẻ con của Don Bosco. Don Bosco thuê hai
phòng để khởi sự trường học.
- Năm 1851: Don Bosco mua khu nhà Pinardi và bắt đầu xây dựng
ngôi nhà thờ kính thánh Phanxocô Salê. Ngôi nhà thờ hoàn tất và
được thánh hiến năm 1852.
- Ngày 26/01/1854: Don Bosco đề nghị bốn thanh niên (Rua,
Cagliero, Rocchietti, Artiglia) lập nên các Salêdiêng với một
lời hứa dấn thân “Thực hành đức ái với tha nhân”.
- Ngày 29/10/1854: Đaminh Saviô, một đứa trẻ thánh thiện vào
Nguyện xá.
- Ngày 08/6/1856: Đaminh Saviô lập Hội Đức Mẹ Vô Nhiễm. Đó là
nhóm các người trẻ cộng tác với Don Bosco để giúp đỡ và làm điều
tốt cho các bạn của mình.
- Năm 1858: Don Bosco đi Roma để trình bày công cuộc của ngài
cho Đức Thánh Cha Pio IX, ngài được đề nghị viết lại “Những điều
kỳ diệu” vào lúc khởi đầu công cuộc ngài cho Đức Thánh Cha.
- Ngày 18/12/1859: Tu hội Salêdiêng chính thức khai sinh. Công
cuộc Don Bosco có 18 Salêdiêng tiên khởi.
- Tháng 03/1864: Don Bosco xây dựng đền thờ dâng kính Mẹ Phù Hộ
tại Valdocco, Tôrinô.
- Ngày 09/6/1868: Thánh hiến đền thờ Đức Mẹ.
- Ngày 05/8/1872: Don Bosco cùng với Mẹ Maria Mazza-rello thành
lập Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ (FMA).
- Ngày 03/4/1874: Tòa Thánh châu phê dứt khoát Quy luật của Tu
Hội Salêdiêng.
- Ngày 11/11/1875: Don Bosco khởi đầu công cuộc truyền giáo
Saliêdiêng tại Patagonia, Achentina.
- Năm 1876: Don Bosco thành lập Hiệp Hội Cộng tác viên
Salêdiêng.
- Năm 1880: Đức Leo XIII ủy thác cho Don Bosco việc xây dựng Đền
thờ kính Thánh Tâm Chúa tại Roma.
- Năm 1887: Don Bosco đi tới Roma lần cuối cùng để thánh hiến
Đền thờ Thánh Tâm Chúa. Lúc này sức khỏe của ngài đã bị suy
kiệt.
- Ngày 31/01/1888: Don Bosco qua đời để lại niềm thương tiếc cho
khắp nước Ý và tất cả những ai từng biết về công cuộc giáo dục
giới trẻ của ngài.
- Ngày 01/4/1934: Vào ngày Chúa Nhật Phục Sinh, Don Bosco được
Đức Thánh Cha Pio XI tôn phong hiển thánh.
- Ngày 24/01/1989: Don Bosco được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II
tuyên bố ngài là “Cha và Thầy của giới trẻ”
https://www.songtinmungtinhyeu.org/index.php?open=contents&id=873
ThanhGioanBosco.mp3
https://youtu.be/0hYiZSPVIc0