PVLC Mùa Thường Niên Tuần XXX Thứ 7
Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 11, 1-2a. 11-12. 25-29
"Nếu sự bỏ rơi người Do-thái là
sự giao hoà của thế giới, thì đâu là cái lợi, nếu không phải là
sự sống lại từ cõi chết?"
Bài trích thư Thánh Phaolô Tông
đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, chớ thì Thiên
Chúa đã bỏ rơi dân Người rồi sao? Hẳn là không. Vì chính tôi
cũng là người Israel, miêu duệ của Abraham, thuộc chi họ
Bengiamin. Thiên Chúa không từ bỏ dân Người mà Người đã chiếu cố
trước.
Vậy tôi xin hỏi: Chớ thì họ đã
vấp chân đến nỗi ngã xuống rồi sao? Hẳn là không. Nhưng vì lỗi
lầm của họ mà Dân ngoại được ơn cứu độ, để họ ganh đua với những
kẻ ấy. Nếu lỗi lầm của họ làm cho thế giới nên giàu có, và sự
thiếu thốn của họ làm cho Dân ngoại được phú túc, thì sự dư đầy
của họ còn lợi nhiều hơn biết bao.
Anh em thân mến, tôi không muốn
để anh em không hay biết mầu nhiệm này (để anh em không tự cho
mình là những kẻ khôn ngoan): là một phần dân Israel cứng lòng
mãi cho đến khi toàn thể Dân ngoại nhập giáo, và bấy giờ toàn
thể Israel cũng sẽ được cứu độ, như có lời chép rằng: "Từ Sion
có Ðấng Cứu độ sẽ đến mà cất sự vô đạo khỏi Giacóp. Và đó là
giao ước Ta ký kết với họ, khi Ta xoá bỏ tội lỗi của họ".
Xét theo Tin Mừng thì họ thật là
kẻ thù nghịch vì anh em, nhưng xét theo kén chọn, thì họ là
những người rất được yêu thương vì các tổ phụ. Bởi vì Thiên Chúa
ban ân huệ và kêu gọi ai, Người không hề hối tiếc.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 93,
12-13a. 14-15. 17-18
Ðáp: Chúa sẽ không loại trừ dân tộc của Chúa (c. 14a).
Xướng: 1) Lạy Chúa, phúc thay
người được Ngài dạy bảo, và giáo hoá theo luật pháp của Ngài,
hầu cho họ được thảnh thơi trong những ngày gian khổ. - Ðáp.
2) Vì Chúa sẽ không loại trừ dân
tộc, và không bỏ rơi gia nghiệp của Ngài. Nhưng sự xét xử sẽ trở
lại đường công chính, và mọi người lòng ngay sẽ thuận tình theo.
- Ðáp.
3) Nếu như Chúa chẳng phù trợ
con, trong giây phút hồn con sẽ ở nơi yên lặng. Ðang lúc con
nghĩ rằng "Chân con xiêu té", thì, lạy Chúa, ân sủng Ngài nâng
đỡ thân con. - Ðáp.
Alleluia: Tv 147,
12a và 15a
Alleluia, alleluia! -
Giêrusalem, hãy ngợi khen Chúa, Ðấng đã sai Lời Người xuống cõi
trần ai. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 14, 1.
7-11
"Hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ
xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu vào nhà một
thủ lãnh các người biệt phái để dùng bữa, và họ dò xét Người.
Người nhận thấy cách những kẻ được mời chọn chỗ nhất, nên nói
với họ dụ ngôn này rằng:
"Khi có ai mời ngươi dự tiệc
cưới, ngươi đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo có người trọng hơn ngươi
cũng được mời dự tiệc với ngươi, và chủ tiệc đã mời ngươi và
người ấy, đến nói với ngươi rằng: "Xin ông nhường chỗ cho người
này", bấy giờ ngươi sẽ phải xấu hổ đi ngồi vào chỗ rốt hết.
Nhưng khi ngươi được mời, hãy đi ngồi vào chỗ rốt hết, để khi
người mời ngươi đến nói với ngươi rằng: "Hỡi bạn, xin mời bạn
lên trên", bấy giờ ngươi sẽ được danh dự trước mặt những người
dự tiệc.
"Vì hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải
hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên".
Ðó là lời Chúa.
Suy Nghiệm Lời
Chúa:
Biết thân biết
phận thì chỉ đáp ứng hơn là chọn lựa
Bài Phúc Âm hôm nay, Thứ Bảy
Tuần XXX Thường Niên, tiếp ngay sau bài Phúc Âm hôm qua. Đúng
hơn, cả hai bài Phúc Âm hôm qua và hôm nay là một, vì khung cảnh
diễn ra đều ở trong cùng một địa điểm là "nhà một thủ lãnh
các người biệt phái để dùng bữa", nhưng về nội dung thì được
Giáo Hội cắt ra làm hai, vì ở nơi đây Chúa đã dạy hai bài học
cho thành phần biệt phái đang ăn uống với Người bấy giờ.
Bài học thứ nhất đã được Chúa
Giêsu huấn dụ trong bài Phúc Âm hôm qua về tinh thần và mục đích
của lề luật liên quan đến sự kiện Người chữa lành cho người bị
bệnh thủy thủng vào ngày hưu lễ. Bài học thứ hai được Người huấn
dụ họ sau khi "Người nhận thấy cách những kẻ được mời chọn
chỗ nhất, nên nói với họ dụ ngôn này rằng:
"Khi có ai mời ngươi dự tiệc
cưới, ngươi đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo có người trọng hơn ngươi
cũng được mời dự tiệc với ngươi, và chủ tiệc đã mời ngươi và
người ấy, đến nói với ngươi rằng: 'Xin ông nhường chỗ cho người
này', bấy giờ ngươi sẽ phải xấu hổ đi ngồi vào chỗ rốt hết.
Nhưng khi ngươi được mời, hãy đi ngồi vào chỗ rốt hết, để khi
người mời ngươi đến nói với ngươi rằng: 'Hỡi bạn, xin mời bạn
lên trên', bấy giờ ngươi sẽ được danh dự trước mặt những người
dự tiệc. Vì hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình
xuống, sẽ được nhắc lên".
Bài học thứ hai này trong
Phúc Âm hôm nay Chúa Giêsu dạy đó là "hãy đi ngồi vào chỗ rốt
hết", một thái độ khôn ngoan nhất, một chọn lựa tốt lành
nhất. Không phải để, về phần tiêu cực, tránh được bẽ mặt khi "ngồi
vào chỗ nhất", chỗ mà có thể "có người trọng hơn ngươi
cũng được mời dự tiệc với ngươi, và chủ tiệc đã mời ngươi và
người ấy, đến nói với ngươi rằng: 'Xin ông nhường chỗ cho người
này', bấy giờ ngươi sẽ phải xấu hổ đi ngồi vào chỗ rốt hết". Cũng
không phải để, về phần tích cực, được vẻ vang hơn khi "Người
mời ngươi đến nói với ngươi rằng: 'Hỡi bạn, xin mời bạn lên
trên', bấy giờ ngươi sẽ được danh dự trước mặt những người dự
tiệc".
Tuy nhiên, thực tế cho thấy,
trong các cuộc hội họp, hay ngay cả trong nhà thờ, giáo dân Việt
Nam nói riêng thường thích ngồi ở dưới hơn là ngồi ở trên. Cho
dù có mời lên chỗ trống còn nhiều ở trên cũng không chịu. Có thể
là vì họ sợ ngủ gật. Có thể là vì họ muốn ngồi đấy để chuồn ra
ngoài cho dễ, hay biến cho nhanh dù chưa xong lễ. Có thể là vì
bạn bè cùng tham dự không chịu thay đổi chỗ ngồi nên ngồi với
nhau cho vui. Có thể là vì họ không muốn bị ai dòm ngó đằng sau.
Có thể là vì họ có con nhỏ quấy phá muốn tránh chia trí cho mọi
người. Có thể là vì họ cảm thấy mình hèn hạ tội lỗi bất xứng
chỉ đáng ngồi cuối cùng v.v.
Ai cũng có lý do chính đáng để
cứ ngồi ở chỗ cuối. Thế nhưng, chúng ta hãy suy nghĩ thật
kỹ câu "hãy đi ngồi vào chỗ rốt hết" Chúa Giêsu huấn dụ
những người biệt phái trong bài Phúc Âm hôm nay, cũng để huấn dụ
cả chúng ta nữa, chúng ta mới thấy đó là một nguyên tắc sống đức
tin và đồng thời cũng là một linh đạo rất thiết thực, cần thiết,
hữu dụng và không thể không áp dụng để có thể sống bình an và
nên trọn lành.
Thật vậy, vấn đề then chốt ở
câu "hãy đi ngồi vào chỗ rốt hết" này đó là
thái độ đáp ứng tuân theo hơn là chủ động chọn lựa. Bởi thế,
Chúa Giêsu không bảo rằng "hãy chọn chỗ cuối cùng mà
ngồi", mà là "hãy đi mà ngồi vào chỗ cuối cùng".
Tại sao thế? Tại vì nếu chúng ta mà "chọn" tức là chúng ta có
quyền, chúng ta làm chủ, chúng ta làm theo ý muốn của chúng ta,
làm theo ý nghĩ, ý thích, ý riêng của chúng ta, và sẽ chẳng bao
giờ vừa với lòng tham vô đáy của chúng ta, không bao giờ hợp với
tính hay thay đổi theo cảm giác cảm tình của chúng ta v.v.
Trong đời sống tu đức cũng thế.
Bao lâu chúng ta còn làm chủ, còn tự tin, còn cậy mình v.v. thì
bấy lâu chúng ta còn xa Chúa, chưa trọn lành, cho đến khi, qua
những đau thương thử thách Chúa gửi đến cho chúng ta để thanh
tẩy chúng ta, để kéo chúng ta ra khỏi thế gian, chúng ta bấy giờ
mới chỉ còn biết bám lấy Chúa, chỉ còn biết tin tưởng vào Ngài
và phó thác cho Ngài, nghĩa là bấy giờ nhờ được Chúa hoàn toàn
chiếm đoạt và ngự trị, chúng ta mới có thể "nên trọn lành như
Cha trên trời là Đấng trọn lành" (Mathêu 5:48), mới có thể "thương
xót như Cha là Đấng thương xót" (Luca 6:36), mới có thể "yêu
nhau như Thày đã yêu thương các con" (Gioan 13:34,15:12).
Đó là lý do chúng ta thấy trong
Biến Cố Truyền Tin, Mẹ Maria đầy ân phúc đã không "chọn" chỗ
cuối cùng, mà là chấp nhận, là "đi ngồi vào chỗ cuối cùng"
của Mẹ đó là thân phận của một nữ tỳ xin vâng (xem Luca 1:38),
là chỗ Chúa chọn cho Mẹ - Phải chăng vì thế mà Mẹ đã không hề
lên tiếng chối từ cho dù được chọn làm Mẹ Thiên Chúa!?!
Đó là lý do chúng ta còn thấy
chỉ khi nào Tông Đồ Phêrô không còn tự mình đi đây đi đó nữa, mà
trái lại, ngài còn bị dẫn đi đến nơi ngài không muốn, hoàn toàn
trái ý của ngài, ở trong thế bị động hơn là chủ động như
trước, ngài mới có thể thực sự "theo Thày", tức mới thực
sự nên giống Đấng chịu đóng đinh là Thày của ngài (xem Gioan
21:18-19).
Đó cũng là lý do tại sao kẻ lớn
nhất trên Nước Trời là kẻ "hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ"
(Mathêu 18:3), như tâm hồn của người nam cao trọng
nhất được người nữ sinh ra (xem Mathêu 11:11), đến chỉ để tỏ cho
dân chúng biết Đấng đến sau mình (xem Gioan 1:31,27): "Người
cần được gia tăng, còn tôi cần bị giảm xuống" (Gioan 3:30).
Trường hợp của dân Do Thái thì
sao - họ có "đi mà ngồi vào chỗ cuối cùng" hay chăng, hay
là, đúng như Chúa Giêsu nhận thấy họ trong bài Phúc Âm hôm nay
rõ ràng là "những kẻ được mời chọn chỗ nhất"?
Quả thực đúng như thế. Ở chỗ,
Thiên Chúa đã kén chọn dân Do Thái giữa các dân tộc trên thế
giới này, nhưng thực tế cho thấy, qua giòng Lịch Sử Cứu Độ của
họ, họ đã không sống đúng với ơn gọi chuyên biệt này của họ,
không "đi mà ngồi vào chỗ cuối cùng" được Thiên Chúa chọn
cho ấy, trái lại, họ đã tự "chọn chỗ cuối cùng mà ngồi" cho
họ, đó là một "chỗ" vời vợi xa cách Thiên Chúa của họ hơn bao
giờ hết và hơn ai hết, "chỗ" ngoại tình với tà thần và sấp
mình tôn thờ ngẫu tượng, trắng trợn loại bỏ Vị Thiên Chúa chân
thật duy nhất của họ.
Thế nhưng, "chỗ cuối cùng" mà
Thiên Chúa đã chọn cho dân Do Thái vẫn còn đấy, vì như Thánh
Phaolô Tông Đồ trong Bài Đọc 1 cho năm lẻ hôm nay khẳng định: "Thiên
Chúa không từ bỏ dân Người mà Người đã chiếu cố trước....Thiên
Chúa ban ân huệ và kêu gọi ai, Người không hề hối tiếc".
Hơn thế nữa, chính nhờ họ tạm
thời bỏ trống "chỗ cuối cùng" tuyệt vời của họ mà dân ngoại
mới được ngồi ké nữa, như vị tông đồ dân ngoại này nhận định
trong cùng Bài Đọc 1 hôm nay: "vì lỗi lầm của họ mà Dân ngoại
được ơn cứu độ... Nếu lỗi lầm của họ làm cho thế giới nên giàu
có, và sự thiếu thốn của họ làm cho Dân ngoại được phú túc, thì
sự dư đầy của họ còn lợi nhiều hơn biết bao".
Đó là một "mầu nhiệm",
mầu nhiệm cứu độ theo dự án vô cùng khôn ngoan huyền diệu của
Thiên Chúa mà Thánh Phaolô muốn cho dân ngoại biết, qua Kitô hữu
giáo đoàn Rôma, trong Bài Đọc 1 hôm nay, để thành phần dân ngoại
này không bị ảo tưởng và vênh vang tự phụ:
"Anh em thân mến, tôi không
muốn để anh em không hay biết mầu nhiệm này (để anh em không tự
cho mình là những kẻ khôn ngoan): là một phần dân Israel cứng
lòng mãi cho đến khi toàn thể Dân ngoại nhập giáo, và bấy giờ
toàn thể Israel cũng sẽ được cứu độ".
Trong giòng Lịch Sử Cứu Độ của
mình, chính Dân Do Thái cũng đã cảm nghiệm được Vị Thiên Chúa
chân thật duy nhất của họ không bao giờ bỏ họ, cho dù họ có thế
nào chăng nữa, đến độ, có những lúc họ cảm thấy không thể nào
thiếu Ngài, như những tâm thức của Bài Đáp Ca hôm nay:
1) Lạy Chúa, phúc thay người
được Ngài dạy bảo, và giáo hóa theo luật pháp của Ngài, hầu cho
họ được thảnh thơi trong những ngày gian khổ.
2) Vì Chúa sẽ không loại trừ dân
tộc, và không bỏ rơi gia nghiệp của Ngài. Nhưng sự xét xử sẽ trở
lại đường công chính, và mọi người lòng ngay sẽ thuận tình
theo.
3) Nếu như Chúa chẳng phù trợ
con, trong giây phút hồn con sẽ ở nơi yên lặng. Ðang lúc con
nghĩ rằng "Chân con xiêu té", thì, lạy Chúa, ân sủng Ngài nâng
đỡ thân con.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL.
Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm
hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên
Thu.7.XXX.mp3
https://youtu.be/7P8oudj492w