PVLC Mùa Thường Niên Tuần XXX Thứ 4
Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 8, 26-30
"Những kẻ yêu mến Thiên Chúa,
thì Người giúp họ được sự lành".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ
gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, có Thánh Thần
nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta. Vì chúng ta không biết cầu
nguyện như thế nào cho xứng hợp. Nhưng chính Thánh Thần cầu xin
cho chúng ta bằng những tiếng than khôn tả. Mà Ðấng thấu suốt
tâm hồn, thì biết điều Thánh Thần ước muốn. Bởi vì Thánh Thần
cầu xin cho các thánh theo ý Thiên Chúa.
Nhưng chúng ta biết rằng những
kẻ yêu mến Thiên Chúa, thì Người giúp họ được sự lành, họ là
những người theo dự định của Chúa, được kêu gọi nên thánh. Vì
chưng, những kẻ Chúa đã biết trước, thì Người đã tiền định cho
họ nên hình ảnh giống Con Người, để Ngài trở nên trưởng tử giữa
đoàn anh em đông đúc. Những ai Người đã tiền định, thì Người
cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho
nên công chính; mà những ai Người đã làm cho nên công chính, thì
Người cũng cho họ được vinh quang.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 12, 4-5.
6
Ðáp: Lạy Chúa, con đã tin cậy vào đức từ bi của Chúa
(c. 6a).
Xướng: 1) Xin đoái xem, nhậm lời
con, lạy Chúa, lạy Thiên Chúa. Xin soi sáng mắt con, kẻo con
thiếp ngủ trong tay tử thần, đừng để tên thù con nói được: "Ta
đã thắng nó". Xin chớ để kẻ thù con hân hoan vì con quỵ ngã. -
Ðáp.
2) Bởi con đã tin cậy vào đức từ
bi của Chúa. Xin cho lòng con hân hoan vì ơn Ngài cứu độ, con sẽ
hát mừng Chúa, vì Ngài ban ân huệ cho con. - Ðáp.
Alleluia: Tv 118,
135
Alleluia, alleluia! - Xin tỏ cho
tôi tớ Chúa thấy long nhan hiền hậu, và dạy bảo con những thánh
chỉ của Chúa. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 13,
22-30
"Người ta sẽ từ đông sang tây
đến dự tiệc trong nước Chúa".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu rảo qua các
đô thị và làng mạc, vừa giảng dạy vừa đi về Giêrusalem. Có kẻ
hỏi Người rằng: "Lạy Thầy, phải chăng chỉ có một số ít sẽ được
cứu độ?" Nhưng Người phán cùng họ rằng: "Các ngươi hãy cố gắng
vào qua cửa hẹp, vì Ta bảo các ngươi biết: nhiều người sẽ tìm
vào mà không vào được. Khi chủ nhà đã vào đóng cửa lại, thì lúc
đó các ngươi đứng ngoài mới gõ cửa mà rằng: "Thưa ngài, xin mở
cửa cho chúng tôi". Chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: "Ta không
biết các ngươi từ đâu tới". Bấy giờ các ngươi mới nói rằng:
"Chúng tôi đã ăn uống trước mặt Ngài và Ngài đã giảng dạy giữa
các công trường của chúng tôi". Nhưng chủ sẽ trả lời các ngươi
rằng: "Ta không biết các ngươi từ đâu mà tới, hỡi những kẻ làm
điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt ta".
Khi các ngươi sẽ thấy Abraham,
Isaac, Giacóp và tất cả các tiên tri ở trong nước Thiên Chúa,
còn các ngươi bị loại ra ngoài, nơi đó các ngươi sẽ khóc lóc
nghiến răng. Và người ta sẽ từ đông chí tây, từ bắc chí nam đến
dự tiệc trong nước Thiên Chúa. Phải, có những người sau hết sẽ
trở nên trước hết, và những người trước hết sẽ nên sau hết".
Ðó là lời Chúa.
Suy Nghiệm Lời
Chúa:
Cứu độ: ân
sủng không phải công lênh
Hôm nay, Thứ Tư Tuần XXX Thường
Niên, trong bài Phúc Âm, Thánh ký Luca thuật lại cho chúng ta về
vấn nạn số người được cứu độ, một vấn nạn bất chợt được đặt ra
cho Chúa Giêsu khi Người đang "rảo qua các đô thị và làng
mạc, vừa giảng dạy vừa đi về Giêrusalem", đích điểm mà Người
phải đến để hoàn tất ơn cứu độ - Vậy Người đã trả lời ra sao?
Để hiểu được câu trả lời của
Chúa Giêsu, cần phải biết nguyên văn câu hỏi từ một người nào đó
trong đám đông đi theo Người bấy giờ: "Lạy Thầy, phải chăng
chỉ có một số ít sẽ được cứu độ?" Đây là một câu vừa nghi
vấn "phải chăng", vừa khẳng định "chỉ có một số ít
sẽ được cứu độ", một câu hỏi chỉ muốn người trả lời xác nhận
theo đúng ý của người hỏi, chẳng hạn: "Đúng thế, chỉ có một
số ít sẽ được cứu độ mà thôi!"
Sở dĩ người đặt ra câu hỏi này
chủ trương "chỉ có một số ít sẽ được cứu độ?" là vì người
này cho rằng chỉ có dân Do Thái là dân của Chúa mới là dân
thánh, mới được cứu độ, ngoài ra, tất cả dân ngoại đều tội lỗi,
xấu xa, đáng ghê tởm, không bao giờ được cứu độ. Chưa hết, ngay
cả trong chính dân Do Thái của họ, thì thành phần thu thuế
và đĩ điếm được liệt vào hạng tội nhân, cũng chẳng được cứu độ.
Thế nên, "chỉ có một số ít sẽ được cứu độ?" là vậy.
Nếu thế thì vấn nạn nhân trong
bài Phúc Âm hôm nay, tiêu biểu cho chung dân Do Thái và cho
riêng thành phần biệt phái cùng luật sĩ này cho rằng việc cứu độ
chỉ giành cho những ai tuân giữ luật Chúa, và cứu độ không phải
là một "ơn", được gọi là "ơn cứu độ", mà là việc cứu độ liên
quan đến việc tuân giữ luật của họ. Ngoài ra, chủ trương việc
cứu độ hơn là "ơn cứu độ" này còn ngầm cho rằng không có vấn đề
thống hối ăn năn, một khi con người đã sa ngã phạm tội thì kể
không được cứu độ nữa.
Đó là lý do khi được Chúa
Giêsu nhắc nhở "ai trong các người không có tội thì cứ ném đá
chị ta đi (người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại
tình)" (Gioan 8:7), họ mới chẳng những chợt hổ thẹn bỏ đi từ
người lớn tuổi hơn (xem Gioan 8:8), mà còn được nhắc nhở rằng ai
cũng có tội, cần phải ăn năn thống hối, chứ đừng lên án và sát
phạt người khác làm như thể mình chẳng có tội và chẳng đáng bị
ném đá.
Phần Chúa Giêsu, Người đã không
trả lời dứt khoát với vấn nạn nhân này rằng "sẽ có một số ít
sẽ được cứu độ" như họ mong đợi, hay là "sẽ có nhiều
người được cứu độ". Người chỉ nói đến điều kiện để được cứu độ
mà thôi: "Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp". Đồng
thời Người cũng thòng thêm một câu ngay sau đó, một câu như
thể Người tỏ ra đồng ý và chấp nhận chiều hướng "sẽ có một
số ít sẽ được cứu độ" của người đặt vấn đề với Người, và
câu được Người bồi thêm là: "Ta bảo các ngươi biết: nhiều
người sẽ tìm vào mà không vào được".
Như thế, nếu muốn được cứu độ,
tức muốn được lên trời, con người cần phải "vào qua cửa hẹp",
trong khi đó, thực tế cho thấy "nhiều người sẽ tìm vào mà
không vào được" thì đúng là phải kết luận rằng: "chỉ có
một số ít sẽ được cứu độ" mà thôi.
Tại sao thế? Tại sao lại xẩy ra
chuyện kỳ quặc như thế: "nhiều người sẽ tìm vào mà không vào
được"? Chẳng lẽ người ta muốn được cứu rỗi mà cũng
không được hay sao, mà cũng không đúng như ý Chúa muốn cứu độ họ
hay sao? Trái lại, cuối cùng còn bị Ngài phủ nhận và chối bỏ một
cách phũ phàng cùng nghiêm thẳng xua đuổi nữa: "Ta không biết
các ngươi từ đâu mà tới, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui
ra khỏi mặt ta". Cho dù họ có tự biện minh và bào chữa hợp
tình hợp lý rằng: "Chúng tôi đã ăn uống trước mặt Ngài và
Ngài đã giảng dạy giữa các công trường của chúng tôi".
Chính những lời họ tự bào chữa
và biện minh này đã thực sự chứng tỏ họ là một trong "nhiều
người sẽ tìm vào mà không vào được", cho dù họ "đã ăn
uống trước mặt Ngài và Ngài đã giảng dạy giữa các công trường
của chúng tôi", tương tự như tín hữu Công giáo sau này ra
trước tòa phán xét có chuyện gì không may thì viện lẽ mình đã
tham dự Thánh Lễ, một cử hành phụng vụ bao gồm phần phụng vụ lời
Chúa ("Ngài đã giảng dạy giữa các công trường của chúng
tôi") và phần phụng vụ Thánh Thể ("ăn uống trước mặt
Ngài"), nhưng vẫn bị hư đi!
Những lời họ tự bào chữa và biện
minh này còn cho thấy họ quả thực đã chủ trương do các việc họ
làm mà họ được cứu độ, hơn là "ơn" cứu độ Chúa ban. Và vì thế,
họ ở vào số "nhiều người sẽ tìm vào mà không vào được". Trong
khi đó, thành phần dân ngoại mà họ cho là chắc chắn hư đi,
không được rỗi như họ, thì lại được "ơn" cứu độ Chúa ban, như
chính Chúa Giêsu đã khẳng định trong bài Phúc Âm hôm nay, khi
Người tiên báo cho họ biết rằng: "Người ta sẽ từ đông chí
tây, từ bắc chí nam đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa". Và
Người kết luận: "Phải, có những người sau hết sẽ trở nên
trước hết (như thành phần dân ngoại), và những người
trước hết sẽ nên sau hết (như thành phần dân Do Thái)".
Trong Bài Đọc 1 cho năm lẻ hôm
nay, Thánh Phaolô Tông Đồ đã cho chúng ta thấy con
người được "ơn" cứu độ hơn là do việc làm của họ. Trước hết, ở
chỗ con người yếu đuối cần đến Thánh Thần của Thiên Chúa là Đấng
giúp con người sống đúng ý muốn của Thiên Chúa để được cứu độ:
"Anh em thân mến, có Thánh
Thần nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta. Vì chúng ta không biết cầu
nguyện như thế nào cho xứng hợp. Nhưng chính Thánh Thần cầu xin
cho chúng ta bằng những tiếng than khôn tả. Mà Ðấng thấu suốt
tâm hồn, thì biết điều Thánh Thần ước muốn. Bởi vì Thánh Thần
cầu xin cho các thánh theo ý Thiên Chúa".
Sau nữa, ở chỗ chính Thiên Chúa
chủ động, chứ không phải con người, trong việc cứu độ con người,
từ đầu cho đến cuối: "Những kẻ Thiên Chúa đã biết trước, thì
Ngài đã tiền định cho họ nên hình ảnh giống Con Người, để
Người trở nên trưởng tử giữa đoàn anh em đông đúc. Những ai Ngài
đã tiền định, thì Ngài cũng kêu gọi; những ai Ngài đã kêu gọi,
thì Ngài cũng làm cho nên công chính; mà những ai Ngài đã làm
cho nên công chính, thì Ngài cũng cho họ được vinh quang".
Bài Đáp Ca hôm nay cũng bày tỏ
cảm nhận về "ơn Ngài cứu độ", theo chiều hướng của Chúa
Giêsu trong bài Phúc Âm và Thánh Phaolô trong Bài Đọc 1 hôm
nay, chứ hoàn toàn không phải về việc con người làm là những gì
sẽ giúp họ được cứu độ, như chủ trương của vấn nạn nhân trong
Bài Phúc Âm hôm nay:
1) Xin đoái xem, nhậm lời con,
lạy Chúa, lạy Thiên Chúa. Xin soi sáng mắt con, kẻo con thiếp
ngủ trong tay tử thần, đừng để tên thù con nói được: "Ta đã
thắng nó". Xin chớ để kẻ thù con hân hoan vì con quỵ ngã.
2) Bởi con đã tin cậy vào đức từ
bi của Chúa. Xin cho lòng con hân hoan vì ơn Ngài cứu độ, con sẽ
hát mừng Chúa, vì Ngài ban ân huệ cho con.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL.
Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm
hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên
TN.XXXL-4.mp3