`

 

PVLC Mùa Thường Niên Tuần XXX Thứ 3


 

Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 8, 18-25

 

"Các tạo vật ngóng trông sự mạc khải của con cái Thiên Chúa".

 

Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

 

Anh em thân mến, tôi nghĩ rằng những đau khổ ở đời này không thể sánh với vinh quang sắp tới sẽ được mạc khải cho chúng ta. Vì chưng các tạo vật ngóng trông sự mạc khải của con cái Thiên Chúa. Các tạo vật đã phải tùng phục cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn như vậy, nhưng vì Ðấng đã bắt chúng phải tùng phục, với hy vọng là các tạo vật sẽ được giải thoát khỏi vòng nô lệ sự hư nát, để được thông phần vào sự tự do vinh hiển của con cái Thiên Chúa.

 

Vì chúng ta biết rằng cho đến bây giờ, mọi tạo vật đều rên siết và đau đớn như người đàn bà trong lúc sinh con. Nhưng không phải chỉ có các tạo vật, mà cả chúng ta nữa, là những kẻ đã được hưởng ơn đầu mùa của Thánh Thần, chúng ta cũng rên rỉ trong mình chúng ta khi ngóng chờ phúc làm nghĩa tử của Thiên Chúa và ơn cứu độ thân xác chúng ta.

 

Vì chưng nhờ niềm cậy trông mà chúng ta được cứu độ. Nhưng hễ nhìn thấy điều mình hy vọng thì không phải là hy vọng nữa. Vì ai đã thấy điều gì rồi, đâu còn hy vọng nó nữa? Nhưng nếu chúng ta hy vọng điều chúng ta không trông thấy, chúng ta sẽ kiên tâm trông đợi.

 

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 125, 1-2ab. 2cd-3. 4-5. 6

 

Ðáp: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi (c. 3a).

 

Xướng: 1) Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như người đang mơ, bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan. - Ðáp.

 

2) Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng. Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan. - Ðáp.

 

3) Lạy Chúa, xin hãy đổi số phận của tôi, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan. - Ðáp.

 

4) Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo; họ trở về trong hân hoan, vai mang những bó lúa. - Ðáp.

 

Alleluia: Tv 118, 34

 

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin giáo huấn con, để con tuân cứ luật pháp của Chúa và để con hết lòng vâng theo luật đó. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 13, 18-21

 

"Hạt cải mọc lên và trở thành một cây to".

 

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

 

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Nước Thiên Chúa giống như cái gì? Và Ta sẽ so sánh nước đó với cái gì? Nước đó giống như hạt cải mà người kia lấy gieo trong vườn mình. Nó mọc lên và trở thành một cây to, và chim trời đến nương náu trên ngành nó".

 

Người lại phán rằng: "Ta sẽ so sánh Nước Thiên Chúa với cái gì? Nước đó giống như tấm men mà người đàn bà kia lấy bỏ vào ba đấu bột, cho tới khi tất cả khối đều dậy men".

 

Ðó là lời Chúa.

 

 

Suy Nghiệm Lời Chúa:

 

Nước Thiên Chúa là một sự sống phát triển

 

Bài Phúc Âm hôm nay, Thứ Ba Tuần XXX Thường Niên, thuật lại 2 dụ ngôn được Chúa Giêsu sử dụng để sánh ví về "Nước Thiên Chúa" như sau:

 

Dụ ngôn thứ nhất: "Nước Thiên Chúa giống như cái gì? Và Ta sẽ so sánh nước đó với cái gì? Nước đó giống như hạt cải mà người kia lấy gieo trong vườn mình. Nó mọc lên và trở thành một cây to, và chim trời đến nương náu trên ngành nó".

 

Dụ ngôn thứ hai: "Ta sẽ so sánh Nước Thiên Chúa với cái gì? Nước đó giống như tấm men mà người đàn bà kia lấy bỏ vào ba đấu bột, cho tới khi tất cả khối đều dậy men".

 

Trong cả hai dụ ngôn này đều cho thấy sự sống của "Nước Thiên Chúa", được tỏ hiện qua sự phát triển của sự sống siêu nhiên và thiêng liêng này, một sự sống thần linh, trước hết, bắt nguồn chỉ là một cái mầm, nhỏ như là một "hạt cải", nhưng sau đó đã "mọc lên và trở thành một cây to, và chim trời đến nương náu trên ngành nó".

 

Phải chăng "hạt cải" đây ám chỉ đức tin, "người kia" đây ám chỉ Chúa Kitô, "gieo" đây ám chỉ việc Chúa Kitô tỏ mình ra, nhất là qua cuộc Vượt Qua của Người, "trong ruộng mình" đây ám chỉ trên thế gian này? Nếu những diễn giải theo suy đoán này không sai thì ý nghĩa của dụ ngôn này có thể hiểu là Nước Trời giống như đức tin cứu độ được Chúa Kitô gieo vãi trên thế gian này vậy. 

 

Chính đức tin cứu độ này, một khi "mọc lên", hình ảnh ám chỉ một Chúa Kitô Phục Sinh, thì sẽ "trở thành một cây to" ám chỉ Giáo Hội Chúa Kitô, một cộng đồng đức tin, đồng thời cũng là một bí tích cứu độ trần gian của Người và với người, một phương tiện cứu độ các linh hồn như "chim trời đến nương náu trên ngành nó".

 

Sự phát triển tiêu biểu cho sự sống thần linh này còn được ví như "tấm men mà người đàn bà kia lấy bỏ vào ba đấu bột, cho tới khi tất cả khối đều dậy men". 

 

Phải chăng "tấm men" đây ám chỉ lời Chúa hay Phúc Âm và bí tích thánh (Phụng Vụ Thánh Thể); "người đàn bà kia" ám chỉ Giáo Hội; "bỏ vào" ám chỉ áp dụng, cử hành, ban phát; "ba đấu bột" ám chỉ 3 thành phần làm nên cộng đồng dân Chúa, cộng đồng đức tin, đó là giáo dân, tu sĩ và giáo sĩ (tất nhiên giáo sĩ bao gồm cả hàng giáo phẩm); "đều dậy men" ám chỉ các phần tử của Giáo Hội được hiệp nhất nên một với Chúa Kitô để sinh muôn vàn hoa trái thiêng liêng?

 

Đến đây, nếu các dẫn giải vừa được suy diễn không sai, thì chúng ta thấy 2 dụ ngôn về "Nước Thiên Chúa" này, một liên quan đến "hạt cải" và một liên quan đến "tấm men" liên hệ với nhau. Ở chỗ, một dụ ngôn liên quan đến sứ vụ của Chúa Kitô ("người kia", rõ hơn là "người đàn ông kia - a man") trong công cuộc gieo vãi đức tin cứu độ ("hạt cải") trên thế gian, và một dụ ngôn liên quan đến vai trò của Giáo Hội ("người đàn bà kia") trong việc làm cho 3 thành phần chính yếu của Giáo Hội được thấm nhuần tinh thần và sự sống của Chúa Kitô. 

 

Đức tin cứu độ và Giáo Hội Chúa Kitô dường như được Chúa Kitô ám chỉ trong 2 dụ ngôn về "Nước Thiên Chúa" trong bài Phúc Âm hôm nay chính là những yếu tố chính yếu bất khả thiếu cho tình trạng phục hồi của tất cả thiên nhiên tạo vật đã được Thiên Chúa dựng nên cho con người nhưng vì tội lỗi của con người mà "rên siết và đau đớn" nên vẫn hằng "ngóng trông sự mạc khải của con cái Thiên Chúa", như Thánh Tông Đồ Phaolô cảm nhận, xác tín và khẳng định trong Bài Đọc 1 cho năm lẻ hôm nay:

 

"Các tạo vật ngóng trông sự mạc khải của con cái Thiên Chúa. Các tạo vật đã phải tùng phục cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn như vậy, nhưng vì Ðấng đã bắt chúng phải tùng phục, với hy vọng là các tạo vật sẽ được giải thoát khỏi vòng nô lệ sự hư nát, để được thông phần vào sự tự do vinh hiển của con cái Thiên Chúa. Vì chúng ta biết rằng cho đến bây giờ, mọi tạo vật đều rên siết và đau đớn như người đàn bà trong lúc sinh con. Nhưng không phải chỉ có các tạo vật, mà cả chúng ta nữa, là những kẻ đã được hưởng ơn đầu mùa của Thánh Thần, chúng ta cũng rên rỉ trong mình chúng ta khi ngóng chờ phúc làm nghĩa tử của Thiên Chúa và ơn cứu độ thân xác chúng ta".

 

Bài Đáp Ca hôm nay, cũng y hệt bài Đáp Ca Chúa Nhật XXX Thường Niên đầu tuần, nhưng hôm nay phản ảnh tình trạng của "Các tạo vật ngóng trông sự mạc khải của con cái Thiên Chúa" trong Bài Đọc 2 cho năm lẻ hôm nay:

 

1) Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như người đang mơ, bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan. 

 

2) Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng. Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan. 

 

3) Lạy Chúa, xin hãy đổi số phận của tôi, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan. 

 

4) Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo; họ trở về trong hân hoan, vai mang những bó lúa. 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên
 

TN.XXXL-3.mp3