`

 

PVLC Mùa Thường Niên Tuần XXIX Thứ 5

 


 

Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 6, 19-23

 

"Giờ đây anh em được thoát khỏi sự tội, được phục vụ Thiên Chúa".

 

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

 

Anh em thân mến, tôi nói theo kiểu người phàm, bởi lẽ xác thịt anh em yếu đuối: như xưa anh em đã cống hiến chi thể anh em để làm nô lệ sự ô uế và sự gian ác, khiến anh em trở nên người gian ác thế nào, thì giờ đây anh em hãy cống hiến chi thể anh em để phục vụ đức công chính, hầu nên thánh thiện cũng như vậy. Vì xưa kia anh em làm nô lệ tội lỗi, thì anh em được tự do đối với đức công chính. Vậy thì bấy giờ anh em đã được những lợi ích gì do những việc mà giờ đây anh em phải hổ thẹn? Vì chung cục của những điều ấy là sự chết. Nhưng giờ đây, anh em được thoát khỏi sự tội, được phục vụ Thiên Chúa, thì anh em được những ích lợi đưa đến thánh thiện, mà chung cục là sự sống đời đời. Bởi vì lương bổng của tội lỗi là sự chết. Nhưng hồng ân của Thiên Chúa là sự sống đời đời trong Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

 

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 1, 1-2. 3. 4 và 6

 

Ðáp: Phúc thay người đặt niềm tin cậy vào Chúa (c. Tv 39,5a).

 

Xướng: 1) Phúc cho ai không theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối những tội nhân, không ngồi chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thoả trong lề luật Chúa và suy ngắm luật Chúa đêm ngày. - Ðáp.

 

2) Họ như cây trồng bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa, lá cây không bao giờ tàn úa. Tất cả công việc họ làm đều thịnh đạt. - Ðáp.

 

3) Kẻ gian ác không được như vậy, họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi, vì Chúa canh giữ đường người công chính, và đường kẻ gian ác dẫn tới diệt vong. - Ðáp.

 

Alleluia: Lc 19, 38

 

Alleluia, alleluia! - Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến; bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 12, 49-53

 

"Thầy không đến để đem bình an, nhưng đem sự chia rẽ".

 

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

 

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian, và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên. Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất. Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba người chống lại hai, và hai người chống lại ba: cha chống đối con trai, và con trai chống đối cha; mẹ chống đối con gái, và con gái chống đối mẹ; mẹ chồng chống đối nàng dâu, và nàng dâu chống đối mẹ chồng".

 

Ðó là lời Chúa.

 

 

 

Suy Nghiệm Lời Chúa 

 

Chúa Kitô cũng chủ trương bạo lực như ai? - "Thày đến không phải để đem bình an mà là gươm giáo!"

 

Bài Phúc Âm hôm nay, Thứ Năm Tuần XXIX Thường Niên, tuy có 4 câu ngắn ngủi nhưng chất chứa nhiều ý nghĩa sâu xa liên quan đến chính bản thân của Chúa Kitô, hơn là đến các môn đệ của Người như 2 bài Phúc Âm hôm qua và hôm kia, nhưng lại là những gì được Người "phán cùng các môn đệ" chứ không với ai khác, với chung dân chúng hay với riêng thành phần biệt phái và luật sĩ như thường thấy. Nguyên văn của Bài Phúc Âm hôm nay như sau: 

 

"Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian, và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên. Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất. Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba người chống lại hai, và hai người chống lại ba: cha chống đối con trai, và con trai chống đối cha; mẹ chống đối con gái, và con gái chống đối mẹ; mẹ chồng chống đối nàng dâu, và nàng dâu chống đối mẹ chồng". 

 

Có ít là 3 vấn đề chính yếu cần phải tìm hiểu trong bài Phúc Âm hôm nay liên quan đến bản thân của Chúa Kitô, thứ tự ở ngay 3 câu đầu tiên như sau: "Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian, và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên" (1); "Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất" (2); và "Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ" (3).  

 

1- "Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian, và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên".  

 

"Lửa" đây là gì, nếu không phải là Thánh Thần!?! Vì Người là Đấng "làm phép rửa bằng Thánh Thần" (Gioan 1:33), một phép rửa Người sẽ thực hiện cho thành phần môn đệ tông đồ của Người khi sau khi Người thăng thiên về cùng Cha để sai Thánh Thần từ Cha xuống trên các tông đồ cũng là trên Giáo Hội của Người: "Gioan làm phép rửa bằng nước nhưng trong vòng ít ngày nữa các con sẽ được rửa bằng Thánh Thần" (Tông Vụ 1:5), Đấng khi hiện xuống vào Lễ Ngũ Tuần ở Giêrusalem trên các tông đồ cũng như từng tông đồ, đã mặc lấy hình lưỡi lửa (xem Tông Vụ 2:3). 

 

2- "Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất". 

 

"Phép rửa" Chúa Giêsu cần phải chịu đây là gì, như Người cũng đã đề cập với cặp anh em tông đồ Giacôbê và Gioan trong bài Phúc Âm Chúa Nhật XXIX Thường Niên Năm B đầu tuần này, nếu không phải là chính cuộc khổ giá của Người, một cuộc khổ giá bất khả thiếu mà Người không thể nào tránh được với tư cách là một Đấng Thiên Sai Cứu Thế, một cuộc khổ giá vì thế Người không thể nào không "khắc khoải" dấn thân thực hiện "cho đến khi hoàn tất" theo ý của Đấng đã sai Người, và là một "phép rửa" khổ giá vô cùng cần thiết cho "phép rửa bằng Thánh Linh" mà Nhiệm Thể Giáo Hội của Người sẽ lãnh nhận. 

 

3- "Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ". 

 

Nếu chỉ căn cứ vào duy câu nói này thôi của Chúa Kitô thì chắc chắn sẽ không một ai còn lương tâm chân chính trên thế gian này có thể chấp nhận Người là giáo tổ Kitô giáo, trái lại, trong trào lưu bạo loạn và khủng bố khắp nơi ngày nay, họ sẽ cho Người là một tên chúa tể hung ác bạo tàn, chẳng khác gì như những tay lãnh đạo nhóm khủng bố Al Queda hay IS hiện nay, hay những tên chuyên chế độc tài diệt chủng ở thế kỷ 20, và Người sẽ bị cơ quan mật vụ FBI của Mỹ theo dõi sát nút.  

 

Thế nhưng dù sao vẫn không thể nào phủ nhận được sự thật bất khả chối cãi của lời Người khẳng định như thế. Bởi vì, chính Người xuống thế gian là để đem lại bình an cho nhân loại, ở chỗ Người đã tái lập lại mối liên hệ đã bị nguyên tội làm lũng đoạn giữa con người với Thiên Chúa cũng như giữa con người với thiên nhiên tạo vật và với nhau, bằng chính cuộc Vượt Qua của Người.  

 

Tuy nhiên, tinh thần Phúc Âm trọn lành theo con đường hẹp rất ít người đi của Người và như Người như thế, tự bản chất của mình, đã gây "chia rẽ" nơi xã hội loài người, ở chỗ, tinh thần trọn lành cùng con đường hẹp Phúc Âm của Người đã làm đảo lộn khuynh hướng vị kỷ của trần gian, bằng đường lối "bỏ mình và vác thập giá" (Mathêu 16:24), và đã cách mạng văn hóa hưởng thụ của con người tự nhiên, bằng tinh thần "không để được phục vụ nhưng phục vụ làm giá chuộc nhiều người" (Mathêu 20:28), khiến cho những ai dấn thân theo Người bị cả chính thân nhân ruột thịt của họ phản kháng và chống phá, như chính Chúa Kitô đã khẳng định trong Bài Phúc Âm hôm nay:  

 

"Vì từ nay, năm người trong một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba người chống lại hai, và hai người chống lại ba: cha chống đối con trai, và con trai chống đối cha; mẹ chống đối con gái, và con gái chống đối mẹ; mẹ chồng chống đối nàng dâu, và nàng dâu chống đối mẹ chồng". 

 

Tình trạng "chia rẽ" xẩy ra trong xã hội loài người do tinh thần và đường lối Phúc Âm của Chúa Kitô gây ra như thế thực sự đã phản ảnh của tâm trạng "chia rẽ" trong nội tâm của mỗi một con người, như chính Thánh Phaolô Tông Đồ đã cảm nhận và bày tỏ trong Thư gửi Giáo đoàn Rôma ở Bài Đọc 1 cho năm lẻ ngày mai: "sự lành tôi muốn thì tôi không làm, còn sự dữ tôi không muốn thì tôi lại làm" (7:19).  

 

Bởi thế, trong Bài Đọc 1 cho năm lẻ hôm nay, ngài đã khuyên Kitô hữu của giáo đoàn này đừng sống theo xác thịt mà "làm nô lệ sự ô uế và sự gian ác", trái lại hãy sống cho Thiên Chúa một cách tự do để được "sự sống đời đời" như sau:  

 

"Anh em thân mến, tôi nói theo kiểu người phàm, bởi lẽ xác thịt anh em yếu đuối: như xưa anh em đã cống hiến chi thể anh em để làm nô lệ sự ô uế và sự gian ác, khiến anh em trở nên người gian ác thế nào, thì giờ đây anh em hãy cống hiến chi thể anh em để phục vụ đức công chính, hầu nên thánh thiện cũng như vậy. Vì xưa kia anh em làm nô lệ tội lỗi, thì anh em được tự do đối với đức công chính. Vậy thì bấy giờ anh em đã được những lợi ích gì do những việc mà giờ đây anh em phải hổ thẹn? Vì chung cục của những điều ấy là sự chết. Nhưng giờ đây, anh em được thoát khỏi sự tội, được phục vụ Thiên Chúa, thì anh em được những ích lợi đưa đến thánh thiện, mà chung cục là sự sống đời đời. Bởi vì lương bổng của tội lỗi là sự chết. Nhưng hồng ân của Thiên Chúa là sự sống đời đời trong Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta".

 

Bài Đáp Ca hôm nay diễn tả về người công chính sống bởi đức tin theo tinh thần trọn lành và con đường hẹp Phúc Âm của Chúa Kitô nên họ được triển nở một cách viên mãn như sau:

 

1) Phúc cho ai không theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối những tội nhân, không ngồi chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thoả trong lề luật Chúa và suy ngắm luật Chúa đêm ngày. 

 

2) Họ như cây trồng bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa, lá cây không bao giờ tàn úa. Tất cả công việc họ làm đều thịnh đạt. 

 

3) Kẻ gian ác không được như vậy, họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi, vì Chúa canh giữ đường người công chính, và đường kẻ gian ác dẫn tới diệt vong.  

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên
 

TN.XXIXL-5.mp3