PVLC Mùa Thường Niên Tuần XXIX Thứ 3
Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 5, 12. 15b. 17-19. 20b-21
"Nếu bởi tội của một người mà sự
chết đã thống trị, thì càng được thống trị hơn nữa trong sự sống
do một Người".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ
gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, cũng như do một
người mà tội lỗi đã nhập vào thế gian, và do tội lỗi có sự chết,
và thế là sự chết đã truyền đến mọi người, vì lẽ rằng mọi người
đã phạm tội. Vì nếu bởi tội của một người mà nhiều người phải
chết, thì ân sủng của Thiên Chúa và ơn huệ kèm trong ân sủng của
một người, là Ðức Giêsu Kitô, càng tràn ngập chan chứa hơn nữa
tới nhiều người. Vì nếu bởi tội của một người mà sự chết đã
thống trị do một người đó, thì những người lãnh được ân sủng và
ơn huệ dồi dào bởi đức công chính, càng được thống trị hơn nữa
trong sự sống do một người là Ðức Giêsu Kitô.
Do đó, tội của một người truyền
đến mọi người, đưa tới án phạt như thế nào, thì đức công chính
của một người truyền sang mọi người, đưa tới bậc công chính ban
sự sống cũng như thế. Vì như bởi tội không vâng lời của một
người mà muôn người trở thành những tội nhân thế nào, thì do đức
vâng lời của một người mà muôn người trở thành kẻ công chính
cũng như thế.
Nhưng ở đâu càng đầy tràn tội
lỗi, thì ở đó càng tràn đầy dư dật ân sủng: để như tội lỗi đã
thống trị làm cho người ta chết thế nào, thì nhờ đức công chính,
ân sủng sẽ thống trị làm cho người ta sống đời đời do Ðức Giêsu
Kitô, Chúa chúng ta, cũng như vậy.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 39,
7-8a. 8b-9. 10. 17
Ðáp: Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa (c.
8a & 9a).
Xướng: 1) Hy sinh và lễ vật thì
Chúa chẳng ưng, nhưng Ngài đã mở tai con. Chúa không đòi hỏi lễ
toàn thiêu và lễ đền tội, bấy giờ con đã thưa: "Này con xin
đến". - Ðáp.
2) Như trong Quyển Vàng đã chép
về con: lạy Chúa, con sung sướng thực thi ý Chúa, và pháp luật
của Chúa ghi tận đáy lòng con. - Ðáp.
3) Con đã loan truyền đức công
minh Chúa trong đại hội, thực con đã chẳng ngậm môi, lạy Chúa,
Chúa biết rồi. - Ðáp.
4) Hãy mừng vui hoan hỉ trong
Chúa, bao nhiêu kẻ tìm Chúa, và luôn luôn nói: Chúa thực là cao
cả! Bao nhiêu kẻ mong ơn phù trợ của Ngài. - Ðáp.
Alleluia: Ga 17,
17b và a
Alleluia, alleluia! - Chúa phán:
"Lời Cha là chân lý; xin hãy thánh hoá chúng trong sự thật". -
Alleluia.
Phúc Âm: Lc 12,
35-38
"Phúc cho đầy tớ nào khi chủ về
còn thấy tỉnh thức".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các
môn đệ rằng: "Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong
tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về
gõ cửa, thì mở ngay cho chủ. Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ
về còn thấy tỉnh thức. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ thắt lưng,
xếp chúng vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ chúng. Nếu canh hai hoặc
canh ba, chủ trở về mà gặp thấy như vậy, thì phúc cho các đầy tớ
ấy".
Ðó là lời Chúa.
Suy Nghiệm Lời
Chúa
Chủ mà cũng
không có chìa khóa vào nhà... phải gõ cửa chờ mở ra cho
Trong Bài Phúc Âm cho Thứ Ba
Tuần XXIX Thường Niên hôm nay Chúa Giêsu cho chúng ta thấy
hình ảnh sống động về một con người công chính sống bởi đức tin
như thế nào, qua những gì Người nói với các môn đệ của Người sau đây:
"Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và
hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa,
thì mở ngay cho chủ. Phúc cho những đầy tớ nào khi
chủ về còn thấy tỉnh thức. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ thắt
lưng, xếp chúng vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ chúng. Nếu canh hai
hoặc canh ba, chủ trở về mà gặp thấy như vậy, thì phúc cho các
đầy tớ ấy".
Người công chính
sống bởi đức tin ở đây,
theo lời Chúa dạy trong Bài Phúc Âm hôm nay, trước hết và trên
hết, đó là một con người luôn có thái độ "tỉnh thức",
bằng cách "thắt lưng" (hy sinh, bỏ mình, làm chủ bản thân) và "cầm đèn
cháy sáng trong tay" (cây đèn đức tin cháy lửa đức mến bằng
dầu đức cậy), nhờ đó, họ mới có thể tiếp nhận chủ
của họ khi người chủ của họ "đi ăn cưới về".
Kinh nghiệm sống đạo cho thấy
một khi Kitô hữu sống buông thả theo bản tính tự nhiên, không
khổ chế, không hãm mình, không "thắt lưng", thì hậu quả
bất khả tránh đó là ngọn đèn đức tin của họ không thể hay khó
lòng cháy sáng được, vì ngọn đèn này bị đam mê nhục dục và tính
mê nết xấu của họ dập tắt mất bằng đủ mọi thứ tội lỗi của họ.
Về thời giờ chủ của họ trở về mà
họ không "tỉnh thức" không thể đón nhận Người, là vì
thời giờ ấy không dễ đoán trước hay ngay giữa ban ngày, song vào
"canh hai hoặc canh ba", (nghĩa là vào khoảng "nửa đêm"
như trong dụ ngôn 10 trinh nữ - Mathêu 25:6 - "canh hai"
từ 9 giờ tối tới nửa đêm "hay canh ba" từ nửa đêm
tới 3 giờ sáng), một thời giờ vừa đêm tối về thời gian vừa buồn
ngủ về nhân gian.
Thời điểm được Chúa Giêsu khuyên
các môn đệ của Người phải "tỉnh thức" trong bài Phúc Âm
hôm nay đây có thể hiểu về thời điểm Người tái giáng, Người đến
lần thứ hai, thời điểm Người "ăn cưới về", nghĩa là thời
điểm xẩy ra sau khi Người nhập thể (để hiệp nhất nên một với
nhân loại nơi ngôi vị hai bản tính của Người) cũng như sau khi
Người cứu thế (nhờ đó đã phát sinh ra một Nhiệm Thể Giáo Hội
hiền thê của Người trên cây Thánh Giá).
Nếu "những đầy tớ nào khi chủ
về còn thấy tỉnh thức" để có thể nghênh đón Người và tiếp
nhận Người như Người mong muốn, nghĩa là họ còn
nhận biết Người, như Người tỏ mình ra cho họ, thì phúc
cho họ, bởi vì họ chẳng những gặp lại Người, mà nhất là
còn được hiệp nhất nên một với Người, "được thông phần với
Thày" (Gioan 13: 8), đến độ: "chủ sẽ thắt lưng, xếp chúng
vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ chúng", như Người cũng đã thực
sự thắt lưng và hạ mình xuống rửa chân cho mỗi và mọi tông đồ
trong Bữa Tiệc Ly ngày xưa (xem Gioan 13:4-5), nghĩa là được
Người "yêu cho tới cùng" (Gioan 13:1) để nhờ đó các
môn đệ của Người có thể sinh muôn vàn hoa trái trong họ và qua
họ.
Nguyên việc
chính chủ cũng không có chìa khóa mà phải "gõ cửa" để đầy
tớ của mình mở cửa cho mà vào trong nhà, hay cho dù chủ có chìa
khóa chăng nữa mà cũng không tự động mở vào, đã cho thấy người
chủ này rất tôn trọng đầy tớ của mình, và hoàn toàn tin tưởng
đầy tớ của mình. Đến độ, có thể nói, ông đã cho đầy tớ được
quyền làm chủ, thay ông làm chủ trong thời gian ông đi vắng.
Phải chăng ở đây bao gồm cả ý nghĩa quyền bính của riêng vị lãnh
đạo Phêrô và các vị thừa kế ngài là các vị giáo hoàng trong
giòng thời gian được trao cho "chìa khóa Nước Trời" (Mathêu
16:19), cũng như của chung các tông đồ và các vị giám mục thừa
kế các ngài trong việc đóng mở (Mathêu 18:18).
Thật vậy, "chủ sẽ thắt lưng,
xếp chúng vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ" "những đầy tớ nào
khi chủ về còn thấy tỉnh thức", thành phần đầy tớ làm công
cho chủ, hoàn toàn không xứng đáng được chủ yêu thương
quá như vậy, bởi thân phận của họ chẳng những không ngang hàng
với chủ như bạn hữu hay thân nhân ruột thịt, mà còn là một tạo
vật tội lỗi xấu xa vô cùng hèn hạ trước nhan Người là Thiên Chúa
của họ nữa.
Thế nhưng, vấn đề được đặt ra ở
đây là tại sao Chúa thích tới vào lúc đen tối ("canh hai hoặc
canh ba"), mà đen tối ám chỉ ma quỉ, gian dối, chết chóc? Trước
hết, Chúa không thích đêm tối, một tình trạng chỉ ở nơi loài tạo
vật bất toàn, nhất là nơi thành phần hư đi, bao gồm cả thiên
thần sa đọa và loài người, Ngài không thích những gì là gian ác,
dối trá, phản lại với bản tính chân thật và toàn thiện của
Ngài.
Bởi vậy, sở dĩ Chúa hay đến vào
lúc đêm tối là vì để cứu độ con người cho khỏi "quyền lực tối
tăm" (Colose 1:13) là tội lỗi và sự chết, bởi "con người thích
tối tăm hơn ánh sáng" (Gioan 3:19), thích đường rộng hơn vào cửa
hẹp (xem Mathêu 7:13-14), thích sống theo bản tính tự nhiên
buông thả hơn là "thắt lưng" hy sinh hãm mình khổ chế, không dám
chấp nhận ánh sáng là tất cả sự thật về mình, không sống theo
đức tin như "cầm đèn sáng trong tay".
Như thế, bất cứ khi nào cuộc đời
của Kitô hữu cảm thấy tăm tối nhất, khốn khổ nhất, gian nan
nhất, hầu như chẳng còn lối thoát, trước mắt chỉ còn tuyệt vọng,
thì chính bấy giờ lại là lúc rất thích thuận để "Thiên Chúa là
ánh sáng" (1Gioan 1:5) tỏ mình ra, miễn là Kitô hữu biết mình
hoàn toàn bất lực, chẳng còn biết trông cậy vào ai, ngoài một
mình Đấng Tối Cao có thể cứu mình.
Đó là lý do, ơn cứu độ không phải do công nghiệp của
con người, của thành phần đầy tớ, mà do tình yêu nhưng không của
Thiên Chúa, do ân sủng của Ngài nơi Đức Giêsu Kitô Thiên Sai Cứu
Thế, đến độ tội lỗi của con người càng tràn lan thì ân phúc của
Ngài càng ngập lụt, càng bao phủ tội lội, càng nhận chìm tội
lỗi, đúng như cảm nhận và xác tín của Thánh Phaolô Tông Đồ trong
Bài Đọc 1 cho năm lẻ hôm nay:
"Nếu bởi tội của một người mà
nhiều người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa và ơn huệ kèm
trong ân sủng của một người, là Ðức Giêsu Kitô, càng tràn ngập
chan chứa hơn nữa tới nhiều người. Vì nếu bởi tội của một người
mà sự chết đã thống trị do một người đó, thì những người lãnh
được ân sủng và ơn huệ dồi dào bởi đức công chính, càng được
thống trị hơn nữa trong sự sống do một người là Ðức Giêsu
Kitô... Ở đâu càng đầy tràn tội lỗi, thì ở đó càng dồi dào dư
dật ân sủng: để như tội lỗi đã thống trị làm cho người ta chết
thế nào, thì nhờ đức công chính, ân sủng sẽ thống trị làm cho
người ta sống đời đời do Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, cũng như
vậy".
Bài Đáp Ca hôm nay chất chứa
những nhận thức và tâm tình của một con người sống bởi đức tin ở
chỗ dấn thân thực thi ý muốn tối cao của Vị Thiên Chúa công minh
và từ bi nhân ái, để tình yêu và ân sủng của Ngài càng được tràn
lan viên mãn:
1) Hy sinh và lễ vật thì Chúa
chẳng ưng, nhưng Ngài đã mở tai con. Chúa không đòi hỏi lễ toàn
thiêu và lễ đền tội, bấy giờ con đã thưa: "Này con xin đến".
2) Như trong Quyển Vàng đã chép
về con: lạy Chúa, con sung sướng thực thi ý Chúa, và pháp luật
của Chúa ghi tận đáy lòng con.
3) Con đã loan truyền đức công
minh Chúa trong đại hội, thực con đã chẳng ngậm môi, lạy Chúa,
Chúa biết rồi.
4) Hãy mừng vui hoan hỉ trong
Chúa, bao nhiêu kẻ tìm Chúa, và luôn luôn nói: Chúa thực là cao
cả! Bao nhiêu kẻ mong ơn phù trợ của Ngài.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL.
Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm
hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên
TN.XXIXL-3.mp3
Thánh Phaolô
Thánh Giá, linh mục
ThanhPhaoloThanhGia.mp3
https://youtu.be/pYDOzTXx3oU