PVLC Mùa Thường Niên: Lễ Các Thánh Tử Đạo ở Việt Nam 24/11
Ngày 24 tháng 11
Lễ Thánh Anrê
Trần An Dũng Lạc,
và các bạn Tử Ðạo
(Lễ Các Thánh Tử
Ðạo Việt Nam)
Bài Ðọc I: Kn 3,
1-9
"Chúa chấp nhận
các ngài như của lễ toàn thiêu".
Trích sách Khôn
Ngoan.
Linh hồn những
người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm
gì được các ngài. Ðối với con mắt của người không hiểu biết, thì
hình như các ngài đã chết và việc các ngài từ biệt chúng ta, là
như đi vào cõi tiêu diệt. Nhưng thật ra các ngài sống trong bình
an. Và trước mặt người đời, dầu các ngài có chịu khổ hình, lòng
trông cậy của các ngài cũng không chết. Sau một giây lát chịu
khổ nhục, các ngài sẽ được vinh dự lớn lao; vì Chúa đã thử thách
các ngài như thử vàng trong lửa, và chấp nhận các ngài như của
lễ toàn thiêu.
Khi đến giờ Chúa
ghé mắt nhìn các ngài, các người công chính sẽ sáng chói và
chiếu toả ra như ánh lửa chiếu qua bụi lau. Các ngài sẽ xét sử
các dân tộc, sẽ thống trị các quốc gia, và Thiên Chúa sẽ ngự trị
trong các ngài muôn đời. Các ngài đã tin tưởng ở Chúa, thì sẽ
hiểu biết chân lý, và trung thành với Chúa trong tình yêu, vì ơn
Chúa và bình an sẽ dành cho những người Chúa chọn.
Ðó là Lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 125,
1-2ab. 2cd-3. 4-5. 6
Ðáp: Chúa
đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân
hoan (c. 3).
Xướng: 1) Khi Chúa
đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như Người
đang mơ, bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt
lên những tiếng hân hoan. - Ðáp.
2) Bấy giờ dân
thiên hạ nói với nhau rằng: "Chúa đã đối xử với họ cách đại
lượng". Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi
mừng rỡ hân hoan. - Ðáp.
3) Lạy Chúa, xin
hãy đổi số phận của con, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo
trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan. - Ðáp.
4) Thiên hạ vừa đi
vừa khóc, tay mang thóc đi gieo; họ trở về hân hoan, vai mang
những bó lúa. - Ðáp.
(Khi mừng theo
bậc Lễ Trọng thì có Bài Ðọc II này):
Bài Ðọc II: 1 Cr
1, 17-25
"Vì tiếng nói
của Thập Giá là sức mạnh của Thiên Chúa ban cho chúng ta".
Trích thư thứ nhất
của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến,
Ðức Kitô không sai tôi đi rửa tội, mà là rao giảng Tin Mừng,
không phải bằng lời nói khôn khéo, kẻo Thập giá của Ðức Kitô ra
hư không.
Vì chưng lời rao
giảng về Thập giá là sự điên rồ đối với những kẻ hư mất; nhưng
đối với những người được cứu độ là chúng ta, thì điều đó là sức
mạnh của Thiên Chúa. Vì như đã chép rằng: "Ta sẽ phá huỷ sự khôn
ngoan của những kẻ khôn ngoan, sẽ chê bỏ sự thông thái của những
người thông sáng. Người khôn ngoan ở đâu? Người trí thức ở đâu?
Người lý sự đời này ở đâu?" Nào Thiên Chúa chẳng làm cho sự khôn
ngoan của đời này hoá ra điên rồ đó sao? Vì thế gian tự phụ là
khôn, không theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa mà nhận biết Thiên
Chúa, thì Thiên Chúa đã muốn dùng sự điên rồ của lời rao giảng
để cứu độ những kẻ tin. Vì chưng, các người Do-thái đòi hỏi
những dấu lạ, những người Hy-lạp tìm kiếm sự khôn ngoan, còn
chúng tôi, chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên
thập giá, một cớ vấp phạm cho người Do-thái, một sự điên rồ đối
với các người ngoại giáo. Nhưng đối với những người được gọi,
dầu là Do-thái hay Hy-lạp, thì Ngài là Chúa Kitô, quyền năng của
Thiên Chúa, và sự khôn ngoan của Thiên Chúa, vì sự điên dại của
Thiên Chúa thì vượt hẳn sự khôn ngoan của loài người, và sự yếu
đuối của Thiên Chúa thì vượt hẳn sức mạnh của loài người.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: 1 Pr
4, 14
Alleluia,
alleluia! - Nếu anh em bị sỉ nhục vì danh Chúa Kitô, thì phúc
cho anh em, vì Thánh Thần Chúa sẽ ngự trên anh em. - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 10,
17-22
"Các con sẽ bị
điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ
và cho dân ngoại biết".
Tin Mừng Chúa
Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu
phán cùng các Tông đồ rằng: "Các con hãy coi chừng người đời, vì
họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội
đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa
vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. Nhưng
khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói
thế nào và nói gì. Vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói
gì: vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần
của Cha các con nói trong các con. Anh sẽ nộp em, cha sẽ nộp
con, con cái sẽ chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì
danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ
đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ".
Ðó là lời Chúa.
Ngày 24 tháng 11
THÁNH AN-RÊ TRẦN
AN DŨNG LẠC
VÀ CÁC BẠN, TỬ ĐẠO
lễ trọng ở Việt
Nam
Tiểu sử
Hôm nay,
phụng vụ kính nhớ 117 chứng nhân tử đạo Việt Nam. Các vị đã được
tôn phong chân phước trong bốn đợt : Năm 1900, đức giáo hoàng
Lê-ô XIII tôn phong 64 vị ; đức giáo hoàng Pi-ô X tôn phong 8 vị
năm 1906 và 20 vị năm 1909. Năm 1951, đức giáo hoàng Pi-ô XII
tôn phong 25 vị. Tất cả 117 vị đều được đức giáo hoàng Gio-an
Phao-lô II tôn phong hiển thánh ngày 19 tháng 6 năm 1988.
Trong
nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, kể từ lúc Tin Mừng bắt đầu
được loan báo tại Việt Nam, thế kỷ XVI, cho đến cuộc bách hại
khốc liệt thế kỷ XIX, đã có nhiều chứng nhân anh dũng cả người
Âu lẫn người Việt hy sinh thân mình vì Chúa Ki-tô.
Hồ sơ
phong thánh và Các Giờ Kinh Phụng Vụ đặc biệt chú ý đến các tên
tuổi sau : Người Việt Nam : thánh An-rê Dũng Lạc, linh mục (+
1839), thánh Tô-ma Trần Văn Thiện, chủng sinh (+ 1838), thánh
Phao-lô Lê Bảo Tịnh, linh mục (+ 1857), thánh Em-ma-nu-en Lê Văn
Phụng, giáo lý viên và người cha trong gia đình (+ 1859). Các tu
sĩ Đa-minh người Tây Ban Nha, thuộc Tỉnh Dòng Mân Côi : thánh
Giê-rô-ni-mô Héc-mô-xi-la Liêm, giám quản tông toà địa phận Đông
đàng ngoài (+ 1861), thánh Va-len-ti-nô Be-ri-ô Ô-choa, giám mục
(+ 1861) và một vị người Pháp thuộc Hội Thừa Sai Pa-ri, thánh
Tê-ô-phan Vê-na (+ 1861).
Bài đọc 2
Các vị tử đạo
được thông phần
cuộc chiến thắng của Đầu là Đức Ki-tô
Trích thư của
thánh Phao-lô Lê Bảo Tịnh gửi các chủng sinh chủng viện Kẻ Vĩnh
năm 1843.
Tôi là
Phao-lô, đang bị xiềng xích vì Đức Ki-tô. Tôi muốn nói cho anh
em biết những gian truân tôi đang chịu hằng ngày, để anh em được
cháy lửa yêu mến Chúa mà hợp với tôi dâng lời ca ngợi Thiên Chúa
: Chúa yêu thương ta đến muôn đời.
Ngục thất này
quả là một hình ảnh sống động của hoả ngục đời đời : ngoài gông
cùm, xiềng xích, dây thừng, lại còn thêm sự nóng giận, oán thù,
nguyền rủa, những lời tục tĩu, những sự gây gỗ, những hành vi
xấu xa, những lời thề gian, nói hành, và cả nỗi chán nản, buồn
phiền, cả ruồi muỗi rận rệp.
Nhưng Đấng đã
giải thoát ba người thanh niên khỏi ngọn lửa bừng bừng vẫn luôn
ở cùng tôi ; Người cũng đã giải thoát tôi khỏi những sự khốn khó
này bằng cách làm cho trở nên ngọt ngào : Chúa yêu thương ta
đến muôn đời.
Những cực
hình này thường làm cho người khác buồn sầu, nhưng nhờ ơn Chúa
giúp, tôi vẫn đầy vui sướng hân hoan, bởi vì tôi không chỉ có
một mình, nhưng có Đức Ki-tô ở cùng tôi. Người là Thầy của chúng
ta, Người mang tất cả sức nặng của thập giá, chỉ để cho tôi đỡ
phần nhẹ nhất. Người không chỉ nhìn tôi chiến đấu, mà chính
Người đang chiến đấu và chiến thắng. Vì thế, triều thiên vinh
quang đã được đặt trên đầu Người, nhưng chi thể cũng được hân
hoan vì vinh quang của đầu.
Lạy Chúa, làm
sao con sống nổi khi hằng ngày con thấy quan quyền và thuộc hạ
nói phạm đến thánh danh Chúa, Đấng ngự trên các thần kê-ru-bim
và xê-ra-phim ? Kìa thập giá của Chúa bị kẻ ngoại chà đạp dưới
chân ! Còn đâu là vinh quang Chúa ? Chứng kiến tất cả cảnh này,
vì cháy lửa yêu mến Chúa, con thà chịu chết và chịu phân thây để
chứng tỏ lòng con yêu mến Chúa.
Lạy Chúa, xin
tỏ cho con thấy quyền năng của Chúa, xin cứu giúp con, để trong
sự yếu đuối của con, sức mạnh của Chúa được biểu lộ và tôn vinh
trước mặt thế gian, kẻo những thù địch của Chúa lên mặt vì thấy
con bị lung lạc.
Khi nghe biết
những điều này, anh em hãy vui mừng dâng những lời tạ ơn bất tận
lên Thiên Chúa là Đấng ban mọi ơn lành, và hãy cùng tôi chúc
tụng Chúa, vì Chúa yêu thương ta đến muôn đời. Linh hồn tôi
ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng, vì Người đã
đoái thương nhìn đến phận hèn tôi tớ ; từ nay hết mọi đời sẽ
khen tôi có phúc : Chúa yêu thương ta đến muôn đời.
Muôn nước
hỡi, nào ca ngợi Chúa ; ngàn dân ơi, hãy chúc tụng Người,
vì Thiên Chúa đã chọn cái yếu đuối để hạ nhục cái mạnh mẽ, chọn
cái hèn mạt để triệt phá cái cao sang. Thần Khí Chúa đã dùng
miệng lưỡi tôi để hạ nhục những người khôn ngoan của thế gian,
vì Chúa yêu thương ta đến muôn đời.
Tôi viết cho
anh em những điều này để chúng ta hợp nhất với nhau trong đức
tin. Giữa cơn bão táp này, tôi đã thả một cái neo vào tận ngai
Thiên Chúa : đó là niềm hy vọng luôn sống động trong lòng tôi.
Anh em thân
mến, hãy chạy đua thế nào để đạt được triều thiên ; hãy
cầm khí giới của Thiên Chúa bên phải và bên trái, hãy mặc
áo giáp là đức tin, như thánh Phao-lô quan thầy của tôi đã
dạy. Thà chột mắt cụt chân mà được vào Nước Trời, còn hơn lành
lặn mà bị ném ra ngoài.
Anh em hãy
giúp đỡ tôi bằng lời cầu nguyện, để tôi chiến đấu hợp lệ, để tôi
chiến đấu đến cùng trong cuộc chiến đấu cao cả, và kết thúc tốt
đẹp cuộc chạy đua.
Nếu chúng ta
không còn được gặp nhau ở đời này, thì ở đời sau chúng ta sẽ
được hạnh phúc gặp nhau mãi mãi : Chúng ta sẽ đứng trước ngai
của Con Chiên tinh tuyền, và hân hoan ca tụng tôn vinh Người
muôn đời. A-men.
Lời nguyện
Lạy Chúa,
Chúa đã ban cho Hội Thánh Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng
biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái
dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhậm lời các ngài
chuyển cầu mà cho chúng con biết noi gương các ngài để lại :
luôn can đảm làm chứng cho Chúa và trung kiên mãi đến cùng.
Chúng con cầu xin
CacThanhTuDaoTaiVietNam.mp3
https://youtu.be/GZVE1cCfASA
Ở những nơi
không có cộng đoàn hay giáo xứ Việt Nam thì cử hành lễ ngày
trong tuần sau đây:
Thứ Tư
Phụng Vụ Lời
Chúa
Bài Ðọc I: (Năm
I) Ðn 5,
1-6, 13-14, 16-17, 23-28
"Có những ngón
tay hiện ra như bàn tay một người".
Trích sách Tiên
tri Ðaniel.
Trong những ngày
ấy, vua Baltassar dọn tiệc linh đình đãi một ngàn triều thần: ai
nấy cứ theo tuổi mình mà uống rượu. Khi vua đã say rượu, liền
truyền đem các bình, chén, bát bằng vàng bạc mà Nabukôđônôsor,
phụ vương ông, đã lấy trong đền thờ Giêrusalem đem về, để cho
vua, các triều thần, hoàng hậu và cung phi dùng uống rượu. Bấy
giờ, người ta mang ra các bình, chén, bát bằng vàng bạc đã lấy
trong đền thờ Giêrusalem đem về. Vua, các triều thần, hoàng hậu
và cung phi dùng đồ đó mà uống rượu. Họ vừa uống rượu vừa ca
tụng các thần minh bằng vàng, bạc, đồng, sắt, gỗ, đá của họ.
Chính lúc ấy, có
những ngón tay hiện ra như bàn tay một người viết chữ trên vách
tường cung điện, đối diện ánh bạch lạp; vua nhìn thấy ngón tay
viết chữ. Bấy giờ mặt vua đổi sắc, tư tưởng rối loạn, xương sống
yếu sức, đầu gối va chạm lẫn nhau.
Lúc đó người ta
dẫn Ðaniel đến trước mặt vua. Vua hỏi người rằng: "Nhà ngươi có
phải là Ðaniel, con cái Giuđa, phải lưu đày mà phụ vương trẫm đã
điệu từ Giuđa về đây chăng? Trẫm đã nghe rằng nhà ngươi được
thần linh các vị thần phù giúp: ngươi được thông minh, trí tuệ
và khôn ngoan phi thường. Trẫm đã nghe rằng nhà ngươi có thể cắt
nghĩa những huyền bí và giải thích được những chuyện khúc mắc.
Vậy nếu nhà ngươi đọc được hàng chữ này và cắt nghĩa cho trẫm,
thì nhà ngươi sẽ được mặc áo đỏ, cổ đeo vòng vàng và trở nên vị
tướng thứ ba trong vương quốc trẫm".
Ðaniel tâu lại
trước mặt vua rằng: "Lễ vật của vua xin để lại cho vua, và ân
huệ nhà vua, xin vua ban cho kẻ khác. Thần xin đọc hàng chữ này
và cắt nghĩa cho đức vua. Ðức vua đã tự phụ chống đối Ðấng cai
trị trên trời: đã đem bày trước mặt vua các bình, chén, bát lấy
trong đền Chúa, rồi vua, triều thần, hoàng hậu và cung phi dùng
những đồ ấy mà uống rượu; vua còn ca tụng các thần vàng bạc,
đồng, sắt, gỗ, đá, toàn là những thứ không thấy, không nghe và
không cảm giác: vua không tôn vinh Thiên Chúa, Ðấng cầm trong
tay vận mệnh và đường lối của đức vua. Bởi đó, Chúa khiến ngón
tay hiện ra viết hàng chữ đó.
"Ðây những chữ đã
viết như sau: Manê, Thêqel, Phares. Xin giải nghĩa những chữ đó
như sau: Manê: là Thiên Chúa đã đếm đủ số triều đại nhà vua rồi.
Thêqel: là đã cân vua trên cán cân, và thấy vua hụt cân. Phares:
là vương quốc của vua đã bị phân chia và trao cho dân Mêđia và
Batư".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Ðn 3,
62. 63. 64. 65. 66. 67
Ðáp: Hãy
ngợi khen và tán tạ Chúa tới muôn đời (c. 57b).
Xướng: 1) Chúc
tụng Chúa đi, mặt trời cùng với mặt trăng. - Ðáp.
2) Chúc tụng Chúa
đi, trên trời cao, muôn tinh tú. - Ðáp.
3) Chúc tụng Chúa
đi, mưa móc với sương sa. - Ðáp.
4) Chúc tụng Chúa
đi, muôn ngàn ngọn gió. - Ðáp.
5) Chúc tụng Chúa
đi, lửa đỏ với than hồng. - Ðáp.
6) Chúc tụng Chúa
đi, rét mướt và lạnh lẽo. - Ðáp.
Alleluia: Mt 24,
41a và 44
Alleluia,
alleluia! - Các con hãy tỉnh thức và sẵn sàng, vì lúc các con
không ngờ, Con Người sẽ đến. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 21,
12-19
"Các con sẽ bị
mọi người ghét bỏ vì danh Thầy, nhưng dù một sợi tóc trên đầu
các con cũng sẽ chẳng hư mất".
Tin Mừng Chúa
Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu
phán cùng các môn đệ rằng: "Người ta sẽ tra tay bắt bớ, ức hiếp
và nộp các con đến các hội đường và ngục tù, điệu các con đến
trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy: các con sẽ có dịp
làm chứng. Vậy các con hãy ghi nhớ điều này trong lòng là chớ lo
trước các con sẽ phải thưa lại thể nào. Vì chính Thầy sẽ ban cho
các con miệng lưỡi và sự khôn ngoan, mọi kẻ thù nghịch các con
không thể chống lại và bắt bẻ các con.
"Cha mẹ, anh em,
bà con, bạn hữu sẽ nộp các con, và có kẻ trong các con sẽ bị
giết chết. Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy. Nhưng
dù một sợi tóc trên đầu các con cũng sẽ chẳng hư mất. Các con cứ
bền đỗ, các con cũng sẽ giữ được linh hồn các con".
Ðó là lời Chúa.
Suy Nghiệm
Lời Chúa
Thành Phần
Chứng Nhân Cuối Thời
Bài Phúc Âm hôm
nay, Thứ Tư Tuần XXXIV Thường Niên tiếp theo Bài Phúc Âm hôm
qua về số phận tận số của Thành Thánh Giêrusalem, nhưng Bài
Phúc Âm hôm nay nhấn mạnh đến số phận bị bách hại của thành
phần chứng nhân cuối thời.
Thật vậy, ngoài
hai dấu hiệu cho thấy ngày cùng tháng tận đó là hiện tượng giả
dối lừa đảo hoành hành cùng với hiện tượng nhân tai kèm theo
thiên tai xẩy ra cho nhân loại, còn một dấu hiệu nữa đó là sự
kiện bách hại thành phần chứng nhân cuối thời: "Người ta sẽ
tra tay bắt bớ, ức hiếp và nộp các con đến các hội đường và ngục
tù, điệu các con đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy:
các con sẽ có dịp làm chứng".
Đúng thế, chính
hiện tượng "sự dữ gia tăng mà lòng mến nơi hầu hết con người
ta trở nên nguội lạnh" (Mathêu 24:12) mới xẩy ra tình trạng
bách hại thành phần chứng nhân cuối thời. Không biết có đúng hay
chăng khi mà vào chính thời điểm lịch sử hiện nay, thời đểm con
người càng văn minh về vật chất lại càng băng hoại về luân lý
và đạo lý, thì chính ở thế giới Tây phương Kitô giáo, (chứ không
phải chỉ ở thế giới Hồi giáo cực đoan chỉ được theo Hồi giáo),
lại là nơi đang bắch hại thành phần chứng nhân Kitô giáo, bằng
những luật lệ cấm đoán công khai bày tỏ đức tin ở những nơi công
cộng, dù là bằng ngôn từ hay hình ảnh, hoặc phải làm theo
những điều khoản phản lại lương tâm Kitô giáo của mình, hay bằng
việc trắng trợn và cương quyết dứt khoát chối bỏ căn tính Kitô
giáo của mình trong Bản Hiến Pháp của Khối Hiệp Nhất Âu Châu,
một châu lục hoàn toàn mang gốc gác Kitô giáo và là nơi xuất
phát các vị thừa sai khắp thế giới.
Phải chăng lời
Chúa Giêsu cảnh báo trong Bài Phúc Âm hôm nay: "Cha mẹ, anh
em, bà con, bạn hữu sẽ nộp các con, và có kẻ trong các con sẽ bị
giết chết. Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy", cũng
bao gồm cả và ám chỉ đến tình hình chính thế giới Tây phương
Kitô giáo bách hại Kitô giáo của chính mình?
Thế nhưng, Chúa
Giêsu đã khuyên các môn đệ của Người là hãy lợi dụng tình trạng
bị bách hại ấy mà làm chứng cho Người: "các con sẽ có dịp làm
chứng". Đó là lý do, vào ngày cuối thời, chính vào lúc "sự
dữ gia tăng mà lòng mến nơi hầu hết con người ta trở nên nguội
lạnh" (Mathêu 24:12) mới đồng thời xẩy ra một chiến dịch hay
phong trào chứng nhân truyền giáo: "Tin mừng về Nước Trời này
sẽ được loan truyền khắp thế giới như một chứng từ cho tất cả
mọi dân nước. Chỉ sau đó mới tới tận cùng" (Mathêu 24:14).
Phải chăng ngay
vào thời điểm thế giới Kitô giáo Tây phương đang băng hoại, đang
trở thành trung tâm "văn hóa sự chết" (ĐTC Gioan Phaolô II),
thành lò "văn hóa tận số" (ĐTC Phanxicô) mới càng cần đến một
Hội Đồng Tòa Thánh về Tân Truyền Bá Phúc Âm Hóa được ĐTC
Biển Đức XVI thiết lập, và là Hội Đồng đặc trách tổ chức Năm
Thánh tình Thương 2016 do ĐTC Phanxicô khởi xướng; nhất là mới
càng có những chuyến tông du của các Đức Giáo Hoàng từ ngay
trong Công Đồng Chung Vaticanô II (11/10/1962 - 8/12/1965), với
chuyến tông du đầu tiên của ĐTC Phaolô VI vào đầu năm 1964 ở
Thánh Địa (4-6/1), với 104 chuyến tông du của ĐTC Gioan Phaolô
II trong vòng 26 năm rưỡi của ngài (16/10/1978 - 2/4/2005),
trung bình mỗi năm 4 chuyến, với 24 chuyến tông du của ĐTC
Biển Đức XVI trong 8 năm phục vụ Giáo Họi của ngài (19/4/2005 -
28/2/2013), trung bình 3 năm 1 chuyến, và với 21 chuyến tông du
của ĐTC Phanxicô trong vòng 2 năm 8 tháng của ngài (13/3/2013 -
30/11/2015), trung bình 5 chuyến 1 năm (bao gồm cả chuyến tông
du Phi Châu lần đầu tiên của ngài 6 ngày từ Thứ Tư giữa Tuần
XXXIV Thường Niên này cho đến Thứ Hai cuối tháng 11).
Thế nhưng, công
cuộc và sứ vụ chứng nhân không phải là việc làm và hành động của
cá nhân Kitô hữu, cho bằng của chính Giáo Hội và nhất là của
Chúa Kitô, Đấng ở cùng Giáo Hội cho đến tận thế (xem Mathêu
28:20), Đấng luôn sống động trong Giáo Hội và tỏ mình ra nơi
từng chi thể của Giáo Hội là thành phần chứng nhân của Người và
cho Người như cành nho dính liền với Người là thân nho (xem
Gioan 15:5).
Bởi thế, trong bài
Phúc Âm hôm nay, Chúa Kitô đã trấn an thành phần chứng nhân tiên
khởi của Người là các môn đệ đang theo Người và nghe Người bấy
giờ, cũng như khẳng định cùng thành phần chứng nhân ở mọi thời
và nhất là cuối thời của Người rằng: "Chính Thầy sẽ ban cho
các con miệng lưỡi và sự khôn ngoan, mọi kẻ thù nghịch các con
không thể chống lại và bắt bẻ các con".
Và sở dĩ "mọi
kẻ thù nghịch các con không thể chống lại và bắt bẻ các con" được,
như một phó tế Staphanô vị tử đạo tiên khởi của Kitô giáo (xem
Tông Vụ toàn đoạn 7), là vì chính Chúa Kitô "là chân lý"
(Gioan 14:1) bất diệt tỏ mình ra qua họ như "ánh sáng chiếu
trong tăm tối, một thứ tăm tối không thể nào át được ánh sáng"
(Gioan 1:5), nhất là khi Người tái xuất hiện trong vinh quang
"để phán xét kẻ sống và kẻ chết", cho dù hiện tại dường như sự
dữ đang thắng thế, đang làm chủ tình hình và đang hoành hành
kinh hoàng khủng khiếp như thể cả thế gian này đã biến thành hỏa
ngục trần gian vậy.
Quả thực, trong
một giai đoạn sự dữ gia tăng tới tột độ quyền lực của nó vô
cùng kinh hoàng khủng khiếp đến độ "nếu giai đoạn ấy
không được rút ngắn lại thì không một con ngưòi trần gian
nào được cứu độ" (Mathêu 24:22), thì kể cả kẻ lành cũng vẫn
có thể gặp nguy hiểm và vẫn có thể bị đánh lừa (xem Mathêu
24:24), như trường hợp cả 5 cô trinh nữ khôn ngoan cũng thiếp
ngủ (xem Mathêu 25:5); nhưng 5 trinh nữ khôn ngoan này hoàn toàn
khác với 5 trinh nữ khờ dại, ở chỗ, các cô mang dầu đức cậy theo
với đèn đức tin để có thể thắp sáng đức mến khi chàng rể bất
ngờ xuất hiện, nhờ đó, cho dù các cô mắt có ngủ nhưng lòng vẫn
thức, ở chỗ vẫn "thiết tha trông đợi Người" (Do Thái
9:28), Đấng quan phòng thần linh cứu độ, đến độ: "dù một sợi
tóc trên đầu các con cũng sẽ chẳng hư mất" như chính lời
Chúa Giêsu khẳng định trong Bài Phúc Âm hôm nay.
Chính vì thời kỳ
cuối thời là thời kỳ thử thách đức tin của kẻ lành, thành phần
sẽ chịu gian nan khốn khó trên trần gian này, đặc biệt là bị kẻ
dữ, kẻ có quyền lực ức hiếp, bách hại và sát hại, nhưng "Chính
Thầy sẽ ban cho các con miệng lưỡi và sự khôn ngoan, mọi kẻ thù
nghịch các con không thể chống lại và bắt bẻ các con",
mà Sách Tiên Tri Daniên ở Bài Đọc 1 hôm nay đã nhắc nhở đặc biệt
thành phần quyền lực về một chân lý đức tin bất khả sai lầm là
chỉ duy Thiên Chúa mới là chủ tể mọi sự và là Đấng làm chủ lịch
sử của loài người me thôi:
"Ðức vua đã tự
phụ chống đối Ðấng cai trị trên trời: đã đem bày trước mặt vua
các bình, chén, bát lấy trong đền Chúa, rồi vua, triều thần,
hoàng hậu và cung phi dùng những đồ ấy mà uống rượu; vua còn ca
tụng các thần vàng bạc, đồng, sắt, gỗ, đá, toàn là những thứ
không thấy, không nghe và không cảm giác: vua không tôn vinh
Thiên Chúa, Ðấng cầm trong tay vận mệnh và đường lối của đức
vua. Bởi đó, Chúa khiến ngón tay hiện ra viết hàng chữ đó. Ðây
những chữ đã viết như sau: Manê, Thêqel, Phares. Xin giải nghĩa
những chữ đó như sau: Manê: là Thiên Chúa đã đếm đủ số triều đại
nhà vua rồi. Thêqel: là đã cân vua trên cán cân, và thấy vua hụt
cân. Phares: là vương quốc của vua đã bị phân chia và trao cho
dân Mêđia và Batư".
Bài Đáp Ca hôm
nay, trích từ Sách Tiên Tri Daniên, là một lời chúc tụng Thiên
Chúa là chủ tể của muôn loài, xuất phát từ chính thiên nhiên vạn
vật được Ngài dựng nên và tỏ mình ra cho loài người qua chúng,
những loài thụ tạo, nhờ loài người, qua loài người và với loài
người cần phải nhận biết cùng "ngợi khen và tán tạ Chúa tới
muôn đời" (câu đáp):
1) Chúc tụng
Chúa đi, mặt trời cùng với mặt trăng.
2) Chúc tụng
Chúa đi, trên trời cao, muôn tinh tú.
3) Chúc tụng
Chúa đi, mưa móc với sương sa.
4) Chúc tụng
Chúa đi, muôn ngàn ngọn gió.
5) Chúc tụng
Chúa đi, lửa đỏ với than hồng.
6) Chúc tụng
Chúa đi, rét mướt và lạnh lẽo.
Đaminh Maria
Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu
có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ
trên
TN.XXXIVL-4.mp3