PVLC Mùa Thường Niên Tuần XXXIII Thứ 7
Bài Ðọc I: (Năm
I) 1 Mcb 6,
1-13
"Vì các tai hoạ
trẫm đã gây cho Giêrusalem mà trẫm phải buồn bực mà chết".
Trích sách Macabê
quyển thứ nhất.
Trong những ngày
ấy, vua Antiôcô rảo khắp các tỉnh miền bắc. Vua nghe nói tại
Ba-tư có thành Êlymai nổi tiếng là giàu có và lắm vàng bạc;
trong thành lại có một ngôi đền thờ lắm bảo vật, đầy những binh
giáp bằng vàng, chiến bào, khiên mộc di sản của Alexanđrô, con
Philipphê, vua xứ Macêđônia, là vua tiên khởi cai trị dân
Hy-lạp. Vậy ông đến tìm cách chiếm lấy thành để cướp của. Nhưng
ông không thành công, vì dân thành đã biết trước ý định của ông,
nên đã vùng lên chống lại. Ông bỏ chạy và buồn bực lui quân trở
về Babylon.
Lúc vua còn ở
Ba-tư, có người đến đem tin cho vua hay toán quân của ông ở
Giuđa đã bị đánh bại chạy tán loạn, và Lysia, vị tướng chỉ huy
một đoàn quân hùng hậu, cũng đã phải tháo lui chạy trốn quân
Do-thái; quân Do-thái lại càng mạnh thêm nhờ ở khí giới, lương
thực và chiến lợi phẩm rất nhiều đã lấy được của các đoàn quân
họ đánh bại. Họ đã hạ tượng thần vua đã đặt trên bàn thờ ở
Giêrusalem; họ cũng đã xây thành đắp luỹ cao như trước chung
quanh Ðền thờ và chung quanh thành Bethsura.
Nghe tin ấy, nhà
vua khiếp đảm và rất xúc động. Vua vật mình xuống giường và buồn
đến lâm bệnh, (bởi vì) sự việc đã không xảy ra như vua ước muốn.
Vua liệt giường nhiều ngày, càng ngày càng buồn. Và tưởng mình
sắp chết, vua liền triệu tập tất cả bạn hữu lại mà nói với họ
rằng: "Trẫm không còn chớp mắt được nữa và lòng trẫm tan nát vì
ưu tư. Trẫm tự nghĩ: trước kia khi trẫm còn quyền thế, trẫm vui
sướng và được người ta quý mến, mà giờ đây trẫm lâm cảnh buồn
sầu và đau khổ biết bao! Bây giờ trẫm hồi tưởng lại các tai hoạ
trẫm đã gây cho Giêru-salem: trẫm đã chiếm đoạt các chén bằng
vàng bạc tại đó, và đã ra lệnh tiêu diệt dân Giuđêa cách vô cớ.
Trẫm nhìn nhận là vì các việc ấy mà phải khốn khổ như thế này,
mà giờ đây trẫm phải buồn bực mà chết nơi đất khách quê người".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 9, 2-3.
4 và 6. 16b và 19
Ðáp: Lạy
Chúa, con mừng rỡ vì ơn Ngài cứu độ (x. c. 16a).
Xướng: 1) Lạy
Chúa, con sẽ ca tụng Chúa hết lòng, con sẽ kể ra mọi điều lạ
lùng của Chúa. Con sẽ mừng rỡ hân hoan trong Chúa, con sẽ đàn ca
danh Ngài, lạy Ðấng Tối Cao. - Ðáp.
2) Vì quân thù của
con đã tháo lui, chúng chạy trốn và vong mạng trước thiên nhan
Chúa. Chúa trách phạt chư dân, diệt vong đứa ác, bôi nhoà tên
tuổi chúng tới muôn đời. - Ðáp.
3) Người chư dân
rơi chìm xuống hố mà họ đã đào, chân họ mắc vào cạm bẫy mà họ đã
che. Vì kẻ cơ bần không bị đời đời quên bỏ, hy vọng người đau
khổ không mãi mãi tiêu tan. - Ðáp.
Alleluia: Pl 2,
15-16
Alleluia,
alleluia! - Anh em hãy tích trữ lời ban sự sống, anh em hãy
chiếu sáng như những vì sao ở giữa thế gian. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 20,
27-40
"Thiên Chúa không
phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng của kẻ sống".
Tin Mừng Chúa
Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, có mấy
người thuộc phái Sađốc, là những người chối không tin có sự sống
lại, đến gần Chúa Giêsu hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, Môsê đã viết
cho chúng tôi: nếu ai có một người anh cưới vợ, rồi chết đi mà
không có con, thì người em phải cưới người vợ đó để anh mình có
kẻ nối dòng. Vậy có bảy anh em: người thứ nhất cưới vợ, rồi chết
mà không có con. Người kế tiếp cưới vợ goá đó, rồi cũng chết
không con. Người thứ ba cũng cưới người vợ goá đó. Và tất cả bảy
người đều cưới như vậy và đều chết mà không để lại người con
nào. Sau cùng người thiếu phụ đó cũng chết. Vậy đến ngày sống
lại, người đàn bà đó sẽ là vợ ai trong các người ấy, vì tất cả
bảy người đều lấy người ấy làm vợ?"
Chúa Giêsu trả lời
rằng: "Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, song những ai sẽ xét
đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ
không cưới vợ lấy chồng; họ sẽ không thể chết nữa, vì họ giống
như thiên thần, họ là con cái Thiên Chúa: vì họ là con cái của
sự sống lại. Về vấn đề kẻ chết sống lại, thì Môsê trong đoạn nói
về Bụi gai, khi ông gọi Chúa là Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa
Isaac, và Thiên Chúa Giacóp. Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa
của kẻ chết, mà là của kẻ sống, vì mọi người đều sống cho Chúa".
Bấy giờ có mấy
luật sĩ lên tiếng thưa Người rằng: "Lạy thầy, Thầy dậy đúng
lắm". Và họ không dám hỏi Người điều gì nữa.
Ðó là lời Chúa.
Suy nghiệm Lời
Chúa
Một cánh
chung biến đổi canh tân
Hôm nay, Thứ Bảy, cuối Tuần XXXIII Thường Niên, Bài Phúc Âm được
Giáo Hội chọn đọc vẫn tiếp tục bài Phúc Âm hôm qua là bài
Phúc Âm cho biết cuộc hành trình Giêrusalem của Người đã
tới đích điểm của nó là chung thành thành Giêrusalem và
riêng đền thánh Giêrusalem, nơi Người sau khi thanh tẩy thì
Người tiếp tục giảng dạy cho dân chúng.
Và giáo huấn cuối
cùng trong cuộc hành trình Giêrusalem của Người ở chính giáo đô
Giêrusalem là đích điểm tỏ mình ra của Người này, đặc biệt liên
quan đến mầu nhiệm cánh chung và lai thời hậu thế, như bài
Phúc Âm hôm nay cho thấy, qua lời vấn đáp của Chúa Giêsu với "mấy
người thuộc phái Sađốc, là những người chối không tin có sự sống
lại", nên đã "đến gần Chúa Giêsu hỏi Người rằng:
"Thưa Thầy,
Môsê đã viết cho chúng tôi: nếu ai có một người anh cưới vợ, rồi
chết đi mà không có con, thì người em phải cưới người vợ đó để
anh mình có kẻ nối dòng. Vậy có bảy anh em: người thứ nhất cưới
vợ, rồi chết mà không có con. Người kế tiếp cưới vợ goá đó, rồi
cũng chết không con. Người thứ ba cũng cưới người vợ góa đó. Và
tất cả bảy người đều cưới như vậy và đều chết mà không để lại
người con nào. Sau cùng người thiếu phụ đó cũng chết. Vậy đến
ngày sống lại, người đàn bà đó sẽ là vợ ai trong các người ấy,
vì tất cả bảy người đều lấy người ấy làm vợ?"
Qua thực đây là
một câu hỏi của những người không tin có vấn đề sống lại, nghĩa
là không tin có đời sau, hay có đời sau thì cũng không thể nào
xẩy ra chuyện bao gồm cả thân xác hữu hình và hữu hạn này, nghĩa
là thân xác con người không thể nào trở thành vô hình và vô hạn
bất biến với thời gian sau thời gian ở đời này được.
Theo lý lẽ tự
nhiên thì không phải là họ không có lý. Và chính vì thế, họ mới
phủ nhận sự kiện thân xác phục sinh, hay ngược lại, vì có ý nghĩ
không thể nào có vấn đề phục sinh của thân xác mà họ mới đặt ra
một trường hợp không bao giờ có thể xẩy ra, hoàn toàn không thực
tế, hợp với tầm mức hiểu biết thiển cận theo tự nhiên của họ
trên đây.
Tuy nhiên, họ đã
lầm. Nhưng cũng may, họ vẫn còn thiện chí để nói ra, để hỏi han,
lại hỏi ngay chính vị mà họ tin rằng, (hơn là cố ý thử Người như
thường thấy nơi thành phần luật sĩ và biệt phái tin có sự sống
lại), có thể giải đáp vấn đề then chốt nhất của họ, nhưng cũng
là vấn đề hóc búa đến độ như thể bất khả nan giải của họ.
Câu trả lời của
Chúa Giêsu là Đấng tự thân sẽ sống lại đầu tiên từ trong kẻ chết
như thế này, một câu trả lời đã được chính thành phần luật sĩ
cũng có mặt ở đó bấy giờ hết sức khâm phục: "Lạy thầy, Thầy
dậy đúng lắm", đến độ "họ không dám hỏi Người điều gì nữa". Và
câu trả lời của Chúa Giêsu về chuyện xác loài người ta sẽ sống
lại như sau:
"Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, song những ai sẽ xét đáng
được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không
cưới vợ lấy chồng; họ sẽ không thể chết nữa, vì họ giống như
thiên thần, họ là con cái Thiên Chúa: vì họ là con cái của sự
sống lại. Về vấn đề kẻ chết sống lại, thì Môsê trong đoạn nói về
Bụi gai, khi ông gọi Chúa là Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa
Isaac, và Thiên Chúa Giacóp. Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa
của kẻ chết, mà là của kẻ sống, vì mọi người đều sống cho Chúa".
Trong câu trả lời
này của Chúa Giêsu, chúng ta thấy Đấng "là sự sống lại và là
sự sống" (Gioan 11:25) bao gồm cả sự sống lại của thân
xác và sự sống bất diệt đời sau của cả toàn thân con người cả
hồn lẫn xác.
Trước hết, về sự
sống lại, lần đầu tiên Chúa Giêsu được dịp chính thức mạc khải
cho biết rằng con người ta sẽ sống lại, mà sống lại là sự kiện
trước hết liên quan đến thân xác đã chết đi của họ, nên vấn đề
sống lại là vấn đề của thân xác, và một khi thân xác sống lại
thì "sẽ không thể chết nữa, vì họ giống như thiên thần, họ là
con cái Thiên Chúa".
Nghĩa là thân xác
hữu hình và hữu hạn của con người khi còn tại thế, còn
sống trong không gian và thời gian, khi sống lại sẽ trở thành
thiêng liêng vô hình, trở thành bất tử và bất diệt, như thân xác
phục sinh của Ngưòi sau này, có thể xuyên qua cả căn phòng khóa
kín của các tông đồ đang sợ sệt trốn lánh bấy giờ.
Thế nhưng, tự mình
thân xác hữu hình và hữu hạn của con người không thể nào sống
nếu thiếu linh hồn vẫn được gọi là hồn sống của nó, thì cũng thế
nó sẽ không tự mình sống lại và sống đời sau vô cùng nếu không
có hồn thiêng bất tử của nó.
Mà linh hồn của
con người chỉ thực sự sống, sống sự sống thần linh, sống sự sống
siêu nhiên, sống sự sống đời đời, sống sự sống trường sinh bất
tử, dù ở đời này hay ở đời sau, ở chỗ nhận biết "Thiên Chúa
chân thật duy nhất" được tỏ hiện nơi Chúa Giêsu Kitô (xem
Gioan 17:3), tức là nhận biết vị Thiên Chúa bất biến trước sau
như một: "Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, và
Thiên Chúa của Giacóp", vị Thiên Chúa hằng hữu và tồn tại dù
con người có qua đi ba đời Abraham, Isaac và Giacóp, một khoảng
thời gian không ai còn tồn tại trên trần gian thế mà Thiên Chúa
hằng sống vẫn hiện hữu.
"Thiên Chúa
không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống" là
như thế, "vì mọi người đều sống cho Chúa", ở chỗ nhận
biết Ngài như Ngài là, như Ngài đã tỏ ra nơi Chúa Giêsu Kitô
là Người Con nhập thể và vượt qua của Ngài, nhờ đó "họ sẽ
không thể chết nữa" cùng với thân xác của họ, với tư cách "là
con cái Thiên Chúa" như Chúa Kitô, nhờ Thánh Linh là Đấng
chứng tỏ họ là con cái Thiên Chúa (xem Roma 8:16; 1Gioan
4:13): "Nếu Thần Linh của Đấng đã làm cho Chúa Kitô từ trong
kẻ chết sống lại thì cũng sẽ mang lại sự sống cho thân xác chết
chóc của anh em, nhờ Thần Linh của Người ở trong anh em"
(Rôma 8:11).
Vậy
vấn đề được đặt ra ở đây là nếu thân xác con người sống lại là
nhờ linh hồn nhận biết Thiên Chúa hằng sống thì những linh hồn
nào không nhận biết Thiên Chúa hằng sống có sống lại nơi thân
xác của họ và với thân xác của họ hay chăng?
Theo tín lý dạy
thì tất cả mọi người đều sống lại, dù là "kẻ sống" hay "kẻ
chết", kẻ lành hay kẻ dữ, kẻ được rỗi hay kẻ hư đi. Bởi vì, dù
là thành phần kẻ dữ bị hư đi vì khi còn sống trên thế gian này
họ không nhận biết Thiên Chúa chân thật duy nhất để hội đủ điều
kiện được cứu rỗi chăng nữa, khi qua khỏi trần gian này, khi
không còn thời gian nữa thì trong cõi đời đời họ lại càng không
thể chối cãi sự thật mà họ chối bỏ là chính Vị Thiên Chúa hằng
sống của họ.
Và vì các linh hồn
hư đi sau khi qua khỏi đời này không thể không nhận biết Thiên
Chúa hằng sống như Ngài đã tỏ tất cả mình ra là nơi Chúa Giêsu
Kitô, một cách bất đắc dĩ không chân nhận không được, mà linh
hồn hư đi ấy vẫn tồn tại với cả thân xác của họ, vô cùng ở đời
sau, trong cõi đời đời. Nhưng tình trạng hư đi của họ hoàn toàn
khác với tình trạng của các linh hồn được cứu rỗi là thành phần,
nhận biết Thiên Chúa chân thật duy nhất nhờ Thánh Thần, như lời
Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay, "xét đáng được dự phần
đời sau và được sống lại từ cõi chết", một cách rạng ngời "giống
như thân xác vinh hiển của Người (Chúa Kitô)" (Philiphê
3:21).
Sách Tiên Tri
Daniên trong Bài Đọc 1 Chúa Nhật XXXII Chu Kỳ Năm B cũng chứng
thực như vậy, chứng thực rằng cả kẻ dữ người lành đều sống lại,
nhưng kẻ lành thì hiển vinh sáng láng: "Nhiều kẻ an giấc
trong bụi đất sẽ chỗi dậy; có người sẽ được hưởng phúc trường
sinh, có kẻ phải tủi nhục muôn đời. Những
người thông minh sẽ sáng chói như ánh sáng vòm trời, và những kẻ
khuyên dạy sự công chính cho nhiều người, sẽ nên như các vì tinh
tú tồn tại muôn ngàn đời".
Kinh nghiệm nhân sinh cho thấy con người ta khi còn sống
trên đời này, vì bản tính đã bị nhiễm lây nguyên tội, nên luôn
hướng hạ theo trần tục hơn là hướng thượng sống siêu nhiên, cho
dù linh hồn họ được Thiên Chúa dựng nên để được hạnh phúc trường
sinh ở đời sau. Và chính vì linh hồn con người vô hình thiêng
liêng tự bản chất bất tử "như các thiên thần" mà họ rất
sợ chết, và cho dù cả đời có tìm kiếm đủ mọi thứ thỏa mãn trên
trần gian này họ vẫn không no thỏa, vẫn không thể nào
thỏa đáng được ước vọng bất tử của chính cõi lòng luôn hướng về
vô biên viên mãn của con người.
Nếu "Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là
của kẻ sống", ở chỗ "vì mọi người đều sống cho Chúa", nghĩa
là nhận biết và tin tưởng Thiên Chúa, Đấng luôn tỏ tra cho từng
người, tùy hoàn cảnh của họ, để họ có thể nhận biết Ngài là "Thiên
Chúa của kẻ sống" khi họ nhận biết Ngài và "sống cho Ngài",
thì trường hợp của Vua Antiôcô của đế quốc Ba Tư trong Sách
Macabê quyển thứ 1 ở Bài Đọc 1 hôm nay là một trường hợp điển
hình, ở chỗ, sau khi bị thất bại ở khắp nơi, thì vua đã tỏ ra
thống hối ăn năn trước khi chết:
"Nghe tin ấy,
nhà vua khiếp đảm và rất xúc động. Vua vật mình xuống giường và
buồn đến lâm bệnh, (bởi vì) sự việc đã không xảy ra như vua ước
muốn. Vua liệt giường nhiều ngày, càng ngày càng buồn. Và tưởng
mình sắp chết, vua liền triệu tập tất cả bạn hữu lại mà nói với
họ rằng: 'Trẫm không còn chớp mắt được nữa và lòng trẫm tan nát
vì ưu tư. Trẫm tự nghĩ: trước kia khi trẫm còn quyền thế, trẫm
vui sướng và được người ta quý mến, mà giờ đây trẫm lâm cảnh
buồn sầu và đau khổ biết bao! Bây giờ trẫm hồi tưởng lại các tai
hoạ trẫm đã gây cho Giêru-salem: trẫm đã chiếm đoạt các chén
bằng vàng bạc tại đó, và đã ra lệnh tiêu diệt dân Giuđêa cách vô
cớ. Trẫm nhìn nhận là vì các việc ấy mà phải khốn khổ như thế
này, mà giờ đây trẫm phải buồn bực mà chết nơi đất khách quê
người'".
Đối với Thiên
Chúa, cũng như đối với từng con người, thì ơn cứu độ là quan
trọng nhất của cuộc sống tạm bợ mau qua ngắn ngủi của họ trên
trần gian này. Nếu cuối cùng, cho dù cả cuộc đời có hư thân mất
nết, có tội lỗi xấu xa đến mấy, nếu trước khi chết mà nhận ra
chân lý thì thật là có phúc là dường nào, như Vua Antiôcô trong
Bài Đọc 1 hôm nay, một vị vua có thể xứng hợp với câu họa của
bài Đáp Ca hôm nay: "Lạy
Chúa, con mừng rỡ vì ơn Ngài cứu độ" , bài Đáp Ca theo Thánh
Vịnh 9 cũng chất chứa những tâm tình của dân Chúa sau khi được
Ngài giải phóng khỏi kẻ thù bởi chính cạm bẫy của kẻ thù, một Vị
Thiên Chúa tỏ mình ra một lúc cho cả hai, chính họ và kẻ thù của
họ:
1) Lạy Chúa,
con sẽ ca tụng Chúa hết lòng, con sẽ kể ra mọi điều lạ lùng của
Chúa. Con sẽ mừng rỡ hân hoan trong Chúa, con sẽ đàn ca danh
Ngài, lạy Ðấng Tối Cao.
2) Vì quân thù
của con đã tháo lui, chúng chạy trốn và vong mạng trước thiên
nhan Chúa. Chúa trách phạt chư dân, diệt vong đứa ác, bôi nhoà
tên tuổi chúng tới muôn đời.
3) Người chư
dân rơi chìm xuống hố mà họ đã đào, chân họ mắc vào cạm bẫy mà
họ đã che. Vì kẻ cơ bần không bị đời đời quên bỏ, hy vọng người
đau khổ không mãi mãi tiêu tan.
Đaminh Maria
Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu
có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ
trên
TN.XXXIIIL-7.mp3