PVLC Mùa Thường Niên Tuần XXXIII Thứ 3 và Thánh Margarita Tô
Cách Lan với Thánh Giêtruđê ngày 16/11
Bài Ðọc I: (Năm I) 2 Mcb 6, 18-31
"Tôi sẽ để lại một tấm gương cao
đẹp, nếu tôi tự ý và anh dũng chết cho các lề luật đáng kính và
thánh thiện của chúng tôi".
Trích sách Macabê quyển thứ hai.
Trong những ngày ấy, Êlêazarô,
một người trong hàng Luật sĩ vị vọng, ông đã có tuổi và diện mạo
oai phong, ông bị người ta cạy miệng bắt phải ăn thịt heo. Nhưng
ông thà chết vinh còn hơn sống nhục, nên ông tự ý ra pháp
trường. Hiểu rằng ông phải xử trí như thế nào, ông nhẫn nại chịu
đựng, khẳng khái không ăn đồ cấm vì ham sống. Các bạn cố tri
đứng đó cảm thương ông, gọi lén ông ra khuyên ông xin người ta
đem cho ông các thứ thịt ông có phép dùng, rồi ông chỉ giả vờ ăn
thịt cúng như nhà vua đã truyền; làm như thế ông sẽ thoát chết;
và do tình bạn cố tri, họ đã tỏ lòng nhân đạo như vậy đối với
ông. Nhưng nghĩ đến địa vị bậc lão thành, mái tóc bạc khả kính,
cách ăn ở tốt đẹp từ thời niên thiếu, mà nhất là sống xứng với
lề luật thánh mà chính Thiên Chúa đã lập, ông liền trả lời, bảo
họ rằng ông sẵn sàng chịu chết. Ông nói:
"Vì ở tuổi chúng tôi không nên
giả vờ, kẻo nhiều thanh niên tưởng rằng Êlêazarô đã chín mươi
tuổi đầu mà còn theo lối sống của dân ngoại. Rồi vì sự giả vờ
của tôi để sống thêm một ít lâu nữa, tôi sẽ làm cho chính họ
cũng lầm lạc, và vì thế, tôi sẽ chuốc lấy nhơ nhớp và ố danh cho
tuổi già của tôi. Mà dầu tôi có thoát khỏi hình phạt của loài
người, thì dầu sống dầu chết, tôi sẽ không thoát khỏi bàn tay
của Thiên Chúa toàn năng. Bởi thế, nếu giờ đây tôi can đảm từ
giã cuộc đời, tôi sẽ tỏ ra xứng đáng với tuổi già của tôi; tôi
sẽ để lại cho các thiếu niên một tấm gương cao đẹp, nếu tôi tự ý
và anh dũng chết cho các lề luật đáng kính và thánh thiện của
chúng tôi".
Nói đoạn ông liền bị điệu đến
pháp trường. Các người áp giải ông đổi lòng thiện cảm họ có đối
với ông trước kia thành ác cảm, vì các lời ông vừa nói mà họ cho
là điên khùng. Khi sắp chết vì đòn vọt, ông thều thào trong hơi
thở cuối cùng: "Lạy Chúa là Ðấng thông minh chí thánh, Chúa cũng
thấu rõ là con có thể thoát chết, nhưng con xin chịu đòn vọt đau
đớn trong thân xác con, với niềm vui trong lòng vì kính sợ
Chúa". Và như thế ông từ giã cuộc đời, để lại không những cho
các thanh niên mà còn cho toàn dân một tấm gương anh dũng và một
lưu niệm đạo đức.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 3, 2-3.
4-5. 6-7
Ðáp: Chúa đã nâng đỡ tôi (c. 6b).
Xướng: 1) Thân lạy Chúa, nhiều
thay người bách hại con, nhiều thay người nổi dậy chống con! Về
con, nhiều kẻ thốt ra lời: "Hết trông hắn được Chúa Trời cứu
độ". - Ðáp.
2) Nhưng lạy Chúa, Chúa là thuẫn
hộ thân con, là vinh quang con, Chúa cho con ngẩng đầu lên. -
Tôi lên tiếng kêu cầu Chúa, và Chúa đã nghe tôi từ núi thánh của
Ngài. - Ðáp.
3) Tôi nằm xuống và đã ngủ ngon,
rồi thức khoẻ vì Chúa đỡ nâng tôi. Tôi không kinh hãi ức triệu
người ở chung quanh đồn trú hại tôi. - Ðáp.
Alleluia: Lc 21, 28
Alleluia, alleluia! - Các con
hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần
đến. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 19,
1-10
"Con Người đến tìm kiếm và cứu
chữa điều gì đã hư mất".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu vào Giêricô
và đi ngang qua thành, thì kìa, có một người tên là Giakêu, ông
thủ lãnh những người thu thuế và là người giàu có. Ông tìm cách
để nhìn xem Chúa Giêsu là người thế nào, nhưng không thể được,
vì người ta đông quá, mà ông lại thấp bé. Vậy ông chạy lên
trước, trèo lên một cây sung để nhìn xem Người, vì Người sắp đi
ngang qua đó. Khi vừa đến nơi, Chúa Giêsu nhìn lên và trông thấy
ông ấy, nên Người bảo ông rằng: "Hỡi Giakêu, hãy xuống mau, vì
hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi". Ông vội vàng trụt xuống
và vui vẻ đón tiếp Người. Mọi người thấy vậy, liền lẩm bẩm rằng:
"Ông này lại đến trọ nhà một người tội lỗi". Ông Giakêu đứng lên
thưa cùng Chúa rằng: "Lạy Ngài, tôi xin bố thí nửa phần của cải
tôi cho kẻ khó, và nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi
xin đền gấp bốn". Chúa Giêsu bảo ông ấy rằng: "Hôm nay nhà này
được ơn cứu độ, bởi người này cũng là con cái Abraham. Vì chưng,
Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điễu gì đã hư mất".
Ðó là lời Chúa.
Suy nghiệm Lời
Chúa
Chẳng còn gì
ngoài ơn cứu độ - nhờ một kẽ hở ...
Hôm nay, Thứ Ba
Tuần XXXIII Thường Niên, Bài Phúc Âm ở đầu đoạn 19 của Thánh
ký Luca, tiếp ngay sau Bài Phúc Âm hôm qua ở cuối đoạn 18.
Trong khi ở Bài
Phúc Âm hôm qua, cuộc hành trình lên Giêrusalem của Chúa Giêsu
mới "đến gần thành
Giêricô", thì trong
Bài Phúc Âm hôm nay, Thánh ký Luca ghi nhận tiếp về cuộc hành
trình này, ở chỗ: "Chúa Giêsu vào Giêricô và đi ngang qua
thành".
Cuộc hành trình tiến về
Giêrusalem của Người đã khiến Người gặp gỡ một số con người đặc
biệt được thuật lại trong Phúc Âm, chẳng hạn trường hợp của
người mù ngồi ăn xin ở vệ đường trong Bài Phúc Âm hôm qua, hay
vị "thủ lãnh những người thu thuế và là người giàu có" "tên
là Giakêu" trong Bài Phúc Âm hôm nay.
Về trường hợp của người mù
Batimê trong bài Phúc Âm hôm qua được thuật lại bởi Thánh ký
Luca và Marco, nhưng câu chuyện về nhân vật thủ lãnh thu thuế
này chỉ có trong Phúc Âm Thánh Luca mà thôi, vì Phúc Âm Thánh ký
Luca là Phúc Âm về Lòng Thương Xót Chúa, một Phúc Âm chất chứa
những dụ ngôn về Lòng Thương Xót Chúa rất cảm kích không có ở
trong bất cứ Phúc Âm nào.
Chẳng hạn 3 dụ ngôn tiêu biểu
nhất sau đây: 1- Dụ Ngôn Người Samaritanô Nhân Hậu (xem Luca
10:25-37); 2- Dụ Ngôn Người Cha Nhân Hậu Với Hai Đứa Con Đáng
Thương (xem Luca 15:11:32); 3- Dụ Ngôn Hai Người Lên Đền Thờ Cầu
Nguyện (xem Luca 18:9-14) v.v. Cũng chỉ trong Phúc Âm Thánh ký
Luca mới có câu: "Các con hãy thương xót như Cha của các con
là Đấng thương xót" (Luca 6:36), một Lòng Thương Xót đã được
phản ảnh sống động nhất qua lời đầu tiên của Chúa Kitô khổ giá
cũng chỉ ở trong Phúc Âm Thánh Luca: "Lạy Cha, xin Cha tha
cho họ vì họ lầm không biết việc họ làm" (Luca 23:34).
Chính trong Bài Phúc Âm hôm nay
có một câu nói của Chúa Giêsu về Lòng Thương Xót Chúa cũng chỉ
có ở trong Phúc Âm Thánh Luca mà thôi, đó là câu: "Con Người
đến để tìm kiếm và cứu vớt những gì đã hư vong", điển hình
nhất là viên trưởng ban thu thuế Giakêu được Thánh ký Luca thuật
lại.
Nhân vật trưởng ban thu
thuế Giakêu này thực sự "đã hư vong", tức đã sống một
cuộc đời bê bối tội lỗi khi hành nghề thu thuế đầy những mánh
khóe gian lận tiền bạc để có thể làm giầu cách bất chính, đã
thực sự là thành phần tội nhân, chẳng những trước mặt dân Do
Thái mà chính ngay cả bản thân của đương sự cũng phải chân nhận
như thế, qua lời hứa hẹn của đương sự sau khi được gặp gỡ Chúa
Giêsu: "Lạy Ngài, tôi xin bố thí nửa phần của cải tôi cho kẻ
khó, và nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp
bốn".
Nếu Chúa Kitô "đến để tìm
kiếm và cứu vớt những gì đã hư hoại" thì Người rất nhậy cảm
với những tâm hồn đang sống trong giầu sang phú quí với đầy
nhưng băn khoăn khắc khoải không thỏa mãn làm sao ấy, như trường
hợp của viên trưởng ban thu thuế Giakêu trong bài Phúc Âm hôm
nay, đến độ nhân vật này đã phải sẵn sàng bỏ trạm thu thuế là
nơi làm giầu hằng ngày của mình và lánh xa đám nhân viên thu
thuế đồng nghiệp cùng gian lận dưới quyền mình, để quyết tâm đón
gặp được Người, cho dù chỉ muốn "tìm cách để nhìn xem Chúa
Giêsu là người thế nào" thôi, bằng cách "chạy lên trước,
trèo lên một cây sung để nhìn xem Người, vì Người sắp đi ngang
qua đó".
Đúng vậy, vì cố ý "tìm kiếm
và cứu vớt những gì đã hư hoại" mà Chúa Giêsu đã nhậy
cảm đến độ, trong khi hình như không ai trông thấy nhân vật giầu
sang phú quí và quyền hành này, đang ẩn nấp ở trên một cái cây
bên đường, để một đàng vừa tránh được cái nhìn khinh bỉ
của đám đông vẫn giành cho đương sự, đàng khác lại vừa dễ trông
thấy Chúa Giêsu đi ngang qua theo lòng ước nguyện.
Người quả thực đã nhìn
thấy đương sự, nhìn thấy tận đáy lòng của đương sự ước muốn gặp
Người, cũng như nhìn thấy hành động thiện chí như trẻ con trèo
lên cây ẩn nấp trên đó của đương sự, nên Người đã tự động lên
tiếng gọi đương sự làm cho đương sự giật nẩy mình lên, chẳng
những vì đương sự bất ngờ bị lộ tẩy chân tướng trước
mặt đám đông đối phương của đương sự, mà còn vì đương sự cảm
thấy vô cùng sung sướng được Người gọi đích danh của mình,
mà đương sự tưởng rằng Người không hề hay chưa hề biết đến đương
sự bao giờ.
Có một chi tiết liên quan đến việc gọi đích danh tên của viên
trưởng ban thu thuế trong bài Phúc Âm này đó là hình như chỉ có
những ai bê bối tội lỗi hay khổ đau mới được Người gọi đích danh
mà thôi, còn những ai được Người đặc biệt yêu thương lại không
được diễm phúc ấy, chẳng như như Tông Đồ Gioan là "người môn
đệ được Chúa Giêsu thương" (Gioan 13:23; 19:26; 20:2;
21:7,20).
Thật vậy, những nhân vật đã từng sống cuộc đời bê bối đã được
Chúa Giêsu gọi đích danh như đích danh "Giakêu" trong bài
Phúc Âm hôm nay, hay như "Maria" Mai Đệ Liên (Gioan
20:16), một con điếm "đã được Người trừ bảy quỉ" (Marco
16:9), hoặc như "Simon" Phêrô (Gioan 21:15-17) đã từng
trắng trợn và phũ phàng chối Người 3 lần, hay như "Saule"
(Tông Vụ 9:4; 22:7; 26:14) là kẻ bách hại Người nơi thành phần
tín hữu trong thời Giáo Hội sơ khai, hoặc như "Lazarô" là
một thây ma đã chết 4 ngày trong mồ (Gioan 11:43).
Ôi tuyệt vời thay Lòng Thương
Xót Chúa: "Tôi là vị mục tử nhân lành. Tôi biết các chiên tôi
và chiên tôi biết Tôi" (Gioan 10:14). Trong khi tội nhân
không hề biết Người, ở chỗ xúc phạm đến Người, thì Người lại
biết họ và kêu gọi đích danh họ, vạch mặt chỉ tên họ, chứng tỏ
Người hằng theo dõi cuộc đời của họ, và ngồi chờ họ ở những nơi
sinh hoạt quen thuộc của họ, như ngồi chờ người đàn bà tội lỗi
bên giếng Giacóp (xem Gioan 4:6-9), hay đi đến tận những nơi
thầm kín của họ, như trường hợp của viên trưởng ban thu thuế
Giakêu trong Bài Phúc Âm hôm nay, để cố ý cứu đương sự khỏi
cuộc đời lén lút mờ mịt của đương sự.
Chúa Giêsu đã không nhắc đến tội
lỗi của bất cứ tội nhân nào, khi mới gặp họ, dù Người biết rõ
tội của họ hơn ai hết, mà chỉ tỏ lòng thương họ để họ nhờ đó có
thể ăn năn thống hối thôi. Thậm chí Người không sợ gần gũi với
tội nhân xấu xa nhơ nhớp đáng ghê tởm, cho dù có bị chê trách,
như Bài Phúc Âm hôm nay cho thấy: "Ông này lại đến trọ nhà
một người tội lỗi". Vì họ mới là thành phần "bệnh nhân
cần đến thày thuốc" như Người là một Vị Lương Y thần linh
toàn năng có thể chữa lành cả hồn lẫn xác của họ (xem Mathêu
9:12).
Việc Người chẳng những tiến vào
mà còn ở lại nhà của nhân vật tội lỗi Giakêu: "Hỡi Giakêu,
hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi", để
giao tiếp với thành phần thu thuế tội lỗi như nhân vật này, thật
sự là một hiện diện thần linh cứu độ: "Hôm nay nhà này được
ơn cứu độ, bởi người này cũng là con cái Abraham. Vì chưng, Con
Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất".
Tác dụng của ơn cứu độ được Chúa Kitô mang đến cho chẳng những
riêng nhân vật Giakêu mà còn cho cả "nhà"
(gia đình) của đương sự nữa, thậm chí "nhà" đây còn có
thể hiểu là bao gồm cả thành phần nhân viên thu thuế thuộc quyền
lãnh đạo của đương sự nữa, nhất khi chính họ đích mắt thấy được
lòng nhân lành cảm thương tha thứ của Người giành cho vị thủ
lãnh của họ.
Tác dụng xuất phát từ lòng cảm
thương ấy của Chúa Giêsu đã biến đổi hẳn bản thân và
cuộc đời của một nhân vật tội lỗi, đến độ đương sự chẳng những
thật lòng ăn năn thống hối ở chỗ đền bù tội lỗi của mình đối với
những ai bị thiệt hại vật chất bởi đương sự gian lận trước đó mà
còn giành ra nửa phần gia tài để làm phúc bố thí nữa, nghĩa là
kể như trở về tay không để được đổi lấy Nước Trời, lấy ơn cứu độ
vô giá, không gì sánh được: "Lạy Ngài, tôi xin bố thí nửa
phần của cải tôi cho kẻ khó, và nếu tôi có làm thiệt hại cho ai
điều gì, tôi xin đền gấp bốn".
Khi còn sống trong tội lỗi thì
bất cứ ai, dù chẳng làm nghề buôn bán hay thu thuế như nhân vật
Giakêu trong Bài Phúc Âm hôm nay, cũng sống trong tình trạng
gian dối, (tự tội lỗi đã là gian dối), không đúng với sự thật về
thân phận thụ tạo làm người trước nhan Thiên Chúa cũng như đối
với tha nhân.
Bởi đó, hoán cải chính là
tác động "đi từ tối tăm ra ánh sáng lạ lùng" (1Phêrô
2:9). Sau cuộc đời sống gian dối bằng hành động gian lận tiền
bạc của dân chúng với vai trò thu thuế của mình, nhân
vật Giakêu đã bắt đầu sống hoàn lương trong chân
lý. Nhưng để được như vậy, Lòng Thương Xót Chúa là chính ơn
cứu độ của đương sự tội nhân này chỉ cần lòng của đương sự hé mở
dù chỉ một chút xíu chăng nữa, và tính tò mò tự nhiên của đương
sự muốn xem nhân vật Giêsu Nazarét là ai chính là kẽ hở
cứu độ đó vậy!
Hành động của viên trưởng thu
thuế Giakêu, sau khi gặp được Chúa Kitô, đã chẳng những từ bỏ
lòng gian tham của mình mà còn cả của cải của mình, đến trở
thành như một kẻ homelss chẳng còn gì, cũng tương tự như nhân
vật lão thành Eleazaro được Sách Macabê quyển thứ 2 ở Bài Đọc 1
hôm nay, một con người có thể thoát chết nhưng vẫn trung
kiên với Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất của mình cho dù có
phải mất mạng sống của mình: "Dầu tôi có thoát khỏi hình phạt
của loài người, thì dầu sống dầu chết, tôi sẽ không thoát khỏi
bàn tay của Thiên Chúa toàn năng. Bởi thế, nếu giờ đây tôi can
đảm từ giã cuộc đời, tôi sẽ tỏ ra xứng đáng với tuổi già của
tôi; tôi sẽ để lại cho các thiếu niên một tấm gương cao đẹp, nếu
tôi tự ý và anh dũng chết cho các lề luật đáng kính và thánh
thiện của chúng tôi..."
Thật vậy, "khi sắp chết vì
đòn vọt, ông thều thào trong hơi thở cuối cùng: 'Lạy Chúa là
Ðấng thông minh chí thánh, Chúa cũng thấu rõ là con có thể thoát
chết, nhưng con xin chịu đòn vọt đau đớn trong thân xác con, với
niềm vui trong lòng vì kính sợ Chúa'", một lời phó thác
tuyệt vời như thể chất chứa tâm tình của Thánh Vịnh 3 ở bài Đáp
Ca hôm nay:
1) Thân lạy Chúa, nhiều thay
người bách hại con, nhiều thay người nổi dậy chống con! Về con,
nhiều kẻ thốt ra lời: "Hết trông hắn được Chúa Trời cứu độ".
2) Nhưng lạy Chúa, Chúa là thuẫn
hộ thân con, là vinh quang con, Chúa cho con ngẩng đầu lên. -
Tôi lên tiếng kêu cầu Chúa, và Chúa đã nghe tôi từ núi thánh của
Ngài.
3) Tôi nằm xuống và đã ngủ ngon,
rồi thức khoẻ vì Chúa đỡ nâng tôi. Tôi không kinh hãi ức triệu
người ở chung quanh đồn trú hại tôi.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL.
Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm
hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên
TN.XXXIIIL-3.mp3
Ngày 16: 1. Thánh Margarita Scotia,
hoàng hậu
2. Thánh Gertruđê, đồng trinh
Hai links trên là tiểu sử và 2
links dưới để nghe hay xem
ThanhMargaritaToCachLan-ThanhGietrude.mp3
https://youtu.be/RJ2JR2y89uA