PVLC Mùa Thường Niên Tuần XXXII Thứ 7
Bài Ðọc I: (Năm I) Kn 18, 14-16; 19, 6-9
"Giữa biển đỏ đã xuất hiện một
lối đi không có chướng ngại, và họ nhảy mừng như đoàn chiên".
Trích sách Khôn Ngoan.
Ðang lúc yên tĩnh bao trùm vạn
vật, và đêm đã tới nửa vòng xoay: từ vương toà trên trời cao,
lời toàn năng của Chúa tựa như một dũng sĩ rắn rỏi xông tới giữa
miền đất bị tiêu diệt, tựa như gươm bén mang mệnh lệnh cố định
của Chúa, đứng sừng sững, đầu chạm trời, chân đạp đất, gieo chết
chóc khắp muôn loài.
Và muôn loài được tác tạo như
thuở ban đầu, phụng lệnh Chúa để gìn giữ thần dân Chúa được an
toàn, vì Chúa đã khiến mây bao phủ trại binh họ, và từ nơi trước
kia đầy nước, đã xuất hiện vùng đất ráo khô. Và giữa Biển Ðỏ đã
xuất hiện một lối đi không có chướng ngại, và từ vực sâu xuất
hiện một cánh đồng xanh tươi. Toàn dân được tay Chúa che chở, đi
qua nơi ấy và chiêm ngưỡng những diệu kỳ phi thường của Chúa.
Lạy Chúa, họ như đàn ngựa giữa bãi cỏ, như đoàn chiên nhảy mừng,
họ tán dương Chúa, là Ðấng đã giải thoát họ.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 104,
2-3. 36-37. 42-43
Ðáp: Hãy nhớ lại những điều kỳ diệu Chúa đã làm (c.
5a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Hãy xướng ca, đàn hát
mừng Người; hãy tường thuật mọi điều kỳ diệu của Chúa. Hãy tự
hào vì danh thánh của Người; tâm hồn những ai tìm Chúa, hãy mừng
vui. - Ðáp.
2) Chúa sát phạt mọi con đầu
lòng trong lãnh thổ, của đầu mùa do sức lực cường tráng chúng
sinh ra. Người dẫn họ ra đi cùng với bạc với vàng, và trong các
bộ lạc của họ, không một ai đau yếu. - Ðáp.
3) Vì Người đã nhớ lời thánh
thiện của Người, lời Người đã ban bố cùng Abraham là tôi tớ
Người. Người đã đưa dân tộc Người ra đi trong niềm vui vẻ, đưa
những kẻ Người kén chọn ra đi trong tiếng hân hoan. - Ðáp.
Alleluia: 2 Tm 1,
10b
Alleluia, alleluia! - Ðấng Cứu
Chuộc chúng ta là Ðức Giêsu Kitô đã dùng Tin Mừng mà tiêu diệt
sự chết, và chiếu soi sự sống. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 18, 1-8
"Thiên Chúa sẽ minh xử cho những
kẻ Người tuyển chọn hằng kêu cứu với Người".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các
môn đệ một dụ ngôn, dạy các ông phải cầu nguyện luôn, đừng ngã
lòng mà rằng:
"Trong thành kia, có một vị thẩm
phán không kính sợ Thiên Chúa, cũng không kiêng nể người ta.
Trong thành đó lại có một bà goá đến thưa ông ấy rằng: "Xin ông
minh oan cho tôi khỏi tay kẻ thù". Trong một thời gian lâu dài,
ông không chịu, nhưng sau đó ông nghĩ rằng: "Mặc dầu ta không
kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng kính nể người ta, nhưng vì bà
goá này cứ quấy rầy ta mãi, nên ta sẽ xử cho bà ấy, kẻo bà ấy
đến mãi làm ta nhức óc".
Rồi Chúa phán: "Các con hãy nghe
lời vị thẩm phán bất lương nói đó. Vậy Thiên Chúa lại không minh
xử cho những kẻ Người tuyển chọn hằng kêu cứu với Người đêm
ngày, mà khoan giãn với họ mãi sao? Thầy bảo các con, Chúa sẽ
kíp giải oan cho họ. Nhưng khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp
được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?"
Ðó là lời Chúa.
Suy Nghiệm Lời Chúa
Đức tin cánh
chung - thời điểm minh oan
Bài Phúc Âm cho Thứ Bảy Tuần
XXXII Thường Niên hôm nay liên quan đến những lời Chúa Giêsu nói
với các môn đệ về "một dụ ngôn dạy các ông phải cầu nguyện
luôn, đừng ngã lòng".
Nguyên văn dụ ngôn này như
sau: "Trong thành kia, có một vị thẩm phán không kính sợ
Thiên Chúa, cũng không kiêng nể người ta. Trong thành đó lại có
một bà goá đến thưa ông ấy rằng: 'Xin ông minh oan cho tôi khỏi
tay kẻ thù'. Trong một thời gian lâu dài, ông không chịu, nhưng
sau đó ông nghĩ rằng: 'Mặc dầu ta không kính sợ Thiên Chúa, mà
cũng chẳng kính nể người ta, nhưng vì bà goá này cứ quấy rầy ta
mãi, nên ta sẽ xử cho bà ấy, kẻo bà ấy đến mãi làm ta nhức óc'".
Phải chăng đây là dụ ngôn liên
quan đến ngày tận thế nói chung và cuộc chung thẩm nói riêng?
Bởi vì, nếu tất cả mọi sự xẩy ra trên trần gian này, mà thực tế
phũ phàng cho thấy, sự dữ dường như lấn át sự lành, kẻ lành bị
thua kẻ mạnh. Kẻ dữ lại được may lành hơn người công chính.
Người lành thường gian nan khốn khó lận đận. Kẻ cô đơn yếu thế
(mà bà góa trong Bài Phúc Âm hôm nay tiêu biểu) bị đàn áp bất
công. Bởi thế, nếu không có đời sau, không có vấn đề thưởng phạt
công minh thì sống đức tin và tin vào Chúa thật là vô lý và vô
cùng dại dột. Mất cả 2 đời.
Đó là lý do, sau khi đã nói với
các môn đệ về dụ ngôn bà góa kêu oan, hay cũng có thể nói là dụ
ngôn quan tòa nể xử, Chúa Giêsu đã kết thúc bằng một câu
vừa để trấn an và phấn khích các môn đệ của Người vừa có tính
cách cảnh báo liên quan đến ngày tận thế như sau:
"Các con hãy nghe lời vị thẩm
phán bất lương nói đó. Vậy Thiên Chúa lại không minh xử cho
những kẻ Người tuyển chọn hằng kêu cứu với Người đêm ngày, mà
khoan giãn với họ mãi sao? Thầy bảo các con, Chúa sẽ kíp giải
oan cho họ. Nhưng khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp được lòng
tin trên mặt đất nữa chăng?"
Qua câu này, Chúa Giêsu chỉ có ý
khuyên các môn đệ của Người, không phải chỉ cho thành phần
môn đệ đang ở bên Người bấy giờ, mà cho mọi thế hệ môn đệ của
Người, phải "bền đỗ đến cùng mới được cứu độ" (Mathêu
24:13). Nhất là thế hệ môn đệ cuối cùng ở vào thời tận thế, thời
Người đến lần thứ hai, đến lần cuối cùng, thời điểm mà như Người
cảnh báo: "không biết có còn đức tin trên thế gian này nữa
hay chăng?"
Đó là lý do Thánh Phaolô đã
khẳng định rất chính xác về thời cánh chung liên quan đến tận
thế, hay đến mục đích lần đến cuối cùng của Chúa Kitô đó là để
cứu độ những ai tin tưởng Người cho đến cùng, cho đến khi Người
tái giáng:
"Người sẽ xuất hiện lần thứ
hai không phải để xóa tội trần gian mà là để mang ơn cứu độ cho
những ai thiết tha trông đợi Người" (Do Thái 9:28). Chẳng
hạn như trường hợp của 5 cô trinh nữ / phú dâu khôn ngoan
cầm đèn đức tin cháy lửa đức mến bằng dầu đức cậy vậy (xem
Mathêu 25:1-12).
Thật ra, thời cánh chung đã được
mở màn từ khi "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14),
tức là "vào thời điểm viên trọn" (Galata 4:4), "thời
sau hết - final age" (Do Thái 1:2), thời Thiên Chúa tỏ hết
mình ra nơi Con Một của Ngài là Đấng Thiên Sai Cứu Thế đúng như
lời Ngài đã hứa với nguyên tổ sau nguyên tội (xem Khởi Nguyên
3:15).
Nếu thời cánh chung được bắt đầu
từ lần đến thứ nhất của Chúa Kitô thì thời cánh chung này cũng
kết thúc vào lần đến thứ hai của Người, một lần đến quyết liệt
cho phần rỗi của chung nhân loại cũng như của riêng từng người,
liên quan đến đức tin cứu độ, một đức tin sẽ bị khủng hoảng đến
tận gốc... và bị bật gốc nơi nhiều tâm hồn yếu dại!
Đúng thế, thời tận thế là thời
kinh hoàng khủng khiếp đến độ đối với loài người về cả thể xác
lẫn linh hồn của họ, như Chúa Giêsu còn thẳng thắn tiết lộ không
giấu diếm như sau: "vì những ngày ấy tràn đầy những gì là
thống khổ hơn bất cứ thời nào từ khi hiện hữu thế giới này...
Thật vậy, nếu giai đoạn này không được rút ngắn lại thì không
một ai được cứu độ..." (Mathêu 24:21-22).
Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công
Giáo ở khoản 675 cũng đã phải công nhận cuộc thử thách cuối cùng
Giáo Hội phải trải qua đầy nguy hiểm đến đức tin của Kitô hữu là
phần tử của mình vào thời điểm trước khi Chúa Kitô đến lần thứ
hai cũng là lần cuối như sau:
"Trước khi Ðức Kitô quang
lâm, Hội Thánh phải trải qua một cuộc thử thách cuối cùng khiến
nhiều tín hữu bị lung lạc đức tin (x. Lc 18, 8; Mt 14, 12).
Những cuộc bách hại mà Hội Thánh phải chịu trong suốt cuộc lữ
hành trên trần thế (x. Lc 21, 12; Ga 15, 19-20) sẽ vạch trần
'mầu nhiệm sự dữ' dưới hình thức bịp bợm tôn giáo; hình thức này
chỉ đem lại cho con người một giải đáp giả tạo cho các vấn đề
của họ để rồi họ phải xa rời chân lý. Sự bịp bợm tôn giáo nham
hiểm nhất là sự bịp bợm của tên Phản Kitô, nghĩa là của một
thuyết Mêsia giả hiệu: trong đó, con người tự tôn vinh chính
mình thay vì tôn vinh Thiên Chúa và Ðấng Mêsia của Người đã đến
trong xác phàm (x. 2Th 2, 4-12; 1Th 5, 2-3; 2Ga 7; 1Ga 2, 18.
22)".
Đúng thế, ngày Kitô quang lâm sẽ
là ngày "Chúa sẽ kíp giải oan cho họ", một sự thật được
Sách Khôn Ngoan ở Bài Đọc 1 diễn tả một cách bóng bẩy về Lời
Nhập Thể xuất hiện như "ánh sáng chiếu soi trong tăm tối"
(Gioan 1:5) để giải thoát những ai tin tưởng vào Người khỏi
quyền lực tối tăm như sau:
"Ðang lúc yên tĩnh bao trùm vạn
vật, và đêm đã tới nửa vòng xoay: từ vương toà trên trời cao,
lời toàn năng của Chúa tựa như một dũng sĩ rắn rỏi xông tới giữa
miền đất bị tiêu diệt, tựa như gươm bén mang mệnh lệnh cố định
của Chúa, đứng sừng sững, đầu chạm trời, chân đạp đất, gieo chết
chóc khắp muôn loài.... Và giữa Biển Ðỏ đã xuất hiện một lối đi
không có chướng ngại, và từ vực sâu xuất hiện một cánh đồng xanh
tươi. Toàn dân được tay Chúa che chở, đi qua nơi ấy và chiêm
ngưỡng những diệu kỳ phi thường của Chúa. Lạy Chúa, họ như đàn
ngựa giữa bãi cỏ, như đoàn chiên nhảy mừng, họ tán dương Chúa,
là Ðấng đã giải thoát họ".
Và đó là lý do mới có Bài Đáp Ca
hôm nay thúc giục những ai được "Chúa kíp giải oan" "hãy nhớ
lại những điều kỳ diệu Chúa đã làm", với những câu Thánh
Vịnh 104 như thế này:
1) Hãy xướng ca, đàn hát mừng
Người; hãy tường thuật mọi điều kỳ diệu của Chúa. Hãy tự hào vì
danh thánh của Người; tâm hồn những ai tìm Chúa, hãy mừng vui. .
2) Chúa sát phạt mọi con đầu
lòng trong lãnh thổ, của đầu mùa do sức lực cường tráng chúng
sinh ra. Người dẫn họ ra đi cùng với bạc với vàng, và trong các
bộ lạc của họ, không một ai đau yếu.
3) Vì Người đã nhớ lời thánh
thiện của Người, lời Người đã ban bố cùng Abraham là tôi tớ
Người. Người đã đưa dân tộc Người ra đi trong niềm vui vẻ, đưa
những kẻ Người kén chọn ra đi trong tiếng hân hoan.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL.
Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm
hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên
TN.XXXIIL-7.mp3