PVLC Mùa Thường Niên Tuần XXXII Thử 6 và Thánh Josaphat Giám Mục
Tử đạo 12/11
Bài Ðọc I: (Năm I) Kn 13, 1-9
"Nếu họ đã có thể truy tầm càn
khôn, sao họ lại không nhận thấy Chúa tể Càn khôn".
Trích sách Khôn Ngoan.
Khờ dại thay tất cả những người
không chịu nhận biết Chúa, và cả những người không biết căn cứ
vào các sự vật hữu hình để tìm hiểu Ðấng Tự Hữu, và không chú ý
đến các công trình để biết ai là Ðấng Hoá công. Nhưng họ kể lửa,
gió, khí thiêng, bầu trời đầy tinh tú, nước lũ, mặt trời, mặt
trăng là những thần minh bá chủ hoàn cầu. Nếu họ say mê vẻ đẹp
của các vật đó mà kể chúng là chúa tể, thì phải biết rằng: Ðấng
quản trị các vật đó còn tốt đẹp hơn bội phần, vì chính Ðấng tác
sinh thiện mỹ, đã tạo thành mọi vật đó. Hoặc nếu họ ngạc nhiên
về năng lực và kỳ công của những tạo vật đó, thì do đó họ phải
hiểu rằng Ðấng đã tạo thành các vật đó, còn có quyền lực hơn
nhiều, vì do sự cao sang tốt đẹp của tạo vật mà người ta có thể
nhìn biết Ðấng tạo dựng mọi loài.
Dầu sao họ cũng không đáng trách
mấy, vì chưng, có lẽ họ lầm trong khi tìm kiếm Chúa, và muốn gặp
Người. Họ tìm kiếm, khi sống giữa các kỳ công của Chúa, nhưng họ
ngộ nhận khi thấy các vật kia tốt đẹp.
Tuy vậy, chính họ cũng không
đáng được tha thứ, vì nếu họ có khả năng nhận thức để truy tầm
càn khôn, sao họ lại không nhận thấy cách dễ dàng hơn chính Chúa
tể càn khôn?
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 18, 2-3.
4-5
Ðáp: Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa (c.
2a).
Xướng: 1) Trời xanh tường thuật
vinh quang Thiên Chúa, thanh không kể ra sự nghiệp tay Người.
Ngày này nhắc nhủ cho ngày khác, đêm này truyền tụng cho đêm
kia. - Ðáp.
2) Ðây không phải lời cũng không
phải tiếng, mà âm thanh chúng không thể lọt tai. Nhưng tiếng
chúng đã vang cùng trái đất, và lời chúng truyền ra khắp cõi địa
cầu. - Ðáp.
Alleluia: 1 Ga 2, 5
Alleluia, alleluia! - Ai giữ lời
Chúa Kitô, thì quả thật tình yêu của Thiên Chúa đã tuyệt hảo nơi
người ấy. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 17,
26-37
"Cũng xảy ra như thế trong ngày
Con Người xuất hiện".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các
môn đệ rằng: "Như sự kiện đã xảy ra thời Noe thế nào, thì trong
ngày Con Người cũng xảy đến như vậy. Thiên hạ cứ ăn uống, cưới
vợ gả chồng, mãi cho tới ngày Noe vào tầu, rồi nước lụt đến tiêu
diệt mọi người.
"Lại cũng như đã xảy ra thời ông
Lót: người ta ăn uống, mua bán, trồng tỉa, xây cất, nhưng ngày
ông Lót ra khỏi thành Sôđôma, thì trời liền mưa lửa và sinh
diêm, tiêu diệt mọi người. Cũng sẽ xảy như thế trong ngày Con
Người xuất hiện.
"Trong ngày đó, ai ở trên mái
nhà có đồ vật trong nhà, thì chớ xuống lấy đi; và ai ở ngoài
đồng cũng đừng trở về. Các con hãy nhớ trường hợp vợ ông Lót. Ai
lo cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai đành mất sự sống mình
thì giữ được nó.
"Thầy bảo các con: Trong đêm ấy
sẽ có hai người trên một giường, thì một người bị đem đi, và
người kia sẽ được để lại. Hai phụ nữ xay cùng một cối, thì một
người sẽ bị đem đi, còn người kia sẽ được để lại. Hai người ở
ngoài đồng, thì một người bị đem đi, và người kia được để lại".
Các môn đệ thưa Chúa rằng: "Lạy
Thầy, chuyện đó ở đâu vậy?" Người phán bảo các ông: "Xác ở đâu
thì diều hâu tựu lại đó".
Ðó là lời Chúa.
Suy Nghiệm Lời Chúa
Bị mang đi hay
được mang đi? - được phúc cứu rỗi hay bị họa hư đi?
Hôm nay, Thứ Sáu Tuần XXXII
Thường Niên, Bài Phúc Âm vẫn tiếp tục với lời Chúa Giêsu nói với
các môn đệ của Người, từ dấu chỉ Nước Trời ở bài Phúc Âm hôm
qua đến sự kiện Nước Trời trong bài Phúc Âm hôm nay theo chiều
hướng của câu những người biệt phái hỏi Chúa Giêsu về thời điểm
Nước Trời đến trong bài Phúc Âm hôm qua.
Trong bài Phúc Âm hôm nay, những
lời của Chúa Giêsu nói về ngày tận thế, một thời điểm cho ngày
cùng tháng tận của thế giới này, đã xẩy ra như thế nào, được
Thánh ký Luca ghi lại những lời Chúa Giêsu cho biết một cách
tổng quan liên quan đến dấu hiệu của nó, đến việc cần phải đối
phó với nó, và đến hiện tượng của nó thứ tự như sau:
Ngày tận thế - Dấu hiệu: "Như
sự kiện đã xảy ra thời Noe thế nào, thì trong ngày Con Người
cũng xảy đến như vậy. Thiên hạ cứ ăn uống, cưới vợ gả chồng, mãi
cho tới ngày Noe vào tầu, rồi nước lụt đến tiêu diệt mọi
người. Lại cũng như đã xảy ra thời ông Lót: người ta ăn uống,
mua bán, trồng tỉa, xây cất, nhưng ngày ông Lót ra khỏi thành
Sôđôma, thì trời liền mưa lửa và sinh diêm, tiêu diệt mọi người.
Cũng sẽ xảy ra như thế trong ngày Con Người xuất hiện".
Ngày tận thế - Đối phó: "Trong
ngày đó, ai ở trên mái nhà có đồ vật trong nhà, thì chớ xuống
lấy đi; và ai ở ngoài đồng cũng đừng trở về. Các con hãy nhớ
trường hợp vợ ông Lót. Ai lo cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn
ai đành mất sự sống mình thì giữ được nó".
Ngày tận thế - Hiện tượng: "Thầy
bảo các con: Trong đêm ấy sẽ có hai người đàn ông nằm trên một
giường, thì một người bị đem đi, và người kia sẽ được để lại. Có
hai người phụ nữ xay cùng một cối, thì một người sẽ bị đem đi,
còn người kia sẽ được để lại".
Trước hết, về dấu hiệu của mình
thì ngày tận thế "xẩy ra như thời Noe" và như "thời ông
Lót". Nghĩa là bấy giờ, vào những thời được Chúa Giêsu nêu
lên đây, "thiên hạ cứ ăn uống, cưới vợ gả chồng", "người ta
ăn uống, mua bán, trồng tỉa, xây cất". Tức trong khi con
người ta chẳng để ý gì hết, cứ vui vẻ hưởng thụ và làm ăn sinh
sống, thì "cũng sẽ xảy ra như thế trong ngày Con Người xuất
hiện".
Như thế thì quả thực "ngày Con Người xuất hiện" xẩy ra đùng
một cái, chứ không từ từ hay được báo trước về ngày giờ chính
xác của nó: "Như chớp lóe ra từ đông sang tây thế nào thì Con
Người đến cũng như vậy" (Mathêu 24:27), hoàn toàn ngoài dự
tưởng của con người, vào chính lúc con người không ngờ và chẳng
kịp sửa soạn gì hết, ngoại trừ việc duy nhất là họ cần phải liên
lỉ tỉnh thức: "Hãy tỉnh thức vì các con không biết được ngày
giờ nào" (Mathêu 25:13).
Nếu vào "thời ông Noe"
người ta cùng mọi sinh vật trên mặt đất bị đại hồng thủy hủy
diệt (xem Khởi Nguyên 7:4), và vào "thời ông Lót" người
ta bị mưa lửa từ trời đổ xuống thiêu hủy (xem Khởi Nguyên
19:24), chỉ vì con người bấy giờ quá ư là hư hỏng tội lỗi, toàn
là nhục dục vào "thời ông Noe" (xem Khởi Nguyên 6:3,5),
thậm chí còn nhục dục đồng tính nữa vào "thời ông Lót"
(xem Khởi Nguyên 19:4-14), thì hiện nay, con người càng văn minh
về vật chất lại càng phá sản về luân lý, chắc chẳng cần bị Thiên
Chúa ra tay, chính họ sẽ tự hủy diệt mình bằng quyền tự do được
phép phá thai thoải mái và đồng tình hôn nhân vô sản lăng
loàn của họ, chưa kể đến tình trạng con người bị tiêu diệt bởi
chiến tranh và khủng bố cùng tai nạn nhân tạo liên tục xẩy ra
chưa từng có trong lịch sử loài người.
Sau nữa, về cách đối phó với
ngày tận thế, đối phó với những gì "xảy ra trong ngày Con
Người xuất hiện" thì dù bất chợt xẩy ra vẫn còn có thể thoát
nạn, vẫn còn có thể cứu vãn. Ở chỗ, đừng tiếc xót gì hết, như "trường
hợp vợ ông Lót" trong lúc chạy trốn mà vẫn ngoảnh lại như
còn tiếc xót những gì bị mất mát nên đã bị trở thành tượng
muối (xem Khởi Nguyên 19:26). Lúc bấy giờ chỉ còn một cách duy
nhất là "bỏ của mà chạy lấy người", đúng như lời Chúa căn dặn
trong Bài Phúc Âm hôm nay: "Trong ngày đó, ai ở trên mái nhà
có đồ vật trong nhà, thì chớ xuống lấy đi; và ai ở ngoài đồng
cũng đừng trở về".
Không biết ở đây có phải Chúa
Giêsu muốn nói đến những thành phần Kitô hữu chứng nhân vào
thời bấy giờ hay chăng, thành phần "ở trên mái nhà", tức
là những con người loan truyền những gì được nói cho biết một
cách riêng tư (xem Mathêu 10:27; Luca 12:3), và thành phần "ở
ngoài đồng", tức là những người đang gieo rắc hạt giống đức
tin hay đang gặt hái mùa màng (xem Gioan 4:35-38). Vì chính lúc
"sự dữ gia tăng mà lòng con người hầu hết ra nguội lạnh"
(Mathêu 24:12) thì "Tin Mừng về Nước Trời được rao giảng khắp
thế giới như một chứng từ cho tất cả mọi dân nước. Chỉ sau đó
mới tới ngày cùng tận" (Mathêu 24:14).
Sau hết, về hiện tượng của ngày tận thế, một thời điểm liên
quan đến chết chóc, một thời điểm được biểu hiệu bằng chết chóc,
một thời điểm con người đã đi đến chỗ tột cùng băng hoại, như
chính Chúa Giêsu đã ám chỉ trong lời cuối cùng của Bài Phúc Âm
hôm nay: "Xác chết ở đâu thì diều hâu bâu lại đó".
Như thế thì phải chăng thế giới
ngày nay cũng sắp sửa tận thế hay thậm chí đang ở ngày vào thời
tận thế, vì họ đang "sống" trong sự chết: trong trận lụt "văn
hóa sự chết - culture of death" (thành ngữ của ĐTC Gioan Phaolô
II), thậm chí càng ngày nó càng trở thành một "văn hóa tận số -
terminal culture" (ĐTC Phanxicô).
Chính lúc con người tự hủy diệt
và không thể nào cứu được mình như thế, như một "xác chết" mới
lại là lúc xuất hiện của "diều hâu" là loài chim vốn nhậy
cảm với mùi chết chóc và thích rúc rỉa những gì là thối rữa. Và
vì thế những ai không bị "diều hâu" rúc rỉa là thành
phần được cứu rỗi, như được Chúa Giêsu ám chỉ về số phận của kẻ
"được" mang đi, tức "được" giải thoát, "được"
cứu độ, cũng như của người "bị" để lại cho "diều hâu"
xâu xé làm thịt trong bài Phúc Âm hôm nay như sau:
"Trong đêm ấy (đêm ám chỉ chết chóc và quyền lực hoành hành kinh
khủng của sự dữ) sẽ có hai người đàn ông nằm trên một giường (hình
như ở đây là hình ảnh ám chỉ đến tội đồng tính hôn nhân), thì
một người được đem đi, và người kia sẽ bị để lại. Có hai
người phụ nữ xay cùng một cối (phải chăng đây là hình ảnh ám
chỉ tội tạo sinh ngoại nhiên xẩy ra cho trường hợp của một người
vợ son sẻ không con và một người nữ mang thai mướn thụ thai nhờ
tinh trùng của người chồng có vợ không con?), thì một người
sẽ được đem đi, còn người kia sẽ bị để lại".
Theo chiều hướng ấy và ý
nghĩa được suy diễn như vậy, ở đây người chia sẻ phụng vụ lời
Chúa xin phép được tạm chuyển đổi chữ "bị" thành chữ "được" và
chữ "được" thành chữ "bị" ở bản dịch của bài Phúc Âm hôm nay
(xin so với nguyên văn câu này ở trong bài Phúc Âm của phần Lời
Chúa trên đây).
Nếu trong bài Phúc Âm, Chúa Giêsu đã cho thấy những dấu chỉ thời
đại về "ngày Con Người xuất hiện cũng xảy ra như thế",
thì Bài Đọc 1 hôm nay, trích Sách Khôn Ngoan, nhấn mạnh đến
trách nhiệm của con người về những gì họ nhận thấy và nhờ đó suy
diễn mà nhận biết Thiên Chúa hầu được cứu thoát và được sự sống
đời đời: "nếu họ có khả năng nhận thức để truy tầm càn khôn,
sao họ lại không nhận thấy cách dễ dàng hơn chính Chúa tể càn
khôn?". Bởi thế nên: "chính họ cũng không đáng
được tha thứ".
Bài Đáp Ca (Thánh Vịnh 18) hôm nay cũng đồng ý với Sách Khôn
Ngoan ở Bài Đọc 1 hôm nay:
1) Trời xanh tường thuật vinh
quang Thiên Chúa, thanh không kể ra sự nghiệp tay Người. Ngày
này nhắc nhủ cho ngày khác, đêm này truyền tụng cho đêm kia.
2) Ðây không phải lời cũng không
phải tiếng, mà âm thanh chúng không thể lọt tai. Nhưng tiếng
chúng đã vang cùng trái đất, và lời chúng truyền ra khắp cõi địa
cầu.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL.
Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm
hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên
Thu.6.XXXII.mp3
ThanhGiosaphatGiamMucTuDao.mp3
DoanTuDaiKetKitoGiao.mp3 / https://youtu.be/mNztbBZDYmE
Ngày 12: Thánh
Giosaphát, giám mục tử đạo
Giosaphat ra đời khoảng năm
1580 tại Vladimir nước Ba Lan. Năm 17 tuổi, ngài ngỏ ý xin cha
mẹ cho đi tu, nhưng ông bà ngăn cản và muốn con mình kết hôn nói
dõi tông đường. Dù gặp trở ngại, ngài vẫn luôn mang ý tưởng tu
trì và nhất quyết từ chối việc kết hôn. Cuối cùng cha mẹ đành
phải chiều lòng ngài.
Năm 20 tuổi, Giosaphat nhập dòng
thánh Basilô ở Vilna. Lúc đó có một bè rối nổi lên chống lại
Giáo Hội. Chính vị Bề Trên tu viện cũng ngả theo bè rối và buộc
ngài cũng phải theo. Phân vân không biết đâu là ý Chúa, ngài đã
cầu nguyện nhiều và cuối cùng giữ lập trường trung thành với
Giáo Hội. Sau khi vị Bề Trên bị trục xuất, Ðức Giám Mục liền đặt
ngài lên thay thế. Hai năm sau, ngài thụ phong linh mục, rồi
Giám Mục và năm 1617 được đặt làm Tổng Giám Mục Polotsk. Ngài đã
tỏ ra là mẫu mực của các nhân đức. Ngài lo vận động cho việc hợp
nhất giữa Giáo Hội Hy Lạp và La Tinh. Ngài đã đem về cho Giáo
Hội một số đông những người lạc giáo.
Trong một cuộc thăm viếng mục vụ
tại Vitebsk, bọn ly giáo xông đến trước mặt ngài và đòi giết,
ngài đã bình tĩnh trả lời: "Này các bạn, nếu chính tôi là người
mà các bạn tìm giết, thì tôi đây!". Họ liền lôi ngài đi đánh đập
tàn nhẫn và kết thúc bằng một nhát gươm xuyên qua ngực. Sau đó
họ ném xác ngài xuống sông.
Ðức Giáo Hoàng Urbanô VIII phong
Chân Phước cho ngài và Ðức Piô X tôn phong ngài lên bậc Hiển
Thánh năm 1867 với tước hiệu "Ðấng bảo vệ sự thống nhất Giáo
Hội". Ðây là vị thánh Ðông Phương đầu tiên được phong tước hiệu
này.
Ngày 12 tháng 11
Thánh Giô-sa-phát,
giám mục, tử đạo
lễ nhớ bắt buộc
Tiểu sử
Thánh nhân sinh
khoảng năm 1580 tại U-cơ-rai-na, trong một gia đình theo Chính
Thống Giáo. Nhưng người lại sớm gắn bó với giáo hội U-cơ-rai-na
hợp nhất với Rô-ma. Năm 1617, người làm tổng giám mục Pô-lốc và
dấn thân phục vụ dân tộc mình không so đo tính toán, nhất là cố
gắng lo cho việc hợp nhất Hội Thánh. Thành công trong hoạt động
tông đồ của người đã khiến cho các kẻ thù của Hội Thánh Công
Giáo căm ghét người. Người bị giết ở Vi-tép trong lúc đang viếng
thăm các tín hữu, năm 1623.
Lời nguyện
Lạy Chúa, Chúa
đã ban cho thánh giám mục Giô-sa-phát đầy tinh thần yêu mến,
khiến người hy sinh mạng sống vì đoàn chiên. Xin Chúa thương
nhậm lời thánh nhân chuyển cầu, mà ban cho Giáo Hội cũng được
đầy tinh thần yêu mến, và cho chúng con hằng biết noi gương
người, không ngại xả thân vì anh em. Chúng con cầu xin