PVLC Mùa Thường Niên Tuần XXXII Thứ 5 và Thánh Matino Thành Tour
11/11
Bài Ðọc I: (Năm I) Kn 7, 22 - 8, 1
"Sự khôn ngoan là phản ảnh của
ánh sáng vĩnh cửu, là tấm gương vẹn tuyền của uy quyền Thiên
Chúa".
Trích sách Khôn Ngoan.
Trong sự khôn ngoan có tinh thần
sáng suốt, thánh thiện, duy nhất, đa diện, tinh vi, lợi khẩu,
linh động, tinh tuyền, chắc chắn, dịu dàng, phục thiện, sâu sắc,
bất khuất, hào hiệp, nhân đạo, đại lượng, vững tâm, bền chí,
vững chắc, bình thản, làm được mọi sự, kiểm soát hết thảy, thấu
suốt mọi thần trí, những kẻ thông minh, những người thanh sạch
và những người tế nhị. Sự khôn ngoan linh hoạt hơn mọi chuyển
động, và vì trong sạch, nên thấu nhập mọi nơi.
Sự khôn ngoan là hơi thở của
quyền năng Thiên Chúa, và là sự phát xuất tinh tuyền của vinh
quang Thiên Chúa toàn năng; bởi thế không vật ô uế nào đụng tới
được; sự khôn ngoan là phản ảnh của ánh sáng vĩnh cửu, là tấm
gương vẹn tuyền của Uy quyền Thiên Chúa, và là hình ảnh lòng từ
nhân của Người.
Tuy duy nhất, nhưng sự khôn
ngoan có thể làm mọi sự, và dù bất biến, nhưng có thể canh tân
mọi loài. Qua các thế hệ, sự khôn ngoan lan tràn trên các tâm
hồn thánh thiện, làm cho các tâm hồn trở nên bạn hữu và tiên tri
của Thiên Chúa.
Vì Chúa không yêu mến ai nếu
không phải là kẻ ở với sự khôn ngoan. Khôn ngoan xinh đẹp hơn
mặt trời, trổi vượt mọi tinh tú, và so với ánh sáng, nó còn trổi
vượt hơn, vì ánh sáng có lúc phải nhường chỗ cho bóng tối, nhưng
ngay cả gian ác cũng không thắng nổi sự khôn ngoan.
Vậy sự khôn ngoan đã lan tràn
mạnh mẽ từ bờ cõi này đến bờ cõi kia, và hướng dẫn mọi loài cách
khôn khéo.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 118, 89.
90. 91. 130. 135. 175
Ðáp: Thân lạy Chúa, cho tới đời đời, lời Chúa vẫn còn
đó (c. 89a).
Xướng: 1) Thân lạy Chúa, cho tới
đời đời kiếp kiếp, lời Chúa vẫn còn đó như cõi trời cao. - Ðáp.
2) Ðời nọ sang đời kia, còn mãi
lòng trung thành của Chúa, Ngài đã kiến tạo địa cầu, nó còn đứng
vững trơ trơ. - Ðáp.
3) Theo chỉ dụ Chúa, vũ trụ luôn
luôn tồn tại, vì hết thảy vạn vật đều phải phục vụ Ngài. - Ðáp.
4) Sự mạc khải lời Ngài soi
sáng, và dạy bảo những người chưa kinh nghiệm. - Ðáp.
5) Xin tỏ cho tôi tớ Ngài thấy
long nhan hiền hậu, và dạy bảo con những thánh chỉ của Ngài. -
Ðáp.
6) Nguyện cho hồn con được sống
để khen ngợi Chúa, và xin các sắc dụ của Chúa phù trợ cho con. -
Ðáp.
Alleluia: 2 Tx 2,
14
Alleluia, alleluia! - Thiên Chúa
đã dùng Tin Mừng mà kêu gọi chúng ta, để chúng ta được chiếm lấy
vinh quang của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 17,
20-25
"Nước Thiên Chúa ở giữa các
ông".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Luca.
Khi ấy, những người biệt phái
hỏi Chúa Giêsu "Khi nào nước Thiên Chúa đến", thì Người đáp lại
rằng: "Nước Thiên Chúa không đến để cho người ta quan sát, và
người ta sẽ không nói được: "Này nước trời ở đây hay ở kia". Vì
nước Thiên Chúa ở giữa các ông". Chúa lại phán cùng các môn đệ
rằng: "Sẽ có ngày các con ước ao thấy được một ngày của Con
Người mà không được thấy. Người ta sẽ bảo các con: "Này Người ở
đây và này Người ở kia", các con chớ đi đến và đừng tìm kiếm. Vì
như chớp sáng loè từ chân trời này đến phương trời kia thế nào,
thì Con Người cũng sẽ đến trong ngày của Người như vậy. Nhưng
tiên vàn Người phải chịu đau khổ nhiều, và bị dòng dõi này xua
đuổi".
Ðó là lời Chúa.
Suy Nghiệm Lời Chúa
Nước Trời là một thực tại thần
linh, không theo chiều kích thời gian và không gian mà là chiều
kích hiện thực đức tin
Bài Phúc Âm hôm nay, Thứ
Năm Tuần XXXII Thường Niên, thuật lại cho chúng ta lời Chúa
Giêsu trả lời cho "những người biệt phái hỏi Chúa Giêsu 'Khi
nào nước Thiên Chúa đến'".
Trong khi câu hỏi liên quan đến
thời điểm "khi nào Nước Thiên Chúa đến", câu trả lời của
Chúa Giêsu lại nói đến địa điểm hay nơi chốn có tính cách hiện
thực "Nước Chúa đến" như thế này: "Nước Thiên Chúa
không đến để cho người ta quan sát, và người ta sẽ không nói
được: 'Này nước trời ở đây hay ở kia'. Vì nước Thiên Chúa ở giữa
các ông".
Ở đây, qua câu trả lời này, Chúa
Giêsu dường như muốn xác định bản chất của Nước Thiên Chúa, để
rồi, nếu biết được thực chất của Nước Thiên Chúa là gì và như
thế nào thì sẽ biết Nước Thiên Chúa này địa điểm ở đâu và
thời điểm bao giờ đến. Đó là lý do ngay khi bắt đầu trả lời
Người đã minh định: "Nước Thiên Chúa không đến để cho người
ta quan sát".
Lời đầu tiên trong câu trả lời
này của Chúa Giêsu như thể Người muốn nói rằng Nước Thiên Chúa
là một thực tại vô hình, chứ không phải hữu hình, là một thực
tại thần linh chứ không phải trần thế. Và chính vì thế, vì bản
chất thiêng liêng và thần linh của một thực tại như thế mới có
thể xẩy ra chuyện "nước Thiên Chúa ở giữa các ông".
Chúa Giêsu như muốn nói với hay
muốn nhắn nhủ những người biệt phái hỏi người bấy giờ rằng: quí
vị khỏi tìm đâu xa mất công, chỉ cần có được một nhận thức đức
tin siêu nhiên là sẽ thấy Nước Trời ở ngay giữa quí vị, không
cần phải tìm ở đâu xa xôi, và vì thế, Nước Trời lúc nào cũng
hiện hữu ở giữa quí vị, không cần phải chờ đợi làm chi.
Đúng thế, nếu "ở đâu có hai
ba người hợp lại vì danh Thày thì Thày ở giữa họ" (Mathêu
18:20), thì Nước Trời đây không phải là chính Chúa Kitô hay sao?
Bởi thế, khi trả lời cho những người biệt phái hỏi Người về
thời điểm khi nào Nước Trời đến thì thay vì Người trả lời là
Nước Trời đã đến rồi (xem Marcô 1:15) Người lại trả lời
về địa điểm có tính cách hiện thực của Nước Trời, vì ngay lúc
bấy giờ Người chính là Nước Trời đang ở trước mặt họ và đang ở
giữa họ, một Nước Trời đã đến với họ và ở cùng họ mà họ không
nhận ra, chưa nhận thấy, dù Người luôn tỏ mình ra cho họ.
Vì Nước Trời chính là Chúa Kitô
mà ngay sau khi trả lời cho những người biệt phái hỏi Người về
Nước Trời bấy giờ, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ về chính bản
thân Người như sau:
"Sẽ có ngày các con ước ao thấy
được một ngày của Con Người mà không được thấy. Người ta sẽ bảo
các con: 'Này Người ở đây và này Người ở kia', các con chớ đi
đến và đừng tìm kiếm. Vì như chớp sáng loè từ chân trời này đến
phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ đến trong ngày
của Người như vậy. Nhưng tiên vàn Người phải chịu đau khổ nhiều,
và bị dòng dõi này xua đuổi".
Qua câu căn dặn có tính cách
cảnh báo này, Chúa Giêsu như muốn nói với các môn đệ của Người
rằng: các con không thể nào hiểu được Thày đâu, chính vì thế
mà "các con ước ao thấy được một ngày của Con Người mà không
được thấy", vì "nơi Thày đi các con không thể đến được"
(Gioan 13:33).
Thày là Đấng không phải như
những gì người ta tưởng đâu các con à, đừng có mà nghe theo óc
tưởng tượng giả tạo của họ: "Người ta sẽ bảo các con: 'Này
Người ở đây và này Người ở kia', các con chớ đi đến và đừng tìm
kiếm". Các con chỉ có thể nhận biết Thày thực sự là ai khi
Thày "bị treo lên" (Gioan 8:28), nghĩa là chỉ sau khi "Thày đi để dọn
chỗ cho các con" trên thập tự giá "để Thày ở đâu các con
cũng được ở đó với Thày" (xem Gioan 14:3): "Người phải
chịu đau khổ nhiều, và bị dòng dõi này xua đuổi".
Thế nhưng, con đường tử nạn
tràn đầy sự dữ và tận cùng sự dữ này của Chúa Kitô mới thật sự
chứng tỏ sự khôn ngoan vô cùng và bất diệt của Thiên Chúa trong
việc Ngài nhờ đó mới được dịp và mới có thể tỏ hết bản tính toàn
thiện vô cùng từ bi thương xót của Ngài ra, như Ngài thực sự
là, cho nhân loại nhận biết mà được cứu độ, mà được hiệp thông
thần linh với Ngài.
Đúng vậy, con người nào khôn ngoan nhất trên đời này cũng không
thể nào hiểu được sự khôn ngoan siêu việt của Thiên Chúa, một sự
khôn ngoan chẳng những vượt lên trên mọi lập luận trần gian mà
còn hoàn toàn trái ngược với chọn lựa trần gian. Bởi vì, như
Sách Khôn Ngoan ở Bài Đọc 1 hôm nay cho biết:
"Sự khôn ngoan là hơi thở của
quyền năng Thiên Chúa, và là sự phát xuất tinh tuyền của vinh
quang Thiên Chúa toàn năng; bởi thế không vật ô uế nào đụng tới
được; sự khôn ngoan là phản ảnh của ánh sáng vĩnh cửu, là tấm
gương vẹn tuyền của Uy quyền Thiên Chúa, và là hình ảnh lòng từ
nhân của Người. Tuy duy nhất, nhưng sự khôn ngoan có thể làm mọi
sự, và dù bất biến, nhưng có thể canh tân mọi loài. Qua các thế
hệ, sự khôn ngoan lan tràn trên các tâm hồn thánh thiện, làm cho
các tâm hồn trở nên bạn hữu và tiên tri của Thiên Chúa".
Chính vì "sự khôn ngoan đã lan tràn mạnh mẽ từ bờ cõi này đến
bờ cõi kia, và hướng dẫn mọi loài cách khôn khéo", như Sách Khôn
Ngoan ở Bài Đọc 1 hôm nay còn khẳng định, mà những ai được hướng
dẫn bởi khôn ngoan mới có được những tâm thức đầy tin tưởng của
Thánh Vịnh 118 ở Bài Đáp Ca hôm nay:
1) Thân lạy Chúa, cho tới đời
đời kiếp kiếp, lời Chúa vẫn còn đó như cõi trời cao.
2) Ðời nọ sang đời kia, còn mãi
lòng trung thành của Chúa, Ngài đã kiến tạo địa cầu, nó còn đứng
vững trơ trơ.
3) Theo chỉ dụ Chúa, vũ trụ luôn
luôn tồn tại, vì hết thảy vạn vật đều phải phục vụ Ngài.
4) Sự mạc khải lời Ngài soi
sáng, và dạy bảo những người chưa kinh nghiệm.
5) Xin tỏ cho tôi tớ Ngài thấy
long nhan hiền hậu, và dạy bảo con những thánh chỉ của Ngài.
6) Nguyện cho hồn con được sống
để khen ngợi Chúa, và xin các sắc dụ của Chúa phù trợ cho con.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL.
Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm
hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên
TN.XXXIIL-5.mp3
Ngày 11 tháng 11
Thánh Mác-ti-nô,
giám mục
lễ nhớ bắt buộc
Tiểu sử
Thánh nhân sinh
khoảng năm 316 trong một gia đình ngoại giáo. Người lãnh nhận bí
tích Thánh Tẩy, sau đó bỏ binh nghiệp. Trước tiên, người làm đồ
đệ của thánh Hi-la-ri-ô, lập đan viện Li-guy-gê, nước Pháp. Rồi
khi được đặt làm giám mục giáo phận Tua (năm 372), người thành
lập nhóm đan sĩ truyền giáo. Cùng với họ, người đi giảng Tin
Mừng ở các vùng quê thuộc miền Tu-ren và các vùng phụ cận. Người
qua đời năm 397.
Martinô chào đời khoảng thế kỷ
IV tại Sabaria miền Pannônia, nay thuộc nước Hung Gia Lợi. Năm
20 tuổi, Martinô được gửi theo học tại Ý. Tuy là người ngoại
nhưng vì sống giữa các sinh viên Công Giáo, nên ngài đã suy nghĩ
nhiều khi nghe bạn bè nói đến Giêsu. Ngài nhất định tìm hiểu xem
Giêsu là ai?
Với ơn Chúa thúc đẩy, ngài quyết
định học hỏi và tin theo dầu bị cha mẹ ngăn cản, nhưng chẳng bao
lâu, ngài bị động viên. Trong những năm phục vụ tại quân ngũ,
ngài vẫn thầm mong được trở thành Kitô hữu. Một ngày kia, sau
khi đã chia cắt một phần áo choàng cho người ăn xin bên vệ
đường, ngài cảm thấy có một sức lực mạnh mẽ thúc giục bên trong
vì Chúa Giêsu đã hiện ra với ngài và sau đó, ngài đã hân hoan
lãnh nhận bí tích Rửa Tội.
Khoảng năm 350, rời khỏi quân
đội, ngài xin làm đồ đệ thánh Hilariô, Giám Mục thành Potiers.
Nhận thấy ngài là một người đầy nhân đức và có học thức uyên
thâm, Ðức Giám Mục đã gọi ngài lãnh nhận các chức Thánh. Năm
350, bè rối Ariô bắt thánh Hilariô đem đi đày vì chống lại họ.
Martinô cũng bị Giám Mục Milan là người bênh vực bè rối trục
xuất khỏi địa phận và sống trên một hòn đảo cùng với một linh
mục khác. Sau khi thánh Hilariô được tha, Martinô trở về Poachi
và lập thành một dòng tu tại Liguygé. Năm 370, ngài được bầu làm
Giám Mục thành Tours. Có thể nói trong thời kỳ này, ngài là một
người truyền giáo lỗi lạc nhất. Năm 379, khi đến Cadet để hòa
giải mối bất bình giữa một số linh mục và tu sĩ, ngài đã ngã
bệnh và từ trần.
Cuộc đời thánh Martinô là cả một
chuỗi ngày vất vả, đau khổ vì bị anh em bội bạc. Ðể bảo vệ đức
tin và đức ái, ngài luôn cầu nguyện với Chúa: "Lạy Chúa, nếu dân
Chúa còn cần đến con, con sẽ không chối từ bất cứ việc gì".
Bài đọc 2
Thánh Mác-ti-nô, con
người khó nghèo và khiêm tốn
Trích thư của sử
gia Xun-pi-xi-ô Xê-vê-rô.
Giám mục
Mác-ti-nô đã biết trước giờ ra đi của mình từ lâu. Người cho anh
em biết giờ thân xác của người phải tiêu tan đã gần kề. Bấy giờ
có một việc khiến người phải đi thăm giáo xứ Can-đơ : các giáo
sĩ thuộc Hội Thánh ấy đang bất hoà với nhau. Vì muốn tái lập sự
hoà thuận, nên dù biết những ngày cuối đời của mình không còn
nhiều, người vẫn không vì thế mà từ khước ra đi. Thật vậy, người
nghĩ rằng các hoạt động của mình sẽ kết thúc hoàn hảo, nếu người
vãn hồi được sự hoà thuận cho Hội Thánh ấy.
Vậy sau một thời
gian lưu lại thị trấn ấy, hay đúng hơn là Hội Thánh người đã
tới, và đã tái lập được sự hoà thuận giữa các giáo sĩ với nhau,
người nghĩ đến việc trở về đan viện. Nhưng bỗng nhiên sức lực
của người sút giảm trầm trọng. Người gọi anh em đến và cho biết
mình sắp ra đi. Lúc đó, ai nấy đều buồn phiền khóc lóc và đồng
thanh than van : “Cha ơi, sao cha lìa bỏ chúng con ? Cha để
chúng con bơ vơ lại cho ai ? Lũ sói rừng hung ác sắp xông vào
đoàn chiên của cha, ai sẽ giữ chúng con khỏi bị cấu xé, khi
người mục tử đã bị đánh rồi ? Chúng con biết cha ao ước được
liên kết với Đức Ki-tô, nhưng phần thưởng dành cho cha đã chắc
chắn rồi, cha có trì hoãn một chút cũng không làm cho phần
thưởng giảm đi. Xin cha thương chúng con hơn là lìa bỏ chúng con
!”
Họ khóc lóc
khiến người cảm động. Lúc nào người cũng hoàn toàn kết hợp với
Chúa, nên người dễ động lòng thương xót. Có kẻ nói rằng người đã
khóc. Người hướng về Chúa, và chỉ đáp lại những người đang khóc
bằng lời cầu nguyện sau : “Lạy Chúa, nếu con vẫn còn cần thiết
cho dân Chúa, thì con không quản ngại vất vả. Chỉ xin cho ý Chúa
được thể hiện.”
Ôi con người
tuyệt diệu, không chịu thua vất vả, cũng không chịu khuất phục
trước cái chết ! Người hoàn toàn không theo ý riêng mình : không
sợ chết, cũng chẳng ngại sống ! Đôi mắt và đôi tay người luôn
hướng về trời, không để cho tinh thần bất khuất của mình ngơi
cầu nguyện. Rồi các linh mục bấy giờ đang tề tựu bên người xin
người đổi bên nằm cho dễ chịu, nhưng người nói : “Xin anh em cứ
để yên, xin cứ để tôi hướng lên trời hơn là nhìn xuống đất, để
linh hồn tôi thẳng đường khi giờ tôi về với Chúa đã điểm.” Nói
xong, người nhìn thấy quỷ đứng bên cạnh. Người liền bảo : “Đồ
thú dữ, ngươi đứng đây làm gì ? Đồ sát nhân, ngươi đừng hòng
kiếm được gì ở nơi ta. Tổ phụ Áp-ra-ham đang đón ta vào lòng của
người.”
Nói những lời đó
xong, người trút hơi thở cuối cùng để về trời. Giám mục
Mác-ti-nô được tổ phụ Áp-ra-ham đón nhận vào lòng, hưởng niềm
hoan lạc. Giám mục Mác-ti-nô, con người khó nghèo và khiêm tốn
tiến vào trời, hưởng đầy tràn phúc lộc của Thiên Chúa.
Lời nguyện
Lạy Chúa, xưa
thánh giám mục Mác-ti-nô đã làm vinh danh Chúa khi còn sống cũng
như lúc qua đời, nay xin Chúa cũng ban cho chúng con những hồng
ân kỳ diệu, để dù sống dù chết, chúng con chẳng lìa xa tình
thương của Chúa bao giờ. Chúng con cầu xin
ThanhMartinoThanhTourGiamMuc.mp3
https://youtu.be/zs3v0i4OIMU (11/11)