PVLC Mùa Thường Niên Tuần XXXII Thứ 4 và Thánh Giáo Hoàng Lêo Cả
10/11
Bài Ðọc I: (Năm I) Kn 6, 2-12
"Hỡi các vua chúa, hãy lắng nghe
và học biết sự khôn ngoan".
Trích sách Khôn Ngoan.
Hỡi các vua chúa, hãy nghe và
hãy hiểu. Hỡi các thủ lãnh trần gian, hãy học biết. Hỡi các vị
lãnh đạo quần chúng, các ngươi kiêu hãnh, vì dân các ngươi đông
đảo, xin lắng nghe: Quyền bính của các ngươi là do Chúa ban, và
uy lực của các ngươi cũng do Ðấng Tối Cao. Người sẽ chất vấn mọi
hành động và kiểm soát những tư tưởng các ngươi. Vì nếu các
ngươi là những quản lý nước Chúa mà không xét xử công minh,
không giữ luật công bình, không sống theo thánh ý Thiên Chúa,
thì Người sẽ xuất hiện trên các ngươi cách kinh hoàng mau lẹ. Vì
đối với những kẻ cầm quyền, Người sẽ xét xử nghiêm nhặt. Ðối với
những kẻ thấp hèn, thì Người sẽ thương xót, còn những người
quyền thế, Người sẽ lấy quyền thế mà trừng trị. Thiên Chúa không
lùi bước trước mặt ai, chẳng sợ chức bậc nào, vì kẻ hèn người
sang đều do chính Người tác tạo, và Người săn sóc tất cả đồng
đều. Nhưng Người sẽ xét xử nghiêm nhặt hạng quyền thế. Vậy hỡi
các vua chúa, đây là lời ta nói với các ngươi, để các ngươi học
biết sự khôn ngoan và khỏi sa ngã. Vì chưng, những ai kính cẩn
nắm giữ những điều công chính, sẽ nên người công chính, và những
ai học hỏi các điều này, sẽ biết cách trả lời. Vậy các ngươi hãy
say mến lời ta, thì các ngươi sẽ được giáo huấn.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 81, 3-4.
6-7
Ðáp: Ôi Thiên Chúa, xin Chúa đứng lên xét xử địa cầu
(c. 8a).
Xướng: 1) Hãy bầu chữa kẻ bị ức
và người phận nhỏ; hãy bênh vực quyền lợi người khốn khó và kẻ
cơ hàn. Hãy cứu chữa người bị áp bức và kẻ bần cùng; hãy giải
thoát họ khỏi bàn tay đứa ác. - Ðáp.
2) Ta đã nói: các ngươi là những
bậc chúa tể, và hết thảy các ngươi là con Ðấng Tối Cao. Tuy
nhiên, cũng như người ta, các ngươi sẽ chết, cũng như một quân
vương nào đó, các ngươi sẽ té nhào. - Ðáp.
Alleluia: 1 Tx 2,
13
Alleluia, alleluia! - Anh em hãy
đón nhận lời Chúa, không phải như lời của loài người, mà là như
lời của Thiên Chúa và đích thực là thế. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 17,
11-19
"Không thấy ai trở lại tôn vinh
Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Luca.
Khi Chúa Giêsu đi lên
Giêrusalem, Người đi qua biên giới Samaria và Galilêa. Khi Người
vào một làng kia thì gặp mười người phong cùi đang đứng ở đàng
xa, họ cất tiếng thưa rằng: "Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót
chúng tôi". Thấy họ, Người bảo họ rằng: "Các ngươi hãy đi trình
diện với các tư tế". Trong lúc họ đi đường, họ được lành sạch.
Một người trong bọn họ thấy mình được lành sạch, liền quay trở
lại, lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa, rồi đến sấp mình dưới chân
Chúa Giêsu và tạ ơn Người: Mà người ấy lại là người xứ Samaria.
Nhưng Chúa Giêsu phán rằng: "Chớ thì không phải cả mười người
được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở
lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại này". Rồi Người
bảo kẻ ấy rằng: "Ngươi hãy đứng dậy mà về: vì lòng tin của ngươi
đã cứu chữa ngươi".
Ðó là lời Chúa.
Suy Nghiệm Lời Chúa
Vô ơn là thái độ
lạm dụng Thiên Chúa và coi Ngài như một phương tiện sử dụng của
mình hơn là cùng đích nhắm đến
Hôm nay, Thứ Tư Tuần XXXII Thường Niên, Bài Phúc Âm cho chúng ta
thấy Chúa Giêsu vẫn tiếp tục cuộc hành trình lên Giêrusalem của
Người, một cuộc hành trình đã đi tới chỗ "Người đi qua biên
giới Samaria và Galilêa".
Thật vậy, cuộc hành trình Giêrusalem của Chúa Giêsu, theo bài
Phúc Âm hôm nay ghi nhận, thì kể như mới rời khỏi miền bắc nước
Do Thái là Xứ Galilêa, và bắt đầu vượt qua "biên giới"
giữa hai miền trung bắc mà vào miền trung của nước này là
Samaria. Bởi vì, cũng theo bài Phúc Âm này, Người đã chữa lành
cho 10 nạn nhân phong cùi, trong đó có một "là người xứ
Samaria".
Vậy thì 9 người kia có thể
toàn là người Do Thái chính gốc, một là họ vốn thuộc về dân cư ở
Samaria, chung đụng với thành phần Do Thái vẫn bị những người Do
Thái chính cống coi là thứ ngoại lai nhơ nhớp đáng xa tránh, hai
là ở Galilêa hoặc Giuđêa nhưng một mình đến cư ngụ ở Samaria để
xa tránh gia đình bởi thân phận bị cùi hủi của mình. Có thể vì
thế mà họ đã tập trung ở cùng một chỗ với nhau như bài Phúc Âm
cho biết: "vào một làng kia", hoàn toàn bị cách ly với xã
hội lành mạnh bên ngoài.
Thế nhưng, họ đâu có ngờ rằng, ở
một nơi xa vắng cách ly như vậy, một thế giới của những con
người bị bỏ rơi, bị kinh sợ, như ma quái ấy, một ngày kia, bất
ngờ, họ lại được gặp một vị cứu tinh là Chúa Giêsu, như bài
Phúc Âm hôm nay thuật lại: "Khi Người vào một làng kia thì
gặp mười người phong cùi đang đứng ở đàng xa, họ cất tiếng thưa
rằng: 'Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi'".
Đúng vậy, biết thân biết phận,
10 nạn nhân bị phong cùi đáng thương này "đứng ở đàng xa",
chứ không dám đến gần ai. Thế nhưng, vấn đề được đặt ra ở đây là
tại sao từ xa mà họ biết được nhân vật mà hình như họ chưa bao
giờ gặp, nhưng lại là vị dường như họ hằng mong chờ ấy là "Chúa
Giêsu", Đấng duy nhất có thể cứu họ chứ?
Không biết có bao giờ Chúa
Giêsu đã đến chỗ này hay chưa? Hay là có một ai đó trong họ đã
biết Người trước khi đến làng cùi này? Hoặc họ được ai đó ngay
lúc bấy giờ liều lĩnh đến báo cho họ biết có sự hiện diện của
Chúa Giêsu? Có thể là họ đã nghe tin đồn về Người từ dân làng
chung quanh hay chăng, hoặc từ chính những người thân nhân
nào đó trong họ đến thăm họ? v.v.
Chỉ biết rằng, Chúa Giêsu không
thể không động lòng thương họ khi thấy được hoàn cảnh hết
sức đáng thương như thế. Bởi vậy, Người đã đáp ứng lời họ kêu
lên cùng Người "Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi", bằng
lời truyền "Các ngươi hãy đi trình diện với các tư tế". Và thành
phần nạn nhân phong cùi không trực tiếp xin Người chữa lành cho
mà chỉ gián tiếp xin Người chữa lành nếu Người "thương xót"
họ, đã đồng thanh tin tưởng tuân hành và được chữa lành
như bài Phúc Âm cho thấy: "Trong lúc họ đi đường, họ được
lành sạch".
Tuy nhiên, sự vụ không chấm
dứt ở chỗ này. Sau đó, Phúc Âm tiếp tục cho biết rằng: "Một
người trong bọn họ thấy mình được lành sạch, liền quay trở lại,
lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa, rồi đến sấp mình dưới chân Chúa
Giêsu và tạ ơn Người: Mà người ấy lại là người xứ Samaria. Nhưng
Chúa Giêsu phán rằng: 'Chớ thì không phải cả mười người được
lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn
vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại này'. Rồi Người bảo kẻ ấy
rằng: 'Ngươi hãy đứng dậy mà về: vì lòng tin của ngươi đã cứu
chữa ngươi'".
Trong đời sống đạo cũng thế, khi
chúng ta gặp gian nan khốn khó, tai ương hoạn nạn, đớn đau khổ
sở v.v. chúng ta rất mau mắn chạy đến cầu xin cùng Chúa cho
chúng ta chóng thoát khỏi những thứ bất hạnh vô phúc ấy. Thậm
chí khấn hứa với Ngài điều này điều nọ. Như đã từng xẩy ra trong
cuộc vượt biển của thuyền nhân Việt Nam ở thập niên 1980 đang
trong cơn nguy tử. Có những lúc chúng ta cầu được ước thấy, để
rồi sau khi thoát nạn rồi, chúng ta chẳng giữ lời khấn nguyện gì
cả, trái lại, còn lợi dụng xã hội tư do văn minh mà sống một
cách vô thần duy vật nữa, như thực tế phũ phàng cho thấy trong
cộng đồng Người Việt hải ngoại chúng ta.
Trường hợp của 9 nạn nhân phong
cùi được khỏi nhưng vô ơn như thế, hay của những ai được ơn mà
vô ơn, thì họ coi Thiên Chúa chỉ là phương tiện cứu độ, như cái
phao bám víu trong lúc khẩn cấp vậy thôi, để rồi sau khi tai qua
nạn khỏi, họ vứt Ngài đi như vứt bỏ một thứ không còn giá trị gì
nữa, hoàn toàn vô dụng, như thể không bao giờ họ gặp gian nan
khốn khó như vậy hay hơn vậy nữa.
Nếu ai có thái độ không coi
Thiên Chúa như cùng đích của mình như người phong cùi Samaritanô
trở về tạ ơn chúc tụng Thiên Chúa là Đấng đã chữa lành cho mình,
thì hãy coi chừng họ sẽ được ứng nghiệm những gì Chúa Giêsu đã
nghiêm khắc cảnh báo với nạn nhân bất toại 38 năm được Người
chữa lành sau đây: "Hãy nhớ nhé, giờ đây anh đã được khỏi
rồi đó. Đừng phạm tội nữa kẻo anh sẽ trở nên tệ hại hơn đó"
(Gioan 5:14).
Về thành phần 9 người phong cùi được chữa lành mà lại coi thường
Đấng đã chữa mình thì chẳng khác gì coi những gì mình muốn là
nhất, và lợi lộc của mình là cùng đích, còn Thiên Chúa chỉ là
thứ yếu, là phương tiện, nghĩa là họ coi mình hơn Thiên Chúa,
coi Ngài như đầy tớ của mình, là bầy tôi phải phục vụ họ là chủ
nhân ông, là thành phần lãnh đạo, nắm trong tay quyền bính,
không cần biết ơn bề dưới, thì Sách Khôn Ngoan ở Bài Đọc 1 hôm
nay đã vừa cảnh báo vừa nhắn nhủ họ như sau:
"Đối với những kẻ cầm quyền,
Người sẽ xét xử nghiêm nhặt. Ðối với những kẻ thấp hèn, thì
Người sẽ thương xót, còn những người quyền thế, Người sẽ lấy
quyền thế mà trừng trị. Thiên Chúa không lùi bước trước mặt ai,
chẳng sợ chức bậc nào, vì kẻ hèn người sang đều do chính Người
tác tạo, và Người săn sóc tất cả đồng đều. Nhưng Người sẽ xét xử
nghiêm nhặt hạng quyền thế. Vậy hỡi các vua chúa, đây là lời ta
nói với các ngươi, để các ngươi học biết sự khôn ngoan và khỏi
sa ngã. Vì chưng, những ai kính cẩn nắm giữ những điều công
chính, sẽ nên người công chính, và những ai học hỏi các điều
này, sẽ biết cách trả lời. Vậy các ngươi hãy say mến lời ta, thì
các ngươi sẽ được giáo huấn.
Nếu Bài Đọc 1 hôm nay liên quan
đến 9 người cùi vô ơn, thì Bài Đáp Ca (trích Thánh Vịnh 81) hôm
nay liên quan đến người cùi biết ơn, như sau:
1) Hãy bầu chữa kẻ bị ức và
người phận nhỏ; hãy bênh vực quyền lợi người khốn khó và kẻ cơ
hàn. Hãy cứu chữa người bị áp bức và kẻ bần cùng; hãy giải thoát
họ khỏi bàn tay đứa ác.
2) Ta đã nói: các ngươi là những
bậc chúa tể, và hết thảy các ngươi là con Ðấng Tối Cao. Tuy
nhiên, cũng như người ta, các ngươi sẽ chết, cũng như một quân
vương nào đó, các ngươi sẽ té nhào.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL.
Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm
hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên
TN.XXXIIL-4.mp3
Ngày 10 tháng 11
Thánh Lê-ô Cả, giáo
hoàng, tiến sĩ Hội Thánh
lễ nhớ bắt buộc
Tiểu sử
Thánh nhân sinh
tại Ê-tru-ri-a. Năm 440, người làm giáo hoàng. Với tầm nhìn xa
trông rộng và nghị lực phi thường, người đã đương đầu với nguy
cơ xâm lăng của dân man di và lạc giáo của Êu-ti-khê đang đe doạ
niềm tin về mầu nhiệm Nhập Thể. Nhưng trong tư cách một mục tử,
người ý thức sâu sắc trách nhiệm của mình và không ngừng nhắc
nhở các tín hữu thể hiện đức tin trong cuộc sống hằng ngày.
Người qua đời năm 461.
Thánh Lêô cả có lẽ sinh tại
Etrurie nước Ý khoảng năm 400. Ngài là phụ tá của giáo đoàn
Rôma. Ðó là một chức vụ quan trọng đại diện Ðức Thánh Cha trong
các công việc tài chính... Tháng 8 năm 440, ngài được cử lên
ngôi Giáo Hoàng lấy hiệu là Lêô I.
Công việc chính của ngài là lo
tẩy trừ các đồi phong bại tục trong Giáo Hội. Ngài để ý đến việc
gìn giữ Giáo Hội khi những lầm lạc do các bè rối đem lại, nhất
là lạc giáo Nestoriô và Eutyches có khuynh hướng muốn tách biệt
nhân tính ra khỏi Thiên tính của Chúa Giêsu và gán cho Ngài hai
ngôi vị. Ðể chấm dứt các hậu quả tai hại do các bè rối gây nên,
ngài đã triệu tập công đồng năm 451 tại Chalcédoine với sự tham
dự của hơn 630 Giám Mục. Nhờ đức khôn ngoan, tài ngoại giao và
ảnh hưởng lớn lao của ngài đối với các hoàng đế, công đồng đã
thu được nhiều kết quả tốt đẹp.
Ngài có tài hùng biện và ngoại
giao đặc biệt, có thể thuyết phục được những người hung dữ. Ðiển
hình là tháng 8 năm 452, Attila chúa rợ Hung (Huns) dẫn quân xâm
chiếm Âu Châu, gieo rắc kinh hoàng cho mọi người. Attila kéo
quân về Rôma, cả kinh thành run sợ. Nhưng nhờ có Chúa và nhờ tài
đức, ngài đã khắc phục được vị tướng đó rút quân trở lại theo
đường cũ. Năm 455, lại có Gensérie nổi lên đốt phá, hãm hiếp và
tàn sát dân lành, chính nhờ ngài mà loạn quân không còn gieo tai
họa nữa.
Thêm vào đó, ngài còn lo chấn
hưng tinh thần đạo đức của giáo dân đã sa sút. Các bài giảng của
ngài tuy đơn sơ, nhưng luôn bao hàm nhiều tính chất thần học.
Ngài cũng đã viết nhiều sách vở để bênh vực Giáo Hội, chống lại
tà thuyết. Ngài chết ngày 10/11/461, sau gần 22 năm điều khiển
Giáo Hội.
Bài đọc 2
Việc phục vụ đặc
biệt trong tác vụ của tôi
Trích bài giảng
của thánh Lê-ô Cả, giáo hoàng.
Hội Thánh phổ
quát của Thiên Chúa được tổ chức theo những cấp bậc khác nhau,
sao cho các chi thể khác nhau duy trì được sự toàn vẹn của thân
thể thánh. Tuy nhiên, như thánh Tông Đồ nói : Tất cả chúng ta
chỉ là một trong Đức Ki-tô. Và cũng chẳng ai vì chức vụ của
người khác mà bị tách ra, đến nỗi một phần chi thể tầm thường
nào đó không còn liên kết với đầu nữa. Vậy anh em thân mến, hợp
nhất trong đức tin và trong phép rửa, chúng ta làm thành một xã
hội không phân biệt giai cấp, và chúng ta có chung một phẩm giá,
theo lời thánh Phê-rô tông đồ nói : Cả anh em nữa, hãy để
Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây lên
ngôi Đền Thờ thiêng liêng và hãy để Thiên Chúa đặt anh em làm
hàng tư tế thánh, dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Người,
nhờ Đức Giê-su Ki-tô. Và ngay sau đó, thánh nhân nói thêm : Anh
em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân
thánh, dân riêng của Thiên Chúa.
Thật vậy, dấu
thánh giá làm cho mọi người đã được tái sinh trong Đức Ki-tô
thành những bậc quân vương, rồi Thánh Thần xức dầu thánh hiến họ
thành những tư tế : như vậy, không kể việc phục vụ đặc biệt
trong tác vụ của tôi, mọi Ki-tô hữu sống theo ơn Thánh Thần đều
biết mình đồng phận với hàng quân vương và được tham gia nhiệm
vụ tư tế. Thật vậy, còn gì có tính cách vương giả cho bằng tâm
hồn nhờ suy phục Thiên Chúa mà thành người cai quản chính thân
xác mình ? Và còn gì có tính cách tư tế cho bằng hiến dâng cho
Chúa lương tâm tinh tuyền, và tiến dâng những lễ phẩm vô tỳ tích
của lòng đạo đức trên bàn thờ là chính lòng mình ? Nhờ ơn Thiên
Chúa, mặc dầu những lễ dâng đó đã trở thành của chung mọi người,
nhưng đối với anh em, thật là đạo đức và đáng ca ngợi khi anh em
vui mừng với ngày đăng quang của tôi, coi đó như niềm vinh dự
riêng của anh em, mà cử hành trong khắp cả Hội Thánh lễ mừng một
mầu nhiệm tư tế duy nhất. Khi dầu thánh hiến tuôn chảy, mầu
nhiệm ấy hẳn đã đổ tràn lên các chi thể cấp trên dào dạt hơn,
nhưng cũng trào không ít xuống các chi thể cấp dưới.
Vậy, anh em thân
mến, cho dù chúng ta có dư lý lẽ để cùng vui mừng vì được thông
chia ân huệ trên đây, nhưng chúng ta còn có lý do đích thực và
chính đáng hơn nữa khi không dừng lại ở thân phận mọn hèn của
tôi. Ngược lại, sẽ hữu ích hơn nhiều, xứng hợp hơn nhiều, nếu
chúng ta đưa mắt tâm hồn lên chiêm ngưỡng vinh quang của thánh
cả Phê-rô tông đồ và cử hành ngày lễ hôm nay chủ yếu là để tôn
kính người. Chính suối nguồn mọi đoàn sủng đã tuôn đổ cho người
ngập tràn muôn ơn, đến nỗi vì chỉ có một mình người đã nhận được
nhiều ơn, nên không có ơn nào được thông ban cho người khác mà
chính người lại không được chia sẻ. Ngôi Lời đã trở nên người
phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Đức Ki-tô đã tự hiến hoàn toàn
để cứu chuộc loài người.
Lời nguyện
Lạy Chúa, Chúa
đã xây dựng Hội Thánh Chúa trên nền tảng vững chắc là các Tông
Đồ, khiến cho sức mạnh của ác thần không tài nào thắng nổi. Xin
nhậm lời thánh giáo hoàng Lê-ô nguyện giúp cầu thay, mà cho Hội
Thánh luôn giữ vững chân lý và được vui hưởng thái bình. Chúng
con cầu xin
ĐTC Biển Đức XVI:
Thứ Tư 5/3/2008 - Bài Giáo Lý 68 -
Thánh Giáo Phụ Lêô Cả
ThanhGiaoHoangLeoCa.mp3
https://youtu.be/UX4iB3soxNo