PVLC Mùa Thường Niên Tuần XXXII Thứ 2
Bài Ðọc I: (Năm I) Kn 1, 1-7
"Thần trí khôn ngoan thì nhân
hậu; Thánh Thần Chúa tràn ngập hoàn cầu".
Khởi đầu sách Khôn Ngoan.
Hỡi các vị lãnh đạo trần gian,
hãy chuộng đức công chính. Hãy tưởng nghĩ về Chúa cách ngay
lành, và hãy tìm kiếm Người với tâm hồn đơn sơ. Vì những ai
không thử thách Chúa, sẽ gặp thấy Người, và Người sẽ tỏ mình cho
những ai tin vào Người. Vì chưng, những tà ý làm xa cách Chúa,
và quyền năng bị thử thách sẽ sửa phạt những kẻ ngu đần đó. Sự
khôn ngoan sẽ không ngự vào tâm hồn gian ác, và không ở trong
thân xác nô lệ tội lỗi. Vì Thánh Thần, Ðấng dạy dỗ chúng ta, sẽ
xa tránh kẻ gian dối, lánh xa những tư tưởng ngông cuồng, và lui
đi khi sự gian ác tới.
Thần trí khôn ngoan thì nhân
hậu, nhưng không tha thứ kẻ nói lộng ngôn. Vì Thiên Chúa thấu
suốt tâm can kẻ ấy, Người thực sự kiểm soát lòng nó và nghe lời
nó nói. Vì thần trí Chúa tràn ngập hoàn cầu. Người nắm giữ mọi
sự, và thông biết mọi lời.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 138,
1-3. 4-6. 7-8. 9-10
Ðáp: Lạy Chúa, xin hướng dẫn con trong đường lối đời
đời (c. 24b).
Xướng: 1) Lạy Chúa, Ngài thăm dò
và biết rõ con, Ngài biết con, lúc con ngồi khi con đứng. Ngài
hiểu thấu tư tưởng con tự đàng xa, khi con bước đi hay nằm nghỉ,
Ngài thấy hết, Ngài để ý tới mọi đường lối của con. - Ðáp.
2) Khi lời nói chưa lên tới đầu
lưỡi, thì kìa, lạy Chúa, Ngài đã biết cả rồi; sau lưng hay trước
mặt, Chúa bao bọc thân con, và trên mình con, Chúa đặt tay. Ðối
với con, sự thông minh này quá ư huyền diệu, quá cao xa, con
thực không thể hiểu ra. - Ðáp.
3) Con đi đâu xa khuất được thần
linh của Chúa? Con trốn đâu cho khỏi thiên nhan Ngài? Nếu con
leo được tới trời, thì cũng có Ngài ngự đó, nếu con nằm dưới âm
phủ, thì đây cũng có mặt Ngài. - Ðáp.
4) Nếu con mượn đôi cánh của
hồng đông, và bay đến cư ngụ nơi biên cương biển cả, tại nơi đây
cũng bàn tay Chúa dẫn dắt con, và tay hữu Ngài nắm giữ con. -
Ðáp.
Alleluia: Mt 11, 25
Alleluia, alleluia! - Lạy Cha là
Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã mạc khải những mầu
nhiệm nước trời cho những kẻ bé mọn. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 17, 1-6
"Dù một ngày bảy lần nó trở lại
nói cùng con rằng: Tôi hối hận, thì con hãy tha cho nó".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các
môn đệ rằng: "Không thể nào mà không xảy ra gương xấu, nhưng vô
phúc cho kẻ nào gây ra gương xấu. Thà nó bị cột cối đá vào cổ mà
ném xuống biển còn hơn là làm gương xấu cho một trong những trẻ
nhỏ này.
"Các con hãy cẩn thận: nếu có
anh em con lỗi phạm, con hãy răn bảo nó, và nếu nó hối cải, thì
hãy tha thứ cho nó; cho dù một ngày nó phạm đến con bảy lần, và
bảy lần nó trở lại nói cùng con rằng: "Tôi hối hận", thì con hãy
tha thứ cho nó".
Các Tông đồ thưa với Chúa rằng:
"Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con". Chúa liền phán rằng:
"Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải, thì dẫu các con khiến cây
dâu này rằng: "Hãy tróc rễ lên và xuống mọc dưới biển", nó liền
vâng lời các con".
Ðó là lời Chúa.
Suy Nghiệm Lời Chúa
Không sống Đức Tin không thể tránh
làm gương mù và có sống đức tin mới có uy tín sửa lỗi cho nhau
Hôm nay, Thứ Hai Tuần XXXII
Thường Niên, Bài Phúc Âm bao gồm 3 vấn đề "Chúa Giêsu phán
cùng các môn đệ" của Người, những vấn đề dường như hoàn toàn
khác nhau, chẳng liên quan gì đến nhau: vấn đề thứ nhất là "gương
xấu", vấn đề thứ hai là "sửa bảo nhau" và vấn đề thứ
ba là "lòng tin hạt cải".
Về "gương xấu": "Không thể nào mà không xảy ra gương
xấu, nhưng vô phúc cho kẻ nào gây ra gương xấu. Thà nó bị cột
cối đá vào cổ mà ném xuống biển còn hơn là làm gương xấu cho một
trong những trẻ nhỏ này".
Về "sửa bảo nhau": "Các
con hãy cẩn thận: nếu có anh em con lỗi phạm, con hãy răn bảo
nó, và nếu nó hối cải, thì hãy tha thứ cho nó; cho dù một ngày
nó phạm đến con bảy lần, và bảy lần nó trở lại nói cùng con
rằng: 'Tôi hối hận', thì con hãy tha thứ cho nó"
Về "lòng tin hạt cải": "Nếu các con có lòng tin bằng
hạt cải, thì dẫu các con khiến cây dâu này rằng: 'Hãy tróc rễ
lên và xuống mọc dưới biển', nó liền vâng lời các con".
Thật ra, nếu phân tích kỹ, chúng ta sẽ thấy cả 3 vấn đề này đều
có liên hệ với nhau. Chẳng hạn: vì "gương xấu không
thể nào" không xẩy ra trên thế gian này (vấn đề 1), nên có
thể sẽ khiến cho một số người nhẹ dạ như "những trẻ nhỏ" sa
ngã phạm tội (vấn đề 2), nhưng muốn khỏi bị gương mù lôi
cuốn đến vấp ngã thì cần phải có một "đức tin" trưởng
thành thật là vững chắc (vấn đề 3).
Trước hết, về vấn đề "gương
xấu": sở dĩ "không thể nào mà không xảy ra" là vì thế
gian này, nhất là bản tính của con người, đã bị nguyên tội làm
băng hoại, nên mới có những tư tưởng, lời nói, hành vi cử chỉ và
việc làm xấu xa bậy bạ. Đôi khi chính đối tượng nhân không có gì
là xấu xa bậy bạ, nhưng đối tượng nhân này tự nhiên lại trở
thành "dịp tội" cho một người nào đó. Điển hình nhất là một
người nữ đẹp, dù rất đoan trang nết na, vẫn rất có thể trở thành
"dịp tội" cho một cặp mắt nhục dục nam nhân nào đó.
Trong trường hợp này, người nữ
vô tình ấy không làm "gương xấu", mà người nam nhục dục kia vẫn
có thể phạm tội, bởi "dịp tội" ở ngay con mắt của nam nhân này
(xem Mathêu 5:28-29), ở ngay xu hướng thèm thuồng nhục thể của
chàng ta. Nếu anh ta nhắm mắt lại, quay đi hay bỏ đi chỗ
khác khi bị cám dỗ thì đã không phạm tội ngoại tình trong lòng
của mình. Trái lại, nếu người nữ đã đẹp lại còn ăn mặc sexy thì
hành động khiêu dâm hay thân mình gợi dục đến xúi dục mời
gọi của nàng quả thực càng là "gương xấu" gây "dịp tội" cho
thành phần nam nhân vốn có khuynh hướng chiếm đoạt...
Thế gian đã không thể tránh "gương xấu" mà còn càng gia tăng
gương xấu hơn bao giờ hết trong một thế giới càng văn minh về
vật chất và càng văn hóa về nhân quyền, những gương xấu khủng
khiếp chưa bao giờ có, chẳng hạn quyền phá thai, quyền được hôn
nhân đồng tính v.v., khiến cho Chúa Giêsu dường như đã thấy
trước và đã phải công nhận "vì sự dữ gia tăng mà lòng người
hầu hết trở nên nguội lạnh" (Mathêu 24:12).
Đối với những ai gây "gương xấu"
như thế thì phải chịu trách nhiệm về hành vi cử chỉ của mình: "vô
phúc cho kẻ nào gây ra gương xấu. Thà nó bị cột cối đá vào cổ mà
ném xuống biển còn hơn là làm gương xấu cho một trong những trẻ
nhỏ này". Tại sao hình phạt cho thành phần gây ra gương xấu
không phải là một hình phạt nào khác ngoài hình phạt "bị cột
cối đá vào cổ mà ném xuống biển"? Phải chăng là vì họ chẳng
khác gì như đàn heo bị quỉ nhập nên đã lao đầu xuống biển sau
khi đám quỉ xuất khỏi người bị chúng ám (xem Mathêu 8:28-30)?
Tuy nhiên, không ai trong chúng
ta dám vỗ ngực cho mình là trưởng thành, khó có thể hay không
thể nào sa ngã trước bất cứ một gương xấu vào một lúc nào đó
trong đời, và cũng chẳng ai dám tự phụ cho mình là chưa bao giờ
gây gương mù gương xấu cho ai, nghĩa là chúng ta chưa bao giờ
phạm tội, vì tội lỗi của chúng ta tự bản chất là một gương mù.
Bởi thế, ai cũng có lỗi và cũng cần phải ăn năn thống hối và
hoán cải.
Thế nhưng, không phải vì thế mà
chúng ta không dám chỉ bảo cho ai hay sửa lỗi cho ai. Trái lại,
chính vì chúng ta lỗi lầm mới thấy được cái xấu xa và tai hại
của lầm lỗi gây gương mù gương xấu tác hại lẫn nhau của chúng
ta, mà chúng ta càng cần phải giúp cho nhau tránh khỏi những lầm
lỗi như chúng ta, tránh gây tác hại xấu cho chung đoàn thể của
chúng ta, bằng cách giúp nhau hoàn chỉnh lại những gì cần
thiết.
Nhất là phải có lòng quảng đại
thứ tha một khi phạm nhân tỏ lòng thống hối ăn năn, thậm chí họ
cứ sa đi ngã lại nhiều lần trong ngày nhưng vẫn có thiện chí
hoán cải qua hành động họ tỏ thiện chí đến xin lỗi chúng ta: "nếu
có anh em con lỗi phạm, con hãy răn bảo nó, và nếu nó hối cải,
thì hãy tha thứ cho nó; cho dù một ngày nó phạm đến con bảy lần,
và bảy lần nó trở lại nói cùng con rằng: 'Tôi hối hận', thì con
hãy tha thứ cho nó".
Có thế, có thông cảm tha thứ cho
hối nhân, mới chứng tỏ chúng ta sửa lỗi cho nhau chỉ vì thương
nhau và cho công ích, bằng không, nếu cứ chấp nhất nhau, một khi
họ đã hối hận và xin lỗi chúng ta, thì rõ ràng là chúng ta sửa
bảo nhau chỉ vì những lý do không chính đáng, và chắc chắn chúng
ta cũng không được Chúa thứ tha, thậm chí Ngài còn để cho chúng
ta bị đong lại đúng cái đấu chúng ta đong cho anh chị em của
chúng ta nữa (xem Luca 6:38).
Để có thể vừa tránh gương xấu
bất khả tránh xẩy ra trên thế gian đã bị băng hoại bởi nguyên tổ
này, và để có thể giíp nhau hoàn chỉnh cuộc đời theo ý Chúa,
chúng ta không thể nào thiếu đức tin hay yếu đức tin. Hình ảnh "những
trẻ nhỏ" bị lôi cuốn bởi gương xấu và sa ngã theo gương xấu
là hình ảnh tiêu biểu cho bản tính yếu đuối của con người, cho
một đức tin non dại chưa trưởng thành của Kitô hữu.
Đó là lý do trong Bài Phúc Âm
hôm nay "các Tông đồ thưa với Chúa rằng: 'Xin Thầy ban thêm
lòng tin cho chúng con'". Thật ra đức tin tự bản chất đối
nội không tăng trưởng, vì đức tin đã chất chứa tất cả mạc khải
thần linh của Thiên Chúa, không còn thiếu một sự gì. Tuy
nhiên, đức tin ấy, đối ngoại, vẫn có thể gia tăng hay giảm sút,
mạnh mẽ hay yếu mềm, tùy ở môi trường của đức tin, tùy ở mỗi một
người có biết thực hành đức tin hay chăng, nhất là có biết chấp
nhận mọi gian nan đau khổ thử thách để sống đức tin và chứng
tỏ đức tin hay chăng!
Tuy nhiên, đức tin gia tăng hay
lớn lên hoặc mạnh mẽ không phải ở chỗ phát triển về hình dạng
như thân thể của con người trong thời kỳ trưởng thành, mà trái
lại càng nhỏ đi, nhỏ như "hạt cải" được Chúa Giêsu ví
trong bài Phúc Âm hôm nay, "một hạt nhỏ nhất trong các hạt
giống" (Mathêu 13:32), nhưng lại có khả năng và quyền lực
thần kỳ trong việc có thể "khiến cây dâu này rằng: 'Hãy tróc
rễ lên và xuống mọc dưới biển', nó liền vâng lời các con".
Tại sao thế, nếu không phải,
theo nguyên tắc tu đức và đường lối siêu nhiên, thì càng nhỏ
lại càng lớn: "ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ này là kẻ lớn
nhất trên Nước Trời" (Mathêu 18:4)!
Kinh nghiệm sống đức tin cũng
cho thấy, một khi càng cậy mình lại càng thất bại, hay có thành
công rồi cũng thất bại, thất bại một cách chua cay, bằng không,
càng thành công càng nguy hiểm cho phần rỗi, Trái lại, cho dù đã
cố gắng hết sức, lại càng chẳng làm được gì, càng bất lực trong
những việc đạo đức và tông đồ mình ham muốn, mà nhờ đó mới có
thể hoàn toàn trông cậy vào Chúa, mới càng được Chúa chiếm đoạt
và càng làm được những việc cao cả chưa từng thấy và theo sức tự
nhiên không thể nào làm được, vì Chúa sống trong họ và hoạt động
qua họ, nhờ họ.
Đối với vấn đề đầu tiên của bài Phúc Âm hôm nay, vấn đề về gương
mù gương xấu của thế gian và ở thế gian nói chung, những gì bất
khả tránh, và về thành phần làm gương mù gương xấu nói riêng,
nhất là những ai làm đầu, (chẳng hạn như các vị linh mục lạm
dụng hiện nay), dù vô tình hay hữu ý, được Sách Khôn Ngoan ở Bài
Đọc 1 hôm nay vừa khuyên nhủ vừa cảnh báo như thế này:
"Hỡi các vị lãnh đạo trần gian,
hãy chuộng đức công chính. Hãy tưởng nghĩ về Chúa cách ngay
lành, và hãy tìm kiếm Người với tâm hồn đơn sơ. Vì những ai
không thử thách Chúa, sẽ gặp thấy Người, và Người sẽ tỏ mình cho
những ai tin vào Người. Vì chưng, những tà ý làm xa cách Chúa,
và quyền năng bị thử thách sẽ sửa phạt những kẻ ngu đần đó. Sự
khôn ngoan sẽ không ngự vào tâm hồn gian ác, và không ở trong
thân xác nô lệ tội lỗi. Vì Thánh Thần, Ðấng dạy dỗ chúng ta, sẽ
xa tránh kẻ gian dối, lánh xa những tư tưởng ngông cuồng, và lui
đi khi sự gian ác tới. Thần trí khôn ngoan thì nhân hậu, nhưng
không tha thứ kẻ nói lộng ngôn. Vì Thiên Chúa thấu suốt tâm can
kẻ ấy, Người thực sự kiểm soát lòng nó và nghe lời nó nói. Vì
thần trí Chúa tràn ngập hoàn cầu. Người nắm giữ mọi sự, và thông
biết mọi lời".
Và đó là lý do, vì vừa mù quáng
vừa yếu đuối, họ cần phải nguyện cầu cùng Chúa như câu họa của
Bài Đáp Ca trong Thánh Vịnh 138 (câu 24) hôm nay: "Lạy Chúa,
xin hướng dẫn con trong đường lối đời đời".
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL.
Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm
hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên
TN.XXXIIL-2.mp3