PVLC Mùa Thường Niên Tuần XXXI Thứ 5 & Thánh Ca-rô-lô
Bo-rô-mê-ô,
giám mục ngày 4/11
Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 14, 7-12
"Dù chúng ta sống hay chết,
chúng ta đều thuộc về Chúa".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ
gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, không ai trong
anh em được sống cho mình, và cũng không ai chết cho mình. Vì
nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa, nếu chúng ta chết, là chết
cho Chúa. Vậy dù chúng ta sống hay chết, chúng ta đều thuộc về
Chúa.
Vì lẽ ấy, nếu Ðức Kitô đã chết
và sống lại, là để cai trị kẻ sống và kẻ chết. Còn ngươi, việc
gì mà đoán xét anh em ngươi? Và ngươi, tại sao ngươi khinh miệt
anh em ngươi? Vì tất cả chúng ta đều sẽ phải ra trước toà án của
Ðức Kitô, bởi có lời chép: "Chúa phán rằng: Ta thề trên sự sống
Ta, mọi đầu gối sẽ phải quỳ lạy Ta, và mọi miệng lưỡi sẽ ngợi
khen Thiên Chúa".
Vì vậy, mỗi người chúng ta sẽ
phải trả lẽ về chính mình với Thiên Chúa.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 26, 1.
4. 13-14
Ðáp: Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành
của Chúa trong cõi nhân sinh (c. 13).
Xướng: 1) Chúa là sự sáng, là
Ðấng cứu độ, tôi sợ chi ai? Chúa là Ðấng phù trợ đời tôi, tôi sợ
gì ai? - Ðáp.
2) Có một điều tôi xin Chúa, một
điều tôi kiếm tìm, đó là tôi được cư ngụ trong nhà Chúa suốt đời
tôi, hầu vui hưởng êm đềm của Chúa, và chiêm ngưỡng thánh điện
của Người. - Ðáp.
3) Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn
xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy chờ đợi
Chúa, hãy sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và chờ đợi
Chúa! - Ðáp.
Alleluia: 2 Cr 5,
19
Alleluia, alleluia! - Thiên Chúa
ở trong Ðức Kitô đã giải hoà thế gian, để chúng ta nghe lời của
Con Chúa. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 15,
1-10
"Trên trời sẽ vui mừng vì một
người tội lỗi hối cải".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Luca.
Khi ấy, những người thâu thuế và
những người tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng. Thấy
vậy, những người Biệt phái và Luật sĩ lẩm bẩm rằng: "Ông này đón
tiếp những kẻ tội lỗi, cùng ngồi ăn uống với chúng". Bấy giờ
Người phán bảo họ dụ ngôn này: "Ai trong các ông có một trăm con
chiên, và nếu mất một con, lại không để chín mươi chín con khác
trong hoang địa mà đi tìm con chiên lạc, cho đến khi tìm được
sao? Và khi đã tìm thấy, người đó vui mừng vác chiên trên vai,
trở về nhà, kêu bạn hữu và những người lân cận mà nói rằng: "Anh
em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc!" Cũng
vậy tôi bảo các ông: Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi
hối cải hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần hối
cải.
"Hay là người đàn bà nào có mười
đồng bạc, nếu mất một đồng, mà lại không đốt đèn, quét nhà và
tìm kỹ lưỡng cho đến khi tìm thấy sao? Và khi đã tìm thấy, bà
mời các chị em bạn và những người láng giềng đến mà rằng: "Chị
em hãy vui mừng với tôi, vì tôi đã tìm được đồng bạc tôi đã
mất". Cũng vậy, tôi bảo các ông: Các thiên thần của Thiên Chúa
sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải".
Ðó là lời Chúa.
Chia sẻ Lời Chúa:
sự sống thất lạc
Thứ Năm Tuần XXXI Thường Niên
hôm nay Bài Phúc Âm của Thánh ký Luca bắt đầu 10 câu đầu
của đoạn 15, một đoạn từ đầu đến cuối hoàn toàn về Lòng Thương
Xót Chúa, bao gồm 3 dụ ngôn, 2 ngắn đầu và 1 dài cuối.
Sở dĩ Chúa Giêsu phải nói đến 3
dụ ngôn về Lòng Thương Xót Chúa ấy, là vì, như đầu Bài Phúc Âm
hôm nay cho biết: "Khi ấy, những người thâu thuế và những
người tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng. Thấy vậy,
những người Biệt phái và Luật sĩ lẩm bẩm rằng: 'Ông này đón tiếp
những kẻ tội lỗi, cùng ngồi ăn uống với chúng'".
Để đáp lại thái độ có vẻ kỳ thị
và khinh người của nhóm biệt phái tự cho mình là công chính bấy
giờ, Chúa Giêsu đã cho họ biết đâu là tinh thần họ phải có đối
với tội nhân, đối với thành phần bị họ cho là "những kẻ tội
lỗi", bằng 3 dụ ngôn về Lòng Thương Xót Chúa liền. Và Hai dụ
ngôn ngắn về Lòng Thương Xót Chúa trong Bài Phúc Âm hôm nay ấy
như sau:
"Ai trong các ông có một trăm
con chiên, và nếu mất một con, lại không để chín mươi chín con
khác trong hoang địa mà đi tìm con chiên lạc, cho đến khi tìm
được sao? Và khi đã tìm thấy, người đó vui mừng vác chiên trên
vai, trở về nhà, kêu bạn hữu và những người lân cận mà nói rằng:
'Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc!'
Cũng vậy tôi bảo các ông: Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội
lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần
hối cải".
"Hay là người đàn bà nào có
mười đồng bạc, nếu mất một đồng, mà lại không đốt đèn, quét nhà
và tìm kỹ lưỡng cho đến khi tìm thấy sao? Và khi đã tìm thấy, bà
mời các chị em bạn và những người láng giềng đến mà rằng: 'Chị
em hãy vui mừng với tôi, vì tôi đã tìm được đồng bạc tôi đã
mất'. Cũng vậy, tôi bảo các ông: Các thiên thần của Thiên Chúa
sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải".
Hai dụ ngôn trên đây, một dụ
ngôn về con chiên lạc, đúng hơn về việc tìm kiếm con chiên lạc,
và dụ ngôn về đồng bạc bị thất lạc, đúng hơn về việc tìm
kiếm đồng bạc bị thất lạc, đều cho thấy Lòng Thương Xót Chúa yêu
thương và lưu ý đền từng người, yêu thương cho tới cùng, hoàn
toàn không bỏ mất một ai, không bỏ mất một sự gì, dù nhỏ mọn mấy
chăng nữa.
Hơn thế nữa, cả hai dụ ngôn này
thậm chí còn cho thấy thái độ của các vị chủ nhân sau khi tìm
thấy con chiên lạc hay đồng bạc bị mất nữa, ở chỗ các vị chẳng
những không trút cơn giận dữ xuống trên đầu trên cổ con chiên
lạc hay đồng bạc bị mất là những gì làm cho các vị chủ nhân của
chúng đã mất giờ tìm kiếm và hết sức vất vả kiếm tìm, trái lại,
cả hai còn tỏ ra hết sức hân hoan vui sướng nữa:
"Khi đã tìm thấy, người đó vui
mừng vác chiên trên vai, trở về nhà, kêu bạn hữu và những người
lân cận mà nói rằng: 'Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm
thấy con chiên lạc!'... khi đã tìm thấy, bà mời các chị em bạn
và những người láng giềng đến mà rằng: 'Chị em hãy vui mừng với
tôi, vì tôi đã tìm được đồng bạc tôi đã mất'".
Nếu "trên trời sẽ vui mừng vì
một người tội lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người công
chính không cần hối cải", thì dụ ngôn về nhân vật tìm kiếm
con chiên lạc đây ám chỉ chính Vị Thiên Chúa đã hóa thân làm
người nơi Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô, Đấng đã "đến để tìm
kiếm và cứu vớt những gì hư hoại" (Luca 19:10) bằng mầu
nhiệm nhập thể và vượt qua của Người.
Và con chiên lạc và đồng bạc
thất lạc đây ám chỉ chẳng những chung loài người sa ngã phạm tội
(99 con chiên không lạc được bỏ lại một nơi để đi tìm con chiên
lạc có thể hiểu là ám chỉ các thiên thần vì liên quan đến
hình ảnh "trên trời sẽ vui mừng... " sau khi con chiên
lạc được tìm thấy, hay "các thiên thần của Thiên Chúa sẽ vui
mừng..." sau khi kiếm được đồng bạc thất lạc), mà
còn ám chỉ đến từng cá nhân ("một người tội lỗi hối cải" được
lập lại 2 lần như nhau ở cuối 2 dụ ngôn) vướng mắc nguyên
tội luôn chiều theo xác thịt, thế gian và ma quỉ.
99 con chiên bị vị mục tử nhân
lành bỏ lại, như thể đối với vị mục tử này chúng không có giá
trị bằng con chiên lạc duy nhất, còn thể hiểu là thành phần biệt
phái và luật sĩ là đối tượng được Chúa Giêsu nói với trong bài
Phúc Âm hôm nay, thành phần tự cho mình là "người công chính
không cần hối cải", như trường hợp người biệt phái đã tỏ ra
khi cầu nguyện trong đền thờ mà cùng lúc có một người thu thuế
cũng cầu nguyện bị người biệt phái khinh miệt (xem Luca
18:10-14), nhưng lại là một tội nhân sống thật với mình nên đã
làm cho cả tầng trời vui mừng.
Chính vì đã thấm nhuần tinh thần
của lòng thương xót Chúa đối với chính bản thân mình là một "đệ
nhất tội nhân" (1Timothêu 1:15) như thế mà vị tông đồ dân
ngoại, từng là chàng biệt phái Saolê tôn sùng Do Thái giáo, đã
giảng dạy và huấn dụ giáo đoàn Roma ở Bài Đọc 1 hôm nay như sau:
"Anh em thân mến, không ai trong
anh em được sống cho mình, và cũng không ai chết cho mình. Vì
nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa, nếu chúng ta chết, là chết
cho Chúa. Vậy dù chúng ta sống hay chết, chúng ta đều thuộc về
Chúa. Vì lẽ ấy, nếu Ðức Kitô đã chết và sống lại, là để cai trị
kẻ sống và kẻ chết. Còn ngươi, việc gì mà đoán xét anh em ngươi?
Và ngươi, tại sao ngươi khinh miệt anh em ngươi? Vì tất cả chúng
ta đều sẽ phải ra trước toà án của Ðức Kitô, bởi có lời chép:
'Chúa phán rằng: Ta thề trên sự sống Ta, mọi đầu gối sẽ phải quỳ
lạy Ta, và mọi miệng lưỡi sẽ ngợi khen Thiên Chúa'. Vì vậy, mỗi người chúng ta sẽ phải trả lẽ về
chính mình với Thiên Chúa".
Qua lời nhắn nhủ khuyên răn này,
Thánh Phaolô nhấn mạnh đến lòng thương xót đối với nhau, hơn là
xét đoán và khinh miệt nhau, cho dù anh chị em mình có lầm lỗi
hay sai trái đến đâu chăng nữa. Thiên Chúa mới là Đấng có thẩm
quyền luận án và thưởng phạt họ, còn chúng ta là thành phần
"nhân vô thập toàn" không có quyền ném đá bất cứ một ai (xem
Gioan 8:7-8), mà chỉ có phận sự thương cảm và cứu giúp nhau. Có
thế, chúng ta mới xứng đáng cùng Thánh Vịnh gia vang lên câu họa
của Bài Đáp Ca trong Thánh Vịnh 26 hôm nay: "Tôi tin rằng tôi
sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh",
và chúng ta cũng mang cùng một tâm tình của những câu xướng sau
đó của cũng Bài Đáp Ca hôm nay:
1) Chúa là sự sáng, là Ðấng
cứu độ, tôi sợ chi ai? Chúa là Ðấng phù trợ đời tôi, tôi sợ gì
ai?
2) Có một điều tôi xin Chúa, một
điều tôi kiếm tìm, đó là tôi được cư ngụ trong nhà Chúa suốt đời
tôi, hầu vui hưởng êm đềm của Chúa, và chiêm ngưỡng thánh điện
của Người.
3) Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn
xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy chờ đợi
Chúa, hãy sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và chờ đợi
Chúa!
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL.
Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm
hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên
TN.XXXIL-5.mp3
Ngày 04 tháng 11
Thánh Ca-rô-lô
Bo-rô-mê-ô, giám mục
lễ nhớ bắt buộc
Tiểu sử
Thánh nhân sinh
năm 1538 tại A-rô-na, miền Lom-ba-đi-a. Sau khi đã học xong luật
đạo luật đời, người được cậu là đức giáo hoàng Pi-ô IV nhận vào
hàng hồng y, rồi được đặt làm giám mục Mi-la-nô. Người ra sức
thể hiện gương mẫu một giám mục như đã được Công Đồng Tren-tô
nêu lên. Người cố công cải tổ hàng giáo sĩ, lập các công đồng
miền và các chủng viện. Người cũng canh tân phong hoá của các
tín hữu bằng cách thăm viếng họ, trình bày cho họ biết thế nào
là sống trung thành thật sự với Hội Thánh. Người qua đời ngày 3
tháng 11 năm 1584.
Bài đọc 2
Bạn đừng nói một
đàng làm một nẻo
Trích bài giảng
của thánh Ca-rô-lô Bo-rô-mê-ô trong kỳ họp hội đồng lần cuối
cùng.
Tôi nhìn nhận
rằng hết thảy chúng ta đều là những con người yếu đuối, nhưng
Thiên Chúa là Chúa chúng ta đã ban cho chúng ta những phương
tiện giúp chúng ta dễ dàng hành động, nếu chúng ta muốn. Linh
mục nọ muốn có một đời sống tinh tuyền theo lương tâm đòi hỏi,
muốn sống tiết độ và có phong cách của bậc thiên thần : đó là
điều hợp lý ; nhưng vị ấy lại không quyết tâm dùng những phương
tiện cần thiết là : ăn chay, cầu nguyện, tránh tiếp xúc với
những người xấu, tránh những cuộc giao du thân mật nguy hại.
Vị linh mục đó
phàn nàn rằng mỗi khi vào nhà nguyện để đọc thần vụ hay đi dâng
thánh lễ, thì tức khắc cả trăm ngàn chuyện nảy ra trong tâm trí,
làm cho mình lo ra, không thể hướng lòng về Thiên Chúa. Nhưng
thử hỏi : trước khi vào nhà nguyện hoặc đi dâng thánh lễ, vị đó
đã làm gì trong phòng thánh, đã chuẩn bị tâm hồn như thế nào, đã
sử dụng những phương thế nào để hồi tâm ?
Có phải bạn muốn
tôi dạy bạn làm sao để tiến tới trên đường nhân đức, và nếu
trong nhà nguyện, bạn đã cầm trí được rồi thì làm thế nào lần
sau bạn cầm trí hơn nữa, và lời cầu nguyện của bạn cũng đẹp lòng
Thiên Chúa hơn ? Hãy nghe tôi đây. Nếu bạn đã có được một chút
lửa tình yêu bốc cháy trong lòng, thì đừng vội trưng ra, đừng
phơi ra trước gió. Hãy giữ lò lửa cho kín, kẻo nó nguội đi và
mất sức nóng ; hãy loại bỏ những sự chia trí, hãy hồi tâm kết
hợp với Thiên Chúa và tránh những cuộc chuyện trò vô ích.
Bạn có nhiệm vụ
rao giảng và dạy dỗ ư ? Hãy học hỏi và nghiên cứu những gì cần
biết khả dĩ giúp bạn chu toàn nhiệm vụ ấy một cách tốt đẹp ;
chính bạn hãy thực hành trước đi, như thế là bạn giảng bằng đời
sống và đức hạnh đó. Nếu không, những kẻ thấy bạn nói một đàng
làm một nẻo, sẽ phải lắc đầu, to nhỏ với nhau về lời bạn nói.
Bạn coi sóc các
linh hồn ư ? Thì đừng vì thế mà bỏ bê chính mình, cũng đừng
phung phí tất cả cho người khác đến độ không giữ gì cho bạn cả.
Vì phải nhớ rằng bạn coi sóc các linh hồn, nhưng không được quên
bản thân mình.
Thưa anh em, anh
em phải biết rằng : không có gì cần thiết đối với mọi người
trong hàng giáo sĩ cho bằng tâm nguyện ; đó là một việc phải đi
trước, đi cùng và theo sau mọi hoạt động của chúng ta, như tác
giả thánh vịnh nói : Con đàn hát và nguyện chủ tâm. Này
bạn, nếu bạn cử hành bí tích, thì hãy suy gẫm về việc bạn làm ;
nếu dâng thánh lễ, hãy suy gẫm về của lễ bạn dâng ; nếu đọc thần
vụ trong cung nguyện, hãy nghĩ xem bạn nói với ai và nói gì ;
nếu bạn coi sóc các linh hồn, hãy nghĩ xem họ đã được tẩy rửa
bằng máu nào ; như thế, hãy làm mọi sự vì đức ái ; nhờ
vậy, chúng ta sẽ có thể dễ dàng lướt thắng vô vàn khó khăn chắc
chắn sẽ gặp phải trong đời sống hằng ngày (vì địa vị của chúng
ta là như thế) ; nhờ vậy, chúng ta sẽ có sức sinh Đức Ki-tô nơi
bản thân mình cũng như nơi kẻ khác.
Xướng đáp1 Tm 6,11 ; 4,11.12.6
XHỡi người của Thiên Chúa, hãy gắng
trở nên công chính, đạo đức, giàu lòng tin và lòng mến, hãy gắng
sống nhẫn nại và hiền hoà.
ĐAnh hãy truyền, hãy dạy điều đó ;
hãy nên gương mẫu cho các tín hữu.
XNếu anh trình bày cho anh em những
điều ấy, thì anh sẽ là một người phục vụ tốt của Đức Ki-tô
Giê-su.
ĐAnh hãy truyền, hãy dạy điều đó ;
hãy nên gương mẫu cho các tín hữu.
Lời nguyện
Lạy Chúa, xin
hằng ban ơn Thánh Thần cho Giáo Hội, như xưa Chúa đã ban cho
thánh giám mục Ca-rô-lô, để Giáo Hội biết không ngừng canh tân
theo đường lối Tin Mừng, nhờ đó, thế giới sẽ tìm thấy hình ảnh
trung thực của Đức Ki-tô là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị
cùng Chúa, hợp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.
ThanhCaroloBaromeo.mp3
https://youtu.be/F9-w1WhvVGY