`

 

Lễ Các Đẳng 2-11


 

Lễ Nhất

 

Bài Ðọc I: Rm 6, 3-9

 

"Chúng ta phải sống đời sống mới".

 

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

 

Anh em thân mến, tất cả chúng ta đã chịu phép rửa trong Ðức Giêsu Kitô, tức là đã chịu phép rửa trong sự chết của Người. Và chúng ta đã cùng chịu mai táng với Người, bởi được thanh tẩy trong sự chết của Người, để như Ðức Kitô nhờ vinh hiển của Chúa Cha mà sống lại từ cõi chết thế nào, thì cả chúng ta cũng phải sống đời sống mới như thế. Vì nếu chúng ta được liên kết với Người trong cùng một cái chết, giống như cái chết của Người, thì chúng ta cũng được hợp nhất với Người, trong sự sống lại giống như vậy.

 

Nên biết điều này: con người cũ của chúng ta đã cùng chịu đóng đinh khổ giá, để xác thịt tội lỗi bị huỷ đi, hầu cho chúng ta không còn làm nô lệ tội lỗi nữa, vì con người đã chết, tức là được giải thoát khỏi tội lỗi. Mà nếu chúng ta đã chết với Ðức Kitô, chúng ta tin rằng chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người, vì biết rằng Ðức Kitô một khi từ cõi chết sống lại, Người không chết nữa, sự chết không còn làm chủ được Người nữa.

 

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6

 

Ðáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi (c. 5).

 

Hoặc đọc: Dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con (c. 4a).

 

Xướng: 1) Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng. - Ðáp.

 

2) Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. - Dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Ngài, đó là điều an ủi lòng con. - Ðáp.

 

3) Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương: đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa. - Ðáp.

 

4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài. - Ðáp.

 

Alleluia: Ga 11, 25-26

 

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ". - Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 6, 51-59

 

"Thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống".

 

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

 

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân Do-thái rằng: "Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống". Vậy người Do-thái tranh luận với nhau rằng: "Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được?"

 

Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: "Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha là Ðấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Ðây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết. Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời".

 

Ðó là lời Chúa.

 

Lễ Nhì

 

Bài Ðọc I: Kn 3, 1-9

 

"Chúa chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu".

 

Trích sách Khôn Ngoan.

 

Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài. Ðối với con mắt người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết và việc các ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt. Nhưng thật ra các ngài sống trong bình an. Và trước mặt người đời, dầu các ngài đã chịu khổ hình, lòng cậy trông của các ngài cũng không chết. Sau một giây lát chịu khổ nhục, các ngài sẽ được vinh dự lớn lao: vì Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa, và chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu.

 

Khi đến giờ Chúa ghé mắt nhìn các ngài, các người công chính sẽ sáng chói và chiếu tỏ ra như ánh lửa chiếu qua bụi lau. Các ngài sẽ xét xử các dân tộc, sẽ thống trị các quốc gia, và Thiên Chúa sẽ ngự trị trong các ngài muôn đời. Các ngài đã tin tưởng ở Chúa, thì sẽ hiểu biết chân lý, và trung thành với Chúa trong tình yêu, vì ơn Chúa và bình an sẽ dành cho những người Chúa chọn.

 

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 24, 6-7bc. 17-18. 20-21

 

Ðáp: Lạy Chúa, con vươn linh hồn con lên tới Chúa (c. 1b).

 

Hoặc đọc: Lạy Chúa, phàm ai trông cậy Chúa, ắt chẳng hổ ngươi (c. 3b).

 

Xướng: 1) Lạy Chúa, xin nhớ lòng thương xót của Ngài, lòng thương xót tự muôn đời vẫn có. Xin hãy nhớ con theo lòng thương xót của Ngài, vì lòng nhân hậu của Ngài, thân lạy Chúa. - Ðáp.

 

2) Xin cho lòng con được nhẹ bớt lo âu, và giải thoát con khỏi cảnh ưu tư phiền muộn. Xin Chúa coi cảnh lầm than khốn khổ của con, và tha thứ hết mọi điều tội lỗi. - Ðáp.

 

3) Xin gìn giữ mạng sống con và giải thoát con, đừng để con bẽ bàng vì đã tìm nương tựa Chúa. Nguyện cho lòng con vô tội và trung thứ bảo vệ con, vì con trông cậy vào Ngài, thân lạy Chúa. - Ðáp.

 

Alleluia: 2 Tm 2, 11-12a

 

Alleluia, alleluia! - Nếu chúng ta cùng chết với Chúa Kitô, thì chúng ta cùng sống với Người; nếu chúng ta kiên tâm chịu đựng, chúng ta sẽ cùng thống trị với Người. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 23, 33. 39-43

 

"Hôm nay ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta".

 

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

 

Khi đã đến nơi gọi là Núi Sọ, chúng đóng đinh Người vào thập giá cùng với hai tên trộm cướp, một đứa bên hữu một đứa bên tả Người. Bấy giờ Chúa Giêsu than thở rằng: "Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm". Rồi chúng rút thăm mà chia nhau áo Người. Một trong hai kẻ trộm bị đóng đinh trên thập giá cũng sỉ nhục người rằng: "Nếu ông là Ðấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa".

 

Ðối lại, tên kia mắng nó rằng: "Mi cũng chịu đồng một án mà mi chẳng sợ Thiên Chúa sao? Phần chúng ta, như thế này là đích đáng, vì chúng ta chịu xứng với việc chúng ta làm, còn ông này, ông có làm gì xấu đâu?" Và anh ta thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi". Chúa Giêsu đáp: "Quả thật, Ta bảo ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta".

Ðó là lời Chúa.

 

Lễ Ba

 

Bài Ðọc I: Rm 5, 5-11

 

"Chúng ta đã nên công chính trong Máu của Người, và nhờ Người chúng ta được cứu khỏi cơn thịnh nộ".

 

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

 

Anh em thân mến, tình yêu của Thiên Chúa tuôn đổ trong tâm hồn chúng ta nhờ Thánh Thần đã ban cho chúng ta. Chúa Kitô theo kỳ hẹn mà chịu chết vì chúng ta là kẻ tội lỗi. Ít có ai chết thay cho người công chính, họa chăng mới có người dám chết vì kẻ lành. Nhưng Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta, nghĩa là trong lúc chúng ta còn là tội nhân, thì theo kỳ hẹn, Chúa Kitô đã chết vì chúng ta.

 

Vậy phương chi bây giờ, chúng ta đã nên công chính trong máu của Người, và nhờ Người chúng ta sẽ được cứu khỏi cơn thịnh nộ. Bởi chưng nếu khi chúng ta còn là thù nghịch, mà chúng ta đã được giao hoà cùng Thiên Chúa nhờ cái chết của Con Ngài, thì huống chi khi đã được giao hoà, ắt chúng ta sẽ được cứu độ trong sự sống của chính Chúa Kitô. Và không những thế, chúng ta còn được vinh hiển trong Thiên Chúa nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, nhờ Người mà bây giờ chúng ta được lãnh ơn giao hoà.

 

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 26, 1. 4. 7 và 8b và 9a. 13-14

 

Ðáp: Chúa là sự sáng và là Ðấng cứu độ tôi (c. 1a).

 

Hoặc đọc: Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh (c. 13).

 

Xướng: 1) Chúa là sự sáng, là Ðấng cứu độ, tôi sợ chi ai? Chúa là Ðấng phù trợ đời tôi, tôi sợ gì ai? - Ðáp.

 

2) Có một điều tôi xin Chúa, một điều tôi kiếm tìm, đó là tôi được cư ngụ trong nhà Chúa suốt đời tôi, hầu vui hưởng sự êm đềm của Chúa, và chiêm ngưỡng thánh điện của Người. - Ðáp.

 

3) Lạy Chúa, xin nghe con kêu cầu, xin thương xót và nhậm lời con. Và lạy Chúa, con tìm ra mắt Chúa. Xin Chúa đừng ẩn mặt xa con. - Ðáp.

 

4) Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy trông đợi Chúa, hãy sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và trông đợi Chúa. - Ðáp.

 

Alleluia: Ga 6, 39

 

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Ý của Cha là hễ sự gì Người đã ban cho Ta, Ta chẳng để mất, nhưng ngày sau hết Ta sẽ cho nó sống lại". - Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 17, 24-26

 

"Con muốn rằng Con ở đâu, chúng cũng ở đấy với Con".

 

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

 

Khi ấy, (Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng:) "Lạy Cha, những kẻ Cha ban cho Con thì Con muốn rằng Con ở đâu chúng cũng ở đấy với Con, để chúng chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con, vì Cha đã yêu mến Con trước khi tạo thành thế gian. Lạy Cha công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng Con biết Cha, và những người này cũng biết rằng Cha đã sai Con. Con đã tỏ cho chúng biết danh Cha, và Con sẽ còn tỏ cho chúng nữa, để tình Cha yêu Con ở trong chúng, và Con cũng ở trong chúng nữa".

 

Ðó là lời Chúa.

 

 

Chia sẻ Suy Niệm:

sự sống chưa trọn

 

Giáo Hội cố ý đặt Lễ Các Đẳng (2/11) ngay sau Lễ Các Thánh (1/11) hằng năm như có ý nhấn mạnh đến mầu nhiệm các thánh thông công. 

 

Các Thánh là những vị đã được hưởng phúc trên thiên đàng, đã đạt đến cùng đích của mình, đã được hiệp thông thần linh viên mãn trong Thiên Chúa và với Thiên Chúa, còn Các Đẳng là những vị tuy đã được rỗi nhưng chưa hoàn toàn được hưởng vinh phúc như Các Thánh, chưa được hoàn toàn chiêm ngưỡng Thánh Nhan Thiên Chúa vô cùng uy nghi và toàn thiện, bởi hậu quả gây ra bởi tội lỗi của các vị khi còn sống trên trần gian này.

 

Các Đẳng ở dưới luyện ngục không phải để đền tội lỗi của mình cho bằng để đền bù những hậu quả do tội gây ra. Mà hậu quả do tội lỗi gây ra không phải chỉ là đau khổ và chết chóc như trên thế gian này khi con người còn sống, mà còn là và nhất là ở chỗ do tội lỗi họ phạm trên trần gian mà mối liên hệ giữa họ và Thiên Chúa bị gián đoạn, bị hư hoại. Bởi thế, cái đau khổ nhất của các linh hồn trong luyện ngục là chưa được chiêm ngưỡng dung nhan Thiên Chúa, chưa được tận hưởng hiệp thông thần linh với Ngài là cùng đích của các vị.

 

Vấn đề được đặt ra ở đây là như thế thì chẳng lẽ ở đời sau, hay nói đúng hơn ở trong luyện ngục, (trừ thiên đàng và hỏa ngục), cũng có "thời gian" hay sao hay cũng còn "thời gian" hay sao? Vì các linh hồn ở đó "vẫn chưa" được hoàn toàn chiêm ngưỡng Thánh Nhan Thiên Chúa, nghĩa là "vẫn còn" trông đợi một "tương lai vĩnh phúc" sau khi họ đã chết và ra khỏi trần gian, ra khỏi phạm trù không gian và thời gian. 

 

Đúng thế, nếu xét về thứ không gian và thời gian theo thể lý của ngày tạo dựng thứ tư (xem Khởi Nguyên 1:14-19), mà bất cứ loài tạo vật hay sinh vật hữu hình nào ở trên trái đất này cũng bị chi phối và lệ thuộc, thì các linh hồn ở trong luyện ngục quả thực không còn "thời gian" nữa. 

 

Như thế, nói chung, đối với các sinh vật hữu hình sống trong thời gian và không gian, cách riêng với loài linh ư vạn vật là con người, thì quả thực "chết là hết" - "hết thời" hay "hết thời gian", chứ không phải chỉ là hiện tượng và tình trạng linh hồn ra khỏi thân xác, hay nói cách khác, chính vì "hết thời" mà linh hồn ra khỏi xác, mà con người ta lìa đời: "Mọi sự đều có thời của mình trên trần gian này... có thời sinh ra và có thời chết đi..." (xem Giảng Viên 3:2).

 

Chính vì thế mà bản thân của họ không còn thời gian, không còn cơ hội để lập công đền tội trong thân xác của họ nữa, cần phải có người nào còn sống trong thân xác ở trên trần gian này, nghĩa là còn sống trong thời gian để lập công đền tội thay cho họ. 

 

Thời gian ở trên trần gian này quí như vậy, qua đi không bao giờ trở lại nữa, mà con người ta đã lãng phí vào bao nhiêu là những gì chẳng đáng trên đời này, như thể không có đời sau, không có vĩnh cửu, trong khi đó họ vẫn sợ chết, nghĩa là vẫn muốn được sống mãi mãi, vẫn muốn được sống trường sinh bất tử. Vậy nếu họ tin có đời sau thì họ đang tìm gì ở trên đời này vậy?! Các Đẳng trong luyện ngục rất mong được có thời gian vô cùng quí báu như khi còn sống trên đời này mà chẳng bao giờ được nữa. Đã muộn rồi. Đã hết thời nơi họ rồi. 

 

Thế nhưng, cho dù không còn thời gian để tự lập công nữa, Các Đẳng vẫn có thể nhận công bởi những người còn thời gian, còn sống trên trần gian này, mà luyện ngục, ở một nghĩa nào đó, dường như vẫn còn liên hệ với thời gian, vẫn là một thực tại linh thiêng chưa tuyệt đối như thiên đàng hay hỏa ngục, vẫn còn có thể đổi thay, vẫn chưa viên mãn vì các linh hồn ở đó chưa đạt được cùng đích tối hậu của mình, vẫn còn mong đợi. 

 

Đó là lý do, như ngục tổ tông xưa là một thực tại linh thiêng vô hình để trông chờ Đấng Thiên Sai Cứu Chuộc Nhân Trần thế nào, cho đến khi "Người xuống ngục tổ tông" đưa các thánh lên mới không còn ngục tổ tông này nữa, thì cũng có thể nói luyện ngục là một thực tại linh thiêng vô hình chỉ tồn tại cho đến tận thế là thời điểm Chúa Kitô đến lần thứ hai, sau đó không bao giờ còn luyện ngục nữa. 

 

Cả lâm bô (limbo) là "nơi" chúng ta vẫn tin rằng vô thưởng vô phạt cho những linh hồn chết đi chưa kịp được nhận Phép Rửa tha nguyên tội mà cũng chưa kịp phạm bất cứ một cá tội nào cũng thế. Nếu Thiên Chúa dựng nên con người là để cho họ được hạnh phúc đời đời, được hiệp thông thần linh với Ngài trong cõi vĩnh phúc: "Thiên Chúa muốn tất cả mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý" (Timôthêu 2:4), thì lâm bô không thể nào tồn tại đời đời, trái lại, chỉ có thể tồn tại cho đến khi Chúa Kitô đến lần thứ hai "để mang ơn cứu rỗi cho những ai thiết tha trông đời Người" (Do Thái 9:28). 

 

Mà các linh hồn ở trong lâm bô, cũng như trong luyện tội cho tới khi Chúa Kitô đến lần cuối cùng, như trường hợp của Amélia được Đức Mẹ trả lời cho em Lucia vào lần hiện ra thứ nhất ở Fatima ngày 13/5/1917 rằng "nó sẽ phải ở trong luyện tội cho tới tận thế", đều hết sức trông mong được tận hưởng vinh phúc trong tình trạng hiệp thông thần linh với Thiên Chúa là cùng đích của họ, thì phải kết luận là hai thực tại lâm bô và luyện ngục chỉ tồn tại tạm thời thôi.

 

(Về trường hợp của thiếu nữ mười tám đôi mươi Amélia này, lời Mẹ Maria nói đến số phận của cô phải ở trong luyện ngục cho tới tận thế, thì một là Mẹ ngầm báo rằng sắp sửa đến tận thế rồi đấy, bằng không biết cô thiếu nữ trẻ trung nhỏ tuổi quê mùa vào năm 1917 này đã phạm những tội gì mà bị phạt lâu dài đến thế? Nếu thế thì tội lỗi của con người ta vô cùng khủng khiếp ghê sợ chưa từng có hiện nay còn đáng bị trừng phạt khủng khiếp đến chừng nào chứ)

 

Vậy nếu ngục tổ tông chỉ tồn tại cho tới khi Chúa Kitô đến trần gian lần thứ nhất và luyện ngục chỉ tồn tại cho đến khi Người đến thế gian lần thứ hai, cả lâm bô cũng thế, thì ba thực tại này chỉ là những thực tại linh thiêng tạm thời, một thực tại chuyển tiếp, một thực tại vẫn hướng về "thời gian viên trọn" (Galata 4:4) của Chúa Kitô, Đấng đã hoàn tất công cuộc cứu chuộc của Người bằng cuộc Vượt Qua của Người, nhưng qua Giáo Hội, Người vẫn tiếp tục công việc cứu chuộc của Người cho đến tận thế, bao gồm cả việc cứu những linh hồn ở trong luyện ngục cho khỏi hình phạt họ phải chịu nữa cũng như cứu các linh hồn ở trong lâm bô vô thưởng vô phạt cũng trông mong được đời đời cứu độ.

 

Đó là lý do, cho dù không tự mình lập công đền tội, các linh hồn trong luyện ngục vẫn có thể tiếp tục hưởng Ơn Toàn Xá cũng gọi là Ơn Đại Xá, ơn tha hết mọi hình phạt gây ra bởi tội lỗi, do một người nào đó hoàn tất có ý chỉ cho họ, nhờ công nghiệp vô cùng châu báu của Chúa Giêsu Kitô là những gì vẫn còn tác hiệu trong thời gian cho tới khi Người lại đến, nhờ đó họ lập tức được tha thứ hết mọi hình phạt bởi tội lỗi của họ gây ra mà được hiệp thông thần linh với Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần. 

 

Nếu nói rằng luyện ngục là "nơi" các linh hồn bị giam cầm để đền bù hậu quả của tội lỗi khi vấp phạm trên đời, thì luyện ngục là một "nơi" khổ chứ không sướng như thiên đường. Nhưng tình trạng "khổ" liên quan đến hình phạt ở trong luyện ngục đây không như ở trong hỏa ngục, vì tình trạng "khổ" ở luyện ngục chỉ tạm thời trong một "thời gian" chứ không vô cùng bất tận như trong hỏa ngục.

 

Tình trạng "khổ" ở trong luyện ngục là ở chỗ dù con người đã chết nhưng hồn thiêng bất tử của con người vẫn chưa đạt được cùng đích của mình là Thiên Chúa, nghĩa là chưa được hoàn toàn và trọn vẹn hiệp thông thần linh với Ngài. Và vì chưa đạt được cùng đích của mình nên linh hồn trong luyện ngục vẫn thao thức mong chờ cho tới khi được hoàn toàn mãn nguyện, nghĩa là được "lên" thiên đàng, được "vào nơi" muôn đời vinh phúc, hay nói đúng hơn, được "ở trong " hay được tham hưởng sự sống thần linh của Thiên Chúa Ba Ngôi và với Thiên Chúa Ba Ngôi.

 

Tuy chưa được hoàn toàn và trọn vẹn tham hưởng sự sống thần linh của Thiên Chúa Ba Ngôi và với Thiên Chúa Ba Ngôi, Các Đẳng trong luyện ngục cũng đã được cứu độ rồi, nghĩa là cũng được tham hưởng "một phần nào" sự sống thần linh của Thiên Chúa và với Thiên Chúa, tuy chưa hoàn toàn và trọn vẹn như Các Thánh ở trên trời, nghĩa là họ được tham hưởng sự sống thần linh này tùy theo mức độ tội trạng của họ trước kia, tức tùy theo tình trạng xa cách Thiên Chúa của họ gây ra bởi tội lỗi họ phạm khi còn sống trên trần gian, hay tùy theo mức độ liên hệ của họ với Ngài khi còn sống, cũng như tùy theo "thời gian" bao lâu họ đã ở trong luyện ngục, nhờ đó mỗi ngày họ càng gần Chúa hơn, càng hưởng Chúa hơn.

 

Nếu còn sống trên trần gian thành phần Kitô hữu đang hành trình đức tin chỉ thấy Thiên Chúa như qua tấm gương thì trên thiên đàng Các Thánh được thấy Thiên Chúa nhãn tiền, diện đối diện, một cách như Ngài là (xem 1Corinto 13:12), và nhờ đó Các Thánh được trở nên giống như Thiên Chúa, phản ảnh Thiên Chúa, như Bài Đọc 2 cho Lễ Các Thánh hôm qua cho biết: "hiện nay, chúng ta là con Thiên Chúa, còn chúng ta sẽ ra sao thì vẫn chưa được tỏ ra. Chúng ta biết rằng: khi được tỏ ra thì chúng ta sẽ giống như Ngài, vì chúng ta sẽ thấy Ngài như Ngài là" (1Gioan 3:2).

 

Và như thế, Các Đẳng trong luyện ngục, nếu đã được cứu độ, tức nếu đã được hiệp thông thần linh với Thiên Chúa ở một mức độ nào đó, chưa hoàn toàn và trọn vẹn, thì Các Đẳng cũng đang ở trong tiến trình nên "giống như Ngài" và đang từ từ "sẽ thấy Ngài như Ngài là" cho đến "khi được tỏ ra", nghĩa là cho đến khi Thiên Chúa trở nên trọn vẹn nơi các vị "như Ngài là" mà khi còn sống trên thế gian họ còn thiếu sót trong việc nhận biết "Ngài như Ngài là". 

 

Đó là lý do khi còn sống trên trần gian này, càng nhận biết Thiên Chúa bao nhiêu, ở chỗ càng hiệp nhất nên một với Ý Muốn của Ngài bằng đức tin tuân phục bao nhiêu cũng như bằng đức ái trọn hảo hiện thực hóa đức tin (xem Galata 5:6) bao nhiêu, thì càng được hoan hưởng Thiên Chúa nhanh bấy nhiêu và nhiều bấy nhiêu, như Các Thánh nói chung trên thiên đàng, nhất là như Mẹ Maria đầy ơn phúc, một đệ nhất tạo vật về ân sủng. 

 

Trường hợp của những linh hồn được lên thiên đàng ngay sau khi lãnh nhận Phép Rửa, dù là mới sinh hay người lớn, là những trường hợp đốt giai đoạn được hưởng Nước Trời nhanh nhất, như người trộm bị đóng đanh bên phải Chúa Kitô (xem Luca 23:40-43), nhưng không thể nào được hiệp thông thần linh với Thiên Chúa bằng Các Thánh hay như Mẹ Maria là những hạt giống sinh 30, 60 hay 100 (xem Mathêu 13:23).

 

Vấn đề được thông hiệp thần linh với Thiên Chúa trên thiên đàng nhiều hay ít hoàn toàn không phải là do con người khi còn sống trên gian này "lập công" nhiều hay ít, mà hoàn toàn do Công Nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, được con người chấp nhận khi lãnh nhận Phép Rửa, bằng nước hay máu hoặc lửa, và tiếp tục trung thành đáp ứng ơn cứu độ này cũng như cộng tác với ơn cứu độ này cho phần rỗi các linh hồn khác.

 

Trong khi các linh hồn ở lâm bô không thể chuyển cầu cho người thế, vì các linh hồn này không có "công" gì và đang ở trong tình trạng vô thưởng vô phạt, thì Các Đẳng ở trong luyện ngục, tùy theo mức độ "được tỏ ra" của Thiên Chúa nơi các vị, nghĩa là tùy theo mức độ các vị được hiệp thông thần linh với Ngài bao nhiêu và tới đâu, các vị cũng có thể xứng đáng chuyển cầu cho những ai còn sống trên trần gian, nhất là những ai nhớ đến các vị để giúp các vị mau chóng được hoàn toàn và trọn vẹn hiệp thông thần linh đời đời với Thiên Chúa trên thiên đàng như Các Thánh. 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên
 

LeCacDangLinhHon.mp3 

 

 LeCauChoTinHuuQuaDoi.mp3 

 

 https://youtu.be/vOoJdcE8OLE