PVLC Lễ Các Thánh Thứ Hai 1-11
Bài Ðọc I: Kh 7,
2-4, 9-14
"Tôi đã nhìn thấy đoàn người
đông đảo không thể đếm được, họ thuộc đủ mọi nước, mọi chi họ,
mọi dân tộc và mọi thứ tiếng".
Bài trích sách Khải Huyền của
Thánh Gioan.
Tôi là Gioan đã nhìn thấy một
thiên thần khác từ phía mặt trời mọc đi lên, tay cầm ấn Thiên
Chúa hằng sống, và lớn tiếng kêu gọi bốn thiên thần được lệnh
tàn phá đất và biển mà rằng: "Chớ có tàn phá đất, biển và cây
cối trước khi ta đóng ấn trên trán những tôi tớ của Thiên Chúa
chúng ta". Và tôi đã nghe biết số người được đóng ấn là một trăm
bốn mươi bốn ngàn người, thuộc mọi chi tộc Israel.
Sau đó, tôi đã nhìn thấy đoàn
người đông đảo không thể đếm được, họ thuộc đủ mọi nước, mọi chi
họ, mọi dân tộc và mọi thứ tiếng. Họ đứng trước ngai vàng và
trước mặt Con Chiên, mình mặc áo trắng tinh, tay cầm nhành lá
thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô rằng: "Kính lạy Thiên Chúa chúng
tôi, Ðấng ngự trên ngai vàng, và Con Chiên".
Rồi tất cả các thiên thần đến
đứng chung quanh ngai vàng, và các trưởng lão cùng bốn con vật
sấp mình xuống trước ngai mà thờ lạy Thiên Chúa rằng: "Amen!
Chúc tụng, vinh hiển, khôn ngoan, cảm tạ, vinh dự, uy quyền và
dũng lực cho Thiên Chúa chúng tôi muôn đời. Amen". Rồi một trong
các trưởng lão lên tiếng hỏi rằng: "Những người mặc áo trắng này
là ai vậy? Và họ từ đâu mà đến?" Tôi đáp lại rằng: "Thưa ngài,
hẳn ngài đã rõ". Và người bảo tôi rằng: "Họ là những người từ
đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt áo và tẩy áo trắng trong máu Con
Chiên".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 23, 1-2.
3-4ab. 5-6
Ðáp: Lạy Chúa, này là dòng dõi của những kẻ tìm Chúa
(c. 6a).
Xướng: 1) Trái đất và muôn loài
trên mặt đất là của Chúa, hoàn cầu và muôn vật trên địa cầu. Vì
chưng Chúa đã xây dựng nền móng trái đất trên biển cả, và Người
đã tạo dựng nó trên các sông ngòi. - Ðáp.
2) Ai sẽ được trèo lên núi Chúa?
Ai sẽ được dừng bước trong thánh điện? Ðó là người có bàn tay vô
tội và tâm hồn trong sạch, không để lòng xuôi theo sự giả trá. -
Ðáp.
3) Người đó sẽ hưởng phúc lành
của Chúa và lượng từ bi của Chúa, Ðấng giải thoát họ. Ðấy là
dòng dõi của những kẻ tìm Người, những kẻ tìm tôn nhan Thiên
Chúa của Giacóp. - Ðáp.
Bài Ðọc II: 1 Ga 3,
1-3
"Người thế nào, chúng ta sẽ thấy
Người như vậy".
Bài trích thư thứ nhất của Thánh
Gioan Tông đồ.
Các con thân mến, các con hãy
coi: Tình yêu của Thiên Chúa Cha đối với chúng ta thế nào, khiến
chúng ta được gọi là con Thiên Chúa và thực sự là thế. Vì đó mà
thế gian không nhận biết chúng ta, vì thế gian không biết Người.
Các con thân mến, hiện nay, chúng ta là con Thiên Chúa, còn
chúng ta sẽ ra sao thì vẫn chưa được tỏ ra. Chúng ta biết rằng:
khi được tỏ ra, thì chúng ta sẽ giống như Người, vì Người thế
nào, chúng ta sẽ thấy như vậy. Và bất cứ ai đặt hy vọng nơi
Người, thì tự thánh hoá mình cũng như Người là Ðấng Thánh.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Mc 11, 28
Alleluia, alleluia! - Chúa phán:
"Tất cả hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta
sẽ nâng đỡ bổ sức cho các con". - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 5,
1-12a
"Phúc cho những ai có tinh thần
nghèo khó".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ
đông đảo, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ
đến gần Người. Bấy giờ Người mở miệng dạy họ rằng:
"Phúc cho những ai có tinh thần
nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. - Phúc cho những ai hiền
lành, vì họ sẽ được Ðất Nước làm cơ nghiệp. - Phúc cho những ai
đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. - Phúc cho những ai đói khát điều
công chính, vì họ sẽ được no thoả. - Phúc cho những ai hay
thương xót người, vì họ sẽ được xót thương. - Phúc cho những ai
có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa. - Phúc
cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên
Chúa. - Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước
Trời là của họ.
"Phúc cho các con khi người ta
ghen ghét, bách hại các con, và bởi ghét Thầy, họ vu khống cho
các con mọi điều gian ác. Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần
thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời".
Ðó là lời Chúa.
Chia sẻ Lời Chúa:
sự sống
viên trọn
Hôm nay, Lễ Trọng Kính Các Thánh
trên trời, Phụng Vụ Lời Chúa vì thế được Giáo Hội chọn đọc đều
trực tiếp liên quan đến Các Thánh: Bài Đọc 1 liên quan tới số
phận của các ngài, Bài Đáp Ca liên quan tới tinh thần của các
ngài, Bài Đọc 2 liên quan tới vinh phúc của các ngài, và sau hết
Bài Phúc Âm liên quan đến thánh đức của các ngài.
Bài Đọc 1 liên quan tới số phận của các ngài.
Thật vậy, Sách Khải Huyền ở đoạn
7 đã cho chúng ta thấy số phận của Các Thánh nơi hình ảnh "đoàn
người đông đảo không thể đếm được, họ thuộc đủ mọi nước, mọi chi
họ, mọi dân tộc và mọi thứ tiếng. Họ đứng trước ngai vàng và
trước mặt Con Chiên, mình mặc áo trắng tinh, tay cầm nhành lá
thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô rằng: 'Kính lạy Thiên Chúa chúng
tôi, Ðấng ngự trên ngai vàng, và Con Chiên'... Rồi một trong các
trưởng lão lên tiếng hỏi rằng: 'Những người mặc áo trắng này là
ai vậy? Và họ từ đâu mà đến?' Tôi đáp lại rằng: 'Thưa ngài, hẳn
ngài đã rõ'. Và người bảo tôi rằng: 'Họ là những người từ đau
khổ lớn lao mà đến, họ giặt áo và tẩy áo trắng trong máu Con
Chiên'".
Phải, nếu NÊN THÁNH là nên giống Chúa Kitô, mà Chúa Kitô là
một Đấng Thiên Sai Cứu Thế khổ nạn và tử giá, và nếu môn đệ
không hơn Thày, đầy tớ không hơn chủ (xem Gioan 13:16), thì ai
muốn theo Người, muốn làm môn đệ của Người không thể đi
con đường nào khác ngoài con đường chính Người đã đi như một
gương mẫu tối hậu cho họ. Càng nên giống Người càng phải khổ.
Càng khổ càng nên giống Người, đúng như dự án của Thiên Chúa: "Những
ai Ngài biết trước thì Ngài cũng tiền định cho thông phần
hình ảnh Con của Ngài" (Roma 8:29). Như thế, nếu Các Thánh
là thành phần giống Chúa Kitô nhất thì các ngài phải là những
con người đã "đi đến bất cứ nơi nào Con Chiên tới" (Khải
Huyền 14:4): "Họ là những người từ đau khổ lớn lao mà đến, họ
giặt áo và tẩy áo trắng trong máu Con Chiên'".
Bài Đáp Ca liên quan tới tinh thần của các ngài.
Thế nhưng, để có thể "từ đau
khổ lớn lao mà đến, giặt áo và tẩy áo trắng trong máu Con
Chiên", "đi đến bất cứ nơi nào Con Chiên tới" như thế, Các
Thánh, như Bài Đáp Ca cho thấy, cần phải "là dòng dõi của
những kẻ tìm Chúa, những kẻ tìm tôn nhan Thiên Chúa của
Giacóp", thành phần "có bàn tay vô tội và tâm hồn trong
sạch, không để lòng xuôi theo sự giả trá".
Bài Đọc 2 liên quan tới vinh
phúc của các ngài.
Ngay từ khi lãnh nhận Phép Rửa, Kitô hữu đã là thánh,
vì đã được trở nên dưỡng tử của Thiên Chúa, đã được thông phần
vào bản tính vô cùng hoàn thiện của Thiên Chúa và sự sống thần
linh vô cùng viên mãn của Ngài, một hiệp thông thần linh ngay
khi còn ở trần gian này, và nhờ đó, sau này, như lời trong
Bài Đọc 2 được trích từ Thư 1 của Thánh Gioan khẳng định: "chúng
ta sẽ giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy như
vậy".
Bài Phúc Âm liên quan đến thánh đức của các ngài.
Vẫn biết, nhờ Phép Rửa, Kitô
hữu đã LÀ THÁNH, nhưng thực tế cho thấy bản tính vướng mắc
nguyên tội của con người, cho dù đã được thanh tẩy, đã được tha
khỏi nguyên tội, vẫn còn nguyên dấu vết và hậu quả của nguyên
tội, chẳng những sống đời khổ đau và cùng đời chết đi, mà
vẫn còn mầm mống tội lỗi là đam mê nhục dục cùng tính mê nết xấu
trong mình nữa, khiến họ luôn hướng hạ và khuynh chiều về xác
thịt, có thể sa ngã phạm tội bất cứ lúc nào, cần phải quyết
liệt chiến đấu cho tới cùng, nhất là khi gặp gian nan khốn khó.
Bởi thế, cho dù đã LÀ THÁNH,
trong cuộc hành trình đức tin trên trần thế, đầy những cám dỗ và
khổ đau, gây ra bởi xác thịt, thế gian và ma quỉ, Kitô hữu
vẫn cần phải liên lỉ NÊN THÁNH nữa, bằng cách thắng vượt bản
tính tự nhiên luôn tìm hưởng thụ đầy vị kỷ của mình, mà trung
thành sống theo tác động thần linh của Thiên Chúa. Nhờ đó, họ
mới có thể LÀM THÁNH đúng như ơn gọi LÀM Con Thiên Chúa và bản
chất LÀ Con Thiên Chúa của họ, thành phần tác hành như Thiên
Chúa là Cha của mình muốn, như Cha của mình tác hành: "trọn lành
như Cha trên trời" (Mathêu 5:48), "thương xót như Cha thương
xót" (Luca 6:36), và "yêu nhau như Thày đã yêu" (Gioan 13:34,
15:12).
Bài Phúc Âm của Thánh ký cho Lễ
Các Thánh hôm nay đã cho thấy thành phần LÀM THÁNH này, qua
những tác động siêu nhiên, tác động thần linh, tác động trọn
lành của họ, những tác động được gọi là thánh đức và được liệt
kê thứ tự như sau:
"Phúc cho những ai có tinh thần
nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.
Phúc cho những ai hiền lành, vì
họ sẽ được Ðất Nước làm cơ nghiệp.
Phúc cho những ai đau buồn, vì
họ sẽ được ủi an.
Phúc cho những ai đói khát điều
công chính, vì họ sẽ được no thoả.
Phúc cho những ai hay thương xót
người, vì họ sẽ được xót thương.
Phúc cho những ai có lòng trong
sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa.
Phúc cho những ai ăn ở thuận
hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
Phúc cho những ai bị bách hại vì
lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ.
Phúc cho các con khi người ta
ghen ghét, bách hại các con, và bởi ghét Thầy, họ vu khống cho
các con mọi điều gian ác. Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần
thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời".
Thánh đức của các thành phần con
cái Thiên Chúa, của những ai LÀM THÁNH như Các Thánh, đó là sống
những tinh thần trọn lành sau đây:
"Nghèo khó": CÁC THÁNH là
những vị trước hết không theo đam mê yêu thích và dính bén với
bất cứ một người nào, một vật nào, một việc nào hay một sự gì
trên thế gian này ngoài Thiên Chúa là Chân Thiện Mỹ duy nhất tối
cao của các vị, là "Nước Trời" của các vị; dù mọi sự trên thế
gian này cần thiết mấy chăng nữa, tốt lành mấy chăng nữa
và ích lợi mấy chăng nữa, các vị cũng chỉ sử dụng chúng như
phương tiện tạm bợ hơn là cùng đích của các vị.
"Hiền lành": CÁC THÁNH là những vị không bao
giờ tỏ thái độ khinh bỉ trần gian và ghét bỏ trần gian, như
những tâm hồn mới bước vào đường nhân đức cảm thấy sốt sắng nhất
thời mắc phải, hay như những tâm hồn là nạn nhân của thế gian
nên quay ra thù hận ghét bỏ thế gian, trái lại, tinh thần nghèo
khó siêu thoát còn làm cho các vị thanh thoát sử dụng tất cả mọi
sự và "hiền lành" đối xử với tất cả mọi sự đúng như giá trị của
chúng, nên các vị chẳng những không mất chúng mà còn giữ được
chúng như "được đất làm của mình vậy", ở chỗ các vị thánh hóa
chúng bằng tinh thần khó nghèo siêu thoát của các vị.
"Khóc lóc": CÁC THÁNH là những vị sống khổ chế
theo tinh thần khó nghèo trọn lành, cho dù việc sống khổ chế của
các vị có làm cho bản tính tự nhiên vốn xu hướng về hưởng thụ vị
kỷ của các vị ban đầu trải qua những lúc cảm thấy tiếc xót;
thế nhưng, cho dù lòng tham muốn tự nhiên có cảm thấy "đau buồn"
hay "khóc lóc", như Dân Do Thái xưa trong sa mạc muốn quay về
với củ hành củ tỏi Ai Cập, các vị vẫn cảm thấy một thứ "an ủi"
khôn sánh trong tâm hồn.
"Đói khát sự công chính": CÁC THÁNH là những vị đói khát sự công
chính hơn ai hết, vì các vị đã có được 3 phúc đức đầu trên đây
trong Tám Mối Phúc Thật liên quan đến tinh thần từ bỏ tạo vật
cũng như chính mình, đến độ các vị không "đói khát" hay mong ước
gì hơn ngoài Nước Trời, ngoài "sự công chính", ngoài phần rỗi
các linh hồn, đến độ cái làm cho các vị "no thỏa" nhất, mãn
nguyện nhất, vui sướng nhất là được hy sinh và phục vụ tha nhân,
nhất là những người anh chị em hèn mọn nhất của Chúa Kitô, theo
khả năng và hoàn cảnh hết sức của các vị.
"Thương xót": CÁC THÁNH là những vị "thương xót" đồng
loại hơn ai hết, nhất là những người anh chị em hèn mọn nhất của
các vị về thể lý (nghèo khổ), về tâm lý (khù khờ), về tâm linh
(dại dột), về luân lý (tội lỗi), về đạo lý (lầm lạc) v.v. Các vị
cảm thấy những bất hạnh nơi anh chị em của mình như là của các
vị, và vì thế các vị dám dấn thân hy sinh cho họ hết sức
mình, đến độ, các vị trở thành đáng "thương xót" như Chúa Kitô
khổ giá đáng thương hơn cả tội nhân.
"Có lòng thanh sạch": CÁC THÁNH là những vị được hiệp nhất nên
một với Vị Thiên Chúa là Tình Yêu, bằng tấm "lòng thanh sạch",
chẳng những ở chỗ các vị không hề quyến luyến và dính bén
với bất cứ một sự gì trần tục thấp hèn trên thế gian này, mà
còn ở chỗ, nhất là sau khi các vị trải qua đêm tối tăm thanh tẩy
đức tin của các vị, các vị được Thánh Linh Chúa chiếm đoạt và
làm chủ, nhờ đó các vị có được một con mắt hết sức tinh tường
hơn ai hết trong việc "nhìn xem Thiên Chúa", tức là trong việc
dễ dàng nhận biết ý Chúa muốn để đáp ứng một cách thích đáng.
"Ăn ở hòa thuận": CÁC THÁNH là những vị tràn đầy bình an của
những người "con cái Thiên Chúa", không gì có thể cướp mất bình
an Chúa Kitô ban cho các vị ở nơi tâm hồn của các vị, cho dù các
vị có bị đau khổ thử thách, trái lại, chính nhờ tình trạng bình
an sâu xa trong tâm hồn các vị ngay trong chính những biến loạn
của cuộc đời như thế của các vị mà các vị luôn "ăn ở thuận
hòa", không bao giờ có đối thủ, không bao giờ biết thù hằn oán
ghét ai, trái lại, luôn tha thứ và nhẫn nại chịu đựng hết mọi
phiền toái hay xúc phạm gây ra bởi những người anh chị em của
các vị.
"Chịu bách hại vì lẽ công chính": CÁC THÁNH là những vị sống công chính,
mà công chính như ánh sáng chiếu soi tăm tối nên các vị luôn trở
thành mục tiêu chống đối và "bách hại" của quyền lực sự dữ, của
thành phần bất chính, như lương tâm chân chính bao giờ cũng bị
con người phàm tục đê hèn phản loạn và đàn áp, như các tiên tri
loan báo những gì Thiên Chúa nhắc nhở đều bị dân Do Thái
chống đối và sát hại, như chính Chúa Kitô bị dân Người phủ nhận
và đóng đanh; nếu không một quyền lực sự dữ nào có thể triệt
hạ được Đấng phục sinh từ trong kẻ chết, thì quyền lực bất khuất
và bất diệt ấy cũng biến những bách hại của các vị trở thành hạt
giống "Nước Trời".
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL.
Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm
hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên
LeChuThanh.mp3