Bài Ðọc I: 1 Ga 2,
18-21
"Các con được Ðấng Thánh xức dầu, và
các con biết mọi sự".
Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan
Tông đồ.
Hỡi các con, đây là giờ sau hết. Các
con đã nghe biết là sẽ có Phản-Kitô đến, thì nay đã có nhiều
Phản-Kitô xuất hiện, do đó chúng ta biết rằng đây là giờ sau
hết. Họ ở giữa chúng ta mà ra, nhưng không thuộc về chúng ta, vì
nếu họ thuộc về chúng ta, thì họ vẫn còn ở với chúng ta. Như vậy
để chứng tỏ rằng không phải tất cả mọi người đều thuộc về chúng
ta.
Còn các con, các con được Ðấng Thánh
xức dầu, và các con biết mọi sự. Ta viết cho các con, không phải
vì các con không biết sự thật, nhưng vì các con biết sự thật, và
phàm là dối trá thì không (thể) do sự thật mà có.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 95, 1-2. 11-12. 13
Ðáp: Trời
xanh hãy vui mừng và địa cầu hãy hân hoan (c. 11a).
Xướng: 1) Hãy ca mừng Thiên Chúa bài
ca mới. Hãy ca mừng Thiên Chúa, hỡi toàn thể địa cầu. Hãy ca
mừng Thiên Chúa, hãy chúc tụng danh Người, ngày ngày hãy loan
truyền ơn Người cứu độ. - Ðáp.
2) Trời xanh hãy vui mừng và địa cầu
hãy hân hoan. Biển khơi và muôn vật trong đó hãy reo lên. Ðồng
nội và muôn loài trong đó hãy mừng vui, các rừng cây hãy vui
tươi hớn hở. - Ðáp.
3) Trước nhan Thiên Chúa, vì Người
ngự tới, vì Người ngự tới cai quản địa cầu. Người sẽ cai quản
địa cầu cách công minh, và chư dân cách chân thành. - Ðáp.
Alleluia: Dt 1, 2
Alleluia, alleluia! - Ngày thánh đã
dọi ánh sáng trên chúng ta. Hỡi các dân, hãy tới thờ lạy Chúa,
vì hôm nay ánh sáng chan hoà đã toả xuống trên địa cầu. -
Alleluia.
Phúc Âm: Ga 1, 1-18
"Ngôi Lời đã làm người".
Bắt đầu Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Gioan.
Từ nguyên thuỷ đã có Ngôi Lời, và
Ngôi Lời vẫn ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời vẫn là Thiên Chúa.
Người vẫn ở với Thiên Chúa ngay từ nguyên thuỷ. Mọi vật đều do
Người làm nên, và không có Người, thì chẳng vật chi đã được tác
thành trong mọi cái đã được tác thành. Ở nơi Người vẫn có sự
sống, và sự sống là sự sáng của nhân loại; sự sáng chiếu soi
trong u tối, và u tối đã không tiếp nhận sự sáng.
Có một người được Thiên Chúa sai đến
tên là Gioan. Ông đã đến nhằm việc chứng minh, để ông chứng minh
về sự sáng, hầu cho mọi người nhờ ông mà tin. Chính ông không
phải là sự sáng, nhưng đến để chứng minh về sự sáng. Vẫn có sự
sáng thực, sự sáng soi tỏ cho hết mọi người sinh vào thế gian
này. Người vẫn ở trong thế gian, và thế gian đã do Người tác tạo
và thế gian đã không nhận biết Người. Người đã đến nhà các gia
nhân Người, và các gia nhân Người đã không tiếp nhận Người.
Nhưng phàm bao nhiêu kẻ đã tiếp nhận Người, thì Người cho họ
được quyền trở nên con Thiên Chúa, tức là cho những ai tin vào
danh Người. Những người này không do khí huyết, không do ý muốn
xác thịt, cũng không do ý muốn của đàn ông, nhưng do Thiên Chúa
mà sinh ra.
Và Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và
Người đã cư ngụ giữa chúng tôi, và chúng tôi đã nhìn thấy vinh
quang của Người, vinh quang Người nhận được bởi Chúa Cha, như
của người Con Một đầy ân sủng và chân lý.
Gioan làm chứng về Người khi tuyên
xưng rằng: "Ðây là Ðấng tôi tiên báo. Người đến sau tôi, nhưng
xuất hiện trước tôi, vì Người có trước tôi". Chính do sự sung
mãn Người mà chúng ta hết thảy tiếp nhận ơn này tới ơn khác.
Bởi vì Chúa ban Lề luật qua Môsê,
nhưng ơn thánh và chân lý thì ban qua Ðức Giêsu Kitô. Không ai
nhìn thấy Thiên Chúa, nhưng chính Con Một Chúa, Ðấng ngự trong
Chúa Cha, sẽ mạc khải cho chúng ta.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm
Emmanuel nguyên thủy
Hôm nay là ngày 31/12, ngày cuối cùng
trong một năm về dân sự, cũng là ngày thứ 7 trong Tuần Bát Nhật
Giáng Sinh. Trong khi Bài Đọc 1 tiếp theo những gì của Bài Đọc 1
hôm qua thì Bài Phúc Âm hoàn toàn khác hắn, bài Phúc Âm trích
lại tất cả đoạn nhập đề Phúc Âm của Thánh ký Gioan về "Lời đã
hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta" (Gioan 1:14).
Vấn đề đầu tiên được đặt ra ở đây là
tại sao vào chính ngày cuối năm dân sự mà Giáo Hội lại chọn đọc
một bài Phúc Âm có câu mở đầu hoàn toàn có ý nghĩa ngược lại, đó
là câu: "Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời,
và Ngôi Lời vẫn ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời vẫn là Thiên
Chúa"? Một đàng thì cuối năm theo dân sự nhưng lại "từ nguyên
thủy" theo phụng vụ vào ngày 31/12 nghĩa là gì?
Ý nghĩa của vấn đề này có thể hiểu
như sau: 1- thời gian một khi đi đến tận cùng thì trở về nguồn
cội, về lại với nguyên thủy; 2- một ngày đối với Thiên Chúa được
bắt đầu từ "một buổi tối và một buổi sáng" (Khởi Nguyên
1:5,8,13,19,23), chứ không phải từ sáng đến tối theo thể lý -
phải chăng đó là lý do Lễ Chúa Nhật hằng tuần được bắt đầu từ
chiều tối hôm trước, và Đại Lễ Giáng Sinh và Đại Lễ Phục
Sinh được bắt đầu từ nửa đêm, hay Lễ Mẹ Thiên Chúa là ngày cuối
cùng của Tuần Bát Nhật Giáng Sinh lại là ngày đầu năm dương
lịch; 3- dù thời gian có qua đi những Thiên Chúa vẫn muôn đời
tồn tại vô cùng vô tận.
Đúng thế, bài Phúc Âm cho ngày cuối
cùng của một năm dân sự này về Ngôi Lời, một Ngôi Lời hằng hữu,
một Ngôi Lời nhập thể và một Ngôi Lời thông ban.
Một Ngôi Lời hằng hữu: "Từ
nguyên thủy đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời vẫn ở với Thiên Chúa, và
Ngôi Lời vẫn là Thiên Chúa. Người vẫn ở với Thiên Chúa ngay từ
nguyên thủy. Mọi vật đều do Người làm nên, và không có Người,
thì chẳng vật chi đã được tác thành trong mọi cái đã được tác
thành. Ở nơi Người vẫn có sự sống, và sự sống là sự sáng của
nhân loại; sự sáng chiếu soi trong u tối, và u tối đã
không át được sự sáng".
Đoạn đầu tiên trong 3 đoạn mở đầu của
bài Phúc Âm hôm nay cho thấy: trước hết là bản tính thần linh
của Lời - ở chỗ Lời có trước thời gian (chứ không phải Lời được
tạo dựng trong thời gian), Lời hiện hữu nơi Thiên Chúa
(vì Lời là chính ý nghĩ về mình của Thiên Chúa và nơi Thiên
Chúa) và Lời là chính Thiên Chúa (Đấng tự hữu, hiện hữu và hằng
hữu); sau nữa, chính vì bản tính thần linh của mình như thế mà
Lời chính là nguyên lý tạo dựng nên mọi sự và là nguyên lý cho
sự hiện hữu của tất cả mọi sự không phải là Thiên Chúa hay ngoại
tại với Thiên Chúa; và sau hết cũng chính vì bản tính thần linh
của mình mà Lời có sự sống thần linh để có thể tỏ mình ra
và thông ban.
Một Ngôi Lời tỏ mình: "Người
vẫn ở trong thế gian, và thế gian đã do Người tác tạo và thế
gian đã không nhận biết Người. Người đã đến nhà các gia nhân
Người, và các gia nhân Người đã không tiếp nhận Người. Nhưng
phàm bao nhiêu kẻ đã tiếp nhận Người, thì Người cho họ được
quyền trở nên con Thiên Chúa, tức là cho những ai tin vào danh
Người. Những người này không do khí huyết, không do ý muốn xác
thịt, cũng không do ý muốn của đàn ông, nhưng do Thiên Chúa mà
sinh ra".
Vì Lời, đối ngoại, là "sự sáng
chiếu soi trong u tối" mà "Người vẫn ở trong thế gian", qua
các nguyên tắc bất biến về luân lý hay qua các mầm mống thần
linh nơi các đạo giáo, và cho dù "thế gian đã
do Người tác tạo", nhưng "thế gian đã không nhận biết
Người". Đối với dân riêng Do Thái của mình, "Người đã đến
nhà các gia nhân Người", ở chỗ Người đã tỏ mình ra cho họ
trong suốt giòng lịch sử cứu độ của họ, nhưng tiếc thay "các
gia nhân Người đã không tiếp nhận Người", thậm chí còn sát
hại Người nữa. Trái lại, "kẻ đã tiếp nhận Người, thì Người
cho họ được quyền trở nên con Thiên Chúa", nghĩa là được tái
sinh bởi trời: "do Thiên Chúa mà sinh ra".
Một Ngôi Lời thông ban: "Ngôi
Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng tôi, và
chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang Người
nhận được bởi Chúa Cha, như của người Con Một đầy ân sủng và
chân lý.... Chính do sự sung mãn Người mà chúng ta hết thảy tiếp
nhận ơn này tới ơn khác. Bởi vì Chúa ban Lề luật qua Môsê, nhưng
ơn thánh và chân lý thì ban qua Ðức Giêsu Kitô. Không ai nhìn
thấy Thiên Chúa, nhưng chính Con Một Chúa, Ðấng ngự trong Chúa
Cha, sẽ mạc khải cho chúng ta"
"Khi đến thời gian viên trọn" (Galata
4:4) thì "Ngôi Lời đã
hoá thành nhục thể" là Đức Giêsu Kitô, "và Người đã cư
ngụ giữa chúng tôi" như một Hài Nhi Giêsu ở Belem, một Thiếu
Nhi ở Giêrusalem, một Thanh Niên ở Nazarét, một Đấng Thiên
Sai đến không phải để được phục vụ mà là phục vụ, không phải để
luận tội mà là để cứu độ, nhờ đó "chúng tôi đã nhìn thấy vinh
quang của Người, vinh quang Người nhận được bởi Chúa Cha, như
của người Con Một đầy ân sủng và chân lý", Đấng "tỏ Cha
ra" bằng việc tuân phục ý Cha là Đấng đã sai Người, "để
khi hoàn tất Người đã trở nên căn nguyên cứu độ cho những ai tín
phục Người" (Do Thái 5:9).
Bài Đọc 1 hôm nay, 31/12, khác hẳn
với Bài Phúc Âm cùng ngày hôm nay, ngày cuối cùng của năm dương
lịch, ở chỗ, ngay câu mở đầu của Bài Đọc 1 hôm nay, trích từ Thư
Thứ Nhất của Thánh Gioan, là thế này: "Hỡi các con, đây là
giờ sau hết", mà ngày 31/12, ngày cuối cùng của một năm là
tiêu biểu.
Thế nhưng, làm sao biết được "đây
là giờ sau hết", nếu không phải, như Bài Đọc 1 hôm nay tiết
lộ và khẳng định, có thể căn cứ vào hiện tượng "đã có nhiều
Phản-Kitô xuất hiện, do đó chúng ta biết rằng đây là giờ sau
hết". Thành phần "phản kitô" này là ai, nếu không
phải là những người "xuất phát từ hàng ngũ của chúng ta nhưng
không thuộc về chúng ta", bởi họ "chối bỏ Chúa Kitô đến
trong xác thịt" (2Gioan 7), tức chối bỏ "Lời đã hóa thành
nhục thể và ở giữa chúng ta" (Gioan 1:14).
Hiện tượng xuất hiện "kitô giả"
hay "phản kitô" là thành phần chối bỏ Chúa Kitô, chối bỏ
sự thật, là hiện tượng chẳng những cho thấy ngày cùng tháng tận
mà còn cho thấy càng tiến đến ngày cùng tháng tận con người
càng sống trong tăm tối, và vì thế họ càng phải được soi sáng
bởi "ánh sáng thật chiếu soi mọi người đã đến trong thế gian"
(Gioan 1:9) là "Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta"
(Gioan 1:14), Đấng "đã có từ nguyên thủy", Đấng bất biến
cho dù thế gian có qua đi, và là Đấng sẽ canh tân tất cả mọi sự
thành một trời mới đất mới là nơi Thiên Chúa muôn đời ngự trị
(xem Khải Huyền 21:1-5), nơi không còn đêm và cửa không bao
giờ đóng (xem Khải Huyền 21:25).
Vì Thiên Chúa là Đấng hiện hữu, không
bao giờ qua đi, luôn mới mẻ, nhất là cho những ai cởi mở đón
nhận Ngài và đáp ứng tác động thần linh của Ngài, mà Ngài
phải được vũ trụ và địa cầu cùng nhau ngợi khen chúc tụng, như
trong Bài Đáp Ca hôm nay:
1) Hãy ca mừng Thiên Chúa bài ca mới.
Hãy ca mừng Thiên Chúa, hỡi toàn thể địa cầu. Hãy ca mừng Thiên
Chúa, hãy chúc tụng danh Người, ngày ngày hãy loan truyền ơn
Người cứu độ.
2) Trời xanh hãy vui mừng và địa cầu
hãy hân hoan. Biển khơi và muôn vật trong đó hãy reo lên. Ðồng
nội và muôn loài trong đó hãy mừng vui, các rừng cây hãy vui
tươi hớn hở.
3) Trước nhan Thiên Chúa, vì Người
ngự tới, vì Người ngự tới cai quản địa cầu. Người sẽ cai quản
địa cầu cách công minh, và chư dân cách chân thành.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu
có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ
trên
GS.Ngay31-12.mp3
31/12 Thánh Silvestrê I, Giáo Hoàng
(270-335)
Ngày 31: Thánh
Silvestrê I, Giáo Hoàng
ThanhGiaoHoangSylvester1.mp3
https://youtu.be/mswBepOKeYk