lễ kính
Ít là từ thế kỷ thứ VI, Hội Thánh
mừng kính các thánh Anh Hài trong Mùa Giáng Sinh. Các thánh trẻ,
bị vua Hê-rô-đê giết, đã trở thành hoa quả đầu mùa của những kẻ
được cứu chuộc.
Phụng
Vụ Lời Chúa
Bài
Ðọc I: 1 Ga 1, 5 - 2,2
"Máu
Chúa Giêsu Kitô rửa chúng tôi sạch mọi tội lỗi".
Trích
thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.
Các con
thân mến, đây là sứ điệp chúng tôi nhận được bởi Chúa, và chúng
tôi loan truyền cho các con: Thiên Chúa là sự sáng và nơi Người
không có sự tối tăm nào. Nếu chúng tôi nói rằng chúng tôi thông
hảo với Người, mà chúng tôi đi trong đường tối tăm, thì chúng
tôi nói dối, và chúng tôi không thực thi chân lý. Nếu chúng tôi
đi trong ánh sáng, cũng như chính Người ở trong ánh sáng, thì
chúng tôi có sự thông hảo với nhau; và máu Chúa Giêsu Kitô Con
Người rửa chúng tôi sạch mọi tội lỗi.
Nếu
chúng tôi nói rằng mình không có tội, thì chúng tôi lừa dối
mình, và trong người chúng tôi không có chân lý. Nếu chúng tôi
xưng tội mình ra, thì Người là Ðấng trung thành và công chính,
sẽ tha tội cho chúng tôi, và rửa sạch chúng tôi khỏi điều gian
ác. Nếu chúng tôi nói rằng chúng tôi không phạm tội, thì chúng
tôi coi Người là kẻ nói dối, và lời của Người không ở trong
chúng tôi.
Các con
thân mến, cha viết những điều này cho các con, để các con đừng
phạm tội, nhưng nếu có ai phạm tội, thì chúng ta có Ðức Giêsu
Kitô, Ðấng công chính làm trạng sư nơi Ðức Chúa Cha. Chính Người
là của lễ đền tội chúng ta, không nguyên đền tội chúng ta mà
thôi, nhưng còn đền tội cho cả thế gian.
Ðó là
lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 123, 2-3. 4-5. 7b-8
Ðáp: Hồn
chúng tôi như chim non, thoát khỏi lưới dò của người gài bẫy bắt
chim (c. 7a).
Xướng:
1) Nếu như Chúa không che chở chúng tôi, khi thiên hạ cùng chúng
tôi gây hấn, bấy giờ người ta đã nuốt sống chúng tôi rồi, khi họ
bừng bừng giận dữ chúng tôi. - Ðáp.
2) Bấy
giờ nước cả đã lôi cuốn mất, trào lưu đã ngập lút con người
chúng tôi, bấy giờ sóng cả kiêu hùng đã ngập lút chúng tôi. -
Ðáp.
3) Lưới
dò đã đứt gãy, và chúng tôi đã thoát thân. Ơn phù trợ chúng tôi
ở nơi danh Chúa, là Ðấng tạo thành trời đất. - Ðáp.
Alleluia:
Alleluia, alleluia! - Chúng con ca ngợi Chúa là Thiên Chúa; tinh
binh các Ðấng Tử Ðạo ca ngợi Chúa. - Alleluia.
Phúc
Âm: Mt 2, 13-18
"Hêrôđê giết hết các con trẻ ở Bêlem".
Tin Mừng
Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi các
đạo sĩ ra đi, thiên thần Chúa hiện ra với ông Giuse trong lúc
ngủ và bảo ông: "Hãy thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang
Ai-cập, và ở đó cho tới khi tôi báo lại ông, vì Hêrođê sắp sửa
tìm kiếm Hài Nhi để sát hại Người". Ông thức dậy, đem Hài Nhi và
mẹ Người lên đường trốn sang Ai-cập đang lúc ban đêm. Ông ở lại
đó cho tới khi Hêrođê băng hà, hầu làm trọn điều Chúa dùng miệng
tiên tri mà phán rằng: "Ta gọi con Ta ra khỏi Ai-cập".
Bấy giờ
Hêrođê thấy mình bị các đạo sĩ đánh lừa, nên nổi cơn thịnh nộ và
sai quân đi giết tất cả con trẻ ở Bêlem và vùng phụ cận, từ hai
tuổi trở xuống, tính theo thời gian vua đã cặn kẽ hỏi các đạo
sĩ. Thế là ứng nghiệm lời tiên tri Giêrêmia đã nói: Tại Rama,
người ta nghe tiếng khóc than nức nở, đó là tiếng bà Rakhel than
khóc con mình, bà không chịu cho người ta an ủi bà, vì các con
bà không còn nữa.
Ðó là
lời Chúa.
Suy niệm
Chưa
biết nói mà đã biết tuyên xưng Chúa Ki-tô
Phụng Vụ Giờ Kinh Bài đọc 2
Trích bài giảng của thánh Quất-vun-đê-ô, giám mục.
Một
trẻ thơ mới chào đời : đó là Vua Cao Cả. Các nhà chiêm tinh từ
miền xa xôi tới. Các ông đến thờ lạy Đấng lúc này đang nằm trong
máng cỏ, nhưng lại là Vua trời đất. Khi nghe các nhà chiêm tinh
báo tin có vị Vua Cao Cả đã chào đời, vua Hê-rô-đê dao động. Và
để khỏi mất ngôi vua, ông đã muốn thủ tiêu Người. Giả như ông
tin Người thì ở dưới thế này ông đã được sống yên ổn, và trong
cuộc sống mai sau ông sẽ được hiển trị muôn đời.
Hỡi
vua Hê-rô-đê, ông sợ điều chi khi nghe tin Vua Cao Cả chào đời ?
Người đâu có đến để lật đổ ông, nhưng để chiến thắng ma quỷ.
Nhưng nào ông có hiểu điều ấy nên đã dao động và giận dữ. Và để
thủ tiêu một đứa trẻ ông đang tìm, ông đã nhẫn tâm giết bao đứa
trẻ khác.
Tình thương của các bà mẹ đang khóc than, nỗi đau đớn của những
người cha mất con đã chết, và tiếng thét gào rên rỉ của các hài
nhi cũng không làm cho ông chùn bước. Ông sát hại những tấm thân
bé bỏng vì nỗi sợ hãi đã giết chết tâm hồn ông. Ông cứ tưởng
rằng nếu thực hiện được điều ông muốn là ông sẽ có thể sống lâu,
đang khi ông lại tìm giết chính Đấng ban sự sống ?
Đấng là nguồn mạch mọi ân sủng, tuy nhỏ bé nhưng cao cả, đang
nằm trong máng cỏ lại làm rung động ngai báu của ông. Người hoạt
động qua ông mà ông đâu biết những ý định của Người, và Người
giải thoát những tâm hồn đang bị ma quỷ giam cầm. Người đón nhận
con cái của thù địch và kể chúng vào số con cái của Người.
Các
trẻ em đã chết vì Chúa Ki-tô mà không biết. Cha mẹ các em than
khóc các em đã chết vì đạo : Chúa Ki-tô đã làm cho các em, tuy
chưa biết nói, mà cũng trở thành những chứng nhân anh dũng của
Người. Hãy xem Đấng đến để hiển trị, đã hiển trị như thế nào.
Này đây Đấng giải phóng đã hoàn thành công cuộc giải phóng, và
Đấng Cứu Độ đã mang lại ơn cứu độ.
Còn
ông, hỡi Hê-rô-đê, vì không biết điều đó nên ông đã dao động và
giận dữ. Ông đâu có biết : chính khi nổi giận vì một em bé, ông
đã suy phục em bé đó rồi.
Ôi
! Hồng ân cao cả ! Các em bé đã có công trạng nào để chiến thắng
như thế ? Các em chưa biết nói mà đã biết tuyên xưng Chúa Ki-tô
! Chân tay yếu ớt, các em chưa đủ sức xông ra chiến trường, thế
mà các em lại được lãnh nhận ngành thiên tuế dành cho người
chiến thắng vinh quang !
Lời
nguyện
Lạy
Chúa, các thánh Anh Hài đã không dùng lời nói, nhưng dùng chính
cái chết của mình mà tuyên xưng danh Chúa, xin cho chúng con
biết lấy cả cuộc đời mà minh chứng niềm tin như chúng con vẫn
tuyên xưng ngoài miệng. Chúng con cầu xin
Emmanuel Anh Hài
Cũng vẫn
theo lịch trình phụng niên thì sau Lễ Thánh Stephanô 26/12 và
Lễ Thánh Gioan Tông Đồ 27/12 là đến Lễ Các Thánh Anh Hài 28/12,
một bộ ba lễ được Giáo Hội cố ý xếp trong Tuần Bát Nhật Giáng
Sinh và ngay sau Đại Lễ Giáng Sinh.
Biến cố
các trẻ em Do Thái vô tội bị sát hại được Giáo Hội mừng kính hôm
nay như Các Thánh Anh Hài, những em bé đã chết thay cho Hài Nhi
Giêsu và chết vì Hài Nhi Giêsu, đã được Thánh ký Mathêu thuật
lại trong Bài Phúc Âm hôm nay như sau:
"Khi
các đạo sĩ ra đi, thiên thần Chúa hiện ra với ông Giuse trong
lúc ngủ và bảo ông: 'Hãy thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người trốn
sang Ai-cập, và ở đó cho tới khi tôi báo lại ông, vì Hêrođê sắp
sửa tìm kiếm Hài Nhi để sát hại Người'. Ông thức dậy, đem Hài
Nhi và mẹ Người lên đường trốn sang Ai-cập đang lúc ban đêm. Ông
ở lại đó cho tới khi Hêrođê băng hà, hầu làm trọn điều Chúa dùng
miệng tiên tri mà phán rằng: 'Ta gọi con Ta ra khỏi Ai-cập'.
"Bấy
giờ Hêrođê thấy mình bị các đạo sĩ đánh lừa, nên nổi cơn thịnh
nộ và sai quân đi giết tất cả con trẻ ở Bêlem và vùng phụ cận,
từ hai tuổi trở xuống, tính theo thời gian vua đã cặn kẽ hỏi các
đạo sĩ. Thế là ứng nghiệm lời tiên tri Giêrêmia đã nói: Tại
Rama, người ta nghe tiếng khóc than nức nở, đó là tiếng bà
Rakhel than khóc con mình, bà không chịu cho người ta an ủi bà,
vì các con bà không còn nữa".
Căn cứ
vào bài Phúc Âm được Thánh ký Mathêu thuật lại trên đây thì
thời điểm các Thánh Anh Hài bị Vua Hêrôđê sát hại vào khoảng sau
thời gian 2 năm Hài Nhi Giêsu được hạ sinh ở Bêlem. Nghĩa là Hài
Nhi Giêsu sau khi được hạ sinh vẫn còn ở Belem chứ không trở về
Nazarét ngay.
Chắc có
lẽ vì Người còn non nớt nên cha mẹ của Người không muốn Người
phải sớm bị gian nan khốn khó cùng với cha mẹ từ Belem ở miền
nam nước Do Thái để vượt khoảng đường trường 70 - 80 dặm (120
cây số từ Nazarét tới Giêrusalem và 10 cây số từ Giêrusalem tới
Belem) đi bộ trở về Nazarét ở miền bắc nước Do Thái, với một
thời gian cả tuần lễ lâu la, phải đi từ từ chầm chậm vì có con
thơ.
Và như
thế, thời gian ba chiêm vương gia Đông phương đến bái thờ Người
tại Belem phải xẩy ra mãi sau này, chứ không ngay sau khi
Người được hạ sinh mấy ngày hay mấy tuần hoặc mấy tháng, mà có
thể là cả năm hay hơn vậy nữa, vì đường đi vừa dài lại vừa
bị lạc.
Chắc
chắn bấy giờ, khi ba chiêm vương gia Đông phương này tới thì Hài
Nhi Giêsu không còn ở ngoài hang lừa máng cỏ bất đắc dĩ như
chính đêm Người được hạ sinh nữa, mà là ở một nơi nào đó, như
trọ nhờ ở nhà của một người có lòng hảo tâm nào đó thuộc khu
vực Belem chẳng hạn. Đó là lý do, Thánh ký Mathêu cho biết là "khi
tiến vào nhà, họ thấy con trẻ với Mẹ của Người"
(Mathêu 2:11).
Thế
nhưng, dù cha mẹ trần gian của Con Trẻ Thần Linh có chăm lo gìn
giữ cho Người không vội trở về nhà của ông bà ở Nazarét xa xôi,
Cha trên trời của Người, Đấng đã sai Người, lại bắt Ngôi Con
nhập thể làm người của Ngài phải trải qua một khoảng đường còn
xa xôi vất vả hơn khoảng cách từ Belem về Nazarét nữa, tức là từ
Belem sang Ai Cập, về hướng Tây Nam, trải qua một khoảng đường
dài hơn gấp đôi (175 dặm hay 281.6 cây số): từ Belem đến biên
giới Ai Cập là 75 dặm (hay 120.7 cây số), và từ biên giới Ai
Cập đến khu vực chung sống của dân Do Thái ở Ai Cập là 100 dặm
(hay 160.9 cây số).
Về lý do
tại sao Thánh Gia phải chạy trốn, Phúc Âm đã cho biết: - là
vì Vua Hêrôđê tìm sát hại Con Trẻ, và tại sao Vua Hêrôđê lại tìm
giết Hài Nhi Giêsu - là vì Người là "vua của người Do Thái
mới sinh" (Mathêu 2:2), theo như ba chiêm vương gia dò hỏi ở
Giêrusalem sau khi các vị bị lạc mất ngôi sao lạ để biết nơi
mà "đến triều bái Người" (Mathêu 2:2).
Phải
chăng nhân vật Hêrôđê tìm sát hại Hài Nhi Giêsu ấy là tên phản
kitô đầu tiên trong lịch sử loài người, một con người chủ trương
"không chấp nhận Chúa Kitô đến trong xác thịt" (xem
2Gioan 7 và 1Gioan 2:22), hoàn toàn phản ảnh tinh thần và đường
lối của Con Khủng Long ngay từ ban đầu: "Bấy giờ Con
Rồng đứng trước người nữ sắp sinh con rình chực nuốt người con
của người nữ khi bé được sinh ra" (Khải Huyền 12:4).
Vấn đề được đặt ra ở đây là tại sao trong biến cố thoát chạy
này Thánh Gia không chọn con đường gần (từ Belem về Nazarét) mà
là con đường xa (từ Belem sang Ai Cập) để trốn chạy Vua Hêrôđê
như thế? Tất nhiên là vì lệnh báo của trời cao qua giấc mộng của
Thánh Giuse, như bài Phúc Âm cho biết, và cũng theo cùng
bài Phúc Âm hôm nay, thì chỉ sau khi sang Ai Cập rồi Thánh
Gia mới về Nazarét. Thế nhưng tại sao Thiên Chúa lại cố ý muốn
chung Thánh Gia và Con của Ngài sang Ai Cập trước khi trở về
Nazarét??
Tại
vì để cho Lời Kinh Thánh được nên trọn, như bài Phúc Âm hôm nay
cho biết: "Ta đã gọi Con Ta ra khỏi Ai Cập" (Hosea 11:1).
Vì Ai Cập là nơi dân Do Thái đã sống cuộc đời làm tôi kéo
dài 430 năm (xem Xuất Hành 12:40) từ khi gia đình 70 người của
tổ phụ Giacóp vì nạn đói hoành hành đã phải sang lánh nạn dưới
thời quan đệ nhị Giuse, người con trai thứ 11 của vị tổ phụ này
(xem Khởi Nguyên 3 đoạn 45, 46 và 47). Chính Thiên Chúa đã
muốn đại gia đình của vị tổ phụ này sang Ai Cập, sống nhờ đất
nước này mà phát triển về dân số để thành như một quốc gia,
sau đó chính Ngài sẽ mang họ về mảnh đất mà Ngài đã hứa cùng tổ
phụ Abraham (xem Khởi Nguyên 46:3-4; 12:7).
Ngoài
ra, nếu biến cố "Ta gọi con Ta ra khỏi Ai Cập" liên
quan đến sự kiện các con trai đầu lòng của dân Ai Cập bị thiên
thần sát hại vào ban đêm thế nào thì các bé trai ở Belem cũng bị
Vua Hêrôđê sát hại, khiến Hài Nhi Giêsu phải lánh sang Ai Cập
cho tới khi được gọi ra khỏi đất Ai Cập, qua mộng báo cho dưỡng
phụ Giuse của Người (xem Mathêu 2:19), để trở về đất Do Thái như
thể mang dân Ai Cập về nguồn cứu độ của và với dân Do Thái vậy.
Thế
nhưng, để thực hiện một biến cố cho Lời Kinh Thánh được nên trọn
như thế, biến cố "Ta gọi con ta ra khỏi Ai Cập", mà chẳng
lẽ cần đến bao nhiêu là mạng sống hài nhi vô tội hay sao? Chỉ
cần Thiên Thần báo mộng cho Thánh Giuse là Thiên Chúa muốn Thánh
Gia sang Ai Cập một thời gian rồi trở về Nazarét cũng được
vậy, đâu cần phải liên quan đến mạng sống của bằng ấy hài nhi.
Tuy nhiên, biến cố các hài nhi ở Belem bị sát hại cũng là biến
cố cần phải nên trọn theo Lời Thánh Kinh như trong bài Phúc Âm
hôm nay cho biết: "Tại Rama, người ta nghe tiếng khóc than
nức nở, đó là tiếng bà Rakhel than khóc con mình, bà không chịu
cho người ta an ủi bà, vì các con bà không còn nữa" (Giêrêmia
31:15).
Như thế,
biến cố Vua Hêrôđê tìm sát hại Chúa Giêsu, khiến Người phải trốn
sang Ai Cập, và vì thế các hài nhi khác bị giết chết thay cho
Người hoàn toàn là do Thiên Chúa sắp xếp theo ý định thần
linh đầy mầu nhiệm của Ngài, một mầu nhiệm liên quan đến cả phần
rỗi của dân Do Thái lẫn dân ngoại. Ở chỗ, máu của các hài nhi đổ
ra thay cho Hài Nhi Giêsu, Đấng Thiên Sai Cứu Thế, xuất thân
từ đất nước và dân tộc Do Thái nhưng để cứu độ toàn thể nhân
loại bằng giá máu mạng sống của mình, một nhân loại được tiêu
biểu nơi ba vị chiêm vương gia tìm đến với Người cũng như nơi
dân Ai Cập. Như thế, máu vô tội của các hài nhi Bêlem là dấu báo
trước máu cứu độ trần gian của Chúa Kitô vậy.
Đáp Ca
cho Thánh Ca Tin Mừng Giờ Phụng Vụ Kinh Sáng đã cảm nhận về thân
phận cùng diễm phúc của các hài nhi Belem bị sát hại, chết thay
cho Hài Nhi Giêsu và chết vì Hài Nhi Giêsu như sau:
Bao trẻ thơ măng sữa
chết bởi tay bạo chúa hung tàn!
Bao hài nhi vô tội
bị sát hại vì danh Ðức
Kitô,
nay được đi theo Người
là Con Chiên vô tỳ tích.
Miệng các em chẳng ngớt tung hô:
Lạy Chúa, Ngài vinh hiển muôn đời!
Bài Đọc 1 hôm nay, được trích từ
Thư 1 của Thánh Gioan, cũng đã nói đến máu cứu độ của Chúa Kitô
ngay trong Lễ Các Thánh Anh Hài này, vì, như trên đã cảm nhận,
máu của Các Thánh Anh Hài như báo trước máu cứu độ vô giá của
Chúa Kitô, Đấng Thiên Sai (của Do Thái / "chúng ta") cũng
chính là Đấng Cứu Độ (của dân ngoại / "thế gian"): "chúng
ta có Ðức Giêsu Kitô, Ðấng công chính làm trạng sư nơi Ðức Chúa
Cha. Chính Người là của lễ đền tội chúng ta, không nguyên đền
tội chúng ta (ám chỉ Do
Thái) mà thôi, nhưng còn đền tội cho cả thế gian (ám
chỉ Dân Ngoại)".
Bài Đáp
Ca hôm nay như vang vọng tâm tình của Các Thánh Anh Hài, những
trẻ thơ vô tội ở Belem xưa, tuy chưa ý thức được ý nghĩa sâu
xa của số phận bị sát hại oan uổng của mình là được chết
cho Đấng Cứu Thế và báo trước cuộc đổ máu của Người, nhưng chính
máu của các vị thánh Anh Hài này đã là một dấu chứng hùng hồn
cho một niềm tin tưởng vào Thiên Chúa Hóa Công là Đấng Quan
Phòng mọi sự cho vinh danh của Ngài và phần rỗi nhân loại:
1)
Nếu như Chúa không che chở chúng tôi, khi thiên hạ cùng chúng
tôi gây hấn, bấy giờ người ta đã nuốt sống chúng tôi rồi, khi họ
bừng bừng giận dữ chúng tôi.
2)
Bấy giờ nước cả đã lôi cuốn mất, trào lưu đã ngập lút con người
chúng tôi, bấy giờ sóng cả kiêu hùng đã ngập lút chúng tôi.
3)
Lưới dò đã đứt gãy, và chúng tôi đã thoát thân. Ơn phù trợ chúng
tôi ở nơi danh Chúa, là Ðấng tạo thành trời đất.
Lời
nguyện Phụng Vụ Giờ Kinh Sách, Kinh Sáng và Kinh Trưa Lễ Các
Thánh Anh Hài:
Lạy Chúa, các thánh Anh Hài đã
không dùng lời nói, nhưng dùng chính cái chết của mình mà tuyên
xưng danh Chúa. Xin cho chúng con biết lấy cả cuộc đời mà minh
chứng niềm tin như chúng con vẫn tuyên xưng ngoài miệng. Chúng
con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen (Nhóm Phiên
Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia
sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên
GS.LeCacThanhAnhHai.mp3
https://youtu.be/J91onlNWSWs