Bài Ðọc I: Hc 3,
3-7. 14-17a
"Ai kính sợ Chúa,
thì thảo kính cha mẹ".
Trích sách Huấn
Ca.
Thiên Chúa suy tôn
người cha trong con cái; quyền lợi bà mẹ, Người củng cố trên
đoàn con. Ai yêu mến cha mình, thì đền bù tội lỗi; ai thảo kính
mẹ mình, thì như người thu được một kho tàng. Ai thảo kính cha
mình, sẽ được vui mừng trong con cái, khi cầu xin, người ấy sẽ
được nhậm lời. Ai thảo kính cha mình, sẽ được sống lâu dài. Ai
vâng lời cha, sẽ làm vui lòng mẹ.
Hỡi kẻ làm con,
hãy gánh lấy tuổi già cha ngươi, chớ làm phiền lòng người khi
người còn sống. Nếu tinh thần người sa sút, thì hãy rộng lượng,
ngươi là kẻ trai tráng, chớ đành khinh dể người. Vì của dâng cho
cha, sẽ không rơi vào quên lãng. Của biếu cho mẹ, sẽ đền bù tội
lỗi, và xây dựng đức công chính của ngươi.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 127,
1-2. 3. 4-5
Ðáp: Phúc
thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường
lối của Người (x. c. 1).
Xướng: 1) Phúc
thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường
lối của Người! Công quả tay bạn làm ra bạn an hưởng, bạn được
hạnh phúc và sẽ gặp may. - Ðáp.
2) Hiền thê bạn
như cây nho đầy hoa trái, trong gia thất nội cung nhà bạn. Con
cái bạn như những chồi non của khóm ô-liu ở chung quanh bàn ăn
của bạn. Ðó là phúc lộc dành để cho người biết tôn sợ Ðức Thiên
Chúa. - Ðáp.
3) Nguyện xin
Thiên Chúa từ Sion chúc phúc cho bạn, để bạn nhìn thấy cảnh
thịnh đạt của Giêrusalem hết mọi ngày trong đời sống của bạn, và
để bạn nhìn thấy lũ cháu đoàn con! - Ðáp.
Bài Ðọc II: Cl 3,
12-21
"Về đời sống gia
đình trong Chúa".
Trích thư Thánh
Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.
Anh em thân mến,
như những người được chọn của Thiên Chúa, những người thánh
thiện và được yêu thương, anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ
bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau,
và hãy tha thứ cho nhau nếu người này có chuyện phải oán trách
người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha
thứ cho nhau. Và trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương,
đó là dây ràng buộc điều toàn thiện. Nguyện cho bình an của Chúa
Kitô làm chủ trong lòng anh em, sự bình an mà anh em đã được kêu
gọi tới để làm nên một thân thể. Anh em hãy cảm tạ Thiên Chúa.
Nguyện cho lời Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong anh em. Với tất cả
sự khôn ngoan, anh em hãy học hỏi và nhủ bảo lẫn nhau. Hãy dùng
những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca của Thần khí, cùng
với lòng tri ân, để hát mừng Thiên Chúa trong lòng anh em. Và
tất cả những gì anh em làm, trong lời nói cũng như trong hành
động, tất cả mọi chuyện, anh em hãy làm vì danh Chúa Giêsu Kitô,
nhờ Người mà tạ ơn Thiên Chúa Cha.
Hỡi các bà vợ, hãy
phục tùng chồng trong Chúa cho phải phép. Hỡi những người chồng,
hãy yêu thương vợ mình, đừng đay nghiến nó. Hỡi những người con,
hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là đẹp lòng Chúa. Hỡi
những người cha, đừng nổi cơn phẫn nộ với con cái, kẻo chúng nên
nhát đảm sợ sệt.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Cl 3,
15a. 16a
Alleluia,
alleluia! - Nguyện cho bình an của Chúa Kitô làm chủ trong lòng
anh em. Nguyện cho lời Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong anh em. -
Alleluia.
Phúc Âm: Lc 2, 41-52
"Hai Ông Bà gặp Chúa Giêsu đang ngồi
giữa các thầy tiến sĩ".
Tin Mừng Chúa
Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Hằng năm cha mẹ Chúa Giêsu có thói
quen lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Lúc bấy giờ Chúa Giêsu
lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ
mừng ngày lễ Vượt Qua. Và khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông
bà ra về, trẻ Giêsu đã ở lại Giêrusalem mà cha mẹ Người không
hay biết. Tưởng rằng Người ở trong nhóm các khách đồng hành, hai
ông bà đi được một ngày đàng, mới tìm kiếm Người trong nhóm bà
con và những kẻ quen biết.
Nhưng không gặp thấy Người, nên hai
ông bà trở lại Giêrusalem để tìm Người. Sau ba ngày, hai ông bà
gặp thấy Người trong đền thờ đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ,
nghe và hỏi các ông. Tất cả những ai nghe Người nói đều ngạc
nhiên trước sự hiểu biết và những câu Người đáp lại.
Nhìn thấy Người, hai ông bà đã ngạc
nhiên, và mẹ Người bảo Người rằng: "Con ơi, sao Con làm cho
chúng ta như thế? Kìa cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con".
Người thưa với hai ông bà rằng: "Mà tại sao cha mẹ tìm Con? Cha
mẹ không biết rằng Con phải lo công việc của Cha Con ư?" Nhưng
hai ông bà không hiểu lời Người nói.
Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về
Nadarét, và Người vâng phục hai ông bà. Maria mẹ Người ghi nhớ
những việc đó trong lòng. Còn Chúa Giêsu thì tiến tới trong sự
khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng, trước mặt Thiên Chúa và người
ta.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm
Emmanuel Thánh Gia
Theo lịch trình phụng niên, Chúa Nhật
trong Tuần Bát Nhật Giáng Sinh là Lễ Thánh Gia. Sau Công Đồng
Chung Vaticanô II (11/10/1062 - 8/12/1965), nhất là từ năm 1970
là năm canh tân phụng vụ theo công đồng này được bắt đầu áp
dụng, thì như thế.
Tuy nhiên, trước Công Đồng Chung
Vatican, Lễ Thánh Gia được cử hành vào Chúa Nhật trong Tuần Bát
Nhật Lễ Hiển Linh, thời điểm hiện nay Giáo Hội cử hành Lễ Chúa
Giêsu Chịu Phép Rửa, và Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, trước
công đồng này được cử hành vào ngày kết thúc Tuần Bát Nhật Hiển
Linh là ngày 13/1 (vì Lễ Hiển Linh bao giờ cũng được mừng vào
ngày 6/1), như Lễ Mẹ Thiên Chúa kết thúc Tuần Bát Nhật Giáng
Sinh hiện nay vậy, một lễ trước công đồng được cử hành vào ngày
11/10, ngày khai mạc Công Đồng Chung Vaticanô II năm 1962. Nếu
Lễ Giáng Sinh rơi vào chính Chúa Nhật thì Lễ Thánh Gia được cử
hành vào ngày 30/12.
Sở dĩ có sự chuyển đổi về thời điểm
các lễ trong phụng niên như vậy là vì ý nghĩa của mỗi lễ và mối
liên hệ giữa các lễ với nhau. Chẳng hạn như nếu Lễ Giáng
Sinh được cử hành vào ngày 25/12 thì lễ sinh nhật Thánh Gioan
Tẩy Giả phải cử hành vào ngày 24/6, trước 6 tháng, vì vị thánh
này được thụ thai trước Chúa Kitô 6 tháng (xem Luca 1:36); hay
vì Lễ Mẹ Vô Nhiễm được cử hành vào ngày 8/12, nên Lễ Sinh Nhật
của Mẹ phải được cử hành vào ngày 8/9, tức trước 9 tháng, ám chỉ
Mẹ Maria được đặc ân vô nhiễm ngay từ khi hoài thai trong lòng
thai mẫu, tức được Thiên Chúa gìn giữ khỏi nguyên tội, và chính
vì thế, Lễ Mẹ Vô Nhiễm bao giờ cũng được cử hành ở thời điểm đầu
Mùa Vọng như thể Mẹ là Rạng Đông (vì Mẹ được hưởng trước Ơn Cứu
Chuộc của Chúa Kitô Con Mẹ) báo hiệu Mặt Trời Công Chính là Chúa
Kitô sắp Giáng Sinh để cứu chuộc loài người.
Lễ Thánh Gia hôm nay cũng thế, sở
dĩ được Giáo Hội cử hành vào Chúa Nhật trong Tuần Bát Nhật Giáng
Sinh, thay vì Chúa Nhật trong Tuần Bát Nhật Hiển Linh, phải
chăng ám chỉ một mối liên hệ mật thiết giữa mầu nhiệm Giáng Sinh
và mầu nhiệm Thánh Gia, ở chỗ, Hài Nhi Giêsu, Vị Thiên Chúa hóa
thân làm người nơi "Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng
ta" (Gioan 1:14) không phải là một nhân vật huyền thoại của
dã sử, cũng không phải là một sinh vật có thật xuất thân từ một
hành tinh nào đột nhiên xuất hiện trên trái đất này, mà là một
nhân vật lịch sử thật sự, được sinh ra có cha có mẹ, trong một
gia đình Do Thái.
Phụng Vụ Lời Chúa theo chu kỳ phụng
niên Năm C cho Chúa Nhật Lễ Thánh Gia hôm nay tập trung vào vai
trò của cả cha mẹ lẫn con cái theo tinh thần đức tin kính sợ
Thiên Chúa. (Xin lưu ý là phụng niên chu kỳ cho cả 3 năm
A-B-C đều giống nhau ở Bài Đọc 1 và 2 cùng Bài Đáp Ca, nhưng Năm
B và Năm C có thể thay đổi Bài Đọc 1 và 2cùng Bài Đáp Ca. Chẳng
hạn Năm C Bài Đọc 1 có thể thay bài Sách Samuel quyển 1 đoạn
1:20-22,24-28, đoạn về bé Samuel được sinh ra bởi bố mẹ son sẻ
và được bố mẹ dâng lại cho Thiên Chúa trong Đền Thờ ở Siloe)
Trước hết, ở Bài Đọc 1, Sách Huấn Ca
dường như nhấn mạnh đến vai trò của con cái đối với cha mẹ của
mình, nhất là đối với người cha, nhiều hơn là vai trò của cha
mẹ đối với con cái, nguyên bài như sau:
"Thiên Chúa suy
tôn người cha trong con cái; quyền lợi bà mẹ, Người củng cố trên
đoàn con. Ai yêu mến cha mình, thì đền bù tội lỗi; ai thảo kính
mẹ mình, thì như người thu được một kho tàng. Ai thảo kính cha
mình, sẽ được vui mừng trong con cái, khi cầu xin, người ấy sẽ
được nhậm lời. Ai thảo kính cha mình, sẽ được sống lâu dài. Ai
vâng lời cha, sẽ làm vui lòng mẹ. Hỡi kẻ làm con, hãy gánh lấy
tuổi già cha ngươi, chớ làm phiền lòng người khi người còn sống.
Nếu tinh thần người sa sút, thì hãy rộng lượng, ngươi là kẻ trai
tráng, chớ đành khinh dể người. Vì của dâng cho cha, sẽ không
rơi vào quên lãng. Của biếu cho mẹ, sẽ đền bù tội lỗi, và xây
dựng đức công chính của ngươi".
Ở đây, trong Bài Đọc 1 này, chúng ta
thấy phận sự của người con cần phải có đối với chung cha mẹ của
mình và nhất là đối với riêng người cha là nhân vật chính trong
gia đình. Ở chỗ: "Ai thảo kính cha mình, sẽ được vui mừng
trong con cái, khi cầu xin, người ấy sẽ được nhậm lời. Ai thảo
kính cha mình, sẽ được sống lâu dài", và ở chỗ: "Hỡi kẻ
làm con, hãy gánh lấy tuổi già cha ngươi, chớ làm phiền lòng
người khi người còn sống. Nếu tinh thần người sa sút, thì hãy
rộng lượng, ngươi là kẻ trai tráng, chớ đành khinh dể người".
Phận vụ của con cái cần phải có đặc
biệt đối với riêng người cha trong Bài Huấn Ca ở Bài Đọc 1 hôm
nay có vẻ trọng cha giảm mẹ như thế không phải chỉ là một thứ
tập tục phản ảnh văn hóa phụ hệ (nói chung, bao gồm nhất
là Á Đông chúng ta) thời ấy, mà còn phản ảnh một mạc khải thần
linh rất sâu xa về vai trò của Thiên Chúa là Cha được mạc khải
trong Cựu Ước, một Vị Thiên Chúa là Cha tỏ ra chăm sóc cho dân
Do Thái chẳng khác gì như một người mẹ (xem Isaia 49:15).
Đó là lý do ngay trong chính Bài Đọc
1 hôm nay, có một câu bao gồm cả cha lẫn mẹ như sau: "Ai vâng
lời cha, sẽ làm vui lòng mẹ". Có nghĩa là dân Do Thái tuân
giữ luật Chúa truyền và trung thành với giao ước của Ngài là làm
những gì đẹp lòng Ngài là Đấng đã tận tâm tận lực chăm sóc cho
họ suốt giòng lịch sử cứu độ của họ. Có thể nói, Thiên Chúa đóng
vai trò là Cha khi tự động yêu thương dân Do Thái, sinh ra họ
bằng cách lập giao ước với họ qua tổ phụ Abraham của họ, và tiếp
tục đóng vai trò làm mẹ khi ở với họ, chăm sóc họ, dìu dắt họ và
thứ tha cho họ.
Nếu Bài Đọc 1 nhấn mạnh đến vai trò
của người con đối với cha mẹ thì Bài Đáp Ca lại chú trọng đến
người chồng đối với vợ cũng là người cha đối với con cái trong
gia đình, mà nếu người chồng và người cha này biết kính sợ Chúa
thì thật là phúc lộc biết bao:
1) Phúc thay những
bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của
Người! Công quả tay bạn làm ra bạn an hưởng, bạn được hạnh phúc
và sẽ gặp may.
2) Hiền thê bạn
như cây nho đầy hoa trái, trong gia thất nội cung nhà bạn. Con
cái bạn như những chồi non của khóm ô-liu ở chung quanh bàn ăn
của bạn. Ðó là phúc lộc dành để cho người biết tôn sợ Ðức Thiên
Chúa.
3) Nguyện xin
Thiên Chúa từ Sion chúc phúc cho bạn, để bạn nhìn thấy cảnh
thịnh đạt của Giêrusalem hết mọi ngày trong đời sống của bạn, và
để bạn nhìn thấy lũ cháu đoàn con!
Ở Bài Đọc II, trong Thư gửi cho Kitô
hữu thành Colose, Thánh Phaolô, ở câu kết thúc, đã bao gồm cả 3
vai trò chứ không nhấn mạnh đến 1 vai trò nào:
"Hỡi các bà vợ,
hãy phục tùng chồng trong Chúa cho phải phép. Hỡi những người
chồng, hãy yêu thương vợ mình, đừng đay nghiến nó. Hỡi những
người con, hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là đẹp lòng
Chúa. Hỡi những người cha, đừng nổi cơn phẫn nộ với con cái, kẻo
chúng nên nhát đảm sợ sệt".
Tuy nhiên, trong chính câu khuyên nhủ
này, chúng ta cũng thấy vị thế của người chồng nổi hơn người
vợ. Ở chỗ, người vợ được nhắc đến đầu tiên về phận sự phải
có đối với chồng mình. Trong Thư Êphêsô (5:21-25) cũng thế,
Thánh Phaolô cũng khuyên nhủ vợ trước chồng:
"Vì lòng
kính sợ Đức Ki-tô, anh em hãy tùng phục lẫn nhau. Người làm vợ
hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ
cũng như Đức Ki-tô là đầu của Hội Thánh, chính Người là Đấng cứu
chuộc Hội Thánh, thân thể của Người. Và như Hội Thánh tùng phục
Đức Ki-tô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự
như vậy. Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Ki-tô
yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh..."
Ở đây cũng thế,
vấn đề có vẻ trọng nam khinh nữ, nặng chồng nhẹ vợ, như trong
chính những lời lẽ của Thánh Kinh, cả Cựu Ước lẫn Tân Ước trên
đây, cách riêng Bài Đọc 1 hôm nay và Đoạn Thư Epheso trên đây,
không phải chỉ là những gì phản ảnh một thứ văn hóa cổ hủ ngày
xưa, mà còn có lý do sâu xa xuất phát từ chính mạc khải Thánh
Kinh và liên quan tới phẩm chất của phái tính nam nữ nữa.
Đúng thế, trong Thư gửi cho Timôthêu (đoạn 2 câu 11-15), Thánh
Phaolô dường như đã cho biết lý do tại sao nữ giới cần phải tuân
phục chồng mình trước, như sau:
"Khi nghe lời
dạy dỗ, đàn bà phải thinh lặng và hết lòng phục tùng. Tôi không
cho phép đàn bà giảng dạy, hay thống trị đàn ông, trái lại họ
phải thinh lặng, vì A-đam được tạo dựng trước, rồi mới đến
E-và. Cũng không phải A-đam đã bị dụ dỗ, nhưng là người đàn bà
đã phạm tội, khi bị dụ dỗ. Tuy nhiên, người đàn bà sẽ được cứu
nhờ sinh con cái, nếu kiên trì giữ đức tin, đức mến và sự thánh
thiện, với lòng đơn sơ giản dị".
Bởi thế giáo huấn của Thánh Phaolô trong Tân Ước hay của Bài
Huấn Ca trong Cựu Ước trong phần Phụng Vụ Lời Chúa cho Chúa Nhật
Lễ Thánh Gia hôm nay không phải là những gì chỉ thuần phản ảnh
nền văn hóa xa xưa mà còn phản ảnh chính mạc khải Thánh Kinh
nữa, có nghĩa là vẫn có giá trị giáo huấn thần linh như
thường.
Trong Bài Phúc Âm
hôm nay, theo Thánh ký Luca cho chu kỳ phụng niên Năm C, liên
quan đến sự kiện Thiếu Nhi Giêsu được cha mẹ của Người tìm
thấy ở trong Đền Thờ Giêsurusalem sau 3 ngày thất lạc, thì vai
trò của người mẹ cũng là người vợ trong gia đình được gọi là
Thánh Gia, một gia đình mô phạm cho tất cả mọi gia đình của xã
hội loài người nói chung và Kitô hữu nói riêng, lại chiếm địa
vị ưu thế và chủ động hơn người chồng và người cha.
Ở chỗ chỉ có
người mẹ lên tiếng với người con chứ không phải người cha: "Nhìn
thấy Người, hai ông bà đã ngạc nhiên, và mẹ Người bảo Người
rằng: 'Con ơi, sao Con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha Con và
mẹ đây đã đau khổ tìm Con'". Ở đây
cũng thế, bề ngoài có vẻ Mẹ Maria lấn lướt Thánh Giuse, nhưng
thật ra, theo mạc khải, vì Thiếu Nhi Giêsu chính là
Người Con được Mẹ thụ thai và hạ sinh "bởi Thánh Linh"
(Mathêu 1:20), nên Mẹ cảm thấy Mẹ đóng vai chính và có trách
nhiệm với Con hơn Bõ Giuse của Người. Chưa nói đến nỗi đớn đau
của Mẹ như chết khi vắng bóng Người Con Thần Linh chí thánh chí
tôn của lòng mẹ kính mến trên hết mọi sự 3 ngày trời, một tình
yêu mến mà Thánh Giuse không thể nào cảm thấy như Mẹ và bằng Mẹ,
so với mối liên hệ giữa ngài với Chúa Giêsu như Mẹ.
Thật ra Mẹ Maria đã biết Thiếu Nhi Giêsu Con Mẹ là Thiên Chúa
nhập thể, một Ngôi Vị Thần Linh có 2 bản tính, thiên tính và
nhân tính. Thế nhưng, về nhân tính, Người giống như mọi người
mọi đàng ngoại trừ tội lỗi. Nghĩa là, về thể lý cũng được thụ
thai, cưu mang, hạ sinh, bú mớm, tăng trưởng, và về tâm lý cũng
cần phải được học hỏi bởi Mẹ và Thánh Giuse, vị thì dạy Thánh
Kinh cho Người, vị thì dạy nghề thợ mộc cho Người. Vì có trách
nhiệm làm cha làm mẹ nên các ngài vẫn phải đi tìm Người khi
không thấy Người đâu, cho dù có biết rằng Người là Thiên Chúa
không thể nào lạc được, và dù có lạc cũng tự biết đường về một
cách an toàn và chính xác, về một thôn làng hẻo lánh vô danh
tiểu tốt để sống một cuộc đời ẩn dật ở đó 30 năm trường, gấp 10
lần 3 năm tỏ mình ra trong tất cả thời gian 33 năm Người sống
trên dương thế ngắn ngủi của Người.
Về phần của Thiếu Nhi Giêsu, Người
vẫn là con của cả hai, của cả Mẹ của Người lẫn Bõ Giuse của
Người, cho dù Thánh Giuse của Người không phải là cha ruột của
Người. Bởi thế, Bài Phúc Âm đã ghi lại lời Người thưa cùng cả
cha lẫn mẹ (cha trước mẹ sau) của Người như sau: "Mà tại sao
cha mẹ tìm Con? Cha mẹ không biết rằng Con phải lo công việc của
Cha Con ư?"
Chưa hết, dù là Con Thiên Chúa,
là Đấng vô cùng hoàn hảo và khôn ngoan hơn cha mẹ trần gian của
mình một trời một vực, đến độ câu trả lời đơn sơ của Người là
một thiếu nhi mới 12 tuổi mà "hai ông bà không hiểu", như
Phúc Âm hôm nay cho biết, và một hình ảnh khác nữa được Phúc Âm
hôm nay thuật lại chỉ nói lên một chút xíu của tất cả sự thật về
Người: "hai ông bà gặp thấy Người trong đền thờ đang ngồi
giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi các ông. Tất cả những ai nghe
Người nói đều ngạc nhiên trước sự hiểu biết và những câu Người
đáp lại", Người vẫn sống trọn thân phận của một người con
trong gia đình, như câu áp kết của Bài Phúc Âm hôm nay cho
thấy: "Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Nadarét, và Người
vâng phục hai ông bà", khiến Mẹ của Người phải "ghi nhớ
những việc đó trong lòng".
Ôi, một mẫu gương làm con tuyệt vời
và lý tưởng là chừng nào. Một Thiên Chúa Hóa Công toàn năng và
thượng trí trong thân phận làm người đã chẳng những trở thành
con cái của loài người về thể lý, được thụ thai, cưu mang, hạ
sinh, chăm sóc và dưỡng dục, mà còn sống trọn thân phận làm con
của mình về phương diện luân lý, bằng việc ngoan ngoãn tuân phục
cha mẹ của mình. Đó là lý do Bài Phúc Âm đã kết thúc ở câu: "Chúa
Giêsu thì tiến tới trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng,
trước mặt Thiên Chúa và người ta".
Lạy Thiếu Nhi Giêsu là "Lời đã hóa
thành nhục thể và ở giữa chúng (con)" (Gioan 1:14), đã vâng
phục cha mẹ trần gian của mình, xin cũng hoán cải chúng con trở
nên như những trẻ nhỏ như Chúa đối với cha mẹ của chúng con cũng
như với các vị bề trên được Chúa gửi đến chăm sóc và dẫn dắt
chúng con thay Chúa. Amen.
Thánh Thi trong Giờ Kinh Sách của Lễ Thánh Gia đã cảm nghiệm và
diễn tả chung Thánh Gia và riêng Chúa Giêsu Nazarét thật là
tuyệt vời như sau:
Ngất ngây êm đềm khi tưởng nhớ
Ngôi nhà nếp sống kẻ thường dân,
Giêsu Cứu Chúa, Người trầm lặng,
Vui cảnh đơn sơ thú thanh bần.
Học nghề thợ mộc với cha nuôi,
Tháng năm khôn lớn, ẩn xa đời,
Ðồng lao cộng tác, Người chia sẻ
Nước mắt mồ hôi của kiếp người.
Ðăm đăm khóe mắt, nhìn không mỏi,
Hạnh phúc một đời cạnh chồng con,
Bà phải gian nan mà sung sướng,
Mối tình thắm thiết, chẳng hao mòn.
Thánh Gia từng trải nỗi lầm than,
Xin dủ tình thương kẻ cơ hàn,
Ðoái lại gian trần đầy đau khổ,
Cho người kêu khấn được ủi an.
Muôn tâu Thánh Tử, Ngài giáng thế
Nêu tấm gương đời thật trắng trong,
Cùng với Thánh Linh và Thánh Phụ
Vinh quang hiển trị mãi vô cùng.
Lời Cầu và Lời Nguyện
Phụng Vụ Giờ Kinh Chiều II Lễ Thánh Gia
Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng hữu, đã
chấp nhận sống trong một gia đình dương thế. Ta hãy thờ lạy
Người mà thân thưa:
Lạy Chúa là Vị Cứu Tinh nhân loại,
Chúa đã nêu gương cho người thế học
đòi.
Chúa đã vâng phục Mẹ Maria và thánh
Giuse cách lạ lùng, - xin dạy chúng con biết kính phục những nhà
lãnh đạo chân chính.
Chúa đã nhiệt tình lo công việc Chúa
Cha, - xin dạy các gia đình cũng nhiệt tâm phụng thờ Chúa Cha
như vậy.
Chúa đã hằng thảo kính cha mẹ và
được cha mẹ mến yêu, - xin cho mọi gia đình chúng con được êm ấm
thuận hoà, thấm nhuần tình tương thân tương ái.
Chúa đã để cha mẹ phải lo lắng kiếm
tìm đang khi Chúa ở lại Giêrusalem, - xin dạy chúng con biết tìm
kiếm Nước Thiên Chúa.
Chúa đã cho Ðức Mẹ và thánh Giuse
được chung hưởng vinh phúc trên trời, - xin đón nhận anh chị em
chúng con đã qua đời vào hàng chư thánh hiển vinh.
Lạy Chúa, Chúa đã muốn đề cao Thánh
Gia như tấm gương xán lạn để mọi người bắt chước. Xin làm cho
chúng con cũng biết học đòi mà ăn ở đúng lễ nghĩa gia phong,
sống đùm bọc lẫn nhau trong tình yêu mến, hầu được chung hưởng
niềm an vui vĩnh cửu trong nhà Chúa trên trời. Chúng con cầu xin
vì Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con.