`

 

Tuần Bát Nhật trước Đại Lễ Giáng Sinh - Ngày 22/12 Thứ Tư

Bài Ðọc I: 1 Sm 1, 24-28

"Bà Anna tạ ơn Chúa vì được sinh Samuel".

Trích sách Samuel quyển thứ nhất.

Ngày ấy, sau khi đã cho Samuel dứt sữa, bà Anna liền bắt một con bò ba tuổi, lấy ba cân bột, một vò rượu, và dẫn con đến nhà Chúa ở Silô. Con trẻ lúc đó còn nhỏ bé. Họ tế lễ con bò và dâng con trẻ cho ông Hêli. Anna thưa: "Kính lạy ngài, chúc ngài khang an! Tôi là người đàn bà nọ đã đứng cầu xin Chúa nơi đây trước mặt ngài. Tôi đã cầu xin vì trẻ này, và Chúa đã cho tôi được như tôi xin. Vậy tôi xin dâng lại cho Chúa, trót mọi ngày nó thuộc về Chúa". Và họ thờ lạy Chúa ngay ở đó.

Ðó là lời Chúa. 

Ðáp Ca: 1 Sm 2, 1. 4-5. 6-7. 8abcd

Ðáp: Lòng tôi nhảy mừng trong Chúa cứu độ tôi (c. 1a).

Xướng: 1) Lòng tôi nhảy mừng trong Chúa, khí phách tôi hướng lên Thiên Chúa của tôi, miệng tôi rộng mở chống quân thù, tôi vui mừng vì Chúa cứu độ tôi. - Ðáp.

2) Cung nỏ người hùng bị bẻ tan, người kiệt sức lại nai nịt dũng khí; kẻ no đầy nay làm thuê vì miếng bánh, người đói lả nay lại được no nê. Người son sẻ lại con đàn cháu đống, kẻ nhiều con lại trở nên héo tàn. - Ðáp.

3) Chúa cho chết và Chúa làm cho sống, cho đi xuống mồ rồi lại đem lên, làm cho nghèo rồi cho nên giàu có, hạ xuống thấp rồi lại nhắc lên cao. - Ðáp.

4) Cho kẻ bần cùng đứng dậy khỏi bụi tro, nâng cao kẻ nghèo khỏi phân nhơ rác rến, cho ngồi chung với vua quan tướng lãnh, đặt cho họ một ngai báu vinh quang. - Ðáp. 

Alleluia:

Alleluia, alleluia! - Lạy Vua muôn dân và Ðá Góc toà nhà Hội thánh, xin hãy đến cứu độ con người mà Chúa đã tạo dựng bằng bùn đất! - Alleluia. 

Phúc Âm: Lc 1, 46-56

"Ðấng Toàn Năng đã làm cho tôi những sự trọng đại".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Maria nói rằng: "Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ tôi, vì Chúa đã đoái nhìn đến phận hèn tớ nữ của Chúa. Từ nay muôn thế hệ sẽ khen tôi có phước, vì Ðấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại, và danh Ngài là thánh. Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia dành cho những ai kính sợ Chúa. Chúa đã vung cánh tay ra oai thần lực, dẹp tan những ai lòng trí kiêu căng. Chúa lật đổ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng, và nâng cao những người phận nhỏ. Chúa đã cho người đói khát no đầy ơn phước, và để người giàu có trở về tay không. Chúa săn sóc Israel tôi tớ Chúa, bởi nhớ lại lòng thương xót của Ngài. Như Chúa đã phán cùng các tổ phụ chúng tôi, cho Abraham và dòng dõi Người đến muôn đời!"

Maria ở lại với bà Isave độ ba tháng, đoạn Người trở về nhà mình.

Ðó là lời Chúa.


 

Suy nghiệm Lời Chúa

nhập thể ngợi khen  

Hôm nay là ngày 22/12 trong Tuần Bát Nhật trước Đại Lễ Giáng Sinh. Vẫn theo Phúc Âm của Thánh ký Luca cho 6 ngày còn lại của tuần bát nhật tiền Giáng Sinh này, mầu nhiệm cứu độ nơi "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14) được tiếp tục với Ca Vịnh Ngợi Khen của Mẹ Maria.

Thật vậy, sau khi được "thụ thai Con Đấng Tối Cao... Con Thiên Chúa" (Luca 1:32,35) trong cung dạ trinh nguyên của mình từ biến cố truyền tin, và sau khi được thai mẫu "đầy Thánh Linh" (Luca 1:41) của thai nhi Gioan Tiền Hô Tẩy Giả nhận biết cùng khen tặng, thì người thôn nữ Nazarét được Sách Diễm Tình Ca trong Bài Đọc 1 hôm qua diễn tả như "Bồ câu trong hốc đá, trong kẹt ghềnh", đã "cho thấy mặt mình", với "tiếng thánh thót... êm ái" cùng với "nét mặt mình xinh tươi'" trong Ca Vịnh Ngợi Khen Magnificat như sau:

"Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ tôi, vì Chúa đã đoái nhìn đến phận hèn tớ nữ của Chúa. Từ nay muôn thế hệ sẽ khen tôi có phước, vì Ðấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại, và danh Ngài là thánh. Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia dành cho những ai kính sợ Chúa. Chúa đã vung cánh tay ra oai thần lực, dẹp tan những ai lòng trí kiêu căng. Chúa lật đổ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng, và nâng cao những người phận nhỏ. Chúa đã cho người đói khát no đầy ơn phước, và để người giàu có trở về tay không. Chúa săn sóc Israel tôi tớ Chúa, bởi nhớ lại lòng thương xót của Ngài. Như Chúa đã phán cùng các tổ phụ chúng tôi, cho Abraham và dòng dõi Người đến muôn đời!"

Nơi bài Ca Vịnh Ngợi Khen Magnificat quen thuộc này, một ca vịnh được Giáo Hội chọn đọc trong Tuần Bát Nhật tiền Giáng Sinh này, cũng như nơi Ca Vịnh Chúc Tụng Benedictus của tư tế thân phụ hài nhi Tiền Hô Gioan Tẩy Giả bao giờ cũng vào ngày 24/12, chất chứa một niềm trông mong và tin tưởng vào Vị Thiên Chúa cứu độ, cách riêng của dân Do Thái.

Đúng thế, nội dung của Ca Vịnh Ngợi Khen Magnificat của Mẹ Maria trong Bài Phúc Âm hôm nay đã chú trọng đến Vị Thiên Chúa cứu độ, thứ tự như sau: Vị Thiên Chúa đã cứu độ chính cá nhân Mẹ (1); Vị Thiên Chúa cứu độ những ai đáng thương (2), và là Vị Thiên Chúa đặc biệt cứu độ dân Do Thái của Ngài (3).

1- Vị Thiên Chúa đã cứu độ chính cá nhân Mẹ: "Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ tôi, vì Chúa đã đoái nhìn đến phận hèn tớ nữ của Chúa". Qua câu này, Mẹ Maria đã công nhận là Mẹ cũng được Thiên Chúa cứu độ, như thể chính Mẹ nhận biết Mẹ được đặc ân vô nhiễm ngay từ lúc Mẹ được hoài thai trong lòng thai mẫu của Mẹ, như chúng ta vẫn tin theo tín điều được Chân Phước Giáo Hoàng Piô IX tuyên bố ngày 8/12/1854. 

Mẹ được Thiên Chúa cứu độ ở đây, trong trường hợp chuyên biệt duy nhất của Mẹ, không phải vì Mẹ "khi còn là những tội nhân" (Roma 5:8) như tất cả loài người là giòng dõi của Mẹ, mà Mẹ được Thiên Chúa cứu độ ở chỗ Ngài đã gìn giữ riêng một mình Mẹ khỏi nhiễm lây nguyên tội, cùng các tì vết và hậu quả của nguyên tội, ở chỗ, Ngài đã cho Mẹ được hưởng trước Ơn Cứu Độ của Chúa Giêsu Kitô Con Mẹ, cho dù Người chưa nhập thể giáng sinh, bởi Mẹ đã được Thiên Chúa từ đời đời tuyển chọn làm Mẹ Thiên Chúa. 

2- Vị Thiên Chúa cứu độ những ai đáng thương: "Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia dành cho những ai kính sợ Chúa. Chúa đã vung cánh tay ra oai thần lực, dẹp tan những ai lòng trí kiêu căng. Chúa lật đổ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng, và nâng cao những người phận nhỏ. Chúa đã cho người đói khát no đầy ơn phước, và để người giàu có trở về tay không".

Những ai đáng Thiên Chúa cứu độ được Mẹ Maria cảm nghiệm thấy và liệt kê trong Ca Vịnh Ngợi Khen Magnificat này, thứ tự như sau: 

Trước hết là "những ai kính sợ Chúa", chứ không phải "những ai lòng trí kiêu căng", thành phần đầy những tự phụ tự đắc cho mình là nhất, ở chỗ kỹ càng tuân giữ lề luật, và tỏ ra khinh người, theo khung hướng tự nhiên của đa số hay hầu hết thành phần biệt phái và luật sĩ trong dân Do Thái. 

Sau nữa là "những người phận nhỏ" trước tôn nhan Chúa, chứ không phải "người quyền thế", thành phần lạm dụng quyền bính trời ban của mình để hưởng thụ hơn là phục vụ, điển hình như một quận vương Hêrôđê trong việc sát hại Tiền Hô Gioan Tẩy Giả hay tìm giết hài nhi Giêsu. 

Sau hết là "người đói khát", cảm thấy mình nghèo hèn thiếu thốn chỉ biết tìm kiếm chân lý và tin tưởng và Đấng Tối Cao, chứ không phải "người giàu có", thành phần tự cho mình viên mãn và tự mãn, chẳng cần gì, có thể "tự độ", tự cứu được bản thân mình, chẳng cần đến Thiên Chúa cứu độ. 

Một nhân vật tiêu biểu cho thành phần hội đủ 3 yếu tố đáng được Chúa thương hay đáng trở thành nơi cho Lòng Thương Xót Chúa tỏ hiện, đó là thai nhi Tiền Hô Gioan Tẩy Giả đang ở trong lòng mẹ bấy giờ. Tác động nhẩy mừng trong lòng thai mẫu của thai nhi Gioan khi được gặp gỡ Lời Nhập Thể trong cung dạ trinh nguyên của Mẹ Maria không phải là tác động "kính sợ Chúa" đầu tiên của vị tiền hô này hay sao? Sau này, cho dù được chung dân chúng và riêng thành phần lãnh đạo dân chúng tưởng mình là Đấng Thiên Sai, vị tiền hô này đã không tỏ ra mình thuộc "những người phận nhỏ" hay sao, ở chỗ chẳng những phủ nhận mà còn nhận mình không đáng cởi giây giầy cho Đấng đến sau cao trọng hơn mình hay sao, như bài Phúc Âm Chúa Nhật II và III Năm B cho thấy. Và vị tiền hô này cũng đã không phải là "người nghèo khó" hay sao, ở lòng "đói khát" trông đợi Lòng Thương Xót Chúa tỏ mình ra nơi Đấng Thiên Sai Cứu Thế đến sau mình, khi thân xác của vị tiền hô tẩy giả này chỉ mặc áo lông thú vật và ăn châu chấu ở trong hoang địa, như Phúc Âm Chúa Nhật II Mùa Vọng thuật lại về ngài. 

Tuy nhiên, vì là Vị Thiên Chúa cứu độ, Vị Thiên Chúa là Tình Yêu vô cùng nhân hậu, Ngài cũng muốn cứu tất cả mọi người, kể cả thành phần "lòng trí kiêu căng", "quyền thế" và "giàu có" nữa, mà càng như vậy thì Ngài càng cần phải cứu họ và tìm hết cách để cứu họ, như Ngài đã từng thực hiện trong suốt giòng lịch sử cứu độ của dân Do Thái của Ngài.

3- Vị Thiên Chúa đặc biệt cứu độ dân Do Thái của Ngài: "Chúa săn sóc Israel tôi tớ Chúa, bởi nhớ lại lòng thương xót của Ngài. Như Chúa đã phán cùng các tổ phụ chúng tôi, cho Abraham và dòng dõi Người đến muôn đời!"

Dân Do Thái nói chung, qua giòng lịch sử cứu độ của mình, một lịch sử cho thấy tình yêu thương vô cùng nhân hậu của Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất của họ, đã liên lỉ tỏ ra bất trung với Ngài, bằng những thái độ bất xứng của họ, được tiêu biểu nơi "con bò vàng" (Xuất Hành đoạn 32), một thứ ngẫu tượng cho thấy họ vừa "kiêu căng" (ở chỗ từ bỏ và hoàn toàn bất tuân phục Vị Thiên Chúa đã tỏ tường cứu họ ra khỏi thân phận nô lệ ở Ai Cập), vừa "quyền thế" (ở chỗ ngang nhiên truất phế quyền bính của vị Thiên Chúa chân thật duy nhất nơi họ), và vừa "giầu có" (vì "con bò vàng" được làm nên bởi chính vàng bạc của họ đóng góp, như ám chỉ họ tự độ hay tự có thể cứu độ họ mà không cần Thiên Chúa). Thế nhưng, "dù chúng ta có bất trung, Ngài vẫn trung thành, vì Ngài không thể chối bỏ chính mình Ngài" (1Timôthêu 2:13).

Đó là lý do, Ca Vịnh Ngợi Khen Magnificat đã kết luận ở câu then chốt và chính yếu nhất làm nên lịch sử cứu độ của dân Do Thái, cũng là câu phản ảnh chính bản chất của Đấng đã xưng mình với Moisen: "Ta là Ta - I am who am" (hay) "Ta là hiện hữu" (hoặc) "Ta là Đấng Có" (Xuất Hành 3:14), tức là "Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac và Thiên Chúa của Giacóp" (Xuất Hành 3:15), Vị Thiên Chúa bất biến, Vị Thiên Chúa luôn hiện hữu, Vị Thiên Chúa luôn ở với dân Ngài, Vị Thiên Chúa thủy chung trước sau như một, đã hứa là làm, bất chấp con người có bất trung và bất xứng: "Chúa săn sóc Israel tôi tớ Chúa, bởi nhớ lại lòng thương xót của Ngài. Như Chúa đã phán cùng các tổ phụ chúng tôi, cho Abraham và dòng dõi Người đến muôn đời!"

Theo tinh thần của Bài Ca Vịnh Ngợi Khen Magnificat về thành phần "kính sợ", "nhỏ bé" và "đói khát" đáng được Thiên Chúa cứu độ ấy, có một người nữ điển hình trong Bài Đọc 1 hôm nay, đó là thân mẫu của bé Samuel, một bà mẹ luôn "kính sợ" Thiên Chúa, nhưng lại bị Ngài để cho son sẻ, nhưng bà vẫn "đói khát" tin tưởng cầu xin cùng Chúa bằng tất cả thân phận "nhỏ bé" của mình, để rồi khi được nhận lời, bà đã giữ lời hứa dâng con mình cho Chúa:

"Ngày ấy, sau khi đã cho Samuel dứt sữa, bà Anna liền bắt một con bò ba tuổi, lấy ba cân bột, một vò rượu, và dẫn con đến nhà Chúa ở Silô. Con trẻ lúc đó còn nhỏ bé. Họ tế lễ con bò và dâng con trẻ cho ông Hêli. Anna thưa: 'Kính lạy ngài, chúc ngài khang an! Tôi là người đàn bà nọ đã đứng cầu xin Chúa nơi đây trước mặt ngài. Tôi đã cầu xin vì trẻ này, và Chúa đã cho tôi được như tôi xin. Vậy tôi xin dâng lại cho Chúa, trót mọi ngày nó thuộc về Chúa'. Và họ thờ lạy Chúa ngay ở đó".

Bài Đáp Ca hôm nay được trích trong đoạn Sách Samuel, tiếp ngay sau Bài Đọc 1 trên đây, một Ca Vịnh Ngợi Khen Magnificat Cựu Ước được vang lên từ môi miệng mẹ của hài nhi Samuel, cũng chất chứa và bộc lộ tâm tình tương tự như trong Ca Vịnh Ngợi Khen Magnificat Tân Ước của Mẹ Maria ở Bài Phúc Âm hôm nay, một tâm tình tin tưởng cậy trông vào Thiên Chúa và chúc tụng ngợi khen cảm tạ Lòng Thương Xót của Vị Thiên Chúa cứu độ:  

1) Lòng tôi nhảy mừng trong Chúa, khí phách tôi hướng lên Thiên Chúa của tôi, miệng tôi rộng mở chống quân thù, tôi vui mừng vì Chúa cứu độ tôi. 

2) Cung nỏ người hùng bị bẻ tan, người kiệt sức lại nai nịt dũng khí; kẻ no đầy nay làm thuê vì miếng bánh, người đói lả nay lại được no nê. Người son sẻ lại con đàn cháu đống, kẻ nhiều con lại trở nên héo tàn. 

3) Chúa cho chết và Chúa làm cho sống, cho đi xuống mồ rồi lại đem lên, làm cho nghèo rồi cho nên giàu có, hạ xuống thấp rồi lại nhắc lên cao. 

4) Cho kẻ bần cùng đứng dậy khỏi bụi tro, nâng cao kẻ nghèo khỏi phân nhơ rác rến, cho ngồi chung với vua quan tướng lãnh, đặt cho họ một ngai báu vinh quang. 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên

Ngay.22-12.mp3