Bài Ðọc I: Mk 5, 2-5a
"Nơi ngươi sẽ xuất hiện Ðấng thống
trị Israel".
Bài trích sách Tiên tri Mikha.
Ðây lời Chúa phán: "Hỡi Bêlem
Ephrata, ngươi nhỏ nhất trong trăm ngàn phần đất Giuđa, nhưng
nơi ngươi sẽ xuất hiện một Ðấng thống trị Israel, và nguồn gốc
Người có từ nguyên thuỷ, từ muôn đời. Vì thế, Người sẽ bỏ dân
Người cho đến khi một người nữ phải sinh, sẽ sinh con. Số còn
lại trong anh em Người, sẽ trở về với con cái Israel. Người sẽ
đứng vững và chăn dắt trong sức mạnh của Chúa, trong thánh danh
cao cả của Chúa là Thiên Chúa của Người. Và họ sẽ trở về, vì bấy
giờ Người sẽ nên cao trọng cho đến tận cùng trái đất. Vì vậy,
Người sẽ là chính sự bình an".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 79, 2ac và 3b. 15-16. 18-19
Ðáp: Lạy
Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin cho chúng con được phục hồi,
xin tỏ thiên nhan hiền từ Chúa ra, hầu cho chúng con được ơn cứu
sống (c. 4).
Xướng: 1) Lạy Ðấng chăn dắt Israel,
xin hãy lắng tai nghe! Chúa ngự trên Vệ Binh Thần, xin hiện ra
trong sáng láng. Xin thức tỉnh quyền năng của Chúa, và ngự tới
để cứu độ chúng con. - Ðáp.
2) Lạy Chúa thiên binh, xin thương
trở lại, từ trời cao xin nhìn coi và thăm viếng vườn nho này.
Xin bảo vệ vườn nho mà tay hữu Ngài đã cấy, bảo vệ ngành mà Ngài
đã củng cố cho mình. - Ðáp.
3) Xin Chúa ra tay bang trợ người ở
bên tay hữu Chúa, con người mà Chúa đã củng cố cho mình. Chúng
con sẽ không còn rời xa Chúa nữa. Chúa cho chúng con được sống,
và chúng con ca tụng danh Người. - Ðáp.
Bài Ðọc II: Dt 10, 5-10
"Này đây con đến để thi hành thánh ý
Chúa".
Bài trích thơ gởi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, khi đến trong thế
gian, Chúa Giêsu phán: "Chúa đã không muốn của hy tế và của lễ
hiến dâng, nhưng đã tạo nên cho tôi một thể xác. Chúa không nhận
của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội. Nên tôi nói: 'Lạy Chúa, này
con đến để thi hành thánh ý Chúa, như đã nói về con ở đoạn đầu
cuốn sách'".
Sách ấy bắt đầu như thế này: "Của lễ
hy tế, của lễ hiến dâng, của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội,
Chúa không muốn cũng không nhận, mặc dầu được hiến dâng theo lề
luật. Ðoạn Người nói tiếp: Lạy Chúa, này đây con đến để thi hành
thánh ý Chúa". Như thế đã bãi bỏ điều trước để thiết lập điều
sau. Chính bởi thánh ý đó mà chúng ta được thánh hoá nhờ việc
hiến dâng Mình Chúa Giêsu Kitô một lần là đủ.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Lc 1, 38
Alleluia, alleluia! "Này tôi là tôi
tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền". - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 1, 39-45
"Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến
viếng thăm tôi".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh
Luca.
Ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi
tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông
Dacaria và chào bà Isave. Và khi bà Isave nghe lời chào của
Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Isave được đầy
Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng: "Bà được chúc phúc giữa
các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc! Bởi đâu tôi
được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi? Vì này, tai tôi vừa nghe
lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà
là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện".
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm
nhập thể viếng thăm
Hôm nay là Chúa Nhật IV Mùa Vọng. Tuy đang ở trong Tuần Bát Nhật
trước Đại Lễ Giáng Sinh từ ngày 17 đến 24/12, nhưng Phụng Vụ Lời
Chúa là của Chúa Nhật IV hơn là thứ tự theo ngày từ 17 đến
24. Tuy nhiên, chủ đề về mầu nhiệm "Lời đã hóa thành nhục thể"
(Gioan 1:14), theo Phụng Vụ Lời Chúa của Chúa Nhật IV Mùa Vọng,
cũng cho thấy tất cả sự thật liên quan đến biến cố giáng sinh
của Đấng Thiên Sai Cứu Thế là Chúa Giêsu Kitô.
Thật vậy, Đấng Thiên Sai Cứu Thế này,
cho dù là Con của Vị "Thiên Chúa là thần linh" (Gioan
4:24), cũng là vị "Thiên Chúa vô hình" (Colosê 1:15),
nhưng được lời hứa cứu độ ngay sau nguyên tội cho biết là thuộc
giòng dõi loài người, giòng dõi người nữ (xem Khởi Nguyên 3:15).
Bởi thế, Người cần phải được hạ sinh bởi một người nữ và ở
một địa điểm đặc biệt trên trái đất này, chứ không phải từ trời
nhẩy xuống hay từ một hành tinh nào tới trái đất đây. Đó là lý
do chính Thiên Chúa, qua giòng lịch sử cứu độ của dân Do Thái,
và qua các tiên tri, đã liên tục củng cố lời hứa của mình trước
niềm trông đợi mỏi mòn của họ, bằng việc Ngài báo trước về Vị
Thiên Sai Cứu Thế mà Ngài đã hứa và chắc chăn sẽ sai đến, đặc
biệt là qua Tiên Tri Mica trong Bài Đọc 1 hôm nay:
"Hỡi Bêlem Ephrata, ngươi nhỏ nhất
trong trăm ngàn phần đất Giuđa, nhưng nơi ngươi sẽ xuất hiện một
Ðấng thống trị Israel, và nguồn gốc Người có từ nguyên thủy, từ
muôn đời. Vì thế, Người sẽ bỏ dân Người cho đến khi một người nữ
phải sinh, sẽ sinh con. Số còn lại trong anh em Người, sẽ trở về
với con cái Israel. Người sẽ đứng vững và chăn dắt trong sức
mạnh của Chúa, trong thánh danh cao cả của Chúa là Thiên Chúa
của Người. Và họ sẽ trở về, vì bấy giờ Người sẽ nên cao trọng
cho đến tận cùng trái đất. Vì vậy, Người sẽ là chính sự bình
an".
Đúng thế, theo giòng lịch sử cứu độ
của mình, dân Do Thái đã bao nhiêu lần, (thậm chí cho đến ngày
nay sau hơn hai ngàn năm Đấng Thiên Sai Cứu Thế thực sự đã giáng
sinh), vẫn mòn mỏi đợi trông Đấng Thiên Sai Cứu Thế của họ, như
lòng họ tưởng nghĩ và mong muốn, nhất là những lúc họ bị ngoại
bang thống trị như một hình phạt họ phải chịu gây ra bởi tội bất
trung phản bội của họ, và họ cảm thấy bất lực không thể tự
cứu được bản thân mình cùng dân tộc của mình, ngoài lòng trông
mong Đấng Thiên Sai Cứu Thế của họ. Bài Đáp Ca hôm nay hoàn toàn
phản ảnh tâm trạng trông mong của họ vào Vị Thiên Chúa cứu độ
duy nhất của họ:
1) Lạy Ðấng chăn dắt Israel, xin hãy
lắng tai nghe! Chúa ngự trên Vệ Binh Thần, xin hiện ra trong
sáng láng. Xin thức tỉnh quyền năng của Chúa, và ngự tới để cứu
độ chúng con.
2) Lạy Chúa thiên binh, xin thương
trở lại, từ trời cao xin nhìn coi và thăm viếng vườn nho này.
Xin bảo vệ vườn nho mà tay hữu Ngài đã cấy, bảo vệ ngành mà Ngài
đã củng cố cho mình.
3) Xin Chúa ra tay bang trợ người ở
bên tay hữu Chúa, con người mà Chúa đã củng cố cho mình. Chúng
con sẽ không còn rời xa Chúa nữa. Chúa cho chúng con được sống,
và chúng con ca tụng danh Người.
Sứ vụ chính yếu của Đấng Thiên Sai
Cứu Thế là Đức Giêsu Kitô lịch sử này đến là để giải cứu dân
mình cho khỏi bị làm tôi cho tội lỗi (xem Luca 1:77), một tình
trạng thiêng liêng nhưng được tiêu biểu nơi việc họ làm tôi cho
quyền lực thế gian do bởi chính tội lỗi của họ gây ra, nghĩa là
Người giải phóng họ khỏi tội lỗi thì họ sẽ không còn bị làm tôi
cho quyền lực ngoại xâm. Chính vì thế mà Người phải hiến thân
làm của lễ hy sinh đền tội bằng việc hoàn toàn tuân phục của
Người (xem Do Thái 5:8-9), đúng như những gì được Thư Do Thái
khẳng định trong Bài Đọc 2 hôm nay:
"Anh em thân mến, khi đến trong thế
gian, Chúa Giêsu lên tiếng nói: 'Chúa đã không muốn của hy tế và
của lễ hiến dâng, nhưng đã tạo nên cho tôi một thể xác. Chúa
không nhận của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội. Nên tôi nói: Lạy
Chúa, này con đến để thi hành thánh ý Chúa, như đã nói về con ở
đoạn đầu cuốn sách.... Chính bởi thánh ý đó mà chúng ta được
thánh hoá nhờ việc hiến dâng Mình Chúa Giêsu Kitô một lần là
đủ".
Nếu Chúa Giêsu Kitô lịch sử được sinh
ra bởi giòng giống Do Thái thì mẹ của Người cũng phải là một phụ
nữ Do Thái, "một người nữ phải sinh sẽ sinh con" đã được
tiên báo trống trống ở Bài Đọc 1 hôm nay, và người nữ ấy, trong
bài Phúc Âm hôm nay chính là người nữ được Thánh ký Luca thuật
lại cho biết đến thăm viếng người chị họ của mình là Isave, một
người chị đã được sứ thần cho biết là "đã thụ thai được 6
tháng" trong biến cố truyền tin ở bài Phúc Âm ngày 20/12 của
Tuần Bát Nhật trước Đại Lễ Giáng Sinh. Biến cố thăm viếng ngay
sau biến cố truyền tin này được Thánh ký Luca trình thuật
lại đã xẩy ra như sau:
"Ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra
đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông
Dacaria và chào bà Isave. Và khi bà Isave nghe lời chào của
Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Isave được đầy
Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng: 'Bà được chúc phúc giữa
các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc! Bởi đâu tôi
được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi? Vì này, tai tôi vừa nghe
lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà
là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện'".
Ý nghĩa của bài Phúc Âm Mẹ Maria thăm
viếng bà chị họ Isave được Giáo Hội chọn đọc cho Chúa Nhật IV
Mùa Vọng hôm nay là Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Vọng ngay trước
hay gần đến Đại Lễ Giáng Sinh đây mang một ý nghĩa như thế nào,
nếu không phải cho thấy sự hiện diện thật sự của "Lời đã hóa
thành nhục thể" (Gioan 1:14) nơi mẹ của Người hay sao, một
sự hiện diện thần linh thực sự chứ không phải chỉ che mắt thế
gian, một sự hiện diện được chứng thực qua tác dụng thần linh
nơi chính cả thai mẫu lẫn thai nhi Gioan qua lời chào của Trinh
Nữ Maria Nazarét.
Tác dụng thần linh thứ nhất chứng
thực "Lời đã hòa thành nhục thể" trong lòng Trinh Nữ
Maria Nazarét xẩy ra nơi chính thai nhi Gioan: "khi bà Isave
nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà".
Theo các thánh suy diễn thì thai nhi
Gioan được khỏi nguyên tội ngay khi còn được thụ thai trong lòng
mẹ vào lúc 6 tháng tuổi, lúc "Lời đã hóa thành nhục thể" được
Mẹ Maria thụ thai và cưu mang đến thăm thai mẫu của bé. Như thế,
tác dụng thần linh đầu tiên của "Lời đã hóa thành nhục thể"
nơi cung dạ trinh nguyên của Mẹ Maria là ơn cứu độ của thai nhi
Gioan, Vị Tiền Hô Tẩy Giả tương lai của Người, Vị được
sai đến để dọn đường cho Người, và chính là tiền thân của
Người đóng vai như một "phù rể" (xem Gioan 3:29).
Tác dụng thần linh thứ hai chứng thực
"Lời đã hòa thành nhục thể" trong lòng Trinh Nữ Maria
Nazarét xẩy ra nơi chính thai mẫu của thai nhi Gioan: "và bà
Isave được đầy Chúa Thánh Thần". Không phải hay sao,
chính vì được đầy Thánh Linh mà bà chị họ Isave này, cho
dù không có mặt trong biến cố truyền tin Lời Nhập Thể với Mẹ
Maria, bà cũng đã nói lên tất cả những gì xẩy ra lúc bấy giờ: "Bà
được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc
phúc! Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi?... Phúc
cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực
hiện'".
Mẹ Maria quả thực chẳng hề nói gì với
bà chị họ của mình về biến cố truyền tin nói chung và
về đặc ân được thụ thai và cưu mang Lời Nhập Thể nói riêng, như
chính bài Phúc Âm hôm nay cho thấy, cả lời chào của Mẹ cũng
chẳng được Thánh ký Luca ghi rõ là gì. Thế mà tự mình, vì được "đầy
Thánh Linh", bà chị họ này cũng nhận biết ngay rằng:
1- Mẹ Maria có phúc hơn mọi người nữ
kể cả chính bản thân bà!
2- Mẹ đã được thụ thai một Người Con
vô cùng cao cả chứ không phải chỉ là một phàm nhân tầm thường;
3- Người em diễm phúc hơn mọi người
nữ đang đứng trước mặt bà bấy giờ đã trở thành "Mẹ Chúa tôi";
4- Người em diễm phúc ấy đã hoàn toàn
tin tưởng vào những gì được truyền tin, không như phu quân của
bà vì ngờ vực nên đã bị câm;
5- Những gì được truyền tin cho người
em tin tưởng diễm phúc này chắc chắn sẽ được nên trọn liên
quan đến vương quốc vô cùng tận của Người Con cao cả đang được
cưu mang trong lòng người em này.
Là Kitô hữu, chúng ta còn diễm phúc
hơn thai mẫu và thai nhi Gioan Tiền Hô Tẩy Giả nhiều. Ở chỗ, nhờ
Phép Rửa thanh tẩy tái sinh chúng ta đã được lãnh nhận Thánh
Linh và nên một với chính Chúa Giêsu Kitô, thậm chí được đồng
hóa với Chúa Kitô, đến độ ai phạm đến chúng ta là phạm đến chính
Chúa Kitô: "Saulê, Saulê, sao ngươi lại bắt bớ Ta?" (Tông
Vụ 9:4). Thế nhưng, chúng ta đã cảm nghiệm thấy Người và tác
dụng thần linh của Người nơi chúng ta hay chăng, Đấng đang thực
sự sống trong chúng ta nhờ Thánh Thần của Người và muốn tỏ mình
ra cho thế gian qua chúng ta?
Nếu liên kết Bài Phúc Âm Chúa Nhật IV
Mùa Vọng Năm C này với Bài Phúc Âm Chúa Nhật IV Mùa Vọng Năm A
và Năm B chúng ta càng thấy được ý nghĩa sâu xa của bài Phúc Âm
Năm C hôm nay, một bài Phúc Âm Giáo Hội chọn đọc cho cả ngày
21/12 trong Tuần Bát Nhật trước Lễ Giáng Sinh. Thật vậy, nếu Bài
Phúc Âm cho Chúa Nhật IV Mùa Vọng Năm A về sự kiện Lời Nhập Thể
có cha có mẹ trần gian là Thánh Giuse và Mẹ Maria, đúng như gia
phả của Người trong Bài Phúc Âm ngày 17/12 đã liệt kê, nhưng
Thánh Giuse không phải là cha ruột của Chúa Kitô, và Bài Phúc Âm
cho Chúa Nhật IV Mùa Vọng Năm B về sự kiện Lời Nhập Thể được thụ
thai bởi Quyền Phép Đấng Tối Cao là Chúa Thánh Thần, thì Bài
Phúc Âm cho Chúa Nhật IV Mùa Vọng Năm C hôm nay về sự kiện Lời
Nhập Thể thông ban Thánh Linh của Người cho thai nhi tiền hô
Gioan của mình, để thánh hiến ngài ngay trong lòng mẹ, nhờ đó
ngài xứng đáng đóng vai tiền hô của Người, và làm phép rửa cho
ngài là Đấng đến sau nhưng cao trọng hơn ngài, Đấng đã ban cho
ngài Thánh Thần của mình ngay khi ngài còn ở trong bụng mẹ, hầu
ngài có thể nhận biết Người và loan báo chính xác về Người, dù
chưa bao giờ thấy Người và gặp Người.
Có thể nói Lời Nhập Thể trong cung dạ
Mẹ Maria đã làm phép rửa cho thai nhi tiền hô Gioan ngay lúc bấy
giờ, nhờ đó vị tiền hô của Người được tái sinh bởi Thánh Thần,
nhờ đó sau này vị tiền hô này mới xứng đáng làm phép rửa thống
hối cho Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã được ngài loan báo là "sẽ
làm phép rửa Thánh Thần" (Gioan 1:33) mà chính bản thân ngài
đã được lãnh nhận khi còn là một thai nhi 6 tháng tuổi.
Như thế, phải chăng Lời Nhập Thể là
để thông ban Thánh Thần cho con người tội lỗi, để thanh tẩy con
người và thánh hóa con người nói chung, nhất là những ai Người
chọn nói riêng. Bằng không, con người tự mình không thể nào nhận
biết và yêu mến Thiên Chúa như Ngài là và như Ngài đáng, trái
lại, con người còn dễ sa ngã phạm tội làm mất lòng Thiên Chúa
nữa, như đã xẩy ra cho hai nguyên tổ ngay từ ban đầu, dù bấy giờ
hai vị chưa có đam mê nhục dục và tính mê nết xấu. Cái yếu tố
chính yếu làm nên tội phúc đó là tự do của con người nói riêng,
và của loài có ý muốn tự do nói chung, bao gồm cả thiên thần,
loài không có xác thịt, và tất nhiên không có đam mê nhục dục
cùng tính mê nết xấu mà vẫn phạm tội, hoàn toàn chỉ vì ý riêng.
Nếu ngay từ ban đầu loài người hữu hình và hữu hạn đã được Thiên
Chúa thông ban Thánh Linh của Ngài cho, thì họ đã không phạm
tội: "Ai sinh bởi Thiên Chúa thì không thể phạm tội"
(1Gioan 3:9).
Bởi thế, Thiên Chúa cứu chuộc con
người ở chỗ thông ban Thánh Thần của Người cho con người, và
chính vì vậy mà sau khi phục sinh, Chúa Kitô đã thông ban Thánh
Thần của Người cho các tông đồ để nhờ đó các vị có thể tha tội
lỗi cho nhân loại (xem Gioan 20:22).
Chính vì con người là loài hữu hình
và hữu hạn, trong khi đó Thánh Linh của Thiên Chúa là Đấng vô
hình và vô hạn, loài người tạo vật không thể nào xứng đáng và có
khả năng để chấp nhận. Và đó là lý do Thiên Chúa phải hóa thân
làm người, phải nhập thể, để nhân tính của Người, được ngôi hiệp
với thần tính ngay từ khi được thụ thai trong lòng Trinh Nữ
Maria, được Cha xức dầu Thánh Linh, trở thành phương tiện thông
ban Thánh Linh, qua lời nói và việc làm của Người, những lời nói
và việc làm đúng như ý Cha của Người. Bài Đọc 1 hôm nay nói về 2
bản tính này của Lời Nhập Thể khi nhắc tới 2 chi tiết liền nhau
sau đây: "Bêlem Ephrata, ngươi nhỏ nhất trong trăm ngàn phần
đất Giuđa, nhưng nơi ngươi sẽ xuất hiện một Ðấng thống trị
Israel" (nhân tính) và "nguồn gốc Người có từ nguyên
thủy, từ muôn đời" (thần tính).
Tuy nhiên, vì là một con người thật,
cho dù là vị Thiên Chúa nhập thể, Chúa Giêsu Kitô vẫn có tự do
và ý muốn riêng của một con người, và vì thế Người vẫn có thể
làm theo ý mình hơn là ý Cha là Đấng đã sai Người. Và chính vì
Người luôn làm theo ý Cha của Người mà Người luôn tràn đầy Thánh
Linh, Đấng đã chẳng những tác tạo nên nhân tính của Người mà còn
điều khiển cả cuộc đời của Người, nhờ đó, tất cả những gì xuất
phát từ nhân tính của Người đều do Thánh Linh và có thể thông
ban Thánh Linh. Nếu con người không có Thánh Linh nên mới phạm
tội thế nào, thì Chúa Kitô tuân theo ý Cha của Người, bù lại tội
bất tuân phục của con người ngay từ ban đầu, nên Người có Thánh
Linh và thông ban Thánh Linh cho con người như vậy.
Và đó là lý do Bài Đọc 2 hôm nay nhấn
mạnh đến yếu tố then chốt vô cùng quan trọng sau đây: "Khi
đến trong thế gian, Chúa Giêsu phán: Chúa đã không muốn của hy
tế và của lễ hiến dâng, nhưng đã tạo nên cho tôi một thể xác.
Chúa không nhận của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội. Nên tôi
nói: 'Lạy Chúa, này con đến để thi hành thánh ý Chúa, như đã nói
về con ở đoạn đầu cuốn sách'".
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu
có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ
trên
MV.CN.IV-C.mp3
https://youtu.be/o0a6hKgr9ZE