Bài
Ðọc I: Ds 24, 2-7. 15-17a
"Ngôi sao từ nhà Giacóp mọc lên".
Trích sách Dân Số.
Trong những ngày ấy, Balaam ngước mắt
lên nhìn Israel cắm trại theo từng bộ lạc, và Thánh Thần Chúa
ngự xuống trên ông, ông liền tuyên sấm và nói: "Lời sấm của
Balaam, con ông Beor, lời sấm của người đang mở mắt; lời sấm của
người nghe lời Thiên Chúa, của người chiêm ngắm Ðấng Toàn Năng,
của người ngã mà mắt vẫn mở. Hỡi nhà Giacóp, doanh trại của
ngươi đẹp biết bao! Hỡi Israel, chỗ cư ngụ của ngươi tốt dường
nào! Nó rộng lớn như thung lũng, như những vườn bên dòng sông,
như cây trầm hương mà Thiên Chúa đã trồng, như cây hương nam bên
suối nước. Nước tràn ra khỏi thùng chứa, và hạt giống của ngươi
được tưới dư dật. Vua ngươi sẽ trổi vượt Agag, và vương quốc
ngươi sẽ uy hùng".
Balaam lại tuyên sấm và nói: "Lời sấm
của Balaam, con của Beor, lời sấm của người đang mở mắt, lời sấm
của người nghe lời Thiên Chúa, của người biết ý nghĩ Ðấng Tối
Cao, của người xem thấy hình ảnh Ðấng Toàn Năng, của người ngã
mà mắt vẫn mở. Tôi thấy Người, chưa phải bây giờ. Tôi thấy Người
không phải gần. Một ngôi sao từ Giacóp mọc lên. Một phủ việt từ
Israel xuất hiện".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 24, 4bc-5ab. 6-7bc. 8-9
Ðáp: Lạy
Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa (c. 4b).
Xướng: 1) Lạy Chúa, xin chỉ cho con
đường đi của Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Ngài. Xin
hướng dẫn con trong chân lý và dạy bảo con, vì Chúa là Thiên
Chúa cứu độ con. - Ðáp.
2) Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương
xót của Ngài, lòng thương xót tự muôn đời vẫn có. Xin hãy nhớ
con theo lòng thương xót của Ngài, vì lòng nhân hậu của Ngài,
thân lạy Chúa. - Ðáp.
3) Chúa nhân hậu và công minh, vì thế
Ngài sẽ dạy cho tội nhân hay đường lối. Ngài hướng dẫn kẻ khiêm
cung trong đức công minh, dạy bảo người khiêm cung đường lối của
Ngài. - Ðáp.
Alleluia:
Alleluia, alleluia! - Chúa đến, hãy
ra đón Người; chính Người là Hoàng tử Bình an. - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 21, 23-27
"Phép rửa của Gioan bởi đâu mà có?"
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh
Matthêu.
Khi ấy Chúa Giêsu vào Ðền thờ. Lúc
Người giảng dạy, các thượng tế và kỳ lão trong dân đến hỏi Người
rằng: "Ông lấy quyền nào mà làm những điều này? Ai đã ban quyền
ấy cho ông?" Chúa Giêsu trả lời: "Tôi cũng hỏi các ông một điều.
Nếu các ông trả lời cho tôi, thì tôi sẽ nói cho các ông biết tôi
lấy quyền nào mà làm các điều đó. - Phép Rửa của Gioan bởi đâu
mà có? Bởi trời hay bởi người ta?" Họ bàn tính với nhau rằng:
"Nếu ta nói bởi trời, thì ông sẽ nói với ta: Vậy tại sao các
ngươi không tin ông ấy? Và nếu ta nói bởi người ta, thì chúng ta
lại sợ dân chúng. Vì mọi người coi Gioan như một vị tiên tri".
Bấy giờ họ trả lời Chúa Giêsu rằng: "Chúng tôi không được biết".
Chúa Giêsu nói với họ: "Tôi cũng không nói cho các ông biết tôi
lấy quyền nào mà làm các điều đó".
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm
nhập thể chứng từ
Hôm nay, Thứ Hai Mùa Vọng Tuần
Thứ Ba, Bài Phúc Âm của Thánh ký Mathêu thuật lại lời đối đáp
giữa "các trưởng tế và kỳ lão trong dân" hỏi Chúa Giêsu
trong "đền thờ" về thẩm quyền của Chúa Kitô, Đấng vừa ra
tay đánh đuổi thành phần dân chúng buôn bán trong đền thờ, và
cả câu Người trả lời họ.
"Khi ấy Chúa Giêsu vào Ðền thờ. Lúc
Người giảng dạy, các thượng tế và kỳ lão trong dân đến hỏi Người
rằng: 'Ông lấy quyền nào mà làm những điều này? Ai đã ban quyền
ấy cho ông?' Chúa Giêsu trả lời: 'Tôi cũng hỏi các ông một điều.
Nếu các ông trả lời cho tôi, thì tôi sẽ nói cho các ông biết tôi
lấy quyền nào mà làm các điều đó. - Phép Rửa của Gioan bởi đâu
mà có? Bởi trời hay bởi người ta?' Họ bàn tính với nhau rằng:
'Nếu ta nói bởi trời, thì ông sẽ nói với ta: Vậy tại sao các
ngươi không tin ông ấy? Và nếu ta nói bởi người ta, thì chúng ta
lại sợ dân chúng. Vì mọi người coi Gioan như một vị tiên tri'.
Bấy giờ họ trả lời Chúa Giêsu rằng: 'Chúng tôi không được biết'.
Chúa Giêsu nói với họ: 'Tôi cũng không nói cho các ông biết tôi
lấy quyền nào mà làm các điều đó'".
Ở đây, chúng ta không bàn đến những
chi tiết nào khác ngoài chi tiết liên quan đến Mùa Vọng cũng là
chi tiết liên quan tới chính bản thân của Vị Tiền Hô Gioan Tẩy
Giả cũng như đến phép rửa của ngài được Chúa Giêsu nhắc đến
trong câu vừa trả lời vừa chất vấn của Người.
Tại sao Chúa Giêsu lại nhắc đến Vị
Tiền Hô Gioan Tẩy Giả của Người ở đây, trong trường hợp
này, liên quan đến thẩm quyền thanh tẩy đền thờ của Người,
và vào thời điểm sắp sửa xẩy ra biến cố Vượt Qua của Người? Vẫn
biết, để chứng tỏ mình là ai và từ đâu đến, Chúa Giêsu chỉ cần
chứng từ bởi trời là Cha của Người qua những việc Người làm
cũng đủ và mới chính xác, chứ không cần đến chứng từ của loài
người là Vị Tiền Hô Gioan Tẩy Giả này, như Người đã khẳng định
cùng dân Do Thái như thế:
"Nếu tôi làm chứng
về chính mình, thì lời chứng của tôi không thật. Có Đấng khác
làm chứng về tôi, và tôi biết: lời Người làm chứng về tôi là lời
chứng thật. Chính các ông đã cử người đến gặp ông Gio-an, và ông
ấy đã làm chứng cho sự thật. Phần tôi, tôi không cần lời chứng
của một phàm nhân, nhưng tôi nói ra những điều này để các ông
được cứu độ. Ông Gio-an là ngọn đèn cháy sáng, và các ông đã
muốn vui hưởng ánh sáng của ông trong một thời gian. Nhưng phần
tôi, tôi có một lời chứng lớn hơn lời chứng của ông Gio-an: đó
là những việc Chúa Cha đã giao cho tôi để tôi hoàn thành; chính
những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai
tôi".
Đúng vậy, chỉ vì lợi ích của chính
thành phần lãnh đạo trong dân chất vấn Người mà Chúa Giêsu đã
lấy chính chứng từ loài người để nhắc nhở họ, vì chính họ biết
rằng Tiền Hô Gioan Tẩy Giả không phải là "Đức Kitô" mà
là Đấng sau ngài, như chính vị tiền hô này đã chẳng những
minh định mà còn chỉ cho dân chúng (bao gồm cả họ trong đó)
thấy: "Kìa, Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian"
(Gioan 1:29).
Chúa Giêsu còn nhắc nhở họ về việc
họ đã từng tìm đến tận nơi ở và gặp tận mặt Vị Tiền Hô Gioan Tẩy
Giả này: "Chính các ông đã cử người đến gặp ông Gio-an, và
ông ấy đã làm chứng cho sự thật", như chính Thánh ký Gioan
ghi lại về sự kiện không thể chối cãi này như sau:
"Và đây là lời chứng của ông Gio-an,
khi người Do-thái từ Giê-ru-sa-lem cử một số tư tế và mấy thầy
Lê-vi đến hỏi ông: 'Ông là ai?' Ông tuyên bố thẳng thắn, ông
tuyên bố rằng: 'Tôi không phải là Đấng Ki-tô'. Họ lại hỏi ông:
'Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Ê-li-a không?' Ông nói:
'Không phải'. - 'Ông có phải là vị ngôn sứ chăng?' Ông đáp:
'Không'. Họ liền nói với ông: 'Thế ông là ai, để chúng tôi còn
trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính
ông?' Ông nói: Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa
đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ I-sai-a đã nói.
Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pha-ri-sêu. Họ
hỏi ông: 'Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là
Đấng Ki-tô, cũng không phải là ông Ê-li-a hay vị ngôn sứ?' Ông
Gio-an trả lời: 'Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một
vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau
tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người'. Các việc đó đã
xảy ra tại Bê-ta-ni-a, bên kia sông Gio-đan, nơi ông Gio-an làm
phép rửa".
Qua câu
vấn đáp giữa họ và vị mà họ tưởng là Đức Kitô, họ đã nghe chính
miệng của vị này tuyên bố về tính chất trần gian nơi phép rửa
của mình - "phép rửa trong nước", so với Đấng thẩm quyền
hơn ngài nhưng đến sau ngài là Đấng "đang ở giữa các ông mà
các ông không biết".
Lời của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả đã hoàn
toàn ứng nghiệm nơi thành phần lãnh đạo dân Do Thái này, ngay
lúc bấy giờ, lúc Chúa Kitô vừa trả lời vừa chất vấn họ và gợi ý
cho họ về bản thân Người, về Đấng được Tiền Hô Gioan Tẩy Giả
nói đến, có thẩm quyền hơn cả ngài mà họ không biết, cho dù ngay
lúc ấy Người đã tỏ uy quyền của Người ra trước mắt họ bằng
việc đánh đuổi dân chúng bán buôn trong đền thờ linh thiêng, một
hành động có tính cách thanh tẩy, như Người vừa làm phép rửa để
tẩy sạch tất cả những gì là trần tục nhơ nhớp nơi dân của Người
nói chung cũng như nơi đền thờ bị họ làm ô uế nói riêng, một
hành động như thể báo trước về chính phép rửa Người sắp phải
lãnh nhận nơi cuộc Vượt Qua của Người.
Tuy nhiên, dầu sao thì họ vẫn có
thiện chí tìm kiếm chân lý, cho dù chưa nhận ra chân lý, bởi
thành kiến trần gian và khả năng thiển cận của họ. Bởi thế, Chúa
Giêsu mới tiếp tục dùng hết cách để tỏ mình ra cho họ, và bởi
thế họ mới cần được Người cứu độ.
Câu hỏi của thành phần lãnh đạo trong
dân về thẩm quyền của Chúa Kitô trong bài Phúc Âm hôm nay, ở một
khía cạnh nào đó và một nghĩa nào đó, cũng cho thấy họ đang tìm
kiếm chân lý và mong đợi Đấng Thiên Sai Cứu Thế, Đấng đã được
mạc khải Cựu Ước tiên báo qua nhiều hình thức, bao gồm cả "lời
sấm của Balaam" là một tiên tri dân ngoại, được sai đến để
nguyền rủa dân Do Thái nhưng lại nói tiên tri ám chỉ về Đức
Kitô:
"Lời sấm của Balaam, con ông Beor,
lời sấm của người đang mở mắt, lời sấm của người nghe lời Thiên
Chúa, của người biết ý nghĩ Ðấng Tối Cao, của người xem thấy
hình ảnh Ðấng Toàn Năng, của người ngã mà mắt vẫn mở. Tôi thấy
Người, chưa phải bây giờ. Tôi thấy Người không phải gần. Một
ngôi sao từ Giacóp mọc lên. Một phủ việt từ Israel xuất hiện".
Bài Đáp Ca hôm nay thật sự
là phản ảnh những gì Chúa Giêsu làm với thành phần lãnh đạo dân
Do Thái trong bài Phúc Âm hôm nay, một Đấng Cứu Độ nhân
từ và nhẫn nại trong việc thông cảm và dẫn dắt con người mù tối
và lầm lạc về với chân lý và theo chân lý của Người:
1) Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi
của Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Ngài. Xin hướng dẫn
con trong chân lý và dạy bảo con, vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ
con.
2) Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương
xót của Ngài, lòng thương xót tự muôn đời vẫn có. Xin hãy nhớ
con theo lòng thương xót của Ngài, vì lòng nhân hậu của Ngài,
thân lạy Chúa.
3) Chúa nhân hậu và công minh, vì thế
Ngài sẽ dạy cho tội nhân hay đường lối. Ngài hướng dẫn kẻ khiêm
cung trong đức công minh, dạy bảo người khiêm cung đường lối của
Ngài.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu
có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ
trên
MV.III-2.mp3
THÁNH LUCIA
13/12
A. ĐÔI DÒNG TIỂU SỬ
Lucia sinh ra tại Syracusas ở đảo
Sicilia thuộc nước Ý. Cô mồ côi cha ngay từ khi còn bé. Cô đã
theo đạo ngay từ nhỏ, và đã được giáo dục đức tin vào Chúa thật
chu đáo. Cô cũng đã có ước nguyện dành trọn của đời của mình để
thờ phụng Chúa.
Cuộc sống tưởng sẽ êm đềm trôi, ai dè
khi vừa tới tuổi trưởng thành thì một sự việc đã xảy ra ngoài ý
muốn của cô. Mẹ của cô, một người gốc Hy Lạp tên là Eutychia đã
ép buộc cô phải lập gia đình với một chàng thanh niên giàu có
của một gia đình quen biết theo tập tục thời bây giờ, bất chấp
sự thoả thuận của đôi nam nữ này.
Rất may một biến cố bất ngờ xảy ra
trong gia đình giúp Lucia "thoát nạn". Bà mẹ của cô bị một cơn
bệnh "thập tử nhất sinh" nhưng cuối cùng bà đã qua khỏi. Lucia
cho rằng bà được khỏi là do phép lạ của Chúa, do việc cầu nguyện
của cô. Chính sự việc này đã khiến bà đổi ý không còn bắt Lucia
phải kết hôn nữa. Từ đó Lucia thêm phần tin tưởng vào Chúa. Cô
bán tất cả phần gia tài mình có rồi phân phát cho kẻ nghèo khó.
Sự việc tưởng như thế là xong nhưng
có dè đâu chàng thanh niên bị từ chối kết hôn vẫn còn say mê
Lucia. Vì bị từ chối kết hôn, anh ta cảm thấy cay cú nên đã tố
cáo Lucia với Hoàng đế Roma là Ðiôclêtianô lúc đó. Ông vua này
vốn là một người không có cảm tình gì với người Kitô hữu. Ngược
lại còn căm ghét những người có đạo một cách điên cuồng. Lucia
bị bắt và bị giam cầm chỉ vì cô là người có đạo và hiện đang
theo đạo.
Lính tráng đã giải cô đến trước mặt
vị quan Paschase. Paschase đã dụ dỗ cô dâng hương tế thần nhưng
cô không đồng ý, sau đó ông này âm mưu muốn hủy hoại đời trinh
tiết của Lucia bằng cách để cho số thanh niên đâm đãng làm nhục
cô cho đến chết. Nhưng tình thương của Chúa thật nhiệm màu. Chúa
đã làm phép lạ gìn giữ Lucia làm cho thân xác Lucia hoá ra nặng
như đá nên không kẻ nào có thế làm hại được nàng.
Sau đó với sự nóng giận của một người
thua cuộc, quan Paschase đã đã cho quân lính tẩm dầu vào thân
xác Lucia và đốt cháy cho đến chết. Lucia đã hy sinh ví Chúa
304.
B. LÒNG CAN ĐẢM CỦA MỘT CHỨNG NHÂN
Lucia bị bắt. Người ta điệu người ra
trước mặt quan Paschase. Quan khuyên người bỏ đạo, Lucia đáp:
- Thưa quan, tôi chỉ kính thờ một
Thiên Chúa chân thật mà thôi. Vì yêu mến Người trên hết mọi sự,
nên tôi đã phân phát gia tài tôi cho người nghèo, bây giờ còn
chính mạng sống tôi đây, tôi sẵn sàng tận hiến để làm lễ vật
tiến dâng Người.
- Cô hãy nói thế cho người có đạo
nghe. Ở đây tôi chỉ biết vâng lệnh hoàng đế Rôma thôi.
- Quan biết vâng phục mệnh lệnh vua
chúa dưới đất thì tôi càng phải vâng giữ giới răn của Thiên Chúa
trên trời. Ngài muốn làm gì tôi thì làm, tôi chỉ một mực trung
thành với Chúa tôi thờ mà thôi.
- Chúa bà gì cô? Người ta tố cáo với
tôi là cô đã phung phá sản nghiệp ông cha để lại cho tình nhân.
- Phải, tôi chỉ có một tình nhân mà
tôi say mến, và vị đó chính là Chúa Giêsu Kitô.
- Ta truyền lệnh đánh đòn cô, xem cô
còn nói hay được mãi hay không .
- Thưa quan, lời hay lẽ phải tôi
chẳng lo thiếu. Vì chính Chúa Thánh Thần dùng miệng tôi mà nói,
chứ không phải tôi nói đâu.
- Vậy trong cô có Chúa Thánh Thần ư ?
- Vâng, ai sống đạo đức và khiết
trinh thì người ấy là đền thờ Chúa Thánh Thần ngự.
- Được rồi. Ta sẽ giam cô vào một nhà
chứa và những thanh niên xấu nết trong thành làm ô uế cô, như
thế chắc Chúa Thánh Thần sẽ bỏ cô.
- Thưa quan, nếu bị cưỡng ép mà người
ta xúc phạm đến thân xác tôi, thì linh hồn tôi vẫn còn thánh
thiện. Sức mạnh của cánh tay loài người không thể phá nổi đền
thờ thiêng liêng của
Thiên Chúa đâu. Nếu người ta hãm hiếp
trái ý muốn của tôi thì tôi sẽ đẹp gấp đôi.
Nghe những lời đối đáp cứng rắn của
một thiếu nữ như thế ông Paschase tức giận điên lên, liền hạ
lệnh cho lính lôi Lucia đến một nhà chứa và cho phép mọi thanh
niên được tự do ra vào.
Nhưng lạ thay, Thiên Chúa đã làm cho
thánh nữ hoá nặng như núi đá: dù quan đã phải huy động một số
lính lực lưỡng khoẻ mạnh thậm chí còn dùng cả những cặp bò khoẻ
mạnh để kéo, nhưng cũng chẳng động một ly. Trước phép lạ nhãn
tiền như thế, ông Paschase đỏ mặt xấu hổ đến tột cùng. Không
những ông đã không mở mắt ra để nhìn nhận quyền phép của Thiên
Chúa mà lại còn căm hờn hơn để báo thù. Ông ra lệnh lấy nhựa và
dầu trét kín thân thể Lucia rồi đốt. Nhưng một lần nữa Thiên
Chúa đã dùng quyền phép giữ gìn Người trọn vẹn trong đống lửa:
dù một sợi tóc cũng không bỉ cháy. Sau cùng lính phải dùng gươm
mà chém đầu Lucia. Hôm ấy là ngày 13.12. 304.
Theo lời kể của Sigebert (1030-1112)
một tu sĩ ở Genbloux trong sách "Sermo de Sancta Lucia" thì thi
hài của Lucia được an táng tại Sicilia hơn 400 năm, cho đến khi
Quận công Spoleto chiếm được đảo và cho di chuyển Thánh tích về
Corfinium ở Ý. Năm 972, Thánh tích lại được dời chuyển một lần
nữa bởi hoàng đế Otho I về nhà thờ Thánh Vincent tại Metz. Một
cánh tay của Thánh nữ được cắt ra cho tu viện Luitburg thuộc
giáo phận Spires. Một phần Thánh tích của Thánh nữ Lucia được
tìm thấy tại Constantinopolis năm 1204 và chuyển về tu viện
Thánh Geremia. Thánh tích được an vị tại đây hơn 777 năm.
Sau đó ngày 07 tháng 11 năm 1981, hai
tên trộm người Sicilia đập vỡ hòm kiếng lấy hài cốt của Thánh nữ
đem đi chỉ còn chừa lại xương sọ và mặt nạ. Thánh tích lại được
trả về một tháng sau đó theo lời khẩn khoản yêu cầu của giáo
quyền của đảo Sicilia.
Nguồn:tgpsaigon.net
ThanhLuciaDongTrinhTuDao.mp3
https://youtu.be/qD2pbQk_bNY