`

 

PVLC Mùa Vọng Tuần II Thứ 5

Bài Ðọc I: Is 41, 13-20

"Ta là Ðấng Thánh của Israel, Ta là Ðấng Cứu Chuộc ngươi".

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ta là Chúa, Thiên Chúa của ngươi, Ta cầm tay ngươi và nói cùng ngươi: Ðừng sợ gì, đã có Ta giúp.

Hỡi con sâu Giacóp, hỡi dân Israel, đừng sợ chi, Ta sẽ đến giúp ngươi, đó là lời Chúa phán, Ðấng Thánh của Israel, Ðấng Cứu Chuộc ngươi. Ta sẽ đặt ngươi như chiếc bừa mới tinh và có răng nhọn, ngươi sẽ băm các đồi ra như rơm rác. Ngươi sẽ sàng chúng và gió sẽ cuốn chúng đi, và cơn lốc sẽ làm chúng tan tác. Còn ngươi, ngươi sẽ vui mừng trong Thiên Chúa, sẽ hân hoan trong Ðấng Thánh của Israel.

Những kẻ thiếu thốn nghèo nàn tìm nước, nhưng luống công, lưỡi chúng đã khô đi vì khát nước. Ta là Chúa, Ta sẽ nhậm lời chúng. Thiên Chúa của Israel, Ta sẽ không bỏ chúng. Ta khiến sông chảy trên đỉnh núi trọc, và suối nước tràn giữa thung lũng. Ta sẽ biến hoang địa thành ao hồ và đất khô thành suối nước.

Nơi hoang địa, Ta sẽ cho mọc lên cây hương nam, cây keo, cây sim và cây dầu; nơi sa mạc, Ta sẽ trồng cây tùng, cây du, cây bách, để mọi người thấy, biết, lưu tâm và hiểu rằng chính tay Chúa đã làm nên sự nghiệp đó, và Ðấng Thánh của Israel đã tạo nên cơ đồ này.

Ðó là lời Chúa. 

Ðáp Ca: Tv 144, 1 và 9. 10-11. 12-13ab

Ðáp: Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng (c. 8).

Xướng: 1) Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con, con sẽ ca khen Chúa, và con sẽ chúc tụng danh Chúa tới muôn đời. Chúa hảo tâm với hết mọi loài,và từ bi với mọi công cuộc của Chúa. - Ðáp.

2) Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài. - Ðáp.

3) Ðể con cái loài người nhận biết quyền năng và vinh quang cao cả nước Chúa. Nước Ngài là nước vĩnh cửu muôn đời; chủ quyền Ngài tồn tại qua muôn thế hệ. - Ðáp. 

Alleluia:

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy đến viếng thăm chúng con trong bình an, để tâm hồn chúng con được hoàn toàn vui mừng trước nhan Chúa. - Alleluia. 

Phúc Âm: Mt 11, 11-15

"Chưa từng có ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: "Ta bảo thật các ngươi, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả, nhưng người nhỏ nhất trong nước trời lại cao trọng hơn ông. Từ thời ông Gioan Tẩy Giả đến giờ, nước trời phải dùng sức mạnh mà chiếm lấy, và những kẻ mạnh mẽ can đảm mới chiếm được. Tất cả các tiên tri và lề luật đã tuyên sấm cho đến Gioan và nếu các ngươi muốn hiểu, thì chính Gioan là Elia, kẻ phải đến. Ai có tai, thì hãy nghe!"

Ðó là lời Chúa.

 

Suy niệm

 nhập thể tiền hô   

Nếu trong tuần thứ hai Mùa Vọng, ba ngày đầu các bài Phúc Âm đã xoay quanh thân phận khốn khổ đáng thương của con người cần được Thiên Chúa cứu độ và trông mong Ơn Cứu Độ, thì 3 bài Phúc Âm cuối tuần này liên quan đến một con người đặc biệt đó là Tiền Hô Gioan Tẩy Giả.  

Thật vậy, trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu đã khen tặng Vị Tiền Hô được sai đến trước Người là Đấng cao trọng hơn ông để dọn đường cho Người là Đấng đến sau ông: 

"Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: 'Ta bảo thật các ngươi, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả, nhưng người nhỏ nhất trong nước trời lại cao trọng hơn ông. Từ thời ông Gioan Tẩy Giả đến giờ, nước trời phải dùng sức mạnh mà chiếm lấy, và những kẻ mạnh mẽ can đảm mới chiếm được. Tất cả các tiên tri và lề luật đã tuyên sấm cho đến Gioan và nếu các ngươi muốn hiểu, thì chính Gioan là Elia, kẻ phải đến. Ai có tai, thì hãy nghe!'" 

Trước hết, Chúa Giêsu đã minh định Tiền Hô Gioan Tẩy Giả là con người cao cả nhất loài người, không một ai cao trọng hơn ngài, thậm chí có thể nói bao gồm cả Mẹ Maria. Phải chăng chính vì thế mà trong tất cả các thánh (ngoài trừ Mẹ Maria), chỉ có một mình Thánh Gioan Tẩy Giả mới được Giáo Hội mừng lễ sinh nhật trần gian của ngài, 24/6 (trước Lễ Giáng sinh 6 tháng), (lễ sinh nhật nước trời tưởng nhớ cái chết mất đầu của ngài 29/8) mà là mừng ở bậc Lễ Trọng (solemnity), hơn cả lễ sinh nhật Mẹ Maria ngày 8/9, chỉ ở bậc lễ kính (feast)?  

Dầu sao nhân vật Tiền Hô Gioan Tẩy Giả này, về cấp độ ân sủng, ngài không thể nào "Đầy Ơn Phúc" (Luca 1:28) như Mẹ Maria, và phải chăng đó là lý do Chúa Giêsu đã ám chỉ về Mẹ Maria ngay sau khi khen tặng vị tiền hô của Người: "người nhỏ nhất trong nước trời lại cao trọng hơn ông"?  

Đúng thế, nếu càng khiêm hạ nhỏ bé thì càng lớn lao cao trọng trên nước trời thì ai bé nhỏ bằng Mẹ Maria nên nhờ đó Mẹ Maria mới càng lớn lao cao trọng nhất trên Nước Trời, nghĩa là vì Mẹ càng nhỏ, càng trở thành hư không, thành zero, Mẹ mới càng đầy Thiên Chúa là sự hữu, là tất cả, mới càng giống Chúa Kitô, đến độ phản ảnh Người là mặt trời công chính, như Mẹ được Thánh ký Gioan thị kiến thấy và mô tả trong Sách Khải Huyền của ngài như "mặc mặt trời" (12:1), hay như Diễm Tình Ca cho biết là "rực rỡ như mặt trời" (6:10). Trong khi đó Thánh Gioan Tẩy Giả chỉ là cái đèn soi mà thôi (xem Gioan 1:6-8;5:35). 

Sở dĩ Vị Tiền Hô Gioan Tẩy Giả này là một con người cao cả nhất loài người, tất nhiên không phải về lãnh vực ân sủng, như trên đã cảm nhận và phân tích, cho dù ngài có được cho rằng khỏi nguyên tội khi còn là thai nhi 6 tháng trong lòng thai mẫu, vào chính lúc ngài nhẩy mừng khi nghe thấy lời Mẹ Maria chào mẹ của ngài (xem Luca 1:44), mà là về vai trò của ngài, một vai trò không ai trên trần gian này có thể hơn được ngài. Giống như trường hợp các vị linh mục, cho dù không đầy ân phúc như Mẹ Maria trong cấp trật ân sủng, nhưng vẫn hơn Mẹ trong vai trò linh mục của các vị, bởi các vị được đồng hóa với Chúa Kitô và là Chúa Kitô (Alter Christus) khi các vị thi hành thừa tác vụ thánh. 

Sứ vụ cao trọng vô tiền khoáng hậu của Vị Tiền Hô Gioan Tẩy Giả này là ở chỗ ngài là vị trung gian giữa Cựu Ước và Tân Ước. Thật vậy, nếu nền tảng của Nhà Thiên Chúa được xây trên "nền tảng các tông đồ và tiên tri" (Êphêsô 2:20), thì Thánh Gioan Tẩy Giả chẳng những là vị tiên tri của các vị tiên tri, "tiên tri của Đấng Tối Cao" (Luca 1:46) được tiên báo bởi chính một vị tiên tri trong Cựu Ước (xem Isaia 40:3), mà còn là "chàng phù rể" (Gioan 3:29) ở sát ngay bên với Chàng Rể Kitô hơn hết mọi người, đã nhận biết Chúa Kitô trước để rồi sau đó đã giới thiệu Người cho các tông đồ tiên khởi của Chúa Kitô (xem Gioan 1:35-51). 

Chưa hết, sứ vụ cao trọng của ngài còn lên đến tột đỉnh ở chỗ ngài đã làm phép rửa cho chính Đấng Thiên Sai Cứu Thế, như thể ngài đã trở thành người cha thiêng liêng của Con Thiên Chúa làm người. Không một vị tiên tri nào trong Cựu Ước đã được tận mắt nhìn thấy Chúa Kitô và gặp Chúa Kitô, ngoài trừ Thánh Gioan Tẩy Giả. Và cũng không một tông đồ nào đã nhận biết Chúa Kitô như ngài, cho dù các vị đã sống với Chúa Kitô 3 năm, trong khi ngài chưa hề gặp Người mà vẫn có thể nhận ra Người để giới thiệu Người cho các vị (xem Gioan 1:33-34). Nếu các tông đồ là thành phần chứng nhân tiên khởi của Chúa Kitô trên thế giới nói chung thì Thánh Gioan Tẩy Giả là chứng nhân tiên khởi cho Chúa Kitô trước dân Do Thái cũng như trước các tông đồ của Chúa Kitô nói riêng.  

Phải chăng Vị Tiền Hô Gioan Tẩy Giả cũng được lời Chúa qua miệng Tiên Tri Isaia tiên báo và ám chỉ trong Bài Đọc 1 hôm nay ở các câu sau đây: "Nơi hoang địa, Ta sẽ cho mọc lên cây hương nam, cây keo, cây sim và cây dầu; nơi sa mạc, Ta sẽ trồng cây tùng, cây du, cây bách, để mọi người thấy, biết, lưu tâm và hiểu rằng chính tay Chúa đã làm nên sự nghiệp đó, và Ðấng Thánh của Israel đã tạo nên cơ đồ này"? Phải chăng Thánh Gioan Tẩy Giả, với sứ vụ cao trọng đệ nhất thiên hạ của ngài chính là "cây hương nam trong hoang địa",  "cây tùng trong sa mạc"? 

Việc "Lời đã hóa thành nhục thể", một mầu nhiệm vô cùng mầu nhiệm, rất khó có thể chấp nhận với tâm thức tự nhiên của con người, trái lại, còn có thể "trở thành cớ vấp phạm cho nhiều người trong Israel" (Luca 2:34), nên còn được Thiên Chúa vô cùng khôn ngoan đã cẩn thận sửa soạn cho việc Người xuất hiện trước dân Do Thái của Ngài, ở chỗ sai "vị tiên tri của Đấng Tối Cao" là Tiền Hô Gioan Tẩy Giả này đến trước để dọn đường cho "Người tỏ mình ra" (Gioan 1:31), nhờ đó dân của Ngài mới có thể nhận biết Người mà được cứu độ.  

Đó là lý do, cũng trong Bài Đọc 1 hôm nay, qua miệng Tiên Tri Isaia, Thiên Chúa đã trấn an dân của Ngài rằng: "Ta là Chúa, Thiên Chúa của ngươi, Ta cầm tay ngươi và nói cùng ngươi: Ðừng sợ gì, đã có Ta giúp. Hỡi con sâu Giacóp, hỡi dân Israel, đừng sợ chi, Ta sẽ đến giúp ngươi, đó là lời Chúa phán, Ðấng Thánh của Israel, Ðấng Cứu Chuộc ngươi... Thiên Chúa của Israel, Ta sẽ không bỏ chúng. Ta khiến sông chảy trên đỉnh núi trọc (phải chăng ám chỉ tác động làm phép rửa đổ nước trên đầu lãnh nhận nhân?), và suối nước tràn giữa thung lũng (phải chăng ám chỉ ân sủng tràn đầy tâm hồn người lãnh nhận phép rửa?). Ta sẽ biến hoang địa thành ao hồ và đất khô thành suối nước" (phải chăng "nước" ở đây ám chỉ Thần Linh được Thiên Chúa tuôn đổ xuống cho những ai tin tưởng). 

Cũng như các Bài Đáp Ca đã được Giáo Hội chọn đọc trong tuần này, Bài Đáp Ca hôm nay cũng chất chứa tâm tình hân hoan trước Vị Thiên Chúa cứu độ và cất tiếng chúc tụng ngợi khen lòng nhân lành từ ái của Ngài: 

1) Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con, con sẽ ca khen Chúa, và con sẽ chúc tụng danh Chúa tới muôn đời. Chúa hảo tâm với hết mọi loài,và từ bi với mọi công cuộc của Chúa. 

2) Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài.  

3) Ðể con cái loài người nhận biết quyền năng và vinh quang cao cả nước Chúa. Nước Ngài là nước vĩnh cửu muôn đời; chủ quyền Ngài tồn tại qua muôn thế hệ.  

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên 

Thu.5.MV-II.mp3