Bài Ðọc I: Is 30, 19-21. 23-26
"Người động lòng thương ngươi,
lắng nghe lời ngươi kêu xin".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Ðây Chúa là Thiên Chúa, Ðấng Thánh
của Israel phán: Dân Sion sẽ được ở Giêrusalem. Ngươi sẽ chẳng
còn than van khóc lóc; Chúa động lòng thương ngươi, và khi vừa
nghe tiếng ngươi kêu, Người liền đáp lại lời ngươi. Chúa sẽ cho
ngươi chút bánh đau thương, ít nước khốn cùng. Nhưng Ðấng dạy dỗ
ngươi sẽ không lìa bỏ ngươi, mắt ngươi sẽ trông nhìn Ðấng giáo
huấn ngươi, và tai ngươi sẽ nghe tiếng Ðấng từ sau lưng bảo
rằng: "Ðây là đường, hãy bước đi theo đó, đừng rẽ bên mặt, đừng
quẹo bên trái". Sẽ ban mưa xuống cho hạt giống của ngươi, bất cứ
trên đất nào ngươi đã gieo vãi. Bánh thổ sản sẽ rất dồi dào và
thơm ngon. Ngày ấy, chiên được chăn thả trên lãnh địa rộng lớn
của ngươi. Bò lừa cày ruộng ngươi được ăn rơm có muối, đã được
rê sạch. Trong ngày tru diệt muôn người, khi thành quách đổ
nhào, sẽ có giòng suối chảy trên đồi cao núi thẳm. Ngày Chúa
băng bó thương tích của dân Người, và chữa lành da bầm thịt
giập; mặt trăng sẽ sáng chói như mặt trời, mặt trời sẽ bảy lần
chói sáng hơn, như ánh sáng bảy ngày.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 146, 1-2. 3-4. 5-6
Ðáp: Phúc
cho tất cả những ai mong đợi Chúa (Is 30, 18).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Hãy ngợi khen Chúa vì Người
hảo tâm; hãy ca mừng Thiên Chúa chúng ta, vì Người êm ái, thực
Người rất đáng ngợi khen. Chúa xây dựng lại Giêrusalem, tập họp
con cái Israel phân tán. - Ðáp.
2) Chính Người chữa những kẻ giập nát
tâm can, và băng bó vết thương của lòng họ. Người ấn định con số
các ngôi sao, và gọi đích danh từng ngôi một. - Ðáp.
3) Chúa chúng ta cao cả và mãnh liệt
quyền năng, sự khôn ngoan của Người thực là vô lượng. Chúa nâng
cao những kẻ khiêm cung, Người đè bẹp đứa ác nhân xuống tận đất.
- Ðáp.
Alleluia: Is 55, 6
Alleluia, alleluia! - Hãy tìm kiếm
Chúa khi còn gặp được Người; hãy kêu xin Người lúc Người còn gần
các ngươi. - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 9, 35 - 10, 1. 6-8
"Thấy đoàn lũ dân chúng, Người
động lòng xót thương họ".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh
Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu đi rảo khắp các
thành phố làng mạc, dạy dỗ trong các hội đường, rao giảng Tin
Mừng Nước Trời, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Thấy đoàn
lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ, vì họ tất tưởi bơ
vơ như những con chiên không có người chăn, Người liền bảo môn
đệ rằng: "Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin
chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa".
Và Người triệu tập mười hai môn đệ,
ban cho họ quyền năng trên các thần ô uế, để họ xua đuổi chúng,
và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Người bảo: "Các con hãy
đi đến cùng chiên lạc của nhà Israel trước đã, và rao giảng
rằng: Nước Trời đã đến gần. Hãy chữa lành người liệt, phục sinh
kẻ chết, chữa lành người phung, và xua trừ ma quỷ. Các con đã
lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không".
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm
nhập thể dẫn dắt
Bài Phúc Âm cho Thứ Bảy cuối Tuần I
Mùa Vọng hôm nay cũng thế, như các bài Phúc Âm khác trong tuần,
từ đầu tuần đến nay, đang ở vào tuần đầu tiên của Mùa Vọng mà
nội dung lại về những gì ở đâu đâu, chẳng hạn như bài Phúc Âm
hôm nay về sứ vụ truyền giáo của cả Chúa Giêsu lẫn các môn đệ
của Người.
Thật vậy, Thánh ký Mathêu trong bài
Phúc Âm hôm nay cho biết về cả sứ vụ truyền giáo của Chúa
Giêsu lẫn mối quan tâm truyền giáo của Người như sau:
"Khi ấy, Chúa Giêsu đi rảo khắp
các thành phố làng mạc, dạy dỗ trong các hội đường, rao giảng
Tin Mừng Nước Trời, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Thấy
đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ, vì họ tất tưởi
bơ vơ như những con chiên không có người chăn, Người liền bảo
môn đệ rằng: 'Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy
xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa'".
Thánh ký Mathêu cũng thuật lại sứ vụ
truyền giáo của các tông đồ cần phải thực hiện theo lệnh sai đi
của Chúa Giêsu như thế này:
"Và Người triệu tập mười hai môn
đệ, ban cho họ quyền năng trên các thần ô uế, để họ xua đuổi
chúng, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Người bảo: 'Các
con hãy đi đến cùng chiên lạc của nhà Israel trước đã, và rao
giảng rằng: Nước Trời đã đến gần. Hãy chữa lành người liệt, phục
sinh kẻ chết, chữa lành người phung, và xua trừ ma quỷ. Các con
đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không'".
Một yếu tố tối hậu quyết liệt bất khả
thiếu trong tất cả mọi việc Chúa Kitô làm, cũng là việc của
Thiên Chúa, Đấng sai Người làm, đó là chính tấm lòng "thương
xót" của Người, một tấm lòng "thương xót" mà nếu
thiếu vắng sẽ không bao giờ xẩy ra những chuyện được Phúc Âm
thuật lại, như việc hóa bánh ra nhiều để nuôi đoàn lũ dân chúng
trong Bài Phúc Âm Thứ Tư vừa rồi: "Ta thương xót đoàn lũ này,
vì đã ba ngày, họ ở lại với Ta, nhưng không có gì ăn".
(Mathêu 15:32), hay để sai các môn đệ của Người đi truyền giáo
như trong bài Phúc Âm hôm nay: "Thấy đoàn lũ dân chúng, Người
động lòng xót thương họ, vì họ tất tưởi bơ vơ như những con
chiên không có người chăn".
Thậm chí phải khẳng định rằng chính
việc hóa thân làm người của "Lời đã hóa thành nhục thể"
(Gioan 1:14) cũng thế, sẽ không bao giờ xẩy ra nếu Thiên Chúa
không phải là "Cha trên trời là Đấng thương xót" (Luca
6:36), đến độ chính Con của Ngài trong thân phận làm người đã
trở thành hiện thân sống động của Lòng Thương Xót Chúa, hay
nói đúng hơn là chính Lòng Thương Xót Chúa muốn tỏ ra cho loài
người.
Nếu "Thiên Chúa là tình yêu"
(1Gioan 4:8,16) thì tình yêu Ngài tỏ ra phải là một tình yêu vô
cùng "trọn lành" (Mathêu 5:48), không phải chỉ ở chỗ yêu
một cách nhưng không, tự hạ ngang hàng với người yêu trong mầu
nhiệm nhập thể và giáng sinh, và hiến mạng cho người mình yêu
(xem Gioan 15:13) trong mầu nhiệm khổ nạn và tử giá, mà còn "yêu
cho đến cùng" (Gioan 13:1) nơi việc Ngài tìm kiếm từng con
chiên lạc của Ngài, cũng như nơi việc vui vẻ (chứ không
gượng ép hay đành phải) tha thứ tất cả mọi tội lỗi cho con
người, dù tội của họ có nhiều đến đâu chăng nữa hay có nặng đến
mấy chăng nữa, miễn là tội nhân tỏ ra nhận biết Ngài và tin
tưởng vào Lòng Thương Xót Chúa của Ngài.
Như thế, có thể nói nếu Lòng Thương
Xót Chúa chính là tột đỉnh của tình yêu Thiên Chúa, hay là chính
chân dung của Vị "Thiên Chúa là tình yêu", thì thiếu vắng
Lòng Thương Xót thì Thiên Chúa không còn "là tình yêu"
nữa, không còn "trọn lành" nữa, mà chỉ là một vị thần
thuần công thẳng, hay chỉ là một ác thần, không gì bất toàn có
thể tồn tại trước mắt thuần chính trực chỉ biết đúng sai phải
trái của vị thần này.
Thật vậy, Lòng Thương Xót Chúa chẳng
những là ưu phẩm tối cao của Thiên Chúa, mà còn là chính Ơn
Cứu Độ của loài người hèn yếu khốn nạn tội lỗi và cho loài
người mà chính vì thế mới càng đáng thương trước nhan vô cùng
nhân hậu của Thiên Chúa, chẳng khác gì "như những con chiên
không có người chăn tất tưởi bơ vơ". Bởi thế, cho dù con
người, qua hai nguyên tổ của mình, sau khi sa ngã phạm tội, đã
trở nên mù tối đến độ không hề xin Thiên Chúa thứ tha, Ngài vẫn
tự động hứa cứu độ họ và toàn thể nhân loại là giòng dõi của họ
(xem Khởi Nguyên 3:15).
Trong Bài Đọc 1 hôm nay, qua miệng
Tiên Tri Isaia, chính Vị "Thiên Chúa là tình yêu" đã bày
tỏ Lòng Thương Xót của Ngài với dân ưu tuyển của Ngài trong cảnh
khốn khổ của họ như sau:
"Ðây Chúa là Thiên Chúa, Ðấng
Thánh của Israel phán: Dân Sion sẽ được ở Giêrusalem. Ngươi sẽ
chẳng còn than van khóc lóc; Chúa động lòng thương ngươi, và khi
vừa nghe tiếng ngươi kêu, Người liền đáp lại lời ngươi. Chúa sẽ
cho ngươi chút bánh đau thương, ít nước khốn cùng. Nhưng Ðấng
dạy dỗ ngươi sẽ không lìa bỏ ngươi, mắt ngươi sẽ trông nhìn Ðấng
giáo huấn ngươi, và tai ngươi sẽ nghe tiếng Ðấng từ sau lưng bảo
rằng: 'Ðây là đường, hãy bước đi theo đó, đừng rẽ bên mặt, đừng
quẹo bên trái'".
Trong câu trên đây, chúng ta thấy
Thiên Chúa dù có thương yêu dân của Ngài mấy đi nữa, Ngài cũng
không hề nuông chiều họ, trái lại, tình thương của Ngài phải làm
sao có thể cải hóa họ cho họ xứng với bản tính trọn lành "là
tình yêu" của Ngài.
Bởi thế, như Bài Đọc 1 cho
thấy Ngài đã nuôi dưỡng họ bằng thứ lương thực đắng đót có tính
cách vượt qua (xem Xuất Hành 12:8): "Chúa sẽ cho ngươi chút
bánh đau thương, ít nước khốn cùng", để đánh động họ nghĩ
lại, chứ không phải là bỏ rơi hay đầy đọa họ: "Nhưng Ðấng dạy
dỗ ngươi sẽ không lìa bỏ ngươi, mắt ngươi sẽ trông nhìn Ðấng
giáo huấn ngươi, và tai ngươi sẽ nghe tiếng Ðấng từ sau lưng", nhờ đó họ
có thể hướng về Ngài và chạy đến kêu cầu Ngài để
Ngài được dịp tỏ tình thương của Ngài cho họ: "Chúa động lòng
thương ngươi, và khi vừa nghe tiếng ngươi kêu, Người liền đáp
lại lời ngươi".
Sách Tiên Tri Isaia vẫn tiếp tục sử
dụng từ ngữ "ngày ấy" để ám chỉ "thời điểm viên trọn"
(Galata 4:4), khi "Thiên Chúa sai Con của Ngài được
hạ sinh bởi một người nữ" (Galata 4:4), thời điểm nhờ "Lời đã
hóa thành nhục thể" như "Vị Mục Tử Nhân Lành hiến mạng
sống mình vì chiên" (xem Gioan 10:11) mà "chiên được chăn
thả trên lãnh địa rộng lớn của ngươi. Bò lừa cày ruộng ngươi
được ăn rơm có muối, đã được rê sạch", và là thời điểm nhờ "Lời đã
hóa thành nhục thể" như "ánh sáng thật chiếu soi mọi
người đã đến trong thế gian" (Gioan 1:9) mà "Ngày Chúa
băng bó thương tích của dân Người, và chữa lành da bầm thịt
giập; mặt trăng sẽ sáng chói như mặt trời, mặt trời sẽ bảy lần
chói sáng hơn, như ánh sáng bảy ngày".
Đó là lý do Bài Đáp Ca hôm nay đã
vang lên tâm tình tri ân cảm tạ cùng lời chúc tụng ngợi khen Vị "Thiên
Chúa là tình yêu" vô cùng nhân hậu qua việc cứu độ của
Ngài đối với riêng dân Ngài cũng như chung nhân loại, nhất
là đối với những ai yếu hèn khiêm hạ:
1) Hãy ngợi khen Chúa vì Người hảo
tâm; hãy ca mừng Thiên Chúa chúng ta, vì Người êm ái, thực Người
rất đáng ngợi khen. Chúa xây dựng lại Giêrusalem, tập họp con
cái Israel phân tán.
2) Chính Người chữa những kẻ giập
nát tâm can, và băng bó vết thương của lòng họ. Người ấn định
con số các ngôi sao, và gọi đích danh từng ngôi một.
3) Chúa chúng ta cao cả và mãnh
liệt quyền năng, sự khôn ngoan của Người thực là vô lượng. Chúa
nâng cao những kẻ khiêm cung, Người đè bẹp đứa ác nhân xuống tận
đất.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu
có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ
trên
MV.TuanI-7.mp3
Ngày 04: Thánh Gioan Ðamascenô, linh
mục Tiến Sĩ Hội Thánh
Thánh Gioan Ðamascênô sinh tại Damas
vào khoảng năm 675. Cha ngài giữ một chức vị quan trọng trong
triều đình và chính ngài lúc đầu cũng theo đuổi những vinh quang
trần thế trước khi theo tiếng gọi trời cao (710). Ngài bỏ mọi
sự, lên đường tìm một cuộc đời trầm lặng trong tu viện thánh
Sabas tại sa mạc Giuđa và ngài đã sống ở đó cho đến mãn đời. Là
thầy dòng, rồi linh mục, ngài đã chuyên tâm nghiên cứu thần học
và giảng thuyết. Những suy tư của ngài đã tạo được một ảnh hưởng
lớn tại Tây Phương cũng như Ðông Phương. Nhưng tác phẩm danh
tiếng nhất của ngài là ba tập Minh Giáo (726-730) bênh vực việc
tôn kính ảnh tượng, chống lại những ngăn cấm của hoàng đế Léon
Isaurien và Constantin V. Ngoài ra, chúng ta còn lưu giữ được
những bài giảng của ngài về Ðức Mẹ và ngài xứng đáng với danh
hiệu "Tiến sĩ thần học về Ðức Maria". Ngài chủ trương: Là Mẹ
Thiên Chúa hằng sống, Ðức Maria cũng phải được đưa về trời...
Hơn nữa, ngài còn là một thi sĩ, và những sáng tác của ngài
thường được dùng trong phụng vụ Ðông Phương. Tư tưởng của ngài
là những chất liệu giúp chúng ta suy nghĩ về mầu nhiệm nhập thể,
Thiên Chúa yêu thương loài người.
ĐTC Biển Đức XVI Bài Giáo Lý 82
6/5 về Thánh
Đamascênô
ThanhGioanDamasceno.mp3
https://youtu.be/Z_flrOYuWnM