Bài Ðọc I: Is 29, 17-24
"Ngày đó mắt người mù sẽ được xem thấy".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Ðây Chúa là Thiên Chúa phán: Không còn bao lâu
nữa, Liban sẽ trở nên lùm cây, và lùm cây sẽ trở nên cánh rừng.
Ngày đó, người điếc sẽ được nghe lời Sách Thánh, và từ bóng tối,
mắt người mù sẽ được xem thấy. Những người hiền lành sẽ càng
thêm vui mừng trong Chúa, và những kẻ nghèo khó sẽ nhảy mừng
trong Ðấng Thánh của Israel. Vì chưng, người ỷ thế sẽ thất bại,
kẻ khinh người sẽ bị hổ ngươi, người mưu toan gian ác sẽ bị tiêu
diệt. Ðó là kẻ dùng lời nói để cáo gian người khác, kẻ ra cửa
thành mà đánh lừa người xử kiện, kẻ lấy sự nhỏ nhoi mà hiếp đáp
người công chính. Vì thế, Chúa, Ðấng cứu chuộc Abraham, phán
cùng nhà Giacóp lời này: Từ đây Giacóp sẽ chẳng còn phải hổ
ngươi và đỏ mặt; nhưng khi xem thấy con cháu mình là công trình
của tay Ta, đang ca ngợi danh thánh Ta giữa nhà Giacóp, thì
chúng sẽ ngợi khen Ðấng Thánh của Giacóp và tuyên xưng Thiên
Chúa Israel. Và tâm trí lầm lạc sẽ được hiểu biết; người lẩm bẩm
sẽ học biết lề luật.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 26, 1. 4. 13-14
Ðáp: Chúa
là sự sáng và là Ðấng cứu độ tôi (c. 1a).
Xướng: 1) Chúa là sự sáng, là Ðấng cứu độ, tôi
sợ chi ai? Chúa là Ðấng phù trợ đời tôi, tôi sợ gì ai? - Ðáp.
2) Có một điều tôi xin Chúa, một điều tôi kiếm
tìm, đó là tôi được cư ngụ trong nhà Chúa suốt đời tôi, hầu vui
hưởng sự êm đềm của Chúa, và chiêm ngưỡng thánh điện của Ngài. -
Ðáp.
3) Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn
lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy chờ đợi Chúa, hãy sống
can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và chờ đợi Chúa. - Ðáp.
ALLELUIA: Is 45, 8
Alleluia, alleluia! - Hỡi các tầng trời, hãy đổ
sương mai; hỡi ngàn mây, hãy mưa Ðấng Công Chính, đất hãy mở ra
và trổ sinh Ðấng Cứu Chuộc. - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 9, 27-31
"Tin vào Chúa Giêsu, hai người mù được chữa
lành".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu đi ngang qua, có hai người mù
chạy theo Chúa và kêu lớn tiếng rằng: "Hỡi Con vua Ðavít, xin
thương chúng tôi". Khi Chúa tới nhà, những người mù tiến lại gần
Chúa. Chúa Giêsu phán bảo họ: "Các ngươi có tin rằng Ta có thể
làm việc ấy không?" Họ thưa: "Lạy Thầy, có". Bấy giờ Chúa sờ vào
mắt họ và phán: "Các ngươi tin thế nào, thì hãy được như vậy".
Mắt họ liền mở ra, nhưng Chúa Giêsu truyền cho họ rằng: "Coi
chừng, đừng cho ai biết". Nhưng vừa ra đi, họ liền đồn tiếng
Người trong khắp miền ấy.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm
nhập thể sáng soi
Thứ Sáu Tuần I Mùa Vọng hôm nay, Bài Phúc Âm về
sự kiện Chúa Giêsu chữa lành cho hai người mù, như được Thánh ký
Mathêu thuật lại nguyên văn như sau:
"Khi ấy, Chúa Giêsu đi ngang qua, có hai
người mù chạy theo Chúa và kêu lớn tiếng rằng: 'Hỡi Con vua
Ðavít, xin thương chúng tôi'. Khi Chúa tới nhà, những người mù
tiến lại gần Chúa. Chúa Giêsu phán bảo họ: 'Các ngươi có tin
rằng Ta có thể làm việc ấy không?' Họ thưa: 'Lạy Thầy, có'. Bấy
giờ Chúa sờ vào mắt họ và phán: 'Các ngươi tin thế nào, thì hãy
được như vậy'. Mắt họ liền mở ra, nhưng Chúa Giêsu truyền cho họ
rằng: 'Coi chừng, đừng cho ai biết'. Nhưng vừa ra đi, họ liền
đồn tiếng Người trong khắp miền ấy".
Trong trình thuật này của Thánh ký Mathêu, chúng
ta thấy được đức tin mạnh mẽ của hai người mù. Trước hết, được
họ tỏ ra ở chỗ khi thấy "Chúa Giêsu đi ngang qua" thì "chạy
theo Chúa và kêu lớn tiếng rằng: 'Hỡi Con vua Ðavít, xin thương
chúng tôi'". Sau nữa, "khi Chúa tới nhà, những người mù
tiến lại gần Chúa", có nghĩa là họ từ từ đến với Chúa một
cách không lưỡng lự hay do dự mà là bạo dạn theo đuổi cho tới
cùng, vì họ hoàn toàn tin tưởng mãnh liệt vào Đấng có thể chữa
lành cho họ. Bởi thế, sau hết, khi được Chúa hỏi "'Các ngươi
có tin rằng Ta có thể làm việc ấy không?' Họ thưa: 'Lạy Thầy,
có'". Thế là họ được như ý: "Bấy giờ Chúa sờ vào mắt họ
và phán: 'Các ngươi tin thế nào, thì hãy được như vậy'. Mắt họ
liền mở ra".
Vâng, ngày mà hai người mù trong Bài Phúc Âm hôm
nay được chữa lành, là thời đểm được Tiên Tri
Isaia trong Bài Đọc 1 hôm nay, đã tiên báo là "ngày đó", ngày
mà vị tiên tri này còn cho biết những gì sẽ xẩy ra nữa, đó là "người
điếc sẽ được nghe lời Sách Thánh, và từ bóng tối, mắt người mù
sẽ được xem thấy. Những người hiền lành sẽ càng thêm vui mừng
trong Chúa, và những kẻ nghèo khó sẽ nhảy mừng trong Ðấng Thánh
của Israel", thậm chí "tâm trí lầm lạc sẽ được hiểu biết;
người lỗi lầm sẽ được chỉ dẫn" nữa.
Sự việc Chúa Giêsu chữa lành cho 2 người mù tin
vào Người trong bài Phúc Âm hôm nay cũng rất thích hợp với ý
nghĩa của Mùa Vọng là thời điểm đợi trông Đấng Thiên Sai Cứu
Thế. Vì Người là "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan
1:14), như "ánh sáng thật chiếu soi hết mọi người đã đến
trong thế gian" (Gioan 1:9), "ánh sáng thật chiếu soi
trong tăm tối" (Gioan 1:5). Đó là lý do ánh sáng đã trở
thành một trong những đặc điểm chính yếu nhất của Mùa Giáng
Sinh, một thứ ánh sáng có liên hệ với cả Ngôi Sao Lạ dẫn đường
cho ba chiêm vương gia từ Đông Phương tới bái thờ vương nhi Do
Thái Giêsu mới sinh (xem Mathêu 2:1-12).
Thế nhưng, cho dù tự mình là "ánh sáng thế gian" (Gioan
8:12), một ánh sáng theo bản tính không thể nào không soi chiếu
(xem Mathêu 5:14-16), và "là chân lý" (Gioan 14:6), một
chân lý không thể nào không giải phóng (xem Gioan 8:32), và cho
dù "tối tăm không thể nào át được ánh sáng" (Gioan
1:5), ánh sáng cũng chỉ xua tan bóng tối nơi những ai chấp
nhận ánh sáng mà thôi, như nơi hai người mù tin tưởng xin Chúa
Giêsu chữa lành cho cặp mắt mù lòa của họ trong Bài Phúc Âm hôm
nay. Ngoài ra, những ai tự cho mình là sáng mắt, không bị mùa
lòa, sẽ trở thành mùa lòa: "Tôi đến thế gian để kẻ mù được
thấy và kẻ thấy bị mù" (Gioan 9:39).
Bởi thế, trong Mùa Vọng đợi trông, như đêm mong
chờ hừng đông, chúng ta mong chờ ánh sáng tỏ hiện, chẳng những
trên thế giới càng ngày càng trở nên tối tăm mù mịt về luân lý
và lãnh lẽo về đạo lý, mà còn ngay trong tâm hồn của mỗi người
chúng ta, tâm hồn của thành phần Kitô hữu "là ánh sáng thế
gian" (Mathêu 5:14) nhưng có những lúc đã trở thành tối tăm,
qua những hành vi cử chỉ đầy gian dối, tội lỗi, bất chính, theo
quyền lực của tối tăm, của sự chết, hơn là quyền lực của sự
sống, xứng với danh phận là con cái sự sáng của mình.
Chớ gì tâm tình đầy xác tín của Bài Đáp Ca hôm
nay luôn được vang vọng trong tâm hồn của Kitô hữu chúng ta bao
giờ cũng kháo khát Chúa, cũng hướng về và trông mong chờ đợi
Chúa:
1) Chúa là sự sáng, là Ðấng cứu độ, tôi sợ chi ai? Chúa là Ðấng
phù trợ đời tôi, tôi sợ gì ai?
2) Có một điều tôi xin Chúa, một điều tôi
kiếm tìm, đó là tôi được cư ngụ trong nhà Chúa suốt đời tôi, hầu
vui hưởng sự êm đềm của Chúa, và chiêm ngưỡng thánh điện của
Ngài.
3) Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn
lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy chờ đợi Chúa, hãy sống
can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và chờ đợi Chúa.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có
thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ
trên
Thu.6.MV-I.mp3
Ngày 03 tháng 12
THÁNH PHAN-XI-CÔ XA-VI-Ê, LINH MỤC
lễ kínhở các xứ truyền giáo như ở Việt Nam
Tiểu sử
Thánh Phan-xi-cô chào đời tại Tây Ban
Nha năm 1506. Khi đang học văn chương ở Pa-ri, người nhập đoàn
với thánh I-nha-xi-ô. Người chịu chức linh mục ở Rô-ma năm 1537
và chăm lo thực hành việc bác ái. Năm 1541, người lên đường sang
phương Đông. Trong mười năm, người can đảm loan báo Tin Mừng cho
người Ấn-độ và Nhật-bản, giúp cho nhiều người hoán cải mà đón
nhận đức tin. Người qua đời năm 1552 ở đảo Xan-xi-an, cửa ngõ
vào Trung Quốc.
Phanxicô sinh năm 1506 tại Xaviê thuộc giáo phận
Pampelune nước Tây Ban Nha trong một gia đình quyền quý. Năm 19
tuổi, ngài sang Ba Lê để tiếp tục việc học. Tám năm sau, ngài
tốt nghiệp và trở thành giáo sư đại học đó. Ðược nổi tiếng nhờ
trí thông minh, Phanxicô ngày đêm miệt mài theo đuổi danh vọng
thế tục. Nhưng một ngày kia, Chúa đã dùng miệng lưỡi thánh
Ignatiô, cũng là thầy dạy, để nói cùng ngài: "Ðược lời lãi cả
thế gian mà mất linh hồn nào được ích chi?". Và Chúa đã hoàn
toàn chiếm đoạt trái tim thánh nhân, biến ngài trở thành một khí
cụ tuyệt vời cho cánh đồng truyền giáo. Năm 1539, Phanxicô hăng
hái lãnh sứ mệnh nơi Ðức Giáo Hoàng Phaolô III là đem ánh sáng
Phúc Âm đến cho dân tộc Ấn Ðộ.
Mười một năm trường nhiệt thành với nhiệm vụ
loan báo Tin Mừng, đời sống thánh nhân là một cuộc hành trình
không ngừng. Bước chân ngài len lỏi qua khắp các thành thị cũng
như thôn quê để rao giảng Phúc Âm Chúa Giêsu. Tiếng ngài vang
vọng từ Ấn Ðộ, Tích Lan đến Nhật Bản. Riêng tại Ấn Ðộ, ngài đã
đem về cho Chúa hàng trăm ngàn linh hồn và Rửa Tội cho nhiều bậc
quân vương. Dù vậy, ngài luôn ấp ủ một tâm hồn khiêm nhượng hiếm
có: Ngài thường quỳ gối để viết thư cho thánh Ignatiô là Bề Trên
của mình. Chúa đã hỗ trợ lòng nhiệt thành của thánh nhân bằng
nhiều phép lạ phi thường.
Ngày 02/12/1552, khi đang trên đường tới gần
Trung Hoa thì ngài ngã bệnh và từ trần tại đảo Tân Châu
(Sancian). Xác ngài được đem về mai táng tại thành Goa bên Ấn
Ðộ.
Ðúng 70 năm sau, Ðức Grêgôriô XV đã phong ngài
lên bậc Hiển Thánh (1622). Và đến năm 1904, Ðức Thánh Cha Piô X
đặt ngài làm quan thầy các xứ truyền giáo.
Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng
Trích thư của thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê,
linh mục, gửi thánh I-nha-xi-ô.
Chúng tôi đã tới nhiều làng tân tòng mới
được chịu phép rửa cách đây ít năm. Người Bồ Đào Nha không ở các
làng này vì đất đai xác xơ cằn cỗi. Vì không có linh mục nên các
Ki-tô hữu bản xứ chẳng biết gì khác ngoài việc mình là Ki-tô
hữu. Chẳng có ai cử hành bí tích cho họ, chẳng có ai dạy họ kinh
Tin Kính, kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng, chẳng có ai dạy họ biết
các điều răn của Chúa.
Từ khi đến đây, tôi chẳng ngưng lúc nào :
tôi rảo khắp làng mạc, làm phép rửa cho nhiều trẻ em chưa được
lãnh bí tích này. Tôi đã làm phép rửa cho một số rất đông các
trẻ em chưa biết phân biệt bên phải với bên trái. Khi tôi đến
các làng ấy, trẻ em không để cho tôi đọc kinh nhật tụng, ăn
uống, ngủ nghỉ, nếu tôi chưa dạy cho chúng một kinh. Vì thế, tôi
bắt đầu hiểu tại sao Nước Trời lại là của những người giống như
chúng.
Cũng vì không đang tâm từ khước một lời xin
thánh thiện như vậy, tôi đã bắt đầu dạy chúng làm dấu thánh giá
mà tuyên xưng niềm tin vào Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh
Thần, rồi dạy chúng kinh Tin Kính, kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng.
Tôi nhận thấy chúng rất thông minh. Và nếu có ai huấn luyện cho
chúng về đạo lý Ki-tô giáo, tôi dám chắc chúng sẽ trở nên những
Ki-tô hữu rất tốt lành.
Tại các miền ấy, có nhiều người không được
làm Ki-tô hữu chỉ vì không có ai làm cho họ trở thành Ki-tô hữu.
Nhiều lần tôi đã có ý định đi tới các đại học ở châu Âu, trước
hết là đại học Pa-ri, mà kêu gào khắp nơi như một kẻ mất trí và
thúc đẩy những người chỉ nghiên cứu học thuyết hơn là thực hành
bác ái rằng : Tiếc thay, chỉ vì lỗi các ông mà biết bao linh hồn
thay vì lên thiên đàng lại phải xuống hoả ngục.
Ước chi họ miệt mài với văn chương chữ
nghĩa thế nào thì họ cũng miệt mài với công việc tông đồ này như
vậy, để có thể trả lẽ với Thiên Chúa về học thuyết của họ cũng
như các nén bạc đã được trao phó cho họ. Nhiều người trong họ
được đánh động vì ý tưởng này. Nhờ suy gẫm những sự việc về
Chúa, họ nghe được tiếng Chúa trong tâm hồn và từ bỏ các tham
vọng cũng như công việc trần thế mà hoàn toàn vâng theo ý Chúa
và lệnh truyền của Người. Họ thốt lên tự đáy lòng : Lạy Chúa,
này con đây, Chúa muốn con làm gì ? Xin sai con đi bất cứ
nơi nào tuỳ ý Chúa, cả Ấn-độ cũng được !
Lời nguyện
Lạy Chúa, Chúa đã sai thánh Phan-xi-cô đi
rao giảng để kêu mời các dân tộc Á châu đón nhận Tin Mừng, xin
cho các tín hữu được nhiệt thành truyền giáo như thánh nhân, và
cho Giáo Hội được hân hoan đón nhận nhiều con cái. Chúng con cầu
xin
ThanhPhanxicoXavier-HanhTrinhTruyenGiaoAChau.mp3
https://youtu.be/TnxpCUWTpYU