ĐTC Phanxicô: Huấn Từ Truyền Tin
Chúa Nhật Lễ Chúa Kitô Vua Năm B


 

Thân ái chào anh chị em,

Bài Phúc Âm của phụng vụ hôm nay, Chúa Nhật cuối cùng của Phụng Niên, được kết thúc bằng một câu Chúa Giêsu khẳng định "Ta là vua" (Gioan 18:37). Người tuyên bố những lời này trước Philatô, trong khi đám đông la hét lên án tử cho Người. Người phán: "Tôi là Vua", còn đám đông lại hét lên Người phải bị lên án tử. Hoàn toàn trái ngược nhau. Giờ phút trọng đại đã điểm. Trước kia Chúa Giêsu dường như không muốn dân chúng xưng tụng Người là vua; chúng ta nhớ rằng sau lần hóa bánh và cá ra nhiều, Người đã ẩn mình đi cầu nguyện (cf Jn 6:14-15).

Vấn đề ở đây là vương quốc của Chúa Giêsu hoàn toàn khác với vương quốc của thế gian này. Người đã phán cùng Philatô rằng: "Vương quốc của Tôi không thuộc về thế gian này" (Jn 18:36). Người không đến để cai trị mà là để phục vụ. Người không đến với đầy như dấu lạ quyền năng, mà bằng quyền năng của các dấu lạ. Người đã không ăn vận với đầy những huy chương quí báu, mà là bị trần truồng trên thập tự giá. Bằng chính câu in ấn ở trên cây thập tự giá này mà Chúa Giêsu đã được cho là "vua" (Jn 19:19). Vương quốc của Người thực sự vượt ra ngoài những tiêu chuẩn của loài người! Chúng ta có thể nói rằng Người không như các vua chúa khác,  là Vua đối với những người khác. Chúng ta hãy suy niệm về vấn đề này: trước Philatô, Chúa Kitô nói rằng Người là vua vào lúc đám đông chống lại Người; thế nhưng khi đám đông theo đuổi và xưng tụng Người thì Người lại tách mình xa khỏi lời xưng tụng ấy. Tức là Chúa Giêsu tỏ ra rằng Người tự do một cách vương quyền trước những ham ước về danh vọng cùng vinh quang trần thế này. Còn chúng ta - chúng ta hãy tự vấn xem - chúng ta có biết noi gương bắt chước Người ở khía cạnh này hay chăng? Chúng ta có biết làm chủ khuynh hướng của mình trong việc liên tục được trần gian theo đuổi và khen tặng hay chăng, hay chúng ta làm hết cách để được những người khác trân trọng mình? Vậy tôi xin hỏi nhé: vấn đề là ở chỗ nào đây? Được hoan hô hay phục vụ là những gì chúng ta thực hiện, đặc biệt là liên quan đến việc dấn thân của Kitô hữu chúng ta?

Chúa Giêsu chẳng những xa tránh việc tìm kiếm bất cứ những gì là cao cả trần thế, Người còn làm cho lòng của những ai theo Người được tự do và vương giả nữa. Anh chị em thân mến, Người giải thoát chúng ta khỏi làm tôi cho sự dữ. Vương quốc của Người là vương quốc tự do thanh thoát, không có gì có thể đán áp nó được. Người đối xử với hết mọi môn đệ của Người như bạn hữu, chứ không phải như đầy tớ. Cho dù vượt lên trên tất cả mọi vương quyền, Người cũng không vạch ra giới tuyến giữa Người và kẻ khác. Trái lại, Người muốn có được những người anh chị em được cùng chia sẻ niềm vui của Người (cf. Jn 15:11). Chúng ta không mất đi bất cứ một cái gì trong việc theo Người - không gì bị mất hết, không - nhưng chúng ta lại chiếm được phẩm vị, vì Chúa Kitô không muốn những gì là nô lệ thấp hèn bên cạnh Người, mà là những con người được tự do. Vậy chúng ta có thể tự hỏi tự do của Chúa Giêsu từ đâu xuất phát? Chúng ta khám phá ra khi trở về với lời khẳng định Người đã tuyên bố trước Philatô: "Tôi là vua. Vì thế mà Tôi đã được sinh ra, và Tôi đã đến thế gian này là để làm chứng cho sự thật" (Jn 18:37).

Tự do của Chúa Giêsu xuất phát từ sự thật. Chính sự thật giải thoát chúng ta (cf. Jn 8:32). Thế nhưng sự thật của Chúa Giêsu không phải là một ý nghĩ, là một cái gì đó trừu tượng: sự thật của Chúa Giêsu là một thực tại, chính Người làm cho sự thật trong chúng ta giải phóng chúng ta khỏi những gì là giả tạo và sai lầm bên trong lòng của chúng ta, khỏi những gì là nói năng hai lòng. Ở với Chúa Giêsu chúng ta trở nên chân thật. Đời sống của một Kitô hữu không phải là một màn trình diễn anh chị em có thể đeo cái mặt nạ hợp với anh chị em nhất. Vì khi Chúa Giêsu làm chủ trong tâm hồn thì Người giải phóng nó khỏi những gì là giả hình, Người giải phóng nó khỏi những né tránh, khỏi tính chất hai lòng. Dấu chứng rõ ràng nhất cho thấy Chúa Kitô là vua của chúng ta đó là việc thoát khỏi những gì làm sa đọa đời sống, làm cho nó trở thành mập mờ, u ám và buồn thảm. Khi đời sống trở thành mập mờ - chút này chút kia - thì thật là buồn, rất ư buồn thảm. Chúng ta tất nhiên luôn cần phải đối diện với những hạn hẹp và khiếm khuyết của chúng ta, vì tất cả chúng ta đều là tội nhân. Thế nhưng, khi chúng ta sống dưới vai trò làm vua của Chúa Giêsu thì chúng ta không bị hư hỏng, chúng ta không bị sai lầm, theo khuynh hướng che lấp sự thật. Chúng ta không sống cuộc đời bắt cá hai tay. Hãy nhớ kỹ điều này là tất cả chúng ta đều là tội nhân, được; nhưng không bao giờ, không bao giờ hư hỏng. Tội nhân thì được nhưng không bao giờ được hư hỏng. Xin Đức Mẹ giúp chúng ta biết hằng ngày tìm kiếm sự thật của Chúa Giêsu, Vị Vua của Vũ trụ này, Đấng giải thoát chúng ta khỏi bị làm nô lệ cho trần gian và dạy chúng ta làm chủ tính hư nết xấu của chúng ta. 

https://www.vatican.va/content/francesco/en/angelus/2021/documents/papa-francesco_angelus_20211121.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu