Thân ái chào anh chị em,
Thái độ của Chúa Giêsu chúng
ta thấy ở bài Phúc Âm trong phụng vụ hôm nay (Marco 6:30-34)
giúp cho chúng ta nắm bắt được hai khía cạnh của đời sống: Trước hết là nghỉ ngơi.
Chúa Giêsu dịu dàng bảo các Tông đồ, sau khi thi hành sứ vụ khó
nhọc đang hăng say thuật lại về những gì các vị đã thực hiện,
lời mời gọi như thế này: "Các con hãy tìm nơi vắng vẻ mà nghỉ
ngơi một lúc" (v.31). Một lời mời gọi nghỉ ngơi.
Nói như thế, Chúa Giêsu cống hiến
cho chúng ta một giáo huấn quí báu. Mặc dù Người hân hoan thấy
được niềm hạnh phúc nơi các môn đệ của mình về những sự lạ lùng
từ việc rao giảng của họ, Người cũng không bỏ giờ ra để bày tỏ
cảm nhận hay hỏi han gì hết. Trái lại, Người quan tấm đến tình
trạng mệt mỏi về cả thể lý lẫn nội tâm của họ. Vậy thì tại sao
Người lại làm như thế? Vì
Người muốn làm cho các vị nhận thức được mối nguy hiểm luôn rình
rập cả chúng ta nữa, đó là mối nguy hiểm bị cuốn hút vào tính
chất cuồng nhiệt về những gì mình làm, rơi vào cái bẫy ham hoạt
động, mà điều quan trọng nhất đó là các thành quả chúng ta chiếm
đạt được, cùng với cảm giác thấy mình đóng vai chính yếu nhất. Biết
bao lần điều này đã xẩy ra trong Giáo Hội: chúng ta bận bịu, chúng ta chạy quanh chạy
quẩn, chúng ta nghĩ rằng hết mọi sự lệ thuộc vào chúng ta, và
cuối cùng, chúng ta liều mình mất đi Chúa Giêsu, và chúng ta bao
giờ cũng lấy mình làm tâm điểm. Đó là lý do tại sao Người
mời gọi các môn đệ của mình hãy tự mình nghỉ ngơi một chút. Không phải chỉ về thể lý mà còn nghĩ ngơi cõi
lòng nữa. Vì việc
"tháo gỡ" mình vẫn chưa đủ, chúng ta cần thực sự nghỉ ngơi nữa.
Vậy thì chúng ta làm điều này như thế nào? Để làm như thế, chúng ta cần phải trở về với tâm điềm của
các sự việc, ở chỗ dừng lại để âm thầm lắng đọng, để nguyện
cầu cho khỏi đi từ cái cuồng nhiệt của hoạt động đến cái cuồng
nhiệt của thời gian xả hơi. Chúa Giêsu đã không lơ là với
các nhu cầu của đám đông dân chúng, thế nhưng, mỗi ngày, trước
bất cứ một điều gì khác, Người ẩn thân cầu nguyện đã, một cách
thầm lặng, trong mối thân tình với Chúa Cha. Lời mời gọi dịu
dàng của Người - hãy nghĩ ngơi một lát - cần phải theo
đuổi chúng ta. Anh chị em thân mến, chúng ta nhận thức về tính
cách hiệu năng, chúng ta hãy biết dừng bước chạy theo những gì
là cuồng nhiệt bị chi phối bởi những lịch trình hoạt động của
chúng ta. Chúng ta hãy học
biết cách nghỉ ngơi, tắt đi cái điện thoại di động của mình,
biết chiêm ngắm thiên nhiên, biết lấy lại sinh lực nơi việc đối
thoại với Thiên Chúa.
Tuy nhiên, Phúc Âm nói với chúng
ta rằng Chúa Giêsu và các môn đệ của Người không thể nào nghỉ
ngơi được như lòng mong muốn. Dân chúng cứ kéo nhau đến tứ phía
với các ngài. Bấy giờ, Người động lòng thương. Đó là khía cạnh thứ hai, đó là thương cảm, một kiểu
cách của Thiên Chúa. Kiểu cách của Thiên Chúa là đến gần, là
thương cảm và dịu dàng. Biết bao nhiêu lần chúng ta thấy câu này
trong Phúc Âm, trong Thánh Kinh: "Người đã động lòng thương họ".
Chúa Giêsu đã vì động lòng mà dấn thân cho dân chúng và bắt đầu
lại giảng dạy họ (vv.33-34). Điều này có thể là một cái gì đó mâu thuẫn, thế
nhưng lại thực sự là thế không phải hay sao. Thật vậy, chỉ có tấm lòng nào không để cho mình bị thu
hút bởi những gì là vội vàng hấp tấp mới cảm thấy động lòng; tức
là không để cho con tim bị lôi cuốn, và bị lôi cuốn bởi những gì
sự việc phải làm, và nhận thức được người khác, về những thương
tích của những người ấy, những nhu cầu của họ. Lòng cảm thương xuất phát từ việc chiêm
ngắm. Nếu chúng
ta biết thực sự nghỉ ngơi, chúng ta mới có thể thực sự cảm
thương; nếu chúng ta vun trồng một cái nhìn chiêm niệm,
chúng ta mới thực thi các hoạt động của chúng ta mà không có
thái độ tham lạm của những ai muốn chiếm hữu và hưởng thụ hết
mọi sự; nếu chúng ta biết liên kết với Chúa và không tê liệt hóa
phần sâu thẳm nhất của bản thân chúng ta, những sự việc cần phải
làm sẽ không có quyền lực khiến chúng ta cảm thấy như bị đứt hơi
hoặc nuốt lấy chúng ta. Chúng ta cần - xin hãy lắng nghe điều
này - chúng ta cần "một
thứ hệ sinh thái cõi lòng", tức là thực hiện việc nghỉ ngơi, chiêm niệm và
cảm thương. Chúng ta hãy lợi dụng thời gian nghỉ hè này
để làm điều ấy! Nó sẽ giúp chúng ta không ít.
Giờ đây, chúng ta hãy cầu cúng Đức
Mẹ, Đấng vun trồng việc thinh lặng, nguyện cầu và chiêm niệm, và
là Đấng luôn dịu dàng cảm thương chúng ta là con cái của Mẹ.
https://www.vatican.va/content/francesco/en/angelus/2021/documents/papa-francesco_angelus_20210718.html
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và
các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu