Xin chào anh chị em thân mến,
Hôm nay chúng ta mừng Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa. Mấy ngày trước đây chúng ta đã thấy Hài Nhi
Giêsu được Ba Đạo Sĩ kính viếng; hôm nay Người đã trở
thành một người lớn ở bờ sông Jordan. Phụng Vụ làm cho chúng ta nhẩy vọt khoảng 30
năm, 30 năm chỉ biết có một điều đó là những năm tháng
ẩn dật Chúa Giêsu sống với gia đình của Người -
một số năm trước đó Người sống như là một di dân để
thoát khỏi cuộc bách hại của Hêrôđê, còn những năm khác
ở Nazarét, Người học nghề của Thánh Giuse - Người vâng
lời cha mẹ, học hành và làm việc. Vấn đề lạ lùng là ở chỗ hầu hết thời gian
sống trên Trái Đất này Chúa sống như thế, sống cuộc đời
hằng ngày, không tỏ hiện gì hết. Theo các Phúc
Âm, chúng ta nghĩ rằng đã có 3 năm rao giảng, làm phép
lạ và nhiều điều khác nữa. Ba năm thôi. Còn các năm
khác, còn tất cả các năm khác đều là đời sống ẩn dật
trong gia đình. Đó
là một sứ điệp tuyệt vời cho chúng ta: nó cho chúng ta
thấy những gì là cao cả của đời sống hằng ngày,
tầm quan trọng trước nhan Thiên Chúa về hết mọi cử chỉ
và giây phút của cuộc đời, cho dù là đơn thường nhất,
cho dù là kín đáo nhất.
Sau 30 năm ẩn dật
này Chúa Giêsu bắt đầu đời sống công khai của Người. Đời
sống công khai này được mở đầu bằng việc Người lãnh nhận
phép rửa ở Sông Jordan. Thế nhưng Chúa Giêsu là Thiên Chúa, vậy thì
tại sao Người lại lãnh nhận phép rửa chứ? Phép
rửa của Gioan bao gồm nghi thức thống hối, nó là một dấu
hiệu chứng tỏ ý muốn hoán cải, muốn trở nên tốt hơn,
muốn xin ơn tha thứ tội lỗi của mình. Chúa Giêsu chắc
chắn là không cần đến phép rửa này. Thật vậy, Thánh
Gioan Tẩy Giả đã cố gắng cuỡng lại việc làm phép rửa ấy
nhưng Chúa Giêsu cứ nhất quyết đòi làm như vậy. Vì sao? Vì Người muốn ở với thành phần tội
nhân: đó là lý do tại sao Người đứng xếp hàng với họ và
làm cùng một cử chỉ như họ. Làm bằng một thái độ
của dân chúng, bằng thái độ của thành phần, như một bài
thánh ca hát lên rằng, đã tiến đến với "hồn trần và chân
không". Linh hồn
trần trụi tức là không che đậy gì hết mà là tội nhân. Đó
là cử chỉ Chúa Giêsu đã thực hiện, và Người đi xuống giòng sông để dìm mình vào
thân phận của chúng ta. Thật vậy, Phép Rửa thực sự có
nghĩa là việc "trầm mình".
Vậy là vào ngày đầu
tiên thực hiện thừa tác vụ của mình, Chúa Giêsu đã cống
hiến cho chúng ta "bản tuyên ngôn trình tự" của Người.
Người nói với chúng ta rằng Người không cứu độ chúng ta
từ trên cao, bằng một quyết định thượng quyền hay bằng
một hành động quyền năng, bằng một sắc lệnh, không:
Người cứu độ chúng ta bằng việc đến gặp gỡ chúng ta và
mang lấy tội lỗi của chúng ta. Đó là cách Thiên
Chúa khắc phục sự dữ của thế gian này, ở chỗ, bằng việc
hạ mình xuống, bằng việc nhận lấy nó. Nó cũng là đường
lối chúng ta có thể nâng những người khác lên, ở chỗ
đừng phán xét, mà là hãy gần gũi hơn, hãy chia sẻ, chia
sẻ tình yêu của Thiên Chúa. Việc gần gũi là kiểu cách
của Thiên Chúa đối với chúng ta; chính Ngài đã nói với
Moisen rằng: "Hãy nghĩ mà xem có dân tộc nào được các
thần linh của họ gần gũi cận kề như các ngươi với Ta hay
chăng?"
Sau cử chỉ cảm thương này của Chúa Giêsu, thì một điều
phi thường đã xẩy ra, đó là các tầng trời mở ra, và cuối
cùng là ba Ngôi tỏ mình ra. Thánh Linh đã ngự xuống bằng
hình dạng của một con chim bồ câu (cf. Mk 1:10), và Chúa
Cha phán cùng Chúa Giêsu rằng: "Con là Con yêu dấu của
Cha" (v.11). Thiên Chúa tỏ mình ra khi lòng thương xót
tỏ hiện. Đừng quên điều ấy: Thiên Chúa tỏ mình ra khi lòng thương xót tỏ
hiện, vì đó là dung nhan của Ngài. Chúa Giêsu trở nên
người tôi tớ của thành phần tội nhân và được tuyên bố là
Con; Người hạ mình xuống trên chúng ta và Thần Linh ngự
xuống trên Người. Tình yêu gọi mời tình yêu. Điều này
cũng đúng với chúng ta nữa, ở chỗ, nơi hết mọi cử chỉ phục vụ, nơi hết mọi việc
làm xót thương được chúng ta thực hiện thì đều là những
gì Thiên Chúa tỏ mình ra, Thiên Chúa nhìn đến trần gian
này. Điều này áp dụng cho chúng ta.
Thế nhưng, ngay cả trước khi chúng ta làm bất cứ điều
gì, thì đời sống của chúng ta đều được ghi dấu bởi lòng
thương xót là những gì ở nơi chúng ta. Chúng ta cần được
cứu độ để được tự do. Ơn cứu độ là ơn tự do. Đó là cử
chỉ thương xót tự do của Thiên Chúa đối với chúng ta. Cử
chỉ này được thực hiện một cách bí tích vào ngày chúng
ta lãnh nhận Phép Rửa; thế nhưng, ngay cả những ai không
lãnh nhận phép rửa vẫn luôn được Thiên Chúa thương xót,
vì Thiên Chúa vẫn có đó, vẫn chờ đợi, vẫn đợi chờ ở
những cửa lòng mở ra. Tôi dám nói rằng Ngài tiến tới,
Ngài chăm sóc chúng ta bằng lòng thương xót của Ngài.
Xin Đức Mẹ, Đấng mà giờ đây chúng ta cầu kinh, giúp
chúng ta biết bảo toàn căn tính của chúng ta, tức căn tính
là "thương xót", nền tảng đức tin và đời sống của chúng
ta.
(Sau Kinh Truyền Tin:)
Anh chị em thân mến,
Tôi gửi lời chào thân ái đến nhân dân Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, đang bị
rung động trước cuộc xâm chiếm Quốc Hội mới đây. Tôi
cầu nguyện cho những ai đã bị mất đi mạng sống của mình
- 5 người - bị mất đi vào những giây phút thê thảm ấy.
Tôi xin lập lại rằng bạo lực bao giờ cũng là những gì tự diệt.
Chẳng có gì chiếm được bằng bạo lực và bị mất đi rất
nhiều. Tôi tha thiết xin các vị có thẩm quyền của
đất nước này và toàn thể dân chúng hãy tỏ ra một cảm
quan trách nhiệm cao, để làm lắng đọng các tâm hồn, phát
động việc hòa giải quốc gia, và bảo vệ các thứ giá trị
dân chù đã được cắm rễ nơi xã hội Hoa Kỳ. Xin Đức Trinh
Nữ Vô Nhiễm là Quan Thày của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ,
giúp cho nền văn hóa hội ngộ được sống động, nền văn hóa
chăm sóc, như là đường lối chính yếu trong việc cùng
nhau xây dựng công ích; và thực hiện nó với tất cả những
ai sống ở đất nước này....
Ngày mai, anh
chị em thân mến, là
cuối Mùa Giáng Sinh, chúng ta sẽ trở lại với hành trình
Mùa Thường Niên theo phụng vụ. Chúng ta đừng ngại
xin ánh sáng cùng sức mạnh của Chúa Thánh Thần giúp
chúng ta sống những gì là bình thường bằng tình yêu
thương, nhờ đó làm cho chúng trở thành phi thường. Chính tình yêu thương là những gì làm thay
đổi: những gì là bình thường dường như tiếp tục là bình
thương, thế nhưng khi chúng được thực hiện bằng tình yêu
thương thì chúng trở thành phi thường. Nếu chúng
ta luôn cởi mở, dễ dạy với Thần Linh, thì Ngài sẽ tác
động tâm tưởng và tác hành của chúng ta hằng ngày.
Tôi chúc tất cả anh chị em một Chúa NHật tốt đẹp. Xin
làm ơn đừng quên cầu cho tôi. Chúc anh chị em một bữa
trưa ngon lành và xin tạm biệt anh chị em!
http://www.vatican.va/content/francesco/it/angelus/2021/documents/papa-francesco_angelus_20210110.html
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo
nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu
|