ĐTC Phanxicô -
Huấn Từ Truyền Tin
Chúa Nhật
XXVII Thường Niên Năm B
Thân ái chào anh chị em,
Trong bài Phúc Âm của Phụng vụ
hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu
phản ứng có vẻ bất bình thường, ở chỗ Người tỏ ra phẫn nộ.
Và cái đáng ngạc nhiên nhất đó là thái độ phẫn nộ của Người
không gây ra bởi thành phần biệt phái, những người thử hỏi Người
về tính chất pháp lý của việc ly dị, mà bởi các môn đệ của Người, trong việc các vị bảo vệ Người cho khỏi đám đông dân
chúng, khiển trách một số con trẻ được mang đến với Chúa Giêsu.
Nói cách khác, Chúa không phẫn nộ với những ai tranh cãi với
Người, mà là với những ai, để giúp Người giảm bớt gánh nặng, đã
xua đuổi các con trẻ khỏi Người. Tại sao thế? Đó là một vấn nạn
cần được trả lời: tại sao Chúa lại
làm như vậy?
Chúng ta hãy nhớ rằng - ở trong
chính bài Phúc Âm hai tuần trước - Chúa
Giêsu, khi ôm lấy một con trẻ, đồng hóa mình với những con người
bé mọn, đã dạy rằng những con
người thực dự bé mọn này, tức là những ai lệ thuộc vào người
khác, những ai thiếu thốn cần được giúp đỡ và không thể nào đền
đáp, thành phần cần phải được phục vụ trước hết (see Mk
9:35-37). Những ai tìm kiếm Thiên Chúa thì thấy Ngài ở đó, nơi
những con người bé mọn này, nơi những con người thiếu thốn cần
được giúp đỡ, chẳng những về những thứ vật chất, mà còn cần được
chăm sóc và an ủi nữa, như thành phần bệnh nạn tật nguyền, thành
phần bị hạ cấp, các tù nhân, các di dân, những ai bị áp bức. Người ở đó: nơi những con người bé mọn này. Đó là lý
do tại sao Chúa Giêsu tỏ ra giận dữ, ở chỗ bất cứ một
khinh khi coi thường nào đối với một con người bé mọn, một người
nghèo khổ, một trẻ em, một con người bất khả tự vệ, đều là những
gì tỏ ra với chính bản thân Ngài.
Hôm nay, Chúa lập
lại giáo huấn này một lần nữa và làm cho nó nên trọn. Thật vậy, Người còn thêm rằng: "Thật vậy, Thày bảo
cho các con biết, ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một con
trẻ thì sẽ không được vào nước này" (Mk 10:15). Cái mới mẻ là ở chỗ này: các môn đệ chẳng những cần
phải phục vụ những con người bé mọn, mà còn phải nhận biết
chính bản thân các vị là một con người bé mọn nữa. Hết
mọi người trong chúng ta, chúng ta có nhận mình là nhỏ mọn trước
nhan Thiên Chúa hay không? Chúng ta hãy nghĩ đến điều ấy, những
gì giúp ích cho chúng ta. Việc nhận
biết mình bé mọn, nhận biết nhu cầu ơn cứu độ là những gì
bất khả châm chước để đón nhận Chúa. Nó là bước đầu tiên
trong việc cởi mở bản thấn mình cho Người. Tuy nhiên, chúng ta
thường hay quên điều ấy. Được thịnh vượng, được phúc hạnh, chúng
ta bị ảo tưởng là mình tự mãn, đủ rồi, không cần Thiên Chúa nữa.
Thưa anh chị em, đó là những gì lừa đảo, vì mỗi một người trong
chúng ta là một con người thiếu thốn, một con người bé mọn. Chúng ta cần phải tìm ra cái nhỏ mọn của chúng ta và
nhận biết nó. Và ở đó chúng ta sẽ thấy Chúa Giêsu.
Trong đời sống,
việc nhận biết cái bé mọn của mình là khởi điểm trở nên cao cả. Nếu chúng ta nghĩ về nó, chúng ta tăng trưởng,
không phải ở nơi những thành đạt của chúng ta và những gì chúng
ta có, mà trên hết ở nơi những lúc khốn khó và mỏng dòn. Ở đó, lúc chúng ta thiếu thốn, là lúc chúng ta trưởng
thành; ở đó chúng ta mở lòng mình ra cho Thiên Chúa, cho người
khác, cho ý nghĩa của cuộc đời. Chúng ta hãy mở lòng mình
ra cho người khác. Chúng ta hãy mở mắt chúng ta ra, khi chúng ta
cảm thấy mình bé mọn, cho ý nghĩa đích thật của cuộc sống. Khi
chúng ta cảm thấy bé mọn trước một vấn đề, trước một thánh giá,
một bệnh nạn, khi chúng ta cảm thấy mệt mỏi và lẻ loi cô độc,
chúng ta không bị thất đảm. Cái mặt nạ về những gì là nông nổi
bị rơi rụng, và cái yếu hèn thực sự của chúng ta hiện lên: nó là
chỗ đứng chung của chúng ta, là kho tàng của chúng ta, vì với Thiên Chúa những gì là yếu hèn không phải là một
ngãng trở mà là một cơ hội. Một lời cầu tuyệt vời là
như thế này: "Lạy Chúa, xin hãy nhìn
đến những gì là mong manh mỏng dòn của con....", và hãy
liệt kê chúng ra trước nhan Ngài. Đó là thái độ tốt lành trước
nhan Thiên Chúa.
Thật vậy, chính ở nơi những gì là yếu hèn mà chúng ta khám phá
thấy Thiên Chúa đang chăm sóc chúng ta biết bao. Bài Phúc
Âm hôm nay nói rằng Chúa Giêsu rất êm ái dịu dàng với những con
người bé mọn: "Người ôm lấy chúng trong vòng tay của Người và
chúc lành cho chúng, đặt tay trên chúng" (v.16). Những gì là khó khăn và những trường hợp cho chúng ta
thấy được cái yếu hèn của chúng ta là những cơ hội đặc biệt để
cảm nghiệm thấy tình yêu thương của Ngài. Những ai cầu
nguyện một cách kiên trì đều biết rõ điều ấy, đó là, trong những lúc tăm tối hay lẻ loi cô độc, tấm lòng êm
ái dịu dàng của Thiên Chúa lại được tỏ lộ ra cho chúng ta, có
thể nói, tỏ tường hơn nữa. Khi chúng ta cảm thấy bé mọn,
là chúng ta cảm thấy tấm lòng êm ái dịu dàng của Thiên Chúa hơn.
Tấm lòng êm ái dịu dàng này cống hiến cho chúng ta bình an; làm
cho chúng ta tăng trưởng, vì Thiên Chúa tỏ ra cận kè với chúng
ta theo cách thức của Ngài, tức là Ngài tỏ ra gần gũi, cảm
thương và êm ái dịu dàng với chúng ta. Khi chúng ta cảm thấy mình bé mọn, nhỏ hèn, vì bất cứ
lý do nào, thì Chúa lại đến gần hơn nữa, chúng ta cảm thấy Ngài
cận kề với chúng ta hơn. Ngài ban cho chúng ta bình an;
Ngài làm cho chúng ta tăng trưởng. Trong
nguyện cầu, Chúa kéo chúng ta đến gần với Ngài hơn, như
một người cha với đứa con của mình. Đó
là cách chúng ta trở nên cao cả: không phải ở thứ ngạo
mạn ảo tưởng bởi lòng tự mãn của chúng ta - nó chẳng làm cho ai
lớn lao cao cả hết - mà là ở sức
mạnh của việc chúng ta đặt tất cả niềm hy vọng của chúng ta nơi
Chúa Cha, như những kẻ bé mọn thực hiện, họ làm như thế.
Hôm nay, chúng ta hãy xin với
Trinh Nữ Maria một ơn lớn lao, ơn bé
mọn, đó là trở nên những đứa con biết tin tưởng Chúa Cha, tin
rằng Ngài sẽ không thôi chăm sóc chúng ta.
https://www.vatican.va/content/francesco/en/angelus/2021/documents/papa-francesco_angelus_20211003.html
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,
chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng
mầu