Xin chào anh chị em,
Thư Galata
cho thấy một sự kiện lạ lùng khác nữa. Như chúng ta đã nghe thấy Thánh Phaolô nói rằng ngài đã trách móc Cephas hay
Phêrô, trước cộng đồng ở Antiokia, vì tác hành của vị này đã
tỏ ra không tốt đẹp gì. Những gì đã xẩy ra nghiêm
trọng đến độ Thánh Phaolô cảm thấy buộc phải lên tiếng cùng
Thánh Phêrô, bằng những ngôn từ dữ dội như thế chứ? Có lẽ
Thánh Phaolô đã quá đáng chăng, trong việc để cho cá tính
của mình lộ ra bất khả chế ngự? Chúng ta sẽ thấy không phải
là vấn đề này, mà lại là những
gì liên hệ giữa Lề Luật và tự do. Chúng ta cần phải
thường xuyên trở lại với vấn đề này.
Khi viết cho giáo đoàn
Galata, Thánh Phaolô đã cố ý đế cập đến tình tiết đã xẩy ra
ở Antiokia trước đây. Ngài muốn nhắc nhở Kitô hữu của cộng
đồng này rằng họ không tuyệt đối triệt để phải nghe theo
những kẻ giảng dạy rằng cần phải được cắt bì, những gì làm
cho họ "lệ thuộc Lệ Luật" cùng với tất cả mọi qui định của
Lề Luật. Chúng ta nhớ là những thày dạy cực đoan bảo thủ này
đã đến đó và đã gây ra rắc rối lầm lẫn, thậm chí còn làm cho
cộng đồng này trở nên bất an. Mục tiêu của lời phê phán liên
quan đến Thánh Phêrô đó là việc ngài tác hành khi ngồi xuống
bàn. Đối với người Do Thái thì Lề
Luật cấm không cho phép được ngồi ăn uống chung với những ai
không phải là Do Thái. Thế nhưng chính Thánh Phêrô, ở
một trường hợp khác, đã đến nhà của viên đại đội trưởng
Corneliô ở Caesarea, dù biết rằng làm thế là ngài vi phạm Lề
Luật. Do đó nên ngài đã xác minh rằng: "Thiên Chúa đã cho
tôi hiểu rằng tôi không được gọi ai là thô tục hay dơ bẩn"
(Tông Vụ 10:28). Khi ngài trở về Jerusalem, các Kitô hữu
chịu cắt bì, thành phần trung thành với Luật Moisen, đã
trách móc Thánh Phêrô về hành vi của ngài. Tuy nhiên, ngài
đã tự biện minh như sau: "Tôi sực nhớ lại lời Chúa nói rằng:
'Ông Gio-an thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì sẽ
được rửa trong Thánh Thần'. Vậy,
nếu Thiên Chúa đã ban cho họ cùng một ân huệ như Người đã
ban cho chúng ta, vì chúng ta tin vào Chúa Giê-su Ki-tô, thì
tôi là ai mà dám ngăn cản Thiên Chúa?" (Tông Vụ 11:16-17).
Chúng ta hãy nhớ rằng bấy giờ
Thánh Thần đã đến nhà của viên đại đội trưởng Cornelio khi
Thánh Phêrô tới đó.
Một điều tương tự cũng đã xẩy ra ở Antiokia trước mặt
Thánh Phaolô. Trước hết, Thánh Phêrô bấy giờ đang ăn
uống với các Kitô hữu gốc dân ngoại chẳng có vấn đề gì; tuy
nhiên, khi có một số Kitô hữu đã chịu cắt bì từ Jerusalem
tới thành đó - những người gốc Do Thái - bấy giờ ngài ngưng
không còn ngồi ăn uống như vậy nữa, vì ngài không muốn bị họ
phê phán chỉ trích. Hãy coi chừng điều này, cái lỗi lầm của ngài là ở chỗ ngài lo bị phê bình chỉ
trích, và muốn tạo một ấn tượng tốt đẹp. Đó là những
gì hệ trọng trước mắt Thánh Phaolô, vì các người môn đệ khác
đã bắt chước Thánh Phêrô, nhất là Barnabas, con người đã
từng truyền bá phúc âm hóa dân thành Galata (cf Galata
2:13). Thánh Phêrô, khi làm như vậy, dù vô tình, cũng tỏ ra
như bấp bênh làm sao ấy, không rõ ràng, chẳng minh bạch,
thật sự đã tạo nên tình trạng chia rẽ bất chính trong cộng
đồng này: "Tôi tinh sạch... Tôi đang theo đuổi chiều hướng
này... Tôi cần phải làm như thế.... không thể làm như vậy
được..."
Trong lời trách móc của mình
- và đó là tâm điểm của vấn đề ấy - Thánh Phaolô sử dụng một
từ ngữ giúp chúng ta có thể thấy được công trạng nơi việc
phản ứng của ngài, đó là giả hình (cf Galata 2:13).
Đó là một từ ngữ được lập lại một số lần: giả hình. Tôi nghĩ
rằng tất cả chúng ta đều hiểu được ý nghĩa của nó.... Việc
tuân giữ Lề Luật về phần các Kitô hữu đã dẫn đến tác hành
giả hình mà vị tông đồ này đã muốn mãnh liệt quyết thắng đối
đầu. Thánh Phaolô là một con người chính trực, ngài có những
khiếm khuyết của mình - nhiều khiếm khuyết ... với cá tính
dữ dằn - thế nhưng ngài là người chính trực. Giả hình là gì? Khi chúng ta nói "Hãy coi
chừng, người này là một kẻ giả hình", thì chúng ta đang muốn
nói gì thế? Giả hình là gì? Có
thể gọi nó là nỗi sợ hãi sự thật. Kẻ giả hình là người sợ sự thật. Thà giả vờ
còn hơn là tỏ ra chính bản thân mình. Nó như thể son phấn cho linh hồn, làm đẹp cho hành vi
cử chỉ của anh chị em, tiến hành làm sao cho có ấn tượng: đó
không phải là sự thật. "Không, tôi sợ tỏ mình ra là
ai...", tôi sẽ làm cho mình dễ thương bằng việc tác hành như
thế. Việc giả vờ là những gì dập tắt đi lòng can đảm dám
công khải nói những gì là chân thật; và vì thế mà trách
nhiệm buộc phải luôn nói sự thật, ở bất cứ nơi đâu và bất
chấp mọi sự là những gì dễ bị bỏ qua lắm. Việc giả vờ dẫn đền những sự thật nửa vời. Những sự
thật nửa vời là một thứ giả mạo, vì sự thật là sự thật hay
không phải là sự thật. Những
thứ sự thật nửa vời là đường lối tác hành không chân thực. Như
tôi đã nói, chúng ta thích giả vờ hơn là tỏ bản thân mình
ra, và việc giả vờ này dập tắt đi lòng can đảm dám công khai
nói sự thật. Như thế là chúng ta đào thoát khỏi nhiệm vụ -
đó là mệnh lệnh bao giờ cũng phải nói sự thật; phải tỏ ra
chân thực, ở chỗ nói sự thật ở khắp nơi bất chấp mọi sự. Trong môi trường của những giao tiếp liên cá thể có
tính cách hình thức bề ngoài thì thứ vi khuẩn giả hình này
dễ dàng lây lan. Nụ cười như thế đó lại không xuất
phát từ cõi lòng. Có vẻ như tác hành tốt lành với hết mọi
người đấy mà là chẳng với ai hết.
Trong Thánh Kinh, có một số
trường hợp tính chất giả hình bị thách đố. Một chứng từ tuyệt vời chống lại giả hình đó là chứng
từ của vị lão thành Eleazar, vị đã được yêu cầu giả
vờ ăn thịt được cúng tế cho các thần linh ngoại giáo để cứu
lấy sinh mạng của ông, tức là ông giả vờ ăn nó thôi chứ thật
ra ông lại không ăn. Hoặc ông giả vờ ăn thịt heo nhưng bạn
bè của ông đã dọn cho ông một thứ khác để ăn. Tuy nhiên, con
người kính sợ Chúa này - một con người không phải mới 20
tuổi đầu - đã trả lời rằng: "Việc vờ vịt này không xứng đáng
với thời điểm sống của chúng tôi đây, kẻo nhiều người trẻ
cho rằng Eleasar 90 tuổi này mà còn theo ngoại giáo. Rồi bởi
tôi đã giả vờ mà ham sống thêm một ít lâu nữa, nên họ bị tôi
đánh lừa, còn tôi thì chuốc lấy vết nhơ và ô nhục cho tuổi
già" (2Macabê 6:24-25). Một con người chân thực: ông đã
không chọn đường lối giả hình! Thật là một tình tiết tuyệt
vời để ngẫm nghĩ về việc tách bản thân chúng ta cho khỏi
những gì là giả hình! Cả các Phúc Âm nữa cũng cho thấy những
trường hợp Chúa Giêsu nặng lời
trách móc những ai có vẻ công chính bề ngoài, nhưng trong
lòng lại đầy những giả dối và gian ác (cf. Mt 23:13-29).
Nếu hôm nay anh chị em có giờ thì hãy mở đoạn 23 Phúc Âm
Thánh Mathêu ra mà xem, để thấy được bao nhiêu lần Chúa
Giêsu nói "giả hình, giả hình, giả hình", đó là những gì về
cách thức giả hình.
Thành phần
giả hình là những con người giả bộ, tô điểm và lừa đảo vì họ
sống bằng một thứ mặt nạ phủ khuôn mặt của họ và không đủ
can đảm để đối diện với sự thật. Vì thế mà họ không thể nào thực sự yêu thương: kẻ nào giả hình thì không biết yêu thương. Họ
chỉ sống cho cái tôi của họ và không đủ can đảm để tỏ ra cho
thấy tâm can minh chính của họ. Có nhiều trường hợp giả hình
ra tay hoạt động. Nó thường ẩn nấp nơi chỗ làm việc, khi mà
có ai đó như thể thân tình với
bạn bè của họ, đồng thời lại đâm sau lưng những người ấy bởi
cạnh tranh. Trong chính
trường thì không phải là bất thường có những kẻ giả hình,
công cộng thì sống khác, tư riêng lại sống khác. Giả hình ở trong Giáo Hội là những gì ghê tởm;
tiếc thay, giả hình lại hiện hữu trong Giáo Hội và có nhiều Kitô hữu giả hình và nhiều vị thừa tác giả
hình. Chúng ta không bao giờ được quên những lời Chúa
nói: "Những gì các con nói chỉ là 'có' hay 'không'; ngoài ra
đều là xấu xa" (Mathêu 5:37). Hôm nay, thưa anh chị em,
chúng ta hãy nghĩ đến vấn đề giả hình bị Thánh Phaolô lẫn
Chúa Giêsu lên án: giả hình. Chúng
ta đừng sợ sống chân thực, nói sự thật, nghe sự thật, tuân
hợp bản thân với sự thật, để chúng ta có thể yêu thương. Kẻ
giả hình không biết yêu thương là gì hết. Tác hành khác với những gì là chân thực tức là tác
hại đến mối hiệp nhất của Giáo Hội, mối hiệp nhất như
chính Chúa nguyện cầu. Xin cám ơn anh chị em.
https://www.vatican.va/content/francesco/en/audiences/2021/documents/papa-francesco_20210825_udienza-generale.html