ĐTC Phanxicô: Giáo Lý về Thư Galata

Bài 4 - Lề Luật Moisen


 

Chào anh chị em,

 

"Tại sao luật?" (Galata 3:19). Đây là vấn nạn chúng ta muốn đào sâu hôm nay, tiếp tục với Thánh Phaolô, để thấy được tính chất mới mẻ của đời sống Kitô giáo là đời sống được khơi động bởi Thánh Linh. Thế nhưng, nếu Thánh Linh hiện hữu, nếu Chúa Giêsu là Đấng đã cứu chuộc chúng ta, thì tại sao lại còn phải có lề luật chứ? Đó là những gì chúng ta cần phải suy nghĩ hôm nay. Vị Tông đồ này đã viết: "Nếu anh em được Thần Linh dẫn dắt, thì anh em không còn lệ thuộc vào lề luật" (Galata 5:18). Trái lại, thành phần gièm pha phỉ báng vị tông đồ vẫn chủ trương rằng Kitô hữu Galata phải tuân theo lề luật nữa mới được cứu độ. Họ đã đi giật lùi. Họ hoài niệm về những thời điểm đã qua đi, về những thời điểm trước Chúa Giêsu Kitô. Vị Tông đồ này không đồng ý với họ một tí nào. Những điều này không phải là những từ ngữ ngài đã đồng ý với các vị Tông đồ khác ở Giêrusalem. Ngài nhớ rất rõ những lời của Tông đồ Phêrô khi vị Tông đồ này nói rằng: "Tại sao anh em lại thử thách Thiên Chúa, bằng cách chất lên đầu lên cổ của những người môn đệ này cái ách mà cha ông của chúng ta hay cả chúng ta nữa đã không thể nào mang nổi?" (Tông Vụ 15:10). Những giải định này đã xuất phát từ "công đồng thứ nhất" - công đồng chung đầu tiên đã diễn ra ở Giêrusalem - và những giải định này đã hiện lên rất ư là rõ ràng. Các vị đã nói rằng: "Vì Thánh Linh và chúng tôi quyết định là không nên áp đặt gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết này, đó là anh em hãy kiêng lành những gì cúng tế cho các thứ ngẫu tượng [tức là thờ ngẫu tượng], máu huyết cùng những vật bị chết ngạt, cũng như những gì là dâm ô lăng loàn" (Tông Vụ 15:28-29). Những điều này liên quan đến việc thờ phượng Thiên Chúa, và việc tôn thờ ngẫu tượng, cùng những gì về đường lối nhận thức váo thời bấy giờ.

 

Khi Thánh Phaolô nói về Lề Luật, ngài thường ám chỉ đến Luật Moisen, luật được ban bố bởi Moisen, đó là Thập Giới. Nó có liên hệ đến, nó là một thứ dọn đường, nó liên quan tới Giao Ước Thiên Chúa đã thiết lập với dân của Ngài. Theo những bản văn Cựu Ước khác nhau, Ngũ Kinh - chữ Do Thái được sử dụng để nói đến Lề Luật - là tổng hợp tất cả những qui định và chuẩn định dân Do Thái cần phải tuân giữ bởi Giao Ước với Thiên Chúa. Một tổng luận hiệu năng về những gì là Ngũ Kinh có thể thấy được trong Sách Đệ Nhị Luật, như thế này: "Chúa hân hoan vì làm cho các ngươi được thịnh vượng, cũng như Người đã lấy làm vui nơi cha ông của các ngươi, miễn là các ngươi nghe tiếng Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, mà giữ những mệnh lệnh và thánh chỉ của Ngài, được ghi trong sách Luật này, miễn là các ngươi hết lòng hết dạ trở về với Chúa, Thiên Chúa của các ngươi". Vậy, việc tuân giữ Lế Luật đã bảo đảm cho dân này các phúc lợi của Giao Ước, cùng bảo đảm mối liên hệ đặc biệt của họ với Thiên Chúa. Dân này, con người này, được liên kết với Thiên Chúa, và họ tỏ hiện mối liên hệ với Thiên Chúa ấy, bằng việc hoàn trọn, bằng việc tuân giữ Lề Luật. Để thực hiện Giao Ước với dân Do Thái, Thiên Chúa đã cống hiến cho họ Ngũ Kinh, Lề Luật, để họ có thể hiểu được ý muốn của Ngài và sống một cách công chính. Chúng ta phải nghĩ rằng vào thời điểm ấy, một thứ Lề Luật như thế là những gì cần thiết, nó là một tặng ân lớn lao Thiên Chúa đã ban cho dân của Ngài. Tại sao? Vì vào lúc ấy chiều hướng dân ngoại lan tràn khắp nơi, việc tôn thờ ngẫu tượng ở khắp chốn, và tác hành của con người là hậu quả của việc tôn thờ ngẫu tượng này. Vì thế mà lề luật mới là tặng ân cao cả Thiên Chúa đã ban cho dân của Ngài, để họ có thể kiên trì. Có một đôi lần, nhất là ở trong các sách ngôn sứ, đã đề cập đến việc không tuân giữ các chỉ thị của Lề Luật đã tạo nên một thứ phản bội thực sự đối với Giao Ước, khiến Thiên Chúa nổi giận. Mối liên hệ giữa Giao Ước và Lề Luật chặt chẽ đến độ hai thực tại này bất khả phân ly. Lề Luật là đường lối mà một người, một dân tộc chứng tỏ họ gắn bó với Giao Ước của Thiên Chúa.

 

 Bởi vậy, căn cứ vào tất cả những điều ấy, cũng dễ hiểu hơn nữa làm thế nào mà những tay truyền giáo này đã làm xâm nhập vào Kitô hữu Galata cái trò có vẻ hay ho đẹp đẽ này, bằng việc chủ trương rằng gắn bó với Giao Ước cũng bao gồm cả việc tuân giữ Luật Moisen như đã thực hiện thời bấy giờ. Tuy nhiên, chính ở chỗ này, chúng ta mới có thể khám phá thấy sự thông minh về tâm linh cùng với những minh thức cao cả được ngài bày tỏ, do ân sủng ngài đã lãnh nhận trong sứ vụ truyền bá phúc âm hóa của ngài.

 

Vị Tông đồ này giải thích cho Kitô hữu Galata rằng, thực sự, Giao Ước và Lề Luật không liên kết với nhau một cách bất khả phân ly - Giao Ước với Thiên Chúa và Lề Luật Moisen. Yếu tố thứ nhất ngài dựa vào đó là Giao Ước Thiên Chúa thiết lập với Abraham được căn cứ vào đức tin trong việc hoàn trọn lời hứa, chứ không vào việc tuân giữ Lề Luật vào lúc nó chưa có. Abraham đã bắt đầu cuộc hành trình của mình nhiều thế kỷ trước khi có Lề Luật. Vị Tông đồ viết:  "Tôi muốn nói là: một giao ước đã được Thiên Chúa lập đúng thể thức (với Abraham khi Ngài gọi ông), thì Lề Luật, mãi bốn trăm ba mươi năm sau mới có (với Moisen), không phế bỏ giao ước đó được, và như vậy làm cho lời hứa ra vô hiệu". Lời này rất quan trọng. Dân Thiên Chúa, Kitô hữu chúng ta, chúng ta hành trình bởi đời sống hướng đến một hứa hẹn, thứ hứa hẹn lôi cuốn chúng ta, nó thu hút chúng ta tiến tới chỗ gặp gỡ Chúa. "Vì nếu nhờ Lề Luật mà người ta được hưởng gia tài, thì không còn phải là nhờ lời hứa nữa (lời hứa xẩy ra trước Lề Luật, lời hứa với Abraham); nhưng Thiên Chúa đã dùng một lời hứa mà ban ân huệ cho ông Áp-ra-ham" (Galata 3:17-18), sau đó 430 năm mới có Lề Luật. Với lập luận này, Thánh Phaolô đã tiến tới mục tiêu của ngài, ở chỗ Lề Luật không phải là nền tảng của Giao Ước vì nó có sau, nó là những gì cần thiết và chính đáng, nhưng trước nó đã có lời hứa, có Giao Ước.

 

Một lập luận như vậy đã bác bỏ tất cả những ai chủ trương rằng Lề Luật Moisen là một phần cấu tạo nên Giao Ước. Không, Giao Ước có trước, rồi tới Abraham được kêu gọi. Thật vậy, Ngũ Kinh, Lề Luật, không được bao gồm trong lời hứa với Abraham. Tuy nhiên, người ta không được nghĩ rằng khi nói như thế Thánh Phaolô chống lại Lề Luật Moisen. Không, ngài đã tuân giữ nó. Trong những lá Thư của mình, có mấy lần ngài bênh vực nguồn gốc thần linh của nó, và nói rằng nó có một vai trò rất chuyên biệt trong lịch sử cứu độ. Tuy nhiên, Lề Luật không cống hiến sự sống, nó không cống hiến cho việc hoàn trọn lời hứa vì nó không có khả năng hoàn trọn này. Lề Luật là một cuộc hành trình, một cuộc hành trình dẫn đến một cuộc gặp gỡ. Tông đồ Phaolô sử dụng một chữ, tôi không biết có trong bản văn hay chăng, một chữ rất quan trọng: lề luật là một "giáo dục viên" hướng về Chúa Kitô, một giáo dục viên hướng tới đức tin vào Chúa Kitô, tức là một ông thày dẫn dắt anh chị em đến với cuộc gặp gỡ này (cf. Galata 3:24). Những ai tìm kiếm sự sống đều cần phải hướng về lời hứa và đến chỗ hoàn trọn của lời hứa trong Chúa Kitô.

 

Anh chị em thân mến, việc trình bày đầu tiên này của vị Tông đồ cho Kitô hữu Galata cho thấy tính chất mới mẻ nồng cốt của đời sống Kitô giáo, đó là tất cả những ai tin vào Chúa Giêsu Kitô đều được kêu gọi sống trong Thánh Linh, Đấng giải phóng chúng ta khỏi Lề Luật, đồng thời, làm cho Lề Luật am hợp với giới luật yêu thương. Điều này rất quan trọng. Lề Luật dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu. Thế nhưng một người nào đó trong anh chị em có thể nói với tôi rằng: "Thế nhưng, thưa Cha, chỉ một điều duy nhất thôi sao, phải chăng có nghĩa là nếu con cầu Kinh Tin Kính, thì con không cần tuân giữ các giới luật nữa?" Không, các giới răn vẫn có hiệu lực ở chỗ chúng là "những thày dạy" dẫn bạn đến cuộc gặp gỡ Chúa Kitô. Nhưng nếu bạn loại trừ việc gặp gỡ Chúa Giêsu và muốn lùi lại bằng cách gán cho các giới răn tầm quan trọng hơn, thì đó là vấn đề của những tay truyền giáo cực đoan ấy, thành phần đã xâm nhập vào Kitô hữu Galata để làm cho họ lầm lẫn.

 

Xin Chúa giúp chúng ta hành trình theo đường lối các giới răn, nhưng hướng tới tình yêu của Chúa Kitô, hướng tới cuộc gặp gỡ Chúa Kitô, với ý thức rằng việc gặp gỡ Chúa Kitô thì quan trọng hơn tất cả mọi giới răn.

 

https://www.vatican.va/content/francesco/en/audiences/2021/documents/papa-francesco_20210811_udienza-generale.html

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu 

 

DTCPhanxico.ThuGalata-4.mp3