ĐTC Phanxicô: Giáo Lý về Thư
Galata
Bài 12 -
Tự do được hiện
thực nơi yêu thương
"Quả thế, thưa anh em, anh em đã được gọi để hưởng tự do.
Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng
hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau.
Vì tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là:
Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình".
(Galata 5:13-14)
Thân ái chào anh chị em,
Trong những ngày này chúng ta
đang nói về sự tự do của đức tin, bằng cách lắng nghe Thư
Galata. Thế nhưng, tôi được nhắc nhở đến những gì Chúa Giêsu đã
nói về tính cách tự phát và tự do của con trẻ, khi em nhỏ này
thanh thản tiến lên và đi lại tự nhiên như ở nhà vậy... Chúa
Giêsu đang nói với chúng ta rằng: "Cả các con nữa, nếu các con
không tác hành như các con trẻ, các con sẽ không được vào Nước
Trời". Việc can đảm tiến đến với Chúa, cởi mở với Chúa, không sợ
hãi Chúa: tôi cám ơn em nhỏ này về bài học em đã cống hiến cho
tất cả chúng ta. Xin Chúa giúp em theo giới hạn của em, nơi sự
tăng trưởng của em, vì em đã cống hiến chứng từ xuất phát từ tấm
lòng của em. Con trẻ không có một thông dịch viên tự động nào để
chuyển từ tâm can thành đời sống: mà con tim tự phát. Cám ơn
con. (xin xem thêm: Bài học của cậu bé khuyết tật trong buổi tiếp kiến
chung của ĐTC).
Tông đồ Phaolô, qua Thư Galata
của mình, từ từ dẫn chúng ta đến tính
chất mới mẻ cao cả của đức tin. Một cách chầm chậm, từng
bước một... đó là tính chất mới mẻ của đức tin. Nó thật sự là một tính chất mới mẻ cao cả, vì nó không chỉ canh tân đổi mới một vài khía cạnh của đời
sống, mà hơn thế nữa, nó dẫn chúng ta vào "sự sống mới" chúng ta
đã được lãnh nhận nơi Phép rửa. Đó là tặng ân cao
cả nhất, tặng ân được làm con cái của Thiên Chúa, đã được
tuôn đổ xuống trên chúng ta. Được tái sinh trong Chúa Kitô,
chúng ta đã vượt qua từ một thứ đạo giáo được làm nên bởi các
thứ giới luật - chúng ta đã chuyển từ một thứ đạo giáo được làm
nên bởi các thứ giới luật - tới một đức tin sống động, một đức
tin ở nơi mối hiệp thông với Thiên Chúa cũng như với anh chị em
của chúng ta, tức là trong yêu thương. Chúng ta đã vượt qua từ
tình trạng làm nô lệ cho sợ hãi và tội lỗi đền tình trạng tự do
của thành phần con cái Chúa. Ở đây nữa, cũng vẫn là chữ tự do...
Hôm nay chúng ta sẽ cố gắng hiểu
hơn nữa đâu là tâm điểm của tình
trạng tự do này đối với vị Tông Đồ đây, đâu là cốt lõi của thứ
tự do này. Thánh Phaolô khẳng định rằng bất cứ cái gì chỉ
là "cơ hội cho xác thịt" (Gal 5:13), thì tự do chỉ là một lối
sống phóng đãng, theo xác thịt hay theo các bản năng, theo những
ước muốn riêng tư hay theo những thúc đẩy vị kỷ của mình; không,
ngược lại, thứ tự do của Chúa Giêsu, như vị Tông đồ này viết,
dẫn chúng ta tới chỗ trở thành "tôi tớ của nhau" (ibid). Thế
nhưng phải chăng đó là tình trạng nô lệ? Đúng thế, tự do trong Chúa Kitô có yếu tố nô lệ, một chiều kích dẫn chúng ta tới chỗ phục vụ, tới chỗ
sống cho người khác. Nói cách khác, tự do đích thực được thể hiện hoàn toàn nơi tình yêu
thương. Tuy nhiên, tới
đây chúng ta lại chạm trán với một sự mâu thuẫn Phúc Âm, ở chỗ, chúng ta được tự do bằng việc phục vụ, chứ không phải ở
chỗ làm bất cứ những gì chúng ta muốn. Chúng ta tự do trong việc phục vụ, và tự do
xuất phát từ đó; chúng ta cảm thấy mình trọn vẹn ở chỗ chúng ta
ban tặng bản thân mình. Chúng ta cảm thấy mình hoàn toàn ở chỗ chúng ta cống hiến
bản thân mình, ở chỗ chúng ta can đảm trao ban bản thân; chúng ta chiếm hữu sự sống khi chúng ta đánh mất nó đi (cf
Mk 8:35). Đó là Phúc Âm tinh tuyền.
Thế nhưng, làm sao hiểu được cái mâu thuẫn này đây? Vì nó
là một thứ mâu thuẫn! Câu trả lời của Vị Tông đồ này thật là
giản dị như nó đòi hỏi vậy, đó là "bằng yêu thương" (Gal 5:13). Không có vấn đề tự do mà thiếu vắng yêu thương. Thứ tự do vị kỷ ở chỗ làm những gì mình muốn không
phải là tự do, vì nó quay trở lại với chính nó, chẳng sinh hoa
trái gì. Bằng tình yêu thương: chính tình yêu của Chúa Kitô đã giải thoát chúng ta và
chính tình yêu cũng đã giải thoát chúng ta khỏi tình trạng làm
nô lệ tệ hại nhất, tình trạng làm nô lệ cho bản thân chúng ta;
bởi thế, tự do tăng trưởng theo
tình yêu thương. Thế
nhưng, hãy ý tứ: không phải là thứ tình yêu qui kỷ, thứ tình yêu
kịch nghệ, không phải bằng thứ đam mê chỉ tìm kiếm những gì mình
muốn và thích: không phải như thế, mà bằng thứ tình yêu chúng ta
thấy ở nơi Chúa Kitô, đó là đức ái - đó là thứ tình yêu thực sự
tự do và thanh thoát. Đó là thứ tình yêu tỏa chiếu nơi việc phục
vụ nhưng không, theo gương mẫu của tình yêu Chúa Giêsu, Đấng rửa
chân cho các môn đệ của mình mà phán: "Thày đã làm gương cho các
con, để các con cũng làm như Thày đã làm cho các con" (Jn
13:15). Nghĩa là phục vụ lẫn nhau.
Như thế, đối với Thánh Phaolô
thì tự do không phải là "làm những
gì anh chị em muốn và những gì anh chị em thích": không phải như
vậy. Thứ tự do này, không đích nhắm và không điểm tựa, sẽ trở
thành một thứ tự do trống rỗng, thứ tự do trò hề, không tốt.
Thật vậy, nó lưu lại trong lòng những gì là rỗng tuyếch: biết
bao nhiêu lần, sau khi chiều theo bản năng, chúng ta nhận thấy
rằng còn lưu lại trong lòng chúng ta một thứ trống rỗng lớn lao,
và chúng ta đã sử dụng một cách bậy bạ kho tàng tự do của chúng
ta, sử dụng bậy bạ vẻ đẹp có thể chọn sự thiện chân thực cho bản
thân mình cũng như cho người khác. Tự
do đích thật bao giờ cũng giải thoát chúng ta, trong khi chúng ta sử dụng tự do theo những gì chúng
ta thích và không thích, chúng ta cuối cùng vẫn cứ trống rỗng. Chỉ
có thứ tự do giải phóng này mới trọn vẹn, nguyên tuyền và đưa
chúng ta vào cuộc sống hằng ngày thực sự thôi.
Ở một bức thư khác, thư thứ nhất
Corintô, vị Tông đồ này đáp lại những ai ủng hộ ý nghĩ sai lầm
về tự do. "Tất cả mọi sự đều hợp pháp!". Thế à, tất cả mọi sự
đều hợp pháp sao, đều được làm ư. Không phải thế, đó là một tư
tưởng sai lầm. Câu trả lời đó là "Phải, nhưng không phải tất cả
mọi sự đều hữu ích". "Tất cả mọi sự
đều hợp pháp, nhưng không phải tất cả đều hữu ích", Thánh
Phaolô đã trả lời như vậy. "Tất cả
mọi sự đều hợp pháp, đúng vậy, nhưng không phải tất cả đều xây
dựng", Vị Tông đồ này đã bẻ lại. Rồi ngài thêm rằng: "Đừng có ai tìm kiếm thiện ích của mình, mà là thiện
ích của tha nhân" (1Cor 10:23-24). Đó là qui luật để lột
trần bất cứ thứ tự do vị kỷ nào. Ngoài ra, đối với những ai theo
chiều hướng biến tự do theo cảm giác riêng tư của mình, Thánh
Phaolô cho họ thấy nhu cầu cần phải yêu thương. Tự do được tình yêu chi phối là thứ tự do duy nhất giải
thoát người khác và bản thân chúng ta, biết lắng nghe mà không áp đặt, biết làm sao
để yêu thương mà không cưỡng bách, biết xây dựng chứ không hủy
hoại, không khai thác người khác cho thuận lợi của mình, và hành
thiện mà không tìm kiếm lợi ích riêng tư. Tóm lại, nếu tự do
không ở chỗ phục vụ - đó là những gì thử thách - nếu tự do không
phục vụ thiện ích, thì nó có nguy cơ bị cằn cỗi và không sinh
hoa kết trái. Nếu tự do không biết
phục vụ thiện ích, sẽ không sinh hoa kết trái. Trái lại, tự do được
yêu thương tác động thì hướng tới người nghèo, nhận biết dung
nhan của Chúa Kitô nơi khuôn mặt của họ. Bởi thế, việc phục vụ nhau này giúp Thánh
Phaolô, khi viết cho Giáo đoàn Galata, có thể nhấn mạnh đến một
cái gì đó không thể nào là thứ yếu: nhờ đó, khi nói đến tự do mà
các vị Tông đồ khác ban cho ngài để truyền bá phúc âm hóa, ngài
nhấn mạnh rằng các vị đã khuyên dụ chỉ có một điều duy nhất, đó
là hãy nhớ đến người nghèo (cf Gal 2:10). Thật là hay, những gì
mà các vị tông đồ đã nói sau khi xẩy ra cuộc chiến về ý hệ giữa
Thánh Phaolô và các vị tông đồ, các vị đã đồng ý rằng: "cứ thế,
cứ vậy và đừng quên người nghèo", tức là, chớ gì tự do của anh,
với tư cách là một vị rao giảng trở thành một thứ tự do trong
việc phục vụ người khác, chứ không phải cho bản thân của anh,
làm theo ý của anh.
Tuy nhiên, chúng ta biết rằng
một trong những quan niệm về tự do tân tiến tràn lan nhất đó là
thế này: "tự do của tôi kết thúc ở
chỗ bắt đầu tự do của bạn". Thế nhưng, ở đây lại mất đi
mối liên hệ! Đó là một thứ nhãn quan có tính cách cá nhân chủ
nghĩa. Trái lại, những ai đã lãnh nhận tặng ân tự do bởi Chúa
Giêsu ban cho không thể nghĩ rằng tự do là ở chỗ tránh xa người
khác, như thể họ là một thứ gì đó tai hại; nhân loại không thể
nào bị coi như bị cầm giữ một mình mà bao giờ cũng thuộc về một
cộng đồng nào đó. Chiều kích xã hội là những gì nền tảng đối với
Kitô hữu, và nó giúp cho họ tìm kiếm công ích hơn là tư lợi.
Đặc biệt là trong giây phút lịch
sử này đây, chúng ta cần tái nhận thức được chiều kích cộng đồng
hơn là cá nhân của tự do: dịch bệnh này đã dạy cho chúng ta biết
rằng chúng ta cần nhau, nhưng biết được điều này cũng chưa đủ;
chúng ta cần chấp nhận nó một cách cụ thể rõ ràng, đi theo đường
lối ấy hằng ngày. Chúng ta hãy nói
và tin tưởng rằng người khác
không phải là một thứ chướng ngại cho tự do của chúng ta, trái
lại, họ là khả thể để hoàn toàn hiện thực nó. Vì tự do của chúng ta
xuất phát từ tình yêu của Thiên Chúa và tăng trưởng trong yêu
thương. Xin cám ơn anh chị em.
https://www.vatican.va/content/francesco/en/audiences/2021/documents/papa-francesco_20211020_udienza-generale.html
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,
chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng
mầu