Chúa Giêsu phục sinh
đã hiện ra với các môn đệ mấy lần. Người đã nhẫn nại xoa dịu tấm
lòng trục trặc của các vị. Tự mình sống lại, giờ đây Người mang
đến "sự phục sinh cho các môn đệ". Người làm cho tinh thần của các vị sống lại
và làm cho đời sống của họ đổi thay. Trước đó, những lời
của Chúa cùng với gương sống của Người đều không thay đổi được
các vị. Giờ đây, vào lúc Phục Sinh, một cái gì đó mới lạ đang
xẩy ra, và nó xẩy ra theo
chiều hướng của lòng thương xót. Chúa Giêsu làm cho các vị sống lại bằng lòng
thương xót. Một khi đã lãnh nhận được lòng xót thương, các vị
cũng biết thương xót. Thật khó lòng mà thương xót nếu không cảm
thấy mình được xót thương trước.
Trước hết, các vị
nhận lãnh được lòng thương xót nhờ ba tặng ân. Tiên vàn, Chúa Giêsu cống hiến cho
các vị tặng ân bình an,
rồi tặng ân Thần Linh và sau cùng là tặng ân các
Thương Tích của Người. Các vị môn đệ này bị khủng hoảng. Họ
đã khóa kín cửa lại vì sợ hãi, sợ bị bắt và cuối cùng là giống
như Thày. Thế nhưng các vị chẳng những cùng nhau bị hỗn độn
trong một căn phòng; các vị tự mình còn cảm thấy một nỗi hối xót
nữa. Các vị đã ruồng bỏ và chối bỏ Chúa Giêsu. Các vị đã cảm
thấy mình bất lực, mất uy tín, chẳng lợi ích gì hết. Chúa Giêsu
đã đến và nói cùng các vị hai lần rằng: "Bình an cho các
con!" Người không mang
lại một thứ bình an để cất đi cho họ các thứ vấn đề rắc rối bề
ngoài mà là thứ bình an thấm nhiễm lòng tin tưởng bên trong. Đó
không phải là thứ bình an ngoại tại, mà là thứ bình an trong
lòng. Người nói cùng các vị "Bình an cho các con. Như Cha đã sai
Thày thế nào thì Thày cũng sai các con như vậy" (Jn 20:21).
Người như thể nói với các vị rằng: "Thày sai các con đi vì Thày tin vào các con".
Những con người môn đệ thoái chí nản lòng này được ban cho bình
an. Bình an của Chúa Giêsu
làm cho các vị vượt qua từ nỗi hối xót sang sứ vụ. Bình an của Chúa Giêsu làm bừng lên sứ vụ. Nó không bao gồm những gì là dễ dàng và dễ
chịu, mà là thứ thách đố làm chúng ta bung mình ra. Bình
an của Chúa Giêsu là những gì giải thoát chúng ta khỏi một tình
trạng thu mình bại liệt; nó chặt đứt những thứ xích xiềng tâm
can. Các vị môn đệ đã nhận ra rằng các vị đã được xót thương:
các vị đã nhận thấy rằng Thiên
Chúa đã không lên án các vị hay khinh miệt các vị, mà còn tin
tưởng vào các vị nữa. Thật vậy, Thiên Chúa tin tưởng vào chúng
ta hơn cả chính chúng ta tin vào bản thân chúng ta nữa. "Người
yêu chúng ta hơn chúng ta yêu bản thân mình"(cf. SAINT JOHN
HENRY NEWMAN, Meditations and Devotions, III, 12, 2). Một khi được Thiên Chúa quan tâm đến thì chẳng
có ai là vô dụng, là mất uy tín hay là một thứ đồ bỏ. Hôm
nay Chúa Giêsu cũng nói với chúng ta rằng: "Bình an cho các con!
Các con là những gì quí báu trước mắt của Thày. Bình an cho các
con! Các con là những gì quan trọng đối với Thày. Bình an cho
các con! Các con có một sứ vụ. Không ai có thể chiếm chỗ của các
con. Các con là những con người bất khả thay thế. Thày tin tưởng
vào các con".
Sau nữa, Chúa Giêsu
tỏ lòng thương xót cho các môn đệ của Người bằng việc ban
cho các vị Thánh Linh. Người đã ban Thần Linh thứ
tha tội lỗi (cf.vv 22-23). Các vị môn đệ là những con người tội
lỗi; các vị đã bỏ chạy, các vị đã ruồng bỏ một Bậc Thày. Tội lỗi
đang hành hạ các vị; các vị đang phải trả giá sự dữ. Tội lỗi của
chúng ta, như Thánh Vịnh gia nói (cf.51:5), luôn ở trước chúng
ta. Tự mình, chúng ta không
thể loại trừ tội lỗi. Chỉ một mình Thiên Chúa mới cất nó đi được
thôi, chỉ duy mình Người, bằng lòng thương xót của Người, mới có thể làm cho chúng ta trồi lên khỏi
những vực thẳm khốn cùng của chúng ta thôi. Như các vị
môn đệ xưa, chúng ta cần phải được tha thứ, cần phải chân thành
xin Chúa thứ tha. Chúng ta cần mở lòng chúng ta ra để được tha
thứ. Ơn tha thứ trong Thánh
Linh là tặng ân Phục Sinh giúp cho nội tâm của chúng ta nhờ đó
mà được phục sinh. Chúng ta hãy xin ơn biết chấp nhận tặng ân
này, biết tha thiết với Bí Tích tha thứ. Và ơn hiểu được rằng Bí Tích Giải Tội không
phải là việc về bản thân chúng ta và tội lỗi của chúng ta, mà là
về Thiên Chúa và là về lòng thương xót của Ngài. Chúng ta không xưng tội để hạ thấp chúng ta
xuống, mà là để được nâng lên. Chúng ta, tất cả chúng ta,
rất ư là cần đến điều này. Như một trẻ nhỏ, bất cứ khi nào chúng
ngã, chúng đều cần được cha mẹ chúng nâng lên thế nào, chúng ta
cũng cần như thế. Chúng ta cũng thường xuyên sa ngã. Và bàn tay
Cha của chúng ta sẵn sàng nâng chúng ta đứng lên lại và làm cho
chúng ta tiếp tục bước đi. Bàn
tay bảo đảm và khả tín này là Bí Tích Giải Tội. Bí Tích Giải Tội
là bí tích nâng chúng ta lên; bí tích này không để chúng ta nằm
trên mặt đất, than khóc về những tảng đá cứng khiến chúng ta vấp
ngã. Bí Tích Giải Tội
là Bí Tích phục sinh, hoàn toàn thương xót. Tất cả những
ai giải tội cần phải chuyển đạt những gì là ngọt ngèo của lòng
thương xót. Đó là những gì vị giải tội cần phải làm, đó là
chuyển đạt những gì là êm ái dịu dàng của lòng thương xót Chúa
Giêsu, Đấng tha thứ hết mọi sự. Thiên Chúa là Đấng thứ tha hết
tất cả mọi sự.
Cùng với thứ bình an làm chúng ta phục hồi và ơn tha thứ
nâng chúng ta lên, Chúa
Giêsu đã cống hiến cho các môn đệ của Người tặng ân thứ ba là
tặng ân của lòng thương xót, ở chỗ, Người đã tỏ ra cho các vị thấy
các thương tích của Người. Bởi những thương tích này
mà chúng ta đã được chữa lành (cf. 1 Pet 2:24; Is 53:5).
Thế nhưng những vết thương này đã chữa lành chúng ta ra sao?
Bằng lòng thương xót. Nơi
những vết thương ấy, như Toma, chúng ta có thể thật sự chạm tới
sự thật Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta cho đến cùng. Người
đã làm cho các thương tích của chúng ta thành thương tích của
Người, và đã mang lấy các thứ yều hèn của chúng ta nơi thân xác
của Người. Các thương tích
của Người là những thông mạch mở ra giữa Người và chúng ta, lan
tỏa lòng thương xót trên tình trạng khốn nạn của chúng ta. Các thương tích của Người là những ngõ lối
Thiên Chúa đã mở ra chúng ta tiến vào tình yêu dịu dàng của
Người và thật sự "chạm đến" Đấng là Người. Chúng ta đừng
bao giờ ngờ vực lòng thương xót của Người nữa. Bằng việc tôn thờ và hôn kính các thương tích
của Người, chúng ta nhận ra rằng tất cả những yếu hèn của chúng
ta đều đã được chấp nhận bằng tình yêu dịu dàng của Người. Điều này xẩy ra ở mỗi Thánh Lễ, khi
Chúa Giêsu cống hiến cho chúng ta Thân Mình bị thương tích và
phục sinh của Người. Chúng ta chạm đến Người và Người
đụng vào đời sống của chúng ta. Người làm cho trời cao xuống với
chúng ta. Các thương tích rạng ngời của Người xua tan bóng tối
tăm trong lòng của chúng ta. Như Toma, chúng ta nhận biết Thiên
Chúa; chúng ta nhận thấy Người gần gũi với chúng ta biết bao, và
chúng ta cảm kích than lên rằng "Lạy Chúa của con và là Thiên
Chúa của con!" (Jn 20:28). Tất
cả mọi sự đều xuất phát từ đấy, từ ân sủng của việc lãnh nhận
lòng thương xót. Đó là khởi điểm của hành trình Kitô hữu chúng
ta. Thế nhưng, nếu chúng ta tin vào các khả năng của
mình, vào tính chất hiệu năng của những gì chúng ta cấu trúc và
dự phóng, chúng ta sẽ chẳng tiến được bao xa. Chỉ khi nào chúng ta chấp nhận tình yêu thương
của Thiên Chúa, chúng ta mới có thể cống hiến một cái gì mới cho
thế giới thôi.
Những gì các vị môn đệ
đã làm đó là lãnh nhận lòng thương xót, để rồi về phần mình các
vị cũng biết xót
thương. Chúng ta thấy được điều ấy trong bài đọc thứ
nhất. Sách Tông Vụ thuật lại rằng "không ai lấy gì làm của riêng
mình, nhưng tất cả những gì họ có đều làm của chung" (4:32). Đó
không phải là cộng sản, mà là thuần Kitô giáo. Lại càng lạ lùng
hơn nữa khi chúng ta nghĩ rằng cũng là những con người môn đệ ấy
trước kia đã tranh cãi với nhau về những gì là phần thưởng và
việc tưởng thưởng, và về ai là kẻ cao trọng nhất (cf. Mt 10:37; Lk 22:24).
Giờ đây họ biết chia sẻ với nhau hết mọi sự; họ "chỉ có một lòng
trí" (4:32). Làm sao họ có thể thay đổi như thế chứ? Bấy giờ họ thấy nơi những người khác bằng
chính lòng thương xót đã thay đổi cuộc đời của họ. Họ đã
khám phá ra rằng họ đã chia sẻ cùng một sứ vụ, ơn tha thứ và
Thân Mình Chúa Giêsu, và vì thế họ tự nhiên biết chia sẻ những
sở hữu trần gian của họ. Đoạn sách này tiếp tục: "Không còn
người nào thiếu thốn trong họ nữa" (v.34). Những nỗi sợ hãi của họ đã bị tan biến bởi
việc họ chạm tới các thương tích của Chúa, nên họ không sợ chữa
lành những thương tích của những ai thiếu thốn cần giúp đỡ. Vì
họ thấy Chúa Giêsu ở đó. Vì Chúa Giêsu ở đó, nơi những thương
tích của những ai thiếu thốn cần giúp đỡ.
Anh chị em thân mến, anh
chị em có muốn dấu chứng Thiên Chúa đã chạm đến đời sống của anh
chị em không? Nếu muốn thì anh chị em hãy cúi mình xuống để bằng
bó các vết thương của người khác. Hôm nay là ngày cần đặt
vấn đề xem "Tôi là người rất
thường đã nhận được bình an của Chúa, lòng thương xót của Người,
có biết xót thương người khác hay chăng? Tôi là người rất hay
thường được nuôi dưỡng bằng Thân Mình của Chúa Giêsu, có nỗ lực
để làm vơi đi tình trạng đói khổ của người nghèo hay chăng?" Chúng
ta đừng cứ tiếp tục tỏ ra dửng dưng lạnh lùng. Chúng ta đừng sống thứ đức tin một chiều,
thứ đức tin chỉ biết nhận lãnh mà không biết cho đi, thứ đức tin
nhận lấy tặng ân những không biết chia sẻ tặng ân ấy. Được
lãnh nhận lòng thương xót, thì chúng ta hãy biết xót thương. Vì nếu tình yêu chỉ là những gì về mình thì
đức tin trở thành khô cằn, son sẻ và có tính cách tình cảm.
Không có người khác, đức tin trở thành cái xác vô hồn. Thiếu các
việc của lòng thương xót thì chỉ là thứ đức tin chết mà thôi (cf.
Jas 2:17). Anh chị em thân mến, chúng ta hãy để cho mình được
canh tân bởi thứ bình an, ơn tha thứ và các thương tích của Chúa
Giêsu xót thương nhân hậu. Chúng ta hãy xin ơn trở thành các chứng
nhân của lòng thương xót. Chỉ có thể đức tin của chúng ta
mới sống động và đời sống của chúng ta mới được hiệp nhất nên
một. Chỉ có thế chúng ta mới có thể công bố Phúc Âm của Chúa,
Phúc Âm của lòng thương xót vậy.
https://www.vatican.va/content/francesco/en/homilies/2021/documents/papa-francesco_20210411_omelia-divinamisericordia.html
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và
các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu
|