Tuổi teen và vai trò của giấc ngủ


Theo Viện Thông tin Thư viện Y học Trung Ương

Sleep Council (Anh) nhấn mạnh: “Ngủ vặt” (giấc ngủ bị gián đoạn liên tục) cũng gây hại tương tự như khi ăn vặt các món ăn không có lợi cho sức khỏe.

Sức khỏe của tuổi teen sẽ ảnh hưởng ít nhiều nếu không ngủ đủ giấc. Và nguyên nhân khiến giấc ngủ của tuổi này thường xuyên bị gián đoạn chính là do đặt quá nhiều các thiết bị máy móc “gây nhiễu” trong phòng ngủ.

Cuộc khảo sát với hơn 1.000 thiếu niên trong độ tuổi 12 - 16 cho thấy có khoảng 30% chỉ ngủ từ 4 - 7 tiếng/ngày so với khuyến cáo về giấc ngủ là 8 - 9 tiếng/ngày.

Khoảng 1/4 số thiếu niên được hỏi cho biết chúng chỉ cảm thấy buồn ngủ vào cuối tuần, khi đang xem TV, nghe nhạc hay sử dụng một thiết bị máy móc nào đó.

“Đây thực sự là một xu hướng đáng lo ngại đến mức khó tin”, BS Chris Idzikowski, Trung tâm Nghiên cứu Giấc ngủ Edinburgh thốt lên.

“Chúng ta có thể thấy những hậu quả rất rõ từ việc ngủ không đủ giấc: đó là khi giấc ngủ không những không đảm bảo đủ thời lượng cần thiết mà cả chất lượng cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng thì não bộ sẽ không được nghỉ ngơi đầy đủ và ngay lập tức nó sẽ ảnh hưởng tới kết quả học tập ở trường”.

Gần như tất cả các thiếu niên đều để Ipod, loa đài hay tivi trong phòng ngủ và khoảng 2/3 số này có cả 3 thiết bị trên trong phòng ngủ.

Cứ 5 nam thiếu niên thì có 1 em nói rằng số giờ ngủ của chúng bị chi phối bởi tivi hay máy tính.

Cuộc điều tra đã chỉ ra rằng khoảng 40% thiếu niên cảm thấy mệt mỏi vào cuối ngày, đặc biệt là các thiếu nữ trong độ tuổi 15 - 16. Tuy nhiên, chỉ 11% cho biết chúng cảm nhận được sự mệt mỏi, cáu kỉnh là do thiếu ngủ hoặc giấc ngủ không sâu.

“Người lớn cần giúp lứa tuổi này hiểu rằng để có được tâm trạng vui vẻ, phấn chấn, học tập hiệu quả cũng như lạc quan yêu đời thì chúng cần phải quan tâm nhiều hơn đến giấc ngủ của mình”, BS Chris nhấn mạnh.