Lễ Kính Thánh Phanxicô Xaviê


Thánh Phanxicô Xaviê -
Vị Thánh bổn mạng các xứ truyền giáo

Sưu tầm

Thánh Phanxicô Xaviê Sinh tại lâu đài Xaviê gần Sanguesa, Navarre, Tây Ban Nha, ngày 7.4.1506; chết trên đảo Sancian gần bờ biển Trung Hoa, ngày 2.12.1552.

Năm 1525, sau khi học xong trung học ở quê nhà, Phanxicô Xaviê tới Paris, học tại Collège de Sainte-Barbe. Tại đây, chàng gặp Pierre Favre, và một tình bạn thắm thiết đã triển nở giữa hai người. Cũng tại trường này, thánh Inhaxiô Loyola, lúc đó đã có ý định lập Dòng Tên (Society of Jesus), đến lưu ngụ một thời gian năm 1529. Ngài sớm gây được sự tín nhiệm nơi hai người bạn trẻ; trước là Favre, sau là Xaviê, đều tự nguyện cùng với ngài thành lập Dòng Tên. Bốn người khác, Lainez, Salmerón, Rodríguez và Bobadilla, đã nhập đoàn với họ, và 7 người đã khấn nguyện tại Monmartre ngày 15.8.1534.

Sau khi học xong và làm giáo sư ở Paris một thời gian, Xaviê cùng với các bạn rời Paris ngày 15.11.1536 đến Venice, ở đó, chàng tỏ ra hăng say và yêu thích việc chăm sóc bệnh nhân trong các bệnh viện.

Ngày 24.6.1537, Xaviê thụ phong linh mục cùng với thánh Inhaxiô. Năm sau, ngài tới Roma, và sau khi hoạt động tông đồ ở đó mấy tháng, mùa xuân năm 1539 ngài tham dự công nghị do thánh Inhaxiô tổ chức với các bạn để chuẩn bị chính thức thành lập Dòng Tên. Hội Dòng được công nhận bằng miệng ngày 3.9.1539, và trước khi có văn bản công nhận chính thức (vào năm sau), Xaviê đã được chỉ định đi rao giảng Tin Mừng tại Đông Ấn, do sự yêu cầu tha thiết của John III, Vua Bồ Đào Nha. Ngài rời Roma ngày 16.3.1540, và đến Lisbon vào khoảng tháng Sáu. Tại đây, ngài để lại nhiều gương sáng đáng cảm phục về nhiệt tình tông đồ.

Ngày 7.4.1541, ngài xuống tàu đi Ấn độ, và sau cuộc hành trình đằng đẵng đầy nguy hiểm, ngài đặt chân lên đất Goa ngày 6.5.1542. Trong năm tháng đầu tiên ngài đã giảng dạy và phục vụ cho bệnh nhân tại các bệnh viện. Ngài đi ra phố xá, lắc một cái chuông nhỏ để quy tụ trẻ em lại nghe ngài giảng. Khi đã được một số, ngài dẫn chúng đến một nhà thờ nào đó và cắt nghĩa giáo lý cho chúng. Khoảng tháng 10 năm 1542, ngài đến những làng đánh cá ở miền cực nam bán đảo, ước ao khôi phục lại đạo Chúa ở đó, vì mặc dầu ở đó đã được nghe rao giảng từ trước, nhưng hầu như đạo Chúa đã không còn vì thiếu linh mục. Ngài miệt mài suốt gần ba năm giảng dạy cho dân ở Tây Ấn, đem nhiều người trở lại và nhiều lần ngài tới cả đảo Ceylon (nay là nước Sri Lanka). Xaviê đã gặp phải rất nhiều khó khăn vất vả trong thời kỳ này, đôi khi vì những cuộc bách hại gắt gao của một số tiểu vương đối với các tân tòng, và cả vì lính tráng Bồ Đào Nha, không những họ đã chẳng giúp đỡ gì cho công việc của vị thánh, lại còn làm ngăn trở việc giảng dạy của ngài vì gương xấu và những thói tục đồi truỵ của họ.

Mùa xuân năm 1545 Xaviê tới Malacca. Ở đó ngài đã làm việc vất vả suốt những tháng cuối năm, và mặc dù gặt được một mùa gặt thiêng liêng bội thu, ngài vẫn không thể tiêu diệt tận gốc rễ một số lạm dụng, và biết rằng nhiều tội nhân vẫn cố chấp trước cố gắng của ngài là muốn đem họ về với Thiên Chúa. Khoảng tháng Giêng năm 1546, Xaviê rời bỏ Malacca để đến các đảo Molucca, nơi người Bồ Đào Nha đã có một số cơ sở, và trong vòng một năm rưỡi, ngài rao giảng Tin Mừng cho cư dân ở Amboyna, Ternate, Baranura và một số đảo nhỏ khác. Một số người cho rằng trong khoảng thời gian này ngài đã đến đảo Mindanao (chính vì vậy thánh Phanxicô Xaviê đã được gọi là vị tông đồ tiên khởi của nước Philippines). Nhưng mặc dầu điều này đã được một số văn sĩ thế kỷ 17 viết lại, và trong Sắc Phong Thánh năm 1623 có nói đến việc ngài rao giảng Tin Mừng tại Mindanao, thì cho đến nay, ta vẫn không thể nói chắc cách tuyệt đối rằng thánh Phanxicô Xaviê đã đến rao giảng tại Philippines.

Tháng Bảy năm 1547, ngài trở lại Malacca. Ở đây ngài gặp một người Nhật tên là Anger (Han-Sir), và nhờ đó ngài được nghe biết về nước Nhật. Lập tức ngài lại muốn đến Nhật để rao giảng đạo Chúa, nhưng lúc đó một số công việc của Hội Dòng đòi ngài phải có mặt ở Goa nên ngài đã trở về đó, đem Anger cùng đi với ngài. Suốt sáu năm qua, lúc Xaviê đi rao giảng cho dân ngoại, đã có những thừa sai Dòng Tên khác được thánh Inhaxiô sai từ Âu Châu đến Goa, hơn nữa, một số người bản xứ đã được nhận vào Dòng. Năm 1548 Xaviê đã sai các thừa sai này đến miền Trung Ấn, nơi ngài đã thiết lập những cơ sở truyền giáo, để hoạt động ở đó được duy trì và tiếp tục. Ngài cũng lập một nhà tập và kinh viện, và đã nhận vào Dòng cha Cosme de Torres, một linh mục người Tây Ban Nha mà ngài đã gặp ở Malucca. Cuối tháng Sáu năm 1549 ngài đã cùng với cha này và thầy Juan Fernandez đi Nhật. Người Nhật tên Anger đã được rửa tội tại Goa và mang tên là Pablo de Santa Fe, cùng đi với đoàn.

Họ cập bến thành phố Kagoshima, nước Nhật, ngày 15.8.1549. Suốt năm đầu dành cho việc học tiếng Nhật, và dịch sang tiếng Nhật, với sự giúp đỡ của Pablo de Santa Fe, những điều căn bản của đức tin và các bài học ngắn dùng để giảng và dạy giáo lý. Khi tự mình có thể trình bày, Xaviê bắt đầu giảng và làm cho một số người trở lại, nhưng điều này đã khiến các nhà sư không vừa ý, họ tìm cách trục xuất ngài khỏi thành phố. Rời Kagoshima khoảng tháng Tám năm 1550, ngài tiến vào miền trung nước Nhật, và rao giảng Tin Mừng ở một số thành phố thuộc miền nam nước Nhật. Cuối năm đó, ngài đến Meaco, lúc đó là thành phố chính của Nhật, nhưng ở đây ngài không đạt được chút tiến bộ nào vì những chia rẽ đang xé nát xứ sở. Ngài trở lại miền trung nước Nhật và trong năm 1551 đã rao giảng tại một số thành phố quan trọng, gầy dựng được nòng cốt cho một số cộng đoàn Kitô hữu, những cộng đoàn này sau đó đã nhanh chóng tăng triển.

Sau khi làm việc ở Nhật khoảng hai năm rưỡi, ngài giao công việc cho cha Cosme de Torres và thầy Juan Fernandex, và trở về Goa, tới nơi vào đầu năm 1552. Ở đây, một số vấn đề đang chờ đợi ngài. Đã có những bất đồng cần được giải quyết giữa vị bề trên (là Xaviê) ra đi truyền giáo và vị giám đốc học viện. Tuy nhiên, sau khi giải quyết công việc, Xaviê nghĩ đến Trung Hoa, và bắt đầu thu xếp cho việc đi Trung Hoa. Hồi còn ở Nhật, ngài đã nghe nhiều về đế quốc của Thiên tử, và mặc dầu có lẽ ngài không hiểu biết hết về sự vĩ đại của đất nước này, nhưng ngài cũng biết rằng một cánh đồng bao la đang chờ được ánh sáng Tin Mừng soi chiếu. Nhờ bạn bè giúp đỡ, ngài tìm cách để có được một ủy nhiệm thư trình cho Hoàng đế Trung Hoa, và đã được Phó vương Ấn Độ đặt làm đại sứ, và tháng Tư năm 1552, ngài rời Goa. Tại Malacca, đoàn đã gặp khó khăn vì những người Bồ Đào Nha có thế lực đã không chấp thuận chuyến đi, nhưng Xaviê đã biết cách vượt qua trở ngại này, và mùa thu năm đó, một tàu Bồ Đào Nha đã đưa ngài đến một đảo nhỏ ở Sancian gần bờ biển Trung Hoa. Trong khi tìm những cách tốt nhất để vào đại lục, ngài bị bệnh, và khi việc con tàu rời bến hình như khiến bệnh ngài trở nên trầm trọng hơn, ngài vẫn ở lại trên đảo, trong một túp lều thô sơ người ta đã dựng tạm cho ngài. Trong hoàn cảnh tồi tệ đó, ngài đã trút hơi thở cuối cùng.

Thật kỳ diệu là một người, chỉ trong quãng thời gian ngắn ngủi là mười năm (6.5.1542 đến 2.12.1552) đã có thể đến được nhiều nước như vậy, vượt qua nhiều biển cả như vậy, rao giảng Tin Mừng cho nhiều dân tộc như vậy, và làm cho nhiều người trở lại như vậy. Lòng nhiệt thành tông đồ khôn sánh đã thúc đẩy ngài, và những phép lạ cả thể mà Thiên Chúa đã thực hiện qua ngài, giải thích điều kỳ diệu có một không hai này. Bảng liệt kê những phép lạ chính được ghi lại trong Sắc Phong Thánh. Thánh Phanxicô Xaviê được coi là nhà truyền giáo vĩ đại nhất kể từ thời các Tông Đồ; chính lòng nhiệt thành của ngài, những phép lạ ngài đã làm, và con số đông đảo các linh hồn ngài đã đem về với ánh sáng Đức Tin chân thật, đã khiến ngài được đánh giá đặc biệt như vậy. Ngài đã được phong thánh cùng với thánh Inhaxiô năm 1622, tuy nhiên, vì sự qua đời của Đức Giáo Hoàng Gregory XV, Sắc Phong Thánh chỉ được công bố vào năm sau.

Thân xác thánh nhân còn được trân trọng lưu giữ tại Goa, trong ngôi thánh đường xưa kia thuộc Dòng Tên. Năm 1614, theo lệnh của cha Claudius Acquaviva, Tổng Quyền Dòng Tên, tay mặt của thánh nhân được cắt tới khuỷu tay và mang về Roma, đặt ở một bàn thờ trong nhà thờ Gesu (của Dòng Tên).